Những khó khăn của nền kinh tế do tác động của dịch Covid-19 đang cần những giải pháp thiết thực cả vĩ mô và vi mô. Giải quyết tình trạng ứ đọng nông sản phẩm và chung tay hỗ trợ doanh nghiệp “sống chung” với Covid-19 đang là vấn đề bức thiết.
Thực tế bế tắc tiêu thụ nông sản như ở tỉnh Hải Dương vừa qua là một thực trạng có tính nghiêm trọng. Việc người dân các tỉnh, thành khác nghi ngờ và không muốn tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản từ vùng dịch là thực tế.
Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, nguyên nhân của việc nông sản Hải Dương bị ùn ứ, không tiêu thụ được chủ yếu là do việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp, như chỉ phục vụ xét nghiệm dịch vụ.
Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.
Các địa phương cũng chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất, thu hoạch, đóng gói hàng, vận chuyển nông, lâm, thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài, hiện các địa phương áp dụng quy trình khác nhau. Thông tin về an toàn y tế của các sản phẩm được sản xuất tại các tỉnh đang có dịch của chính quyền và các cơ quan chuyên môn có liên quan (ngành Nông nghiệp và ngành Y tế) chưa được đưa ra chính thức, tạo tâm lý e dè của nhà thu mua và người tiêu dùng… Trong khi thực tế này chưa có tiền lệ, chưa có hướng dẫn từ Trung ương, từ liên bộ, nên có thể thấy, sự e ngại khi vận tải và tiêu thụ hàng hóa từ vùng dịch.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã về tỉnh Hải Dương thực hiện cuộc đối thoại với nông dân trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề tiêu thụ nông sản. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Chính phủ có giải pháp nào để hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời gợi mở để có thể hội nhập được, người nông dân cần chủ động học hỏi trên internet, tham gia các hiệp hội ngành nghề để trao đổi, chia sẻ, khai thác hiệu quả thông tin với nhau. Người nông dân cần tham gia cuộc cách mạng 4.0, trong đó người nông dân phải tăng cường liên kết, kết nối với nhau, chia sẻ những sáng tạo trọng sản xuất nông nghiệp với nhau trên mạng internet.
Từ chỗ bán sỉ qua thương lái là chính, thì nay các hộ dân thuộc Hiệp hội tôm nõn Diễn Châu (Nghệ An) tìm đủ mọi cách để lưu thông hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Oanh – chủ một cơ sở chế biến tôm nõn ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) cho hay: “Chúng tôi chuyển sang tiêu thụ qua mạng facebook, quảng cáo, tìm kiếm khách hàng, đóng gói chuyển hàng đi khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh bạn. Dù không thuận lợi như trước đây do lượng hàng bán đi không tập trung thành lượng lớn, gửi hàng khó khăn do các nhà xe không muốn nhận vận chuyển hàng thủy sản, khách hàng cũng khó chiều, nhưng dù sao vẫn bán được hàng”.
Đồng thời với đó, bà con chuyển sang chế biến tôm nõn tươi đóng gói thay vì tôm khô, cung cấp cho các nhà hàng, trường học, khách sạn; lượng tôm nõn khô từ trên 20 tấn như trước đây, giờ chỉ còn khoảng 10 tấn/năm. Ngoài ra, 50% số hộ đầu tư xây dựng kho đông, những hộ còn lại đều có thùng đông lớn để bảo quản sản phẩm.
Với đội tàu cá 1.200 chiếc, mỗi năm huyện Quỳnh Lưu có sản lượng khai thác thủy sản lên đến 60.000 tấn, 10.000 tấn thủy sản nuôi trồng. Sản phẩm được bán cả ở trong nước và xuất khẩu, dịch bệnh đã khiến việc tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản trở nên khó khăn ở nhiều thời điểm.
Trên địa bàn huyện hiện có 5 kho đông lớn, sức chứa kho lớn nhất lên đến 500 tấn; khoảng 100 kho nhỏ từ 20 – 50 tấn/kho. Để tăng năng lực bảo quản sản phẩm, chờ thị trường tiêu thụ, bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng các kho đông, hiện huyện Quỳnh Lưu đã có quy hoạch xây dựng khu chế biến thủy sản tập trung quy mô 30 ha tại cảng cá xã Quỳnh Thuận.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 175 kho đông lạnh với công suất 35.000 – 40.000 tấn, trữ lượng dự trữ thực tế mỗi năm từ 28.000 – 29.000 tấn sản phẩm. Tuy nhiên, các kho này chủ yếu để bảo quản hàng hải sản đông lạnh. Kho đông lạnh để chuyên bảo quản sản phẩm trồng trọt phục vụ tiêu dùng hầu như chưa có, mới chỉ thí điểm một vài kho nhỏ bảo quản thử sản phẩm cam Vinh cung cấp trái vụ.
Thời gian qua, Nghệ An vận động các tổ chức hội như hội phụ nữ, thanh niên, nông dân tham gia hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm để giảm bớt khó khăn cho người sản xuất, tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp tình thế.
Ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay cho biết, trước tình hình khó khăn do giãn cách xã hội, do hạn chế các chuyến bay từ nước ngoài, trong khi đó khách hàng của tập đoàn chủ yếu là du khách nước ngoài, doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, bên cạnh đó, tổ chức khuyến mãi các tour du lịch nội địa để cầm cự. Các doanh nghiệp du lịch ở Nghệ An cũng thế, cũng tìm cách khai thác thị trường nội địa, các doanh nghiệp cố gắng trồng hoa, đa dạng các sản phẩm mới nhưng lượng khách vẫn không đáng kể.
Công ty vận tải du lịch Vina Travel đã chuyển đổi, thay vì khai thác các hợp đồng du lịch quốc tế thì chuyển sang khai thác tuyến du lịch nội địa, nội tỉnh; tìm kiếm các hợp đồng phục vụ các sự kiện lớn nội tỉnh để đảm bảo lương tối thiểu cho người lao động. Thay vì đưa xe đi xưởng để bảo dưỡng, vệ sinh lau dọn thì chủ xe và người lao động tự làm để tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, chủ động rút ngắn thời gian chờ các container xuất và nhập hàng bị chậm do phải qua khâu kiểm dịch.
Ở Cảng Nghệ Tĩnh, để chống dịch bệnh qua hàng hải, đơn vị phối hợp với biên phòng, cảng vụ hỗ trợ tàu hàng tiến hành các thủ tục nhập cảnh, đồng thời phải đảm bảo đúng quy định phòng, chống dịch Covid-19, chỉ cho phép các cán bộ có nhiệm vụ mới được phép xuống tàu làm các thủ tục, công việc liên quan, còn lại thuyền viên không được lên bờ và được kiểm soát chặt chẽ. Công tác trang phục bảo hộ, khẩu trang, bảo đảm vệ sinh cá nhân phải đảm bảo.
Theo các hộ tiểu thương chợ Vinh: Để kích cầu tiêu dùng và lưu thông, cùng khống chế tốt dịch, Nhà nước phải có các giải pháp hỗ trợ, tiếp sức cho các hộ kinh doanh. Ông Vương Đình Chinh – Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Thuế Nghệ An cho hay: Thời gian qua, trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp và hộ kinh doanh, trên cơ sở quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Cục Thuế Nghệ An đã nhận được đề nghị gia hạn của 1.709 doanh nghiệp. Ngoại trừ 11 doanh nghiệp không thuộc đối tượng được gia hạn thì 1.698 doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn với số thuế đề nghị gia hạn gần 597 tỷ đồng.
Sở LĐ- TB&XH cũng đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, tìm kiếm việc làm mới cho hàng ngàn lao động bị mất việc do dịch Covid-19 với số tiền gần 10 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã tiếp nhận hồ sơ giải quyết cho một số doanh nghiệp vay ưu đãi không lãi suất để trả công cho người lao động. Hiện tại, đến hết tháng 12, ngân hàng này đã giải ngân cho một số doanh nghiệp vay để hỗ trợ trả lương cho gần 100 lao động và để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngân hàng đã giải ngân đến ngày 31/1/2021.
Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu dự kiến mở rộng các giải pháp và đối tượng cứu trợ, hỗ trợ; đồng thời, Bộ Tài chính đang đề xuất giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất với số tiền lên tới 115.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Năm 2021, cùng với tiếp tục cắt giảm 30% số cuộc thanh tra thuế và chủ yếu kiểm tra hồ sơ thuế tại các cơ quan thuế, Cục Thuế Nghệ An đang chờ Tổng cục Thuế hướng dẫn sẽ triển khai gói hỗ trợ giãn và chậm tiền thuê đất cũng như các loại thuế khác cho doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19.
Sở Công Thương với chức năng của mình, bám các chỉ đạo của Chính phủ, của bộ, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Ông Phạm Xuân Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đảm bảo sản xuất và thương mại trong trạng thái mới, Nghệ An khuyến khích các loại hình mua bán trực tuyến, bán hàng mang đi, giao hàng tại nhà, chủ cơ sở kinh doanh chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn khách đến mua hàng đảm bảo nghiêm quy định, hướng dẫn đội ngũ bán hàng, giao hàng tại nhà đảm bảo các biện pháp chống dịch.
Doanh nghiệp chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch kinh doanh, dữ trữ hàng hoá nhằm duy trì hoạt động ổn định đảm bảo cung cấp hàng hóa, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý. Thực hiện đúng các quy định trong hoạt động kinh doanh thương mại, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Các HTX, doanh nghiệp quản lý kinh doanh, khai thác chợ trung tâm thương mại, siêu thị và các ban quản lý chợ trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai đầy đủ Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid -19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng theo Quyết định số 2225/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với các cán bộ của sở và doanh nghiệp, Sở Công Thương yêu cầu nắm bắt thông tin về xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để có giải pháp triển khai hiệu quả các thị trường xuất khẩu. Phối hợp triển khai các hoạt động thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước nhằm tận dụng lợi ích của các FTA Việt Nam đã ký kết. Phòng Quản lý thương mại của sở cũng rà soát cập nhật xây dựng Đề án phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, trong đó, xác định trọng tâm là thu hút đầu tư, củng cố hạ tầng thương mại, đổi mới phương thức kinh doanh. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để kết nối hàng hóa, sản phẩm vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc. Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ hàng Việt Nam thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phòng Tài chính tổng hợp xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử Nghệ An giai đoạn 2021-2025, phòng, chống gian lận trên internet…