Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Trương Minh Cương - Bí thư Huyện ủy Quế Phong nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
P.V: Thưa đồng chí Bí thư Huyện ủy, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Quế Phong đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đồng chí có thể nêu một số kết quả nổi bật mà Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã đạt được trong nhiệm kỳ qua?
Đồng chí Trương Minh Cương: Trong 5 năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng cùng với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, toàn hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc huyện Quế Phong đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, vượt khó vươn lên đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện, đặc biệt là 3 mũi trọng điểm trên các lĩnh vực mà đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra.
Kinh tế tiếp tục giữ được đà tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng được đầu tư củng cố, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhiều mô hình kinh tế được xây dựng thành công và nhân rộng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 8,42%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 19,98 triệu đồng năm 2015 lên 28,85 triệu đồng năm 2020; cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 5.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đã được thực hiện tái cơ cấu, chú trọng phát triển các sản phẩm mũi nhọn, hình thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập khá. Quy mô sản xuất đến năm 2020 đạt 968,650 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân đạt 5,84%. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch tích cực, ngành Lâm nghiệp và Thuỷ sản bước đầu phát huy được tiềm năng, thế mạnh; kinh tế trang trại, gia trại tiếp tục được hình thành và mở rộng. Đến nay, toàn huyện có 168 trang trại, 08 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại; có 25 hợp tác xã đăng ký hoạt động, trong đó các HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp hoạt động tương đối hiệu quả.
Ở lĩnh vực trồng trọt, diện tích trồng lúa nước hàng năm đã được khai thác tối đa (đạt trên 4.670 ha), chú trọng thay đổi các loại giống lúa mới có năng suất, giá trị cao, có nhiều sản phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao, như: Japonica; Vật tư NA6; Nếp 97…
Ở lĩnh vực thủy sản, diện tích nuôi cá không ngừng được mở rộng, toàn huyện có 248 ha, 285 lồng cá (tăng 197 lồng so năm 2015), sản lượng đạt 800 tấn (tăng 298 tấn so năm 2015), nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá leo, cá vược… Công tác quản lý, khoanh nuôi và bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra cháy rừng, đảm bảo ổn định độ che phủ ở mức 76,6%. Giai đoạn 2016 – 2019 trồng mới được 5.344,3 ha rừng, dự kiến hết năm 2020 diện tích rừng trồng mới giai đoạn 2015 – 2020 ước đạt 6.294,3 ha rừng tập trung, 288 ha rừng phân tán; tổ chức bảo vệ hơn 98.000 ha, khoanh nuôi 80.830 ha.
Chương trình xây dựng Nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Năm 2019, xã Quế Sơn được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới; đến năm 2020 có 20 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 12,58 tiêu chí/xã, tăng 4,2 tiêu chí so với năm 2015.
Trên lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ, bản sắc văn hoá các dân tộc được quan tâm gìn giữ và phát huy, nhất là việc duy trì phát huy hiệu quả 6 Câu lạc bộ Dân ca nhạc cụ các dân tộc thiểu số; Lễ hội đền Chín Gian, Lễ hội Xăng Khan được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia. Đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, sức mạnh đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường. Công tác giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 51,43% năm 2015, xuống còn 26,49% năm 2019.
Hoạt động đối ngoại được triển khai đồng bộ, quan hệ đối ngoại truyền thống đặc biệt với 2 huyện (Mường Quắn, Xăm Tảy) của nước Cộng hòa DCND Lào được phát huy. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được chăm lo xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc, tạo được nền tảng để huyện vươn lên trở thành một trong những huyện khá của các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tiếp theo.
P.V: Nhiệm kỳ qua công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của huyện nhà cũng tạo được khá nhiều dấu ấn, đặc biệt là trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 37-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp, đồng chí Bí thư Huyện ủy có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Đồng chí Trương Minh Cương: Nhiệm kỳ 2015 – 2020, công tác xây dựng Đảng thường xuyên được quan tâm chăm lo và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên.
Cụ thể: Đảng bộ huyện đã chỉ đạo sáp nhập từ 194 khối, xóm, bản thành 107 khối, xóm, bản; giảm được 87 khối, xóm, bản.
Sau khi sáp nhập đã giảm được 664 cán bộ không chuyên trách ở thôn bản, giảm chi phí, phụ cấp bình quân mỗi năm khoảng 9,5 tỷ đồng. Mở rộng thị trấn Kim Sơn, sáp nhập xã Quế Sơn vào xã Mường Nọc và đặt tên mới là xã Mường Nọc. Giảm được 5 biên chế và 12 người hoạt động không chuyên trách. Ước giảm chi do sáp nhập đơn vị hành chính là 4,7 tỷ đồng, giảm chi do giảm biên chế từ việc sắp xếp đơn vị hành chính 600 triệu đồng.
Số TCCS đảng toàn Đảng bộ huyện từ 48 tổ chức (đầu nhiệm kỳ năm 2015) với 304 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở giảm xuống còn 41 TCCS đảng với 212 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Thành lập mới 01 tổ chức đảng là công ty tư nhân; 100% thôn, bản có chi bộ, không có thôn, bản trắng đảng viên, không có chi bộ sinh hoạt ghép, chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên; 100% trưởng bản là đảng viên.
Công tác đảng viên được quan tâm chỉ đạo, trong nhiệm kỳ kết nạp 931 đảng viên (đạt 103% so với Nghị quyết), số đảng viên từ đầu nhiệm kỳ 4.515 đảng viên tăng đến cuối nhiệm kỳ là 5.270 đảng viên (tăng 16,7%), chất lượng đảng viên và TCCSĐ không ngừng được nâng lên.
P.V: Để thực hiện mục tiêu đưa Quế Phong trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc Nghệ An trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và các bước đột phá nào?
Đồng chí Trương Minh Cương: Để thực hiện mục tiêu tổng quát: Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển bền vững; đảm bảo quốc phòng – an ninh, đối ngoại; quyết tâm đưa Quế Phong trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Đảng bộ huyện Quế Phong xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, vận hành thông suốt, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thứ hai, tập trung cơ cấu kinh tế nội ngành hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm của huyện; huy động, phân bố, sử dụng có hiệu quả, các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển các lĩnh vực. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; củng cố và bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thứ tư, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần đoàn kết, khơi dậy khát vọng, ý chí vươn lên. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý, phát triển xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân.
Thứ năm, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; tích cực, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với 5 nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong quyết tâm đoàn kết, đồng sức, đồng lòng tập trung thực hiện 4 mũi đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ mới, đó là:
– Tăng cường phát triển nguồn nhân lực, gắn với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đổi mới tư duy, khắc phục tư tưởng trì trệ; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí vươn lên, năng động, sáng tạo, đổi mới, phát triển.
– Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
– Tiếp tục xác định phát triển kinh tế rừng là lợi thế của huyện để ưu tiên trồng rừng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết trồng rừng, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ doanh nghiệp chế biến.
– Phát huy tiềm năng, lợi thế các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!