Hải trình tuyến đảo Tây Nam – Bài 3: Nam Du – “Hạ Long của phương Nam”

Cách đây hơn 25 năm, khi những người dân Đất Mũi đang sống những ngày cuối tháng 10/1997 rất đỗi bình yên với những chuyến ra khơi đầy ắp tôm, cá. Bỗng nhiên, trên Biển Đông xuất hiện áp thấp, với sức gió cấp 6, cấp 7. Những bản tin dự báo thời tiết về khả năng hình thành bão số 5 vào thời điểm đó đã chẳng ai bận tâm…Ngày 01/11/1997, áp thấp tăng lên cấp 8, giật trên cấp 10, cơn bão số 5 hình thành với tên gọi quốc tế là Linda. Người dân vùng biển Tây Nam lúc này vẫn không tin bão sẽ ập đến vùng đất hiền hòa, vì từ xưa chẳng có mấy cơn bão đủ sức đến đây.

12h trưa 2/11/1997, Linda mang theo sức gió cấp 11, 12, với tốc độ 100 km/h, bắt đầu quét qua khu vực phía Nam của Côn Đảo. Bão đã cận kề, thế nhưng, lúc bấy giờ, người dân lục tỉnh miền Tây và cả vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ vẫn “bình chân như vại”. Nhiều ngư dân Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang vẫn dong thuyền ra khơi bình thường. Họ cho rằng: Những bản tin dự báo thời tiết độ chính xác thấp; kinh nghiệm dân gian quan trọng hơn… Họ nóng lòng khi nghe tin ghe bạn trúng đậm tôm, cá, mực trong ngày biển động.

Những hình ảnh thiệt hại, mất mát của người dân trong cơn bão số 5 (bão Linda), ngày 2/11/1997. Ảnh tư liệu
Những hình ảnh thiệt hại, mất mát của người dân trong cơn bão số 5 (bão Linda), ngày 2/11/1997. Ảnh tư liệu

Những con thuyền nhỏ vẫn thong dong buông lưới giữa khơi xa. Trên những căn chòi nhỏ bé chon von như tổ chim giữa đại dương, ngư dân vẫn ngồi chờ những mẻ tôm, cá đầy. Trời vẫn trong vắt, thi thoảng gợn lên những cồn mây trắng. Trên vùng biển Cà Mau, vào thời điểm đó có tới hơn 700 tàu thuyền với hàng ngàn lao động vẫn ung dung đánh bắt… Nhiều người dân còn tò mò chạy ra “xem bão như thế nào”! Không một ai chằng buộc nhà cửa, chỉ một số ít mua mì tôm về tích trữ trong nhà, trong bụng vẫn không tin là bão sẽ xảy ra trên vùng đất “trăm năm không có bão”.

Vài giờ trước khi bão Linda đổ bộ vào đất liền, trời quang mây tạnh. Ít ai biết sức gió của bão Linda lên đến hơn 100 km/h và liên tục chuyển hướng. Đến 20h ngày 2/11/1997, mưa lắc rắc rồi gió mạnh lên và lốc xoáy nổi lên. Những con tàu đang neo đậu bị hất dựng đứng rồi lật úp. Hàng trăm người bị nhấn chìm xuống biển.

Nhà bia tưởng niệm nạn nhân cơn bão số 5 trên đảo Nam Du.
Nhà bia tưởng niệm nạn nhân cơn bão số 5 trên đảo Nam Du.

Cơn bão số 5 với sức gió giật cấp 12-13 đổ bộ xuống khu vực vùng biển Tây Nam, gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân các địa phương ven biển, nhất là tỉnh Kiên Giang. Cơn bão đi qua đã làm hơn 2.500 tàu cá bị đánh chìm; hàng nghìn ngôi nhà bị bão đánh sập gây thiệt hại kinh tế hơn 1.500 tỷ đồng. Càng đau lòng hơn, khi cơn bão đã cướp đi tính mạng của gần 500 người dân lương thiện, làm bị thương gần 340 người khác… Cơn bão số 5 đã gây ra biết bao đau thương, tang tóc khôn xiết cho ngư dân trên vùng biển Kiên Giang.

Đoàn công tác thắp hương tưởng niệm nạn nhân tử vong do bão Linda năm 1997.
Đoàn công tác thắp hương tưởng niệm nạn nhân tử vong do bão Linda năm 1997.

Cơn bão Linda 25 năm trước đến nay vẫn là ám ảnh kinh hoàng của người dân trên cụm đảo Nam Du (Cách thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang khoảng 80 km). Không xa cầu cảng Nam Du, một tấm bia tưởng niệm những nạn nhân bị thiệt mạng do cơn bão đã được dựng lên. Nội dung phía sau tấm bia ghi ngắn gọn nhưng đầy đau xót: “Trên đất, biển Kiên Giang vào ngày 2, 3 tháng 11 năm 1997, cơn bão số 5 đã làm thiệt hại: Chết 460 người (397 trong tỉnh, 63 ngoài tỉnh); bị thương 335 người; tàu chìm 2.383 (2.184 chiếc bị chìm, 199 chiếc mất tích); nhà sập 3.210 cái, bị tốc mái 20.537 cái. Tính ra tiền là 1.515,66 tỷ đồng. Toàn dân đời đời tưởng niệm những người tử nạn vì cơn bão số 5”.

Nỗi đau dần sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Một Nam Du hoang tàn sau bão đã hồi sinh. Nhưng tấm bia đó vẫn nhắc nhở về bài học cảnh giác thiên tai, về sức mạnh tự nhiên, về cái bạc bẽo của nghề “hồn treo cột buồm”…

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Nam Du gói bánh chưng đón Tết.
Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Nam Du gói bánh chưng đón Tết.

Đứng dậy sau cơn bão lịch sử, Nam Du bây giờ đã khác so với trước đây. Trong công cuộc phát triển kinh tế, người dân đảo không còn lệ thuộc vào việc đánh bắt hải sản, mà còn kết hợp phát triển du lịch trên cơ sở những lợi thế riêng của địa phương.

Với 21 đảo lớn, nhỏ cùng nhiều thắng cảnh hoang sơ, quần đảo Nam Du được mệnh danh là “Hạ Long phương Nam” đang trở thành điểm du lịch khám phá hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Khoảng thời gian đẹp nhất để đến tham quan, khám phá đảo Nam Du kéo dài từ tháng 11 năm nay đến hết tháng 5 năm sau. Đây là thời điểm biển êm và trong xanh.

Quần đảo Nam Du được mệnh danh là “Hạ Long phương Nam”.
Quần đảo Nam Du được mệnh danh là “Hạ Long phương Nam”.

Phát triển du lịch, hệ thống giao thông trên đảo được xây dựng ngày một tốt hơn, giúp người dân và du khách đi lại thuận tiện. Nhiều nhà đầu tư dần tới và xây dựng trên quần đảo Nam Du nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp. Toàn quần đảo đã có hơn 70 nhà trọ, nhà nghỉ với trên 600 phòng và cùng nhiều phương tiện đường thủy, ô tô khách và xe mô tô bảo đảm phục vụ nhu cầu cho khách đến tham quan du lịch… Du lịch đang từng bước giúp người dân xã đảo An Sơn có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Ước tính trong năm 2022 có hơn 90.000 lượt khách đã đến tham quan đảo Nam Du.

Du lịch đã được huyện Kiên Hải, xã An Sơn xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng chí Trần Quốc Toản – Bí thư Đảng ủy xã An Sơn cho biết: “Xã khuyến khích các hộ kinh doanh đa dạng hóa những mặt hàng nhu yếu phẩm, nhất là các sản phẩm du lịch, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân và phát triển du lịch một cách bền vững. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại các khu du lịch, như: Bãi Cây Mến, bãi Đất Đỏ…; đầu tư phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, tắm biển, lặn ngắm san hô, mô hình du lịch cộng đồng, tạo cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái biển, đảo gắn với bảo vệ môi trường”.