Hải trình tuyến đảo Tây Nam – Bài 2: Mùa gió chướng ở Hòn Chuối

Cách đất liền 17 hải lý về phía Tây, đảo Hòn Chuối đơn độc giữa trùng khơi sóng nước, có nét hoang sơ và bí ẩn với những vách đá dựng đứng, rừng nguyên sinh rậm rạp. Đảo sừng sững như một con cá voi xanh khổng lồ nhô mình trên sóng biển. Đảo Hòn Chuối có địa hình phức tạp, với độ dốc cao. Điều kiện khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều, với hai mùa gió rõ rệt. Hòn Chuối là đảo có dân sinh sống với 68 hộ và hơn 200 nhân khẩu. Bà con mưu sinh chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt hải sản.

Nhà dân trên đảo Hòn Chuối.
Nhà dân trên đảo Hòn Chuối.

Ở Hòn Chuối có 3 gành là gành Nam, gành Chướng và gành Nồm. Từ tháng Chín đến tháng Ba âm lịch hằng năm, người dân sống ở gành Nam để tránh gió chướng. Ngược lại, từ tháng Mười đến tháng Hai năm sau, bà con lại gồng gánh nhau di chuyển về gành Chướng để tránh gió mùa tây nam. Thời điểm dọn nhà là lúc giao mùa, khi hai ngọn gió chưa nổi lên, cả hai phía đều lặng sóng. Hòn Chuối không có suối, vấn đề nước ngọt ở đây rất nan giải, một thách thức lớn cho người dân trên đảo.

Trên đảo có 3 đơn vị đóng quân là Trạm Hải đăng Hòn Chuối, Trạm Ra đa 615 (Tiểu đoàn Ra đa 551, Vùng 5 Hải quân) và Đồn Biên phòng 704 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau). Quân và dân trên đảo luôn kề vai sát cánh để bảo vệ Tổ quốc. Họ đến đây và mang cả sức trẻ, tuổi thanh xuân lên đảo. Nhờ đó mà từng tấc đất của ông cha, phên dậu vùng Tây Nam của Tổ quốc được giữ gìn, bảo vệ.

Trung tá Lê Quốc Cường – Đồn trưởng Đồn Biên phòng 704 cho biết: “Hòn Chuối có điều kiện đi lại khó khăn, bà con sinh sống còn tạm bợ. Người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Đảo chưa có điện lưới và đặc biệt là thiếu nước sạch, hàng năm phải nhiều lần chuyển từ bờ ra. Vào mùa mưa, có nước thì không có điện, còn mùa khô, có điện lại thiếu nước. Bởi hệ thống điện năng lượng mặt trời không thể sử dụng được vào mùa mưa, đồn phải chạy bằng máy phát điện. Mỗi tối chỉ chạy máy phát điện từ 19 – 21 giờ, để đơn vị học tập sinh hoạt. Đã thế, giông sét trên đảo lại rất nhiều, thường xuyên làm hỏng các thiết bị”.

Mặc dù cuộc sống khó khăn; điều kiện địa hình, khí hậu tự nhiên phức tạp nhưng các đơn vị trên đảo Hòn Chuối luôn luôn nêu cao tinh thần sẵn sáng chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn để nắm chắc tình hình trên không, trên biển, kịp thời thông báo, báo cáo giúp chỉ huy các cấp không bị động, bất ngờ trước các tình huống…

Bộ đội Biên phòng và Hải quân hỗ trợ người dân trên đảo Hòn Chuối (thuộc tỉnh Cà Mau) di chuyển nhà.
Bộ đội Biên phòng và Hải quân hỗ trợ người dân trên đảo Hòn Chuối (thuộc tỉnh Cà Mau) di chuyển nhà.

Vượt qua vô vàn khó khăn, thiếu thốn cán bộ chiến sĩ trên đảo làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp bà con di chuyển chỗ ở khi chuyển mùa, phòng chống bão. Đơn cử, để cải thiện cuộc sống của bà con trên đảo, các chiến sĩ hướng dẫn người dân thực hiện mô hình nuôi cá bớp lồng bè để tăng thêm thu nhập…

Anh Lê Văn Vũ – một người dân trên đảo Hòn Chuối cho biết: “Trong bờ khó khăn quá nên ra đây dựng lán đánh cá qua ngày, nhưng làm cả năm, dành dụm được chút tiền lại phải mang ra sửa chữa nhà mỗi khi di chuyển. May nhờ các anh ở Đồn Biên phòng và Trạm Ra đa giúp đỡ nên đỡ vất vả hơn. Mấy năm nay, các anh cho con giống, dạy nuôi cá bớp nên cuộc sống cũng khá hơn”.

Hàng hóa từ tàu được vận chuyển bằng cáp ròng rọc lên đảo; Đoàn công tác lên đảo Hòn Chuối.
Hàng hóa từ tàu được vận chuyển bằng cáp ròng rọc lên đảo; Đoàn công tác lên đảo Hòn Chuối.

