Khát vọng Sa mu

Cuối tháng 11/2021, trong chuyến đi vào vùng đất địa đầu biên giới Piêng Lâng (xã Nậm Giải, huyện Quế Phong), bất chợt Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt Nguyễn Văn Hiếu phát hiện trong mù sương có vài cây Sa mu nhô lên tại vườn nhà dân. Hiếu reo vui như bắt được vàng. Rồi cứ thế anh vạch lối, len mình trong cây cỏ đẫm sương đến bên cây Sa mu đường kính gốc mới chỉ hơn 20cm mà ngơ ngẩn ngắm nhìn. Ở đấy, Hiếu đã nói với chúng tôi về khát vọng tạo lập những quần thể Sa mu của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Hiếu kể, tại những vùng núi cao sát biên giới Việt – Lào, thuộc địa bàn các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Hạnh Dịch, Thông Thụ… của huyện Quế Phong, dù không nhiều nhưng đều có cây Sa mu. Như vùng rừng Hạnh Dịch, có hẳn một quần thể 56 cây Sa mu hàng trăm năm tuổi hết sức quý hiếm, kích thước đặc biệt lớn từ 1,7m đến gần 4m. Vì quý hiếm, nên quần thể Sa mu này được công nhận là Vườn cây di sản Quốc gia. Còn vùng rừng Thông Thụ, đoạn giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, cũng xác định có một số quần thể cây Sa mu với đường kính 70 – 80cm…

Cây Sa mu trong vùng rừng biên giới Quế Phong.
Cây Sa mu trong vùng rừng biên giới Quế Phong.

Theo Nguyễn Văn Hiếu, Sa mu có tên khoa học là Cunninghamia konishii Hayata, thuộc họ Hoàng đàn; đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ hay gọi là cây Lông Lênh; còn miền Bắc hay gọi gỗ Sa mu với tên Ngọc Am. Quần thể cây Sa mu ở Quế Phong phân bố trên những cánh rừng tự nhiên chạy dọc biên giới Việt – Lào, nằm trong sinh cảnh rừng kín thường xanh, mưa mùa nhiệt đới hỗn giao giữa cây lá rộng và cây lá kim. Tại các khu vực rừng thuộc các xã Nậm Giải, Hạnh Dịch, Tri Lễ, Thông Thụ…, cây Sa mu có trên những đai cao so với mặt nước biển từ 1.200m đến 1.800m.

“Sa mu là loài thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái trong rừng tự nhiên. Thế nên, cùng với việc bảo vệ nghiêm ngặt những quần thể Sa mu hiện có, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đang ôm ấp giấc mơ tạo giống, trồng mới những quần thể Sa mu ở một số khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Như ở Piêng Lâng, từ việc người dân tự trồng được cây Sa mu, là cơ sở để Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chuyển hóa giấc mơ của mình thành hiện thực…” – Hiếu thổ lộ đầy xúc cảm.

Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu bên cây Sa mu người dân trồng tại Piêng Lâng.
Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu bên cây Sa mu người dân trồng tại Piêng Lâng.

Giấc mơ của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã không khép lại như một câu chuyện kể. Ấy là gần một năm sau, dịp trung tuần tháng 10/2022, chúng tôi được Nguyễn Văn Hiếu cho biết anh vào lại Piêng Lâng cùng Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong. Qua điện thoại, Hiếu hồ hởi: “Đã tạo được giống Sa mu rồi, đẹp lắm anh ạ. Bây giờ em đang vào Piêng Lâng vận động bà con cùng tham gia trồng cây Sa mu mà Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã nhân giống được…”.

Thông tin từ Hiếu quá đỗi thú vị, thế nên ít ngày sau chúng tôi lại ngược Quế Phong. Và tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Na Chạng (xã Tiền Phong), đã tận thấy những cây Sa mu giống. Tròn 9 tháng tuổi, cây Sa mu xinh xinh gần giống cây thông con với chiều cao trên dưới 20cm, cân đối, đường kính gốc khoảng 3 – 4mm, lá như những chiếc kim dài dẹt xanh đậm, thân thẳng đã có 3 – 4 cành. Theo cán bộ kỹ thuật Nguyễn Đăng Tùng, để có những cây Sa mu này, các anh phải ngược rừng biên giới Hạnh Dịch, chọn đến những cây Sa mu lớn nhất để thu hái quả, tách lấy hạt ươm trồng. Câu chuyện thu hái quả, tách hạt, ươm trồng… để có những cây Sa mu giống mà anh kể, là cả một chu trình đầy thú vị.

Quả và hạt cây Sa mu cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt lấy từ Vườn cây Sa mu di sản Quốc gia.
Quả và hạt cây Sa mu cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt lấy từ Vườn cây Sa mu di sản Quốc gia.

Ấy là hạt Sa mu có tinh dầu nên nếu chờ khi quả khô tự rụng mới nhặt lấy thì chất lượng sẽ kém, cần phải thu hái quả tươi. Nhưng Sa mu là loài cây lớn đến mấy người ôm, cao chót vót đến trên 40m nếu trèo hái là không thể. Vượt dốc 5 – 7 tiếng đồng hồ, nhìn những cây Sa mu cao lớn sừng sững mà không thể hái quả, các anh phải trở ra mày mò nghiên cứu tìm cách. Thế rồi, kinh nghiệm dân gian cho biết loài quả này khi gió lớn thì bị tác động, gây rụng đã giúp Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thu được loại quả Sa mu ưng ý. Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Nguyễn Văn Mạnh trao đổi: “Quả Sa mu hình dạng như quả dứa nhỏ, trọng lượng quả tươi khá nặng, lại nằm ở ngọn các cành nhỏ. Vì vậy, dễ bị rụng khi gặp gió lớn. Biết được thực tế này, anh em các trạm chờ sau các trận gió lớn thì ngược rừng thu quả, hoặc nhờ người dân khi vào rừng thời điểm đó thì nhặt giúp…”.

Quả Sa mu chủ yếu thu ở vùng rừng biên giới Hạnh Dịch. Những quả chọn lấy hạt phải to mập, vừa chín tới có màu xanh hơi ngả vàng. Sau khi thu về phải đem ủ 2 – 3 ngày cho chín, khô đều. Khi quả nứt đem phơi, sau đó đập nhẹ tách hạt. Những hạt Sa mu nhỏ màu cánh gián sẫm sẽ được xử lý, ngâm 4h trong nước 2 sôi 3 lạnh phối trộn thuốc kích mầm, sau đó để ráo rồi gieo trên luống đất đã chuẩn bị sẵn. “Phải vãi đều các hạt lên luống, sau đó phủ kín bằng một lượng đất mỏng đã xay nhỏ. Hàng ngày phải nắm thông tin thời tiết để phun sương đủ ẩm cho phù hợp. Sau khoảng 20 ngày, hạt Sa mu nảy mầm, đến khi cao 3-5cm thì cấy vào bầu, đặt dưới giàn che. Khoảng 1 tháng thì tưới thúc phân NPK định kỳ 20-30 ngày 1 lần cho đến khi cây tròn 10 tháng tuổi. Từ 12 tháng trở lên, cây Sa mu giống đã có thể đem trồng…” – Kỹ thuật viên Nguyễn Đăng Tùng diễn giải.

Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt Lê Văn Nghĩa và những cây Sa mu giống ở Trạm giống Na Chạng.
Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt Lê Văn Nghĩa và những cây Sa mu giống ở Trạm giống Na Chạng.

Cùng thăm vườn ươm Sa mu, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt Lê Văn Nghĩa phấn chấn nói rằng, đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định việc ươm giống cây Sa mu đã thành công, mở ra một hướng khả quan cho việc bảo tồn nguồn gen giống cây quý. Rồi anh thông tin: “Thời gian tới Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt sẽ kết hợp với người dân, hướng dẫn, hỗ trợ họ trồng thí điểm ở một số vùng. Cụ thể là ở Piêng Lâng và có thể là khu vực xung quanh thác 7 tầng…”.

Những người làm khoa học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chuyển cho chúng tôi xem nhiều tài liệu nghiên cứu về cây Sa mu ở Việt Nam. Ở đó, thêm những minh chứng đây là một loài thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái và giá trị bảo tồn đa dạng sinh học. Và khẳng định rằng ở Việt Nam hiện nay, cây Sa mu được ghi nhận phân bố trong rừng tự nhiên với số lượng không nhiều tại các vùng núi cao các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa; nhưng nhiều nhất là tại Nghệ An, đặc biệt ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt – ông Nguyễn Văn Sinh cũng có một bài viết khảo cứu nguồn tài liệu khoa học trong và ngoài nước gắn kết thực tiễn núi rừng Quế Phong. Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt viết về sự cần thiết bảo tồn cây Sa mu: “Trong những thập kỷ qua, cùng với khả năng tái sinh tự nhiên thấp, tác động của con người ở các khu rừng nhiệt đới đã làm suy thoái nghiêm trọng môi trường sống tự nhiên của loài cây Sa mu. Mặt khác, nhiều công trình nghiên cứu khoa học trước đây của Đài Loan công bố, khẳng định Sa mu Cunninghamia konishii Hayata là một loài đặc hữu của đất nước Đài Loan. Vì vậy thấy rằng, việc nghiên cứu và bảo tồn loài cây Sa mu ở Việt Nam, đặc biệt ở Nghệ An đang là một vấn đề cấp thiết đặt ra cho giới khoa học trong ngành Lâm nghiệp, cũng như các địa phương nơi có loài phân bố”.

Độ lớn của một gốc Sa mu ở vùng rừng biên giới Quế Phong.
Độ lớn của một gốc Sa mu ở vùng rừng biên giới Quế Phong.

Trò chuyện, ông Sinh cho biết, bởi nhìn nhận công tác bảo tồn loài cây Sa mu là cần thiết, quan trọng, Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học đã có những công trình điều tra, nghiên cứu về loài Sa mu ở Việt Nam. Đặc biệt từ năm 2020 – 2022, Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng phương pháp thông tin địa lý và kỹ thuật sinh học phân tử phục vụ phát triển loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) ở Việt Nam” nhằm điều tra, nghiên cứu phân bố, đặc điểm sinh thái và đánh giá khả năng chống chịu môi trường, thích nghi sinh thái, đa dạng di truyền… tại các khu vực phân bố của loài để làm cơ sở khoa học đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát triển.

Trong khuôn khổ của đề tài, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã phối hợp với Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội triển khai thành công nhân giống hữu tính loài Sa mu. Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tiếp nhận 500 cây giống Sa mu; và tự ứng dụng công nghệ gieo ươm thử nghiệm tại Trạm Na Chạng được 1.000 cây. Để tiếp tục phát triển những kết quả nghiên cứu này, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong đưa ra ý tưởng xây dựng “Con đường Sa mu” ở bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải nhằm bảo tồn loài cây Sa mu kết hợp xây dựng nông thôn mới.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong, Đảng ủy - UBND xã Nậm Giải, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch và nhân dân bản Piềng Lâng tổ chức trồng cây Sa mu.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong, Đảng ủy - UBND xã Nậm Giải, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch và nhân dân bản Piềng Lâng tổ chức trồng cây Sa mu.

Ngày 8/11/2022, ý tưởng về “Con đường Sa mu” ở bản Piêng Lâng đã được thực hiện. Với kết quả của cuộc vận động nhân dân cùng chung tay, góp sức, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Ban Dân vận Huyện ủy, Đảng ủy – UBND xã Nậm Giải, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch và nhân dân bản Piêng Lâng đã đồng loạt ra quân tổ chức trồng cây Sa mu. Trên trục đường chính từ bản Piêng Lâng ra trung tâm xã Nậm Giải, đã trồng được 180 cây Sa mu, mỗi hộ gia đình nhận chăm sóc, bảo vệ từ 1 đến 2 cây theo hướng dẫn của cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thổ lộ: “Piêng Lâng là bản vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất xã Nậm Giải, sát với ranh giới rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có điều kiện sinh thái tự nhiên khá tương đồng với nơi phân bố của loài Sa mu trong tự nhiên. Bên cạnh đó, người dân địa phương có những kiến thức bản địa trong việc trồng, chăm sóc cây Sa mu. Bởi vậy, việc lựa chọn Piêng Lâng, triển khai cho người dân tham gia trồng cây Sa mu sẽ rất khả thi, góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng…”.

Những cây Sa mu trong vùng rừng biên giới Quế Phong.
Những cây Sa mu trong vùng rừng biên giới Quế Phong.

Ngược thời gian, tháng 11/2016, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam có mặt tại huyện ­­Quế Phong trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với quần thể 56 cây Sa mu trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Trước đó, những người làm Báo Nghệ An đã cùng cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt dầm dề ngày đêm, xuyên rừng biên giới Hạnh Dịch vào vùng quần thể 56 cây Sa mu để cùng rung động vẻ đẹp non nước Quế Phong, và sự kỳ vỹ của loài cây Sa mu quý hiếm.

Bởi thế, với những gì đã thấy, đã nghe thì mong bên những danh thắng thác Bảy tầng, thác Sao Va, hồ thủy điện Hủa Na… cũng có những quần thể Sa mu. Nói ra suy nghĩ này, các cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nhắc lại mục tiêu bảo tồn loài Sa mu gắn với xây dựng nông thôn mới, và cho biết, đấy cũng là mục tiêu hướng đến trong tương lai.

“Cây Sa mu mang đậm đặc trưng của địa phương, đã trở thành cây biểu tượng của non nước Quế Phong. Tạo thêm những quần thể Sa mu mới gần gũi hơn với đời sống con người, tăng sức hấp dẫn cho những vùng danh thắng đang là một khát vọng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chắc chắn sẽ cố gắng thực hiện, dù hiểu rằng cố gắng này là dành cho thế hệ tương lai…” – Giám đốc Nguyễn Văn Sinh nói.

Vùng đất biên giới Piêng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong.
Vùng đất biên giới Piêng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong.

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Lê Văn Nghĩa

    Cảm ơn Báo Nghệ An đã có bài viết rất ý nghĩa. Giúp công tác bảo tồn và phát triển một loài cây quý hiếm trên mảnh đất Quế Phong