Quần đảo Thổ Chu nằm ở địa đầu Tây Nam của nước ta, cách mũi Cà Mau khoảng 160 km về phía Tây Bắc và cách Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 220 km.
Cuối tháng 4/1975, trước sự tấn công như thác đổ của quân giải phóng, lực lượng hải quân của chế độ cũ đóng quân trên quần đảo Thổ Chu cũng tháo chạy, bỏ mặc khoảng 500 người dân bơ vơ trên đảo. Ngày 30/4/1975, quân giải phóng chưa kịp ra tiếp quản quần đảo Thổ Chu. Ngày 10/5/1975 Pol Pot Khmer đỏ đưa quân chiếm đảo Thổ Chu, bắt đi và sát hại hơn 500 người dân sinh sống trên đảo.
Trước tình hình trên, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 9 đánh và giải phóng quần đảo Thổ Chu. Đêm ngày 22, rạng sáng ngày 23/5/1975 lực lượng gồm Tiểu đoàn 410, Trung đoàn 195 Quân khu 9, Đại đội địa phương huyện Phú Quốc và 2 đội đặc công nước của Quân chủng Hải quân do đồng chí Đại uý Trịnh Khắc Thuyết chỉ huy đánh và giải phóng quần đảo Thổ Chu.
Đến sáng ngày 23/5/1975 quân ta cơ bản đã làm chủ được đảo Thổ Chu, song lực lượng còn lại của Pol Pot chạy về và cố thủ ở Bãi Nhất. Trong các ngày 24, 25 ta tiếp tục dồn ép địch. Đến ngày 26/5 ta tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn lực lượng địch cố thủ ở Bãi Nhất. Đến ngày 27/5, 2 trung đội địch ở Hòn Từ ra hàng. Như vậy so với cả nước đây là nơi giải phóng muộn nhất, sau 27 ngày kể từ thời điểm lịch sử ngày 30/4/1975.
Sau khi Thổ Chu được giải phóng, Tiểu đoàn 410 – Trung đoàn 195, Quân khu 9 – lực lượng tham gia đánh và giải phóng đảo đóng quân một thời gian. Đến ngày 28/8/1975, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 điều Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 101 thay cho Tiểu đoàn 410. Ngày 26/10/1975, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 101 tiếp tục được điều về Vùng 5 Hải quân và đổi tên thành Tiểu đoàn 561 trực thuộc Vùng 5 Hải quân. Do yêu cầu bảo vệ vùng biển đảo, tháng 8/1992 tiểu đoàn 561 được biên chế thêm các cụm chiến đấu và đổi tên Tiểu đoàn 561 thành đơn vị đảo Thổ Chu.
Đến tháng 4/1992, đảo Thổ Chu đã có các hộ dân trở lại sinh sống. Lúc đầu người dân ra đảo, do chưa có chính quyền nên Tiểu đoàn 561 hỗ trợ bà con ổn định chỗ ở và giải quyết các khó khăn. Đơn vị cũng bố trí cán bộ, chiến sỹ dạy học cho các cháu tử lớp 1 đến lớp 4. Đến ngày 24/4/1993 khi có quyết định thành lập xã đảo Thổ Châu thì tiểu đoàn 561 cũng như các đơn vị khác tiếp tục hỗ trợ cấp uỷ, chính quyền địa phương đảm bảo hoạt động ổn định đến hôm nay.
Năm 2011, một ngôi đền mang tên Thổ Châu được xây dựng trên đảo Thổ Chu. Ngôi đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Đặc biệt đền cũng là nơi tưởng niệm hơn 500 người dân vô tội bị quân phản động Khmer Đỏ giết hại. Ngày nay, ngôi đền đã trở thành điểm sinh hoạt, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương cho các thế hệ. Hàng năm, có hàng nghìn lượt du khách đến viếng thăm, tưởng nhớ, bày tỏ niềm tri ân cho những người đã ngã xuống cho Thổ Chu mãi xanh.
Nhớ lại những tháng năm cũ, bà Trương Thị Tư, một trong những người dân đầu tiên trở lại sinh sống trên đảo Thổ Chu thành thật: “Lấy chồng nên tôi phải theo chồng, chứ lúc mới nghe nói ra đảo Thổ Chu sinh sống, cũng thấy sợ lắm. May là khi đặt chân tới đảo, thấy có bộ đội của mình đóng quân nên cũng bớt lo hơn”.
Theo bà Tư, những hộ dân đến lập nghiệp trên đảo đều sống nhờ vào sự cưu mang của bộ đội. Các hộ gia đình được chu cấp lương thực, thực phẩm để sinh sống. Thời gian đầu việc nuôi trồng, khai thác thủy hải sản cũng chưa phát triển, Bộ đội còn giúp dân dựng lều lán, nhà cửa, rồi đóng ghe, thuyền để khai thác hải sản trên biển… Đặc biệt, người dân khi bị đau ốm được cán bộ Trạm quân – dân y kết hợp khám, cấp phát thuốc miễn phí. Trường hợp bệnh nặng hơn, sẽ có tàu của hải quân và bộ đội biên phòng chở vào đất liền chữa trị.
Những ngày mới ra đảo, cuộc sống của người dân ở thiếu thốn nhiều bề. Tuy nhiên, ai nấy một lòng cùng bộ đội hải quân, biên phòng bám biển, giữ từng cột mốc chủ quyền. Từ vài chục hộ ban đầu, đảo Thổ Chu hiện có 550 hộ, với hơn 2.210 nhân khẩu. Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư lớn của Đảng và Nhà nước, nhiều công trình dân sinh quan trọng như trường học các cấp, trạm y tế, bưu điện, trạm thu phát sóng… đã được xây dựng.
Đảo Thổ Chu ngày nay có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái với nhiều bãi tắm rất đẹp như: Bãi Ngự, Bãi Dong… Nơi đây đang được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề xuất xây dựng Khu bảo tồn biển đảo Thổ Chu với tổng diện tích lên tới 22.400ha. Hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường nơi vùng biển Tây Nam” hàng năm thu hút hàng vạn du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng.
Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Nguyễn Văn Diệm cho biết, sự phát triển của xã đảo trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc, có sự chung tay, góp sức của các đơn vị đứng chân trên đảo. Đó là: Trạm Ra đa 610, Trung đoàn 152, Đồn Biên phòng Thổ Châu, Trạm hải đăng và Đài Khí tượng thủy văn. Hiện nay các đơn vị tiếp tục chung sức cùng nhân dân xã đảo xây dựng nông thôn mới, trợ giúp hộ nghèo, giúp người dân bám biển, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng xã Thổ Châu tươi đẹp ngày một vững mạnh, phồn thịnh.
Đồng chí Lục Đức Tiên – Phó Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết, những năm qua, các đơn vị thuộc Vùng 5 Hải quân đứng chân trên đảo Thổ Chu và các đảo lân cận thuộc vùng biển Tây Nam, đã triển khai tốt công tác dân vận, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chương trình giao lưu, kết nghĩa, giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh… xứng đáng là điểm tựa cho nhân dân ở đảo tiền tiêu” .