Bệnh nhân Nguyễn Thị Lợi (65 tuổi) ở xã Nghi Hợp (Nghi Lộc) bị chấn thương sọ não do tai nạn ô tô. Trải qua 3 đợt phẫu thuật, bà Lợi được chuyển về Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An để phục hồi, chăm sóc sau phẫu thuật. Hiện nay bà đã có thể nói chuyện với người khác, phát âm rõ tiếng, sức khỏe tiến triển khá tốt.
Đến tận bây giờ đã gần 2 năm kể từ ngày mẹ bị tai nạn, thế nhưng với chị Nguyễn Thị Hải (Nghi Hợp, Nghi Lộc) sự việc như mới xảy ra ngày hôm qua.
Đó là một ngày đầu năm 2017, chị Hải vừa đi làm về đang nấu cơm cho kịp ăn bữa tối, chợt tiếng chuông điện thoại bàn đổ dồn, liên tục. Vội vàng bỏ giở mớ rau đang làm trên bàn, chị tất tả chạy đến, vừa mới nhấc máy lên đã nghe giọng cậu em trai đứt quãng: “chị, chị ơi, mẹ đi bán rau, đi qua đường bị xe tải đâm vào, nặng lắm, có lẽ không qua khỏi”.
Ngay lập tức, hai vợ chồng chị Hải tức tốc bắt xe về quê trong đêm. Về đến Nghi Lộc gần 2h sáng, gọi điện cho người nhà được biết mẹ đang trong phòng cấp cứu. Đứng bên ngoài phòng cách ly, không nhìn thấy mẹ, chỉ thấy một màu trắng, màu trắng lạnh lùng của tấm kính ngăn cách giữa người nhà với người bệnh. Trong phòng cấp cứu, các bác sỹ đang cố gắng hết sức để cứu người bệnh. Còn ngoài này, cùng với vợ chồng chị Hải, còn có bố, em trai, em dâu, chị gái, anh rể, các cháu … tất cả đều im lặng chờ đợi, lúc đó sự chờ đợi tưởng chừng như kéo dài vô tận…
Lúc cánh cửa phòng cấp cứu mở ra, cả nhà bật dậy cùng lúc “bác sỹ ơi, mẹ cháu sao rồi???!”. Nhìn ánh mắt của ông bác sỹ, chị Hải chợt thấy tim như ai bóp nghẹn lại.
Đến khi ngồi một mình, đối diện với bác sỹ trong phòng riêng, cố gắng để kìm nén mọi cảm xúc. Chị tự trấn an mình, phải thật bình tĩnh, lúc này, cả nhà ai cũng đã rối lên hết, cả nhà ai cũng đang nhìn vào vợ chồng chị. Phải thật bình tĩnh mới giải quyết được mọi việc.
Giọng bác sỹ đầy chia sẻ nhưng cũng rất quyết liệt: “Mẹ cháu bị tụ máu não, phải mổ ngay, mổ ngay mới có cơ hội cứu sống”.
Sau khi mổ, 1 tháng, 2 tháng mẹ chị Hải vẫn sống thực vật, không hề tỉnh. Bệnh viện trả về với lời khuyên đưa bà về nhà chăm được ngày nào hay ngày đó.
Nhìn mẹ nằm bất động trên giường bệnh, khắp người toàn màu trắng, đầu thì cạo trọc, băng bó, chỉ nhìn vậy thôi mà nước mắt cứ dàn dụa. Chị quyết định bàn với chồng, xin cơ quan nghỉ không lương để ở nhà hỗ trợ bố, chăm sóc mẹ, dù lúc đó con gái chị mới 13 tháng. Vì chị biết, với bệnh tật của mẹ chưa biết bao giờ mới tỉnh lại. Nhưng chị tin, mẹ sẽ tỉnh lại. Vì mẹ rất thương bố, nếu mẹ không tỉnh lại chắc chắn người khổ nhất sẽ là bố.
Về nhà được 1 thời gian, bà lên cơn sốt và não phình to bất thường, có cảm giác như sắp nổ tung. Gia đình quyết định chuyển mẹ ra Hà Nội. Ngày nhập viện, bác sỹ bảo tình trạng của mẹ chị rất khó, đáng nhẽ phải nhập viện sớm hơn. Và họ khuyên chị nên đưa mẹ về.
Dường như trong chị Hải không bao giờ hết hy vọng, dù chỉ còn 1% chị vẫn tin rằng mẹ mình sẽ vượt qua. Chị quyết định lên gặp bằng được trưởng khoa để trình bày. Sau rất nhiều cuộc hội chẩn và đã đi đến quyết định cuối cùng: mổ tiếp cho bà lần thứ hai.
Và ca mổ đã thành công ngoài sức tưởng tượng, sau khi mổ được 1 ngày, mẹ chị Hải đã mở được mắt, đôi mắt mà suốt 6 tháng trời không hề mở. Khoảng 15 ngày sau, chị Hải thấy mẹ mình có biểu hiện đã nghe được. Chị khẽ gọi “Mẹ ơi”, tiếng mẹ đáp lại “Mẹ đây”. Lúc đấy, mọi cảm xúc dâng trào, chị chỉ biết khóc vì mẹ đã vượt qua, mẹ đã trở về …
Khi điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, bệnh nhân được GS.TS.BS Nguyễn Văn Chương – Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh học – Bệnh viện 103, chuyên viên Thần kinh học Viện Quân y, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Thần kinh học Việt Nam, Chủ tịch Hội Chống đau Hà Nội trực tiếp thăm khám và đưa ra phác đồ phục hồi cụ thể, vì thế sức khỏe của bà Lợi rất tiến triển, như đã có cảm giác khi nghe người khác gọi tên mình, có cảm giác đau ở tay, chân khi người nhà chạm vào, không phải đặt ống xông khi ăn… gia đình rất phấn khởi.
Khi chúng tôi đến thăm bệnh nhân Nguyễn Thị Lợi cũng là lúc chị Hải đang chuẩn bị đưa mẹ ra sân sưởi nắng bằng xe đẩy. Nhìn cách chị chăm mẹ, mới thấy được tình yêu thương, sự hy sinh mà chị dành cho mẹ. Vậy là gần 2 năm, chị và bố đã theo mẹ suốt cuộc hành trình và giờ đây cuộc hành trình ấy vẫn đang tiếp tục.
Chị Nguyễn Thị Hải cho biết: Từ ngày chuyển mẹ về Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An để điều trị, sức khỏe của bà đã đỡ hơn trước rất nhiều. Không chỉ có phương pháp điều trị, phục hồi tốt mà không khí ở đây mát mẻ, dễ chịu nên bệnh của bà cũng tiến triển rất nhanh.
Trao đổi với bác sỹ Nguyễn Hữu Hà – khoa bệnh người cao tuổi, người trực tiếp điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân Nguyễn Thị Lợi được biết: Bệnh nhân nhập viện vào tháng 10/2017 trong tình trạng có phản ứng rất chậm khi người khác gọi; ăn, uống hoàn toàn phải đặt ống xông, thở bằng ô xi, không đi lại được. Tại đây bệnh nhân được phục hồi bằng các thủ thuật châm cứu, tập vận động vật lý trị liệu như điện xung, siêu âm các khớp… Sau khoảng 8 tháng điều trị, bệnh nhân tiến triển tốt. Hiện nay bệnh nhân đã tỉnh, có thể nói, các khớp tay, khớp chân vận động tốt hơn, bệnh nhân tự đi lại bằng nạng, bằng thanh song song, khung tập đi. Thời gian tới, sẽ tiếp tục điều trị phục hồi chức năng để bệnh nhân có thể tự phục vụ bản thân.
Bác sỹ Thái Thị Xuân – Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An khẳng định: Với những bệnh nhân chấn thương sọ não, phục hồi sau chấn thương là khoảng thời gian giúp họ lấy lại sức khỏe cũng như tinh thần của mình. Vì vậy, nếu việc chăm sóc diễn ra tốt đẹp, bệnh nhân và gia đình tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ thì khả năng bình phục của họ sẽ nhanh hơn và người bệnh có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng cao hơn.