GS.TS Nguyễn Tuấn Anh: Phát huy vốn con người và vốn xã hội để xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá

Phóng viên: Là một nhà nghiên cứu có nhiều công trình xuất bản trong nước và quốc tế, là một giảng viên cao cấp của ngành Xã hội học, giáo sư đánh giá như thế nào về tiềm năng của Nghệ An trong bối cảnh phát triển hiện nay, bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?

GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh: Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cho đến nay, thế giới đã trải qua bốn giai đoạn của cách mạng công nghiệp. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào thế kỷ 18 với việc sáng chế ra động cơ hơi nước cho phép con người sản xuất hàng hóa hàng loạt. Cách mạng công nghiệp lần thứ 2 bắt đầu vào cuối thế thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có đặc trưng quan trọng là sản xuất hàng hóa với chi phí thấp trên cơ sở sử dụng điện. Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 diễn ra vào khoảng những năm 1970 thông qua quá trình sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Những tiến bộ này đã làm thay đổi sâu rộng cách thức sản xuất, kinh doanh truyền thống. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0, diễn ra vào khoảng những năm 2010, được đặc trưng bởi tiến bộ công nghệ nhanh chóng thông qua việc tăng cường sử dụng truyền thông di động và sự kết nối trên cơ sở internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, rô bốt, phương tiện tự hành, điện toán lượng tử, nano và công nghệ sinh học.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là sự hội tụ của các lĩnh vực công nghệ hiện đại, bao gồm: công nghệ sinh học, IoT (Internet vạn vật), công nghệ nano, công nghệ kỹ thuật số (ADP), in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI),…
Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là sự hội tụ của các lĩnh vực công nghệ hiện đại, bao gồm: công nghệ sinh học, IoT (Internet vạn vật), công nghệ nano, công nghệ kỹ thuật số (ADP), in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI),…

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dẫn đến những thay đổi sâu rộng cách con người sống, suy nghĩ và hành động, cách con người liên hệ với nhau, và cách con người sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến nhiều cơ hội và thách thức, với những tác động trực tiếp và gián tiếp đến các lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, để đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Nghệ An, bên cạnh vốn kinh tế và vốn tự nhiên, thì vốn con người và vốn xã hội có vai trò vô cùng quan trọng.

Trong tiến trình phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt đối với phát triển kinh tế. Hiện nay, giá trị của hàng hóa, dịch vụ được làm ra trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế được quyết định phần lớn bởi hàm lượng khoa học, công nghệ kết tinh, ẩn chứa trong chính hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng với nhân lực chất lượng cao, biểu hiện cụ thể qua vốn con người với nghĩa là tinh thần và trí tuệ, kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm và sự thành thạo trong công việc của đội ngũ nguồn nhân lực, trở thành đầu vào quan trọng bậc nhất của quá trình sản xuất hiện đại. Đây chính là yếu tố quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của nền kinh tế quốc gia và địa phương.

Trên phương diện vốn con người, Nghệ An thực sự có tiềm năng to lớn. Từ xưa đến nay, Nghệ An được coi là “đất học”, vùng đất của địa linh nhân kiệt, vùng đất của văn chương khoa bảng, vùng đất mà sự học luôn được coi trọng, luôn được đặt lên hàng đầu trong các gia đình, trong các dòng họ, trong các làng xã và trong mỗi cá nhân. Với truyền thống như thế, Nghệ An luôn tạo ra nguồn nhân lực vượt trội, đáng tin cậy từ truyền thống cho đến hiện tại. Thực tế hiện nay, theo báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026 thì giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 312.586 lao động có việc làm sau đào tạo. Đặc biệt, Nghệ An đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đây chính là cơ sở quan trọng để tạo dựng vốn con người phục vụ phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Nghệ An hiện nay và trong thời gian tới.

