Vùng biển Tây Nam bộ có biên giới biển tiếp giáp với các nước: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, diện tích mặt biển 150km2, có hơn 130 đảo lớn, nhỏ thuộc 5 quần đảo: An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du và Thổ Chu. Với khu vực địa chính trị có tầm đặc biệt, xu thế phát triển mới đã mở ra triển vọng lớn để vùng biển, đảo Tây Nam thực hiện tốt đồng thời hai nhiệm vụ: bảo vệ vững chắc phên dậu Tổ quốc và phát triển bền vững kinh tế biển.
Điều này đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam”.
Riêng với vùng biển, đảo Tây Nam, Nghị quyết nhấn mạnh: “Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang – Cà Mau – Kiên Giang): Tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới”.
Thực tế cho thấy, những năm qua với xu thế hội nhập và phát triển, các quốc gia trên thế giới đều lựa chọn kinh tế biển để chú trọng đầu tư, phát triển. Bối cảnh đó đã mở thêm cơ hội cho vùng biển Tây Nam. Đây trở thành tuyến hàng hải sôi động bậc nhất trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê, có 3/4 lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường biển đều đi qua vùng này. Thời gian tới, nếu kênh đào Kra được hình thành, nối Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương thì vùng biển Tây Nam của Việt Nam sẽ trở thành vùng đệm và hệ thống hành lang mới kết nối hoạt động hàng hải giữa Biển Đông – Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương.
Và không phải ngẫu nhiên mà Đảng và Nhà nước ta thông qua Nghị quyết số 36 đã xác định: “Tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế”. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để Việt Nam tiếp tục mở toang cánh cửa giao lưu hợp tác kinh tế từ khu vực Tây Nam. Lúc đó, các đảo và cụm đảo như: Đồi Mồi, Hòn Chuối, Hòn Đốc, Thổ Chu, Nam Du, An Thới sẽ có thể được xây dựng trở thành các trung tâm hậu cần hàng hải, logistic, thuỷ sản, dịch vụ, du lịch…
Song song với việc bảo vệ lãnh hải, chủ quyền biển đảo, thềm lục địa,… trên vùng biển đảo Tây Nam, chủ trương của Trung ương là xây dựng thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) trở thành những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, xứng tầm đô thị vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trên hành trình từ các đảo Tây Nam trở vào đất liền, tôi để ý một người đàn ông trạc 50 tuổi vẫn thường trầm tư đứng trên boong tàu nhìn theo hướng đảo. Thật bất ngờ, đó là một người đồng hương. Anh là Thiếu tá Nguyễn Văn Thùy, quê xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hỏi chuyện, anh cho biết, mình là sỹ quan quân y thuộc Bệnh xá Quân dân y, Trung đoàn 152, Quân khu 9 đóng trên đảo Thổ Chu. Với tôi Thiếu tá Nguyễn Văn Thuỳ cũng là người đặc biệt. Anh công tác tại Vùng 5 Hải quân nhận đến nay đã gần 30 năm, và cũng chừng ấy thời gian anh gắn bó với vùng biển, đảo Tây Nam. Anh coi vùng biển này, vùng trời này, vùng đảo này như một phần máu thịt của đời mình.
“Từ bé, tôi say mê những câu thơ, bài viết về biển, đảo quê hương. Lớn lên, vào quân ngũ, lại được tham gia công tác tại đảo tiền tiêu, đó là niềm vinh dự, tự hào, khi tôi đã góp một chút sức lực của mình để bảo vệ biển đảo quê hương” – Thiếu tá Nguyễn Văn Thùy chia sẻ.
Chuyến tàu lần này sẽ đưa anh trở về quê hương Nam Đàn để đón Tết. Ở đó anh có gia đình, vợ và các con đang đợi. Đã 12 năm anh chưa được đón Xuân cùng với gia đình. Khi anh rời quê năm đó, con trai đang học lớp 8 còn con gái học lớp 1. Nay chúng đã phổng phao lắm rồi, con trai đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Y Huế, con gái đã là thiếu nữ 18 tuổi. Anh vui vì con trai theo nghiệp bố, con gái ngoan hiền. Anh đã không giấu được niềm mong chờ, háo hức trong suốt chuyến hải trình vào bờ. Thiếu tá Nguyễn Văn Thuỳ cũng cho biết, Tết năm nay là cái Tết cuối cùng anh còn ở trong quân ngũ. Tới đây, anh sẽ nghỉ chế độ và chính thức trở về đất liền. Hơn 30 năm cống hiến, làm việc trên tuyến biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc anh cũng như những người đồng đội đã rất thấu hiểu cuộc sống, sinh hoạt, những gian lao, hy sinh của người lính biển. Điều cuối cùng anh muốn thực hiện là sẽ đưa một nắm đất từ quê hương Kim Liên, Nam Đàn ra đảo.
“Nhà tôi ở xã Hồng Long gần xã Kim Liên lắm. Tết này tôi sẽ đến quê Bác Hồ. Tôi muốn lấy một nắm đất ở Kim Liên để đưa ra đảo Thổ Chu và đặt vào ngôi đền thờ Bác tại đây, để đảo xa luôn có Bác, có quê hương” – Thiếu tá Nguyễn Văn Thuỳ xúc động nói trước khi chúng tôi chia tay.