Nằm không xa đất liền, tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt, đi lại của quân và dân trên đảo Hòn Chuối còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay, trên đảo chưa có trạm y tế và hệ thống trường học quốc gia. Để trẻ em trên đảo được học tập, tổ nhân dân tự quản đã phối hợp với Đồn Biên phòng 704 và Trạm Ra đa 615 mở một lớp học tình thương. Lớp học do Thiếu tá Trần Bình Phục – Đội phó Đội công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng 704 Hòn Chuối chủ nhiệm… Lớp học nhỏ của thầy trò Thiếu tá Trần Bình Phục nằm lặng lẽ dưới những tán cây già trên ngọn núi thuộc đảo Hòn Chuối.

Được biết, ý tưởng thành lập lớp học là do các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đề xuất. Tuy nhiên, ban đầu việc học vấp phải sự ngăn cản của nhiều phụ huynh, bởi họ cho rằng chỉ cần biết lặn, biết đi biển là có thể sống… Trong quá trình vận động gia đình cho các cháu đến trường, nhiều lần Thiếu tá Trần Bình Phục bị người dân từ chối. Thế nhưng anh vẫn kiên nhẫn, miệt mài thuyết phục. “Nói phải, củ cải cũng nghe”, thế rồi các cháu cũng được cha mẹ đồng ý cho đi học.

Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối.
Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối.

Lớp học ngày đầu chỉ có 5 học sinh với các lứa tuổi, nhóm lớp. Phòng học được dựng bằng mấy thanh gỗ và vài miếng tôn cũ. Trò phải ngồi học trên những chiếc bàn ghế nhựa cũ… Ngày nắng thì nóng như đổ lửa, ngày mưa thầy trò phải dắt nhau chạy.

Thiếu tá Trần Bình Phục chia sẻ về “hành trình” làm thầy của mình: “Những ngày đầu, tôi như người bị tự kỷ vậy. Ngày đi làm, tối soạn giáo án, rồi tự lên lớp một mình… Các em ở đây tiếp xúc với môi trường bên ngoài hạn chế, hiểu biết về kiến thức xã hội cũng thiếu nên mỗi lần soạn giáo án, tôi phải chọn những cái cơ bản nhất, ngắn gọn, dễ hiểu nhất. Khi dạy ở lớp này mình phải luyện trước, kèm những câu chuyện sinh động để thu hút được các em, tránh nhàm chán”.

Khó khăn là thế nhưng thầy trò vẫn cùng nhau vượt qua. Đến nay lớp học của thầy Phục có 21 học sinh, trong đó có 2 em học lớp 7. “Tôi lên lớp không phải thầy của các em, mà như một người thân trong gia đình. Tôi coi các em như con của mình. Giữa thầy và trò không có khoảng cách, mà được gắn kết bằng tình thương của những thành viên trong một gia đình” – thầy Phục nói.

Học sinh của thầy Phục có em Nguyễn Thị An. An năm nay 10 tuổi nhưng mới chỉ học lớp 2. Sinh ra ở thị trấn Sông Đốc, An không được đến trường mà theo ghe bố mẹ lang bạt nay đây mai đó. Cuộc sống trong bờ khó khăn nên bố mẹ mang em ra đảo mưu sinh, An được cán bộ Đồn Biên phòng vận động đến trường. “Em rất thích đến lớp vì được thầy giáo dạy làm Toán, viết chữ, đọc tiếng Việt. Cả lớp coi thầy như người nhà” – An kể.

Còn em Kim Thị Trâm Anh học lớp thầy Phục hết lớp 4 thì được vào đất liền học tiếp. Tuy nhiên, vì gia đình khó khăn nên Trâm Anh học trong bờ đến lớp 7 thì trở lại đảo tiếp tục học lớp tình thương.

“Ở đây tôi phụ trách chủ yếu cấp 1, nhưng có 2 bạn lớp 7 từ thị trấn chuyển ra do gia đình hoàn cảnh khó khăn nên quay lại đảo, giờ tôi cũng “ôm” luôn. Nhưng lên cấp 3 thì chịu, đến đâu hay đến đó. Biết đâu mai mốt bố mẹ các em làm ăn được, có tiền, các em được vào bờ tiếp tục học thì sao” – Thiếu tá Trần Bình Phục trăn trở.

Học sinh của lớp học tình thương.
Học sinh của lớp học tình thương.

Đến năm 2022, 100% các em học sinh trong độ tuổi đến trường trên đảo Hòn Chuối đều được đi học, biết đọc, biết viết, biết được những kiến thức căn bản của chương trình giáo dục hiện hành. Có những em đã được đưa vào đất liền để tiếp tục học tập. Đáng mừng hơn, có những em đã tốt nghiệp đại học ra trường và có việc làm ổn định.

Niềm vui và động lực lớn nhất của thầy Phục và cán bộ chiến sĩ trên đảo là nhìn thấy các em biết chữ, nuôi được ước mơ của mình, trở thành người có ích cho xã hội. Trung tá Lê Quốc Cường – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối cho hay: “Xóa mù chữ, nâng cao dân trí ở các vùng biên giới, hải đảo là chủ trương lớn, nhiệm vụ lớn mang tính chất quyết định đối với công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Nên hơn 10 năm qua, Đồn Biên phòng Hòn Chuối luôn chú trọng đến công tác giáo dục, dạy chữ, dạy máy tính cho các cháu trên đảo. Hiện nay, lớp học tình thương do Thiếu tá Trần Bình Phục phụ trách đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau”.

Từ trên đảo Hòn Chuối nhìn xuống biển.
Từ trên đảo Hòn Chuối nhìn xuống biển.