Chúng tôi gặp Trần Quốc Trường (24 tuổi, quê ở huyện Yên Thành) trong chương trình “Ngày hội việc làm” tổ chức vào tháng 8/2022 tại Đại học Y Hà Nội. Trường vừa tốt nghiệp loại khá ngành y đa khoa – Trