Dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động, ảnh hưởng nặng nề và chưa có tiền lệ đối với nền kinh tế nói chung cũng như với các doanh nghiệp nói riêng. Trước diễn biến phức tạp của dịch khiến các hoạt động kinh tế bị gián đoạn, từ chỗ bị động, vận hành kinh tế Nghệ An trong đó các doanh nghiệp phải dần chủ động thích nghi với điều kiện, trạng thái mới.
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, nên lần đầu tiên sau nhiều năm tỉnh Nghệ An không tổ chức được sự kiện xúc tiến đầu tư như mọi năm. Đây thực sự là “nốt trầm” báo hiệu thời kỳ khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế sắp bắt đầu, khi các hoạt động đi lại của các nhà đầu tư, các nhà máy có vốn FDI bị ảnh hưởng.
Sau đó, do đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới với số ca tử vong tăng lên chóng mặt, lo lắng cho sức khoẻ cộng đồng và an nguy nước nhà, nên từ ngày 1/3/2020, Chính phủ quyết định giãn cách từng địa phương sau đó giãn cách toàn xã hội. Nỗ lực của Chính phủ đã góp phần cùng nhân dân khống chế được đại dịch Covid – 19 lần 1.
Tuy nhiên, những tác động, ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đối với đời sống và nền kinh tế là không thể đong đếm được cho tới nay. Trên cả nước, kinh tế du lịch dịch vụ chưa hồi phục nhiều doanh nghiệp lớn đóng cửa phá sản. Hàng vạn lao động ở các công ty Lữ lành, du lịch, bất động sản, khu công nghiệp… bị thất nghiệp. Các ngành hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống bị thua lỗ nặng nề. Ở các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động kinh tế bị đứt gãy chưa thể phục hồi.
Tại Nghệ An, dự án xây dựng Khu vật liệu cao cấp Nghi Văn (Nghi Lộc) của Công ty CP Trung Đô, theo kế hoạch, khoảng giữa năm 2020, dây chuyền thiết bị sản xuất gạch tấm lớn, trái tim của dự án sẽ về đến Việt Nam để lắp đặt và đầu 2021 sẽ chạy thử. Thế nhưng, do dịch Covid – 19 xảy ra, khởi đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó là Italia… Trong khi đó lại là những nước cung cấp thiết bị và chuyên gia để hướng dẫn thực hiện đề án.
Không chỉ trường hợp trên mà rất nhiều hợp đồng kinh tế trong thời điểm này đều bị hoãn, ngưng thực hiện vô thời hạn. Sự gián đoạn, ngưng trệ các hoạt động này đã gây thiệt hại kinh tế vô cùng lớn đối với hoạt động sản xuất, trong nước thì hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ, xuất khẩu được. Nhiều dự án đầu tư bị huỷ bỏ. Ngược lại, một số công ty trong nước sản xuất hàng dệt may, điện tử, do phần lớn nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc, Đài Loan… nên không có để sản xuất, lắp máy. Nhiều doanh nghiệp dệt may ngoài các cụm công nghiệp thời điểm này buộc phải ngưng hoạt động.
Báo cáo của Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam – Nghệ An tháng 6/2020 cho thấy: Có doanh nghiệp thiếu hụt đến 70% nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu; từ 80-90% sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhiều chuyên gia nước ngoài về quê ăn Tết không thể nhập cảnh trở lại được khiến các dự án phải tạm dừng thi công hoặc chậm tiến độ.
6 tháng đầu năm 2020, có 7 doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất từ 1-3 tháng, kéo theo gần 2.000 lao động tạm thời nghỉ việc, gần 7.000 lao động phải nghỉ việc luân phiên, cắt giảm thu nhập, thu nhập tối thiểu chỉ đạt từ 30-70% thu nhập bình quân của người lao động.
Đại diện Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu chỉ đạt xấp xỉ 55- 60% so với năm 2019 và chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ, thậm chí thời điểm tâm dịch các hoạt động xuất nhập khẩu không thể diễn ra. Trường hợp Công ty Chế biến hải sản Phương Mai, phường Quỳnh Dỵ (TX. Hoàng Mai) là một ví dụ. Khi dịch Covid – 19 bùng phát ở Trung Quốc đầu năm 2020, những tưởng với thị trường chủ lực là xuất khẩu sang Lào và vùng miền núi, doanh nghiệp này tin tưởng vẫn “sống khỏe”.
Thế nhưng khi dịch lan rộng và những ngày giáp tết Nguyên đán Tân Sửu, thị trường Lào vẫn đóng cửa, không cho hàng đông lạnh vào khiến công ty điêu đứng. Hàng đã được chuẩn bị đầy đủ để bán nhưng dịch Covid – 19 xảy ra khiến khâu lưu thông bị “đứt gãy”, chi phí bảo quản tăng trong khi thị trường ở Lào không có hàng mà bán. Hàng trăm kho đông lạnh, doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản của Nghệ An cũng lâm vào cảnh ế ẩm, nuôi hàng, nuôi công nhân vô thời hạn.
Dịch Covid – 19 không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghiệp mà các hoạt động thương mại và du lịch. Hàng năm, thời điểm đầu năm, Nghệ An có khoảng 20 lễ hội. Thế nhưng, từ khi dịch xuất hiện năn 2020 đến nay, các lễ hội đã bị hủy và các tour du lịch đầu xuân cũng đóng băng.
Ông Dương Hoàng Vũ – Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: Sau đợt dịch Covid – 19 thứ 3 đầu năm 2021 này đã có 5 công ty du lịch không trụ nổi đã xin ngừng hoạt động. Doanh nghiệp du lịch cầm cự, tìm lối thoát là du lịch nội địa song sản phẩm làm ra vẫn ế ẩm do nguồn tiền trong dân hạn chế.
Thực tế, có công ty lữ hành trên địa bàn Nghệ An có 10 đầu xe du lịch lớn nhỏ, bình thường các đầu xe đều chạy, tạo việc làm và thu nhập cho 20 lao động; dịch bùng phát, các tour hủy chuyến, không hợp đồng; xe không chạy nhưng hàng tháng vẫn phải trả lãi vay ngân hàng và chi phí bảo dưỡng xe và dịch vụ khác mỗi tháng gần 1 triệu/tháng. Có khách sạn sau 3 tháng dịch Covid – 19 xảy ra, thua lỗ, liên tục; các hoạt động lưu trú, ăn nghỉ của khách sạn bị giảm trên 50% nhưng hàng tháng đơn vị vẫn phải chi phí thường xuyên hơn 2 tỷ đồng để duy trì hoạt động.
Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ thêm: Đợt dịch đầu tiên thiệt hại nặng đã đành và những tưởng với nỗ lực lớn của các địa phương, dịch Covid – 19 sẽ được khống chế để khởi động lại du lịch, nhưng đến tháng 7, đợt dịch bùng phát thứ 2 ở Đà Nẵng và đợt dịch thứ 3 cuối năm 2020 và đầu 2021 bùng phát ở Quảng Ninh, Hải Dương khiến hoạt động du lịch tiếp tục đóng băng, các công ty du lịch kiệt quệ hẳn. Thời điểm này vào các năm, các phòng khách sạn, nhà nghỉ ở Cửa Lò, Diễn Châu đón mùa du lịch biển đặt gần hết thì nay trống trơn, không cơ sở lưu trú nào có khách.
Đã gần 1 tháng nay, các vùng chuyên canh rau màu trên địa địa bàn Nghệ An đang rơi vào cảnh “khốn đốn” vì rau đến kỳ thu hoạch không bán được, hàng trăm ha rau xanh để thối rữa ngoài đồng.
Tại xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) su su đã đến kỳ thu hoạch, nhưng sau tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, dịch Covid-19 bùng phát lần 3 khiến các mặt hàng nông sản, trong đó có su su không tiêu thụ được. Không có thương lái thu mua, trong khi quả chín liên tục, nhiều hộ đành hái bỏ để giữ giàn leo.
Nếu dịch bệnh kéo dài, vụ này có gia đình thất thu đến hơn 100 triệu đồng, lại còn phải bù lỗ để trả tiền thuê công nhân tuốt lá… Toàn xã Quỳnh Liên hiện có khoảng 300 ha diện tích chuyên canh rau màu, trong đó có 80 ha trồng cây su su. Hàng trăm tấn su su đến kỳ thu hoạch đều phải hái bỏ, chất thành đống trên đồng vì bán không ai mua.
Trên các cánh đồng rau của các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn… mùa này bà con nông dân đang kêu cứu vì rau trồng ra không tiêu thụ được phải đổ bỏ. Không chỉ rau màu, do nhà hàng, khách sạn đóng cửa, tiệc cưới hoãn, các tỉnh không tiêu thụ sản phẩm như trước nên các trại gà, lợn, vịt, trâu bò đều bế tắc đầu ra. Bên cạnh đó dịch bệnh khác bùng phát như bệnh u nổi cục trên gia súc, dịch tả lợn châu Phi…
Sản phẩm thủy sản của Nghệ An chủ yếu bán tiểu ngạch sang Trung Quốc; ngoài ra, một số thương nhân Trung Quốc đến mua hàng trực tiếp từ ngư dân. Trong năm 2020, do dịch Covid-19 nên Trung Quốc đã đóng cửa hoặc hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa, hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản chịu tác động nặng nề.
Trong khi đó, các thương nhân Trung Quốc cũng buộc hạn chế vào Việt Nam buôn bán, nên ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm thủy sản, làm cho giá bán bị giảm sâu. Các sản phẩm trồng trọt cũng chịu những tác động tiêu cực. Cây ăn quả, nhất là cam quýt giá bán bình quân năm nay giảm từ 30-50% so với năm ngoái.
Không chỉ tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế, mà trong toàn quốc mọi nỗ lực, nguồn lực tập trung dành để chống dịch, các lực lượng, ban ngành, cơ quan đơn vị đều phải dồn sức chống dịch nên tài chính vật lực phục vụ công tác chống dịch đã vô cùng tốn kém…