Áp dụng công nghệ robot trong sản xuất gạch ngói tuynel ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Áp dụng công nghệ robot trong sản xuất gạch ngói tuynel ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng

Liên quan đến vốn xã hội – được hiểu là kết nối xã hội, mạng lưới xã hội, lòng tin, và quan hệ qua lại – trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, vốn xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nhiều chủ thể, từ quốc gia, khu vực, địa phương, cho đến doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân.

Vốn xã hội với các thành tố cụ thể là kết nối xã hội, mạng lưới xã hội, lòng tin, và quan hệ qua lại có thể thúc đẩy phát triển kinh tế trên nhiều phương diện khác nhau chẳng hạn như đa dạng hóa cơ hội đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, tạo ra cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập. Trong bối cảnh hiện nay, quá trình tăng trưởng kinh tế được quyết định bởi sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, thương mại điện tử xuyên quốc gia, và mạng lưới sản xuất toàn cầu với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ ở nhiều quốc gia khác nhau, liên kết chặt chẽ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau, cùng nhau tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối, bảo dưỡng, bảo hành hàng hóa, dịch vụ.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành rút ngắn khoảng cách từ thành phố Hà Nội đến Nghệ An; Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam đoạn qua dự án WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An được đầu tư đồng bộ; Nghệ An đang tập trung sớm hoàn thành đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An); Vị trí xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò. Ảnh: Thành Cường - Thành Duy - Phạm Bằng
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành rút ngắn khoảng cách từ thành phố Hà Nội đến Nghệ An; Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam đoạn qua dự án WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An được đầu tư đồng bộ; Nghệ An đang tập trung sớm hoàn thành đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An); Vị trí xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò. Ảnh: Thành Cường - Thành Duy - Phạm Bằng

Trong bối cảnh đó, kết nối xã hội, mạng lưới xã hội, lòng tin xã hội, và quan hệ qua lại giữa các chủ thể là nền tảng của hoạt động kinh tế, là yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế. Thiếu kết nối xã hội, mạng lưới xã hội, và quan hệ qua lại giữa các chủ thể trong nền kinh tế, hoạt động kinh tế khó có thể vận hành hiệu quả. Thiếu lòng tin giữa các chủ thể trong nền kinh tế, các giao dịch kinh tế khó có thể diễn ra hoặc đã diễn ra thì khó có thể duy trì một cách bền vững. Nói cách khác, vốn xã hội chính là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.

Trên thực tế, Nghệ An có tiềm năng vốn xã hội vô cùng to lớn. Nói đến quê hương Nghệ An, bên cạnh truyền thống hiếu học thì những phẩm chất nổi trội khác của người xứ Nghệ không thể không nhắc đến đó là thẳng thắn, trung thực, giàu tình cảm, chân thành trong quan hệ giao tiếp, ứng xử, và nhất là tinh thần cố kết cộng đồng cao. Đây chính là những đặc điểm quan trọng tạo nên vốn xã hội của quê hương xứ Nghệ từ truyền thống đến hiện đại. Trong bối cảnh hiện nay, vốn xã hội với các thành tố cụ thể bao gồm kết nối xã hội, mạng lưới xã hội, lòng tin, và quan hệ qua lại của người xứ Nghệ không chỉ giới hạn ở loại vốn xã hội co cụm vào bên trong, tức là vốn xã hội trong phạm vi của địa phương, mà còn được mở rộng ra qua loại vốn xã hội vươn ra bên ngoài, tức là vốn xã hội vượt ranh giới của Nghệ An và vượt biên giới quốc gia, vươn ra toàn cầu. Đây chính là tiềm năng to lớn cho quá trình phát triển kinh tế Nghệ An nhanh, bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An gặp mặt Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đầu năm 2024. Ảnh: Thành Duy
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An gặp mặt Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đầu năm 2024. Ảnh: Thành Duy

Phóng viên: Theo giáo sư, làm thế nào để phát huy vốn con người và vốn xã hội để thực hiện mục tiêu “Xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ” như Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã đề ra?

GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh: Như đã đề cập ở trên, Nghệ An thực sự có tiềm năng to lớn về vốn con người và vốn xã hội. Điều quan trọng là vốn xã hội và vốn con người của Nghệ An phải luôn được tạo dựng, duy trì và phát triển. Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã nhấn mạnh rằng muốn tạo dựng, duy trì, phát triển vốn con người và vốn xã hội thì phải có những chiến lược ngắn hạn và dài hạn phù hợp. Vì vậy, Nghệ An cần tiếp tục nhấn mạnh việc phát triển vốn con người là đột phá chiến lược trong chính sách phát triển của tỉnh. Từ chính sách đến thực tế tổ chức thực hiện chính sách phát triển của tỉnh, vốn con người phải được khẳng định là yếu tố quyết định quá trình đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh để bảo đảm Nghệ An phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Bên cạnh vốn con người, vốn xã hội cũng phải được đặc biệt coi trọng trong quá trình phát triển hiện nay và thời gian tới của Nghệ An. Tạo dựng, duy trì, phát triển vốn xã hội cần được coi là chính sách ưu tiên trong quá trình phát triển của Nghệ An. Việc phát triển vốn xã hội của Nghệ An không chỉ giới hạn ở vốn xã hội co cụm trong phạm vi Nghệ An mà cần đặc biệt chú trọng tạo dựng, duy trì, phát triển vốn xã hội vượt ra bên ngoài ranh giới của địa phương, biên giới quốc gia, vươn ra toàn cầu. Trên thực tế, người xứ Nghệ sinh sống, học tập làm việc, cống hiến ở khắp mọi miền Tổ quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là cơ sở quan trọng của việc tạo dựng, duy trì, phát triển vốn con người và vốn xã hội của Nghệ An.

Bên cạnh việc tạo dựng, duy trì, phát triển vốn con người và vốn xã hội, điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả hai loại nguồn lực này để phát triển kinh tế. Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới nhấn mạnh rằng trong những bối cảnh thuận lợi nhất định, vốn con người và vốn xã hội có thể chuyển đổi sang vốn kinh tế, hay khái quát hơn, vốn con người và vốn xã hội tạo nên nền tảng, yếu tố then chốt của quá trình phát triển kinh tế. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng đối với Nghệ An không chỉ là tạo dựng, duy trì, phát triển vốn con người, vốn xã hội mà còn là sử dụng vốn con người, vốn xã hội một cách hiệu quả để phát triển kinh tế. Điểm đáng lưu ý là các chính sách phù hợp, nhất là việc thực thi các chính sách hiệu quả để tạo dựng môi trường thuận lợi cho quá trình sử dụng vốn con người và vốn xã hội trong phát triển kinh tế cần được đặc biệt chú trọng.

Nói tóm lại, dưới một góc nhìn nhất định, trong bối cảnh phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, sự giàu có về mặt kinh tế phụ thuộc phần lớn vào sự giàu có về vốn con người và vốn xã hội. Vì vậy, chiến lược quan trọng là Nghệ An phải biến tiềm năng phát triển trên phương diện vốn con người và vốn xã hội thành động năng phát triển kinh tế, để nền kinh tế Nghệ An phát triển nhanh, bền vững nhằm đạt mục tiêu như Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã đề ra.

Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trên trục giao thông huyết mạch Bắc-Nam của cả nước. Ảnh: Nhật Thanh
Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trên trục giao thông huyết mạch Bắc-Nam của cả nước. Ảnh: Nhật Thanh

Phóng viên: Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình toàn cầu hóa hiện nay, xin giáo sư cho biết những điểm nào cần chú trọng trong quá trình xây dựng, phát huy văn hóa xứ Nghệ như Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định?

GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh: Nhiều người lo lắng rằng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình toàn cầu hóa đã và đang diễn ra sâu rộng hiện nay giống như cơn lũ quét qua quả địa cầu, làm xói mòn bản sắc văn hóa của các cộng đồng địa phương, và tạo nên xu hướng “đồng phục hóa” văn hóa. Thậm chí, nhiều người bi quan hơn còn lo rằng quá trình này có thể dẫn đến hậu quả Tây phương hóa các giá trị văn hóa, xâm lăng văn hóa phương Tây đối với các quốc gia khác trên toàn thế giới. Ở một thái cực khác, nhiều ý kiến lại nhận định Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình toàn cầu hóa không thể làm biến đổi bản sắc văn hóa của các cộng đồng địa phương bởi vì mỗi cộng đồng đều có những cơ chế nội sinh để tự bảo tồn bản sắc văn hóa của mình. Ở giữa hai thái cực này, quan điểm trung dung nhận định rằng văn hóa của các cộng đồng địa phương vừa được bảo tồn vừa có biến đổi nhất định trong trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

Đội văn nghệ bản Cằng, xã Môn Sơn (Con Cuông) vui múa sạp trong ngày hội. Ảnh: Công Kiên
Đội văn nghệ bản Cằng, xã Môn Sơn (Con Cuông) vui múa sạp trong ngày hội. Ảnh: Công Kiên

Dưới một góc nhìn nhất định, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình toàn cầu hóa đã, đang và sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa các địa phương nói chung, trong đó có văn hóa xứ Nghệ. Tuy nhiên, nhiều giá trị riêng, nổi trội tạo nên bản sắc vùng văn hóa xứ Nghệ sẽ tiếp tục được khẳng định, giữ gìn, lan tỏa trong tiến trình phát triển hiện nay và tương lai. Mảnh đất và con người xứ Nghệ với phẩm chất, trí tuệ, năng lực sáng tạo luôn tạo dựng được sức mạnh nội sinh để xây dựng, phát huy, lan tỏa bản sắc văn hóa của mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình toàn cầu hóa hiện nay, bản sắc văn hóa không nên hiểu một cách máy móc là những đặc điểm “nhất thành bất biến”. Bản sắc văn hóa của xứ Nghệ sẽ không mất đi hay bị xói mòn mà sẽ có những thay đổi, biến đổi qua cơ chế địa phương hóa, cơ chế lai tạo để tiếp thu những giá trị, những thành tố văn hóa tiến bộ trong bối cảnh của sự luân chuyển các dòng vốn, dòng hàng hóa, dòng dịch vụ, dòng nhân lực, dòng thông tin, hình ảnh,… một cách phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: Đ.A
Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: Đ.A

Vì vậy, điều quan trọng là cơ chế, chính sách phát triển của Nghệ An hiện nay và trong thời gian tới cần chú trọng tạo điều kiện cho việc tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc đã được tích lũy ngàn đời nay của xứ Nghệ, đi liền với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại mới, thời đại của cách mạng công nhiệp lần thứ 4 và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng hiện nay. Vì thế, văn hóa xứ Nghệ không chỉ dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống vốn có mà cần tiếp thu giá trị văn hóa của thời đại để tạo nên những đặc trưng nổi trội của mảnh đất và con người xứ Nghệ. Thêm nữa, cơ chế, chính sách phát triển của Nghệ An cần đặc biệt chú trọng văn hóa xứ Nghệ, phải luôn coi đây là nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện quê hương Nghệ An.

Văn hóa xứ Nghệ không chỉ là nền tảng tinh thần của con người xứ Nghệ, mà còn là cơ sở vững chắc để phát triển nhanh công nghiệp văn hóa của tỉnh Nghệ An trong các lĩnh vực cụ thể như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh, quảng cáo, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, phát thanh và truyền hình… trên cơ sở định hướng của “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Điều quan trọng là cần đặc biệt lưu ý việc tạo dựng, duy trì, sử dụng hiệu quả vốn con người và vốn xã hội để phát triển nhanh, bền vững công nghiệp văn hóa ở Nghệ An.

P.V: Trân trọng cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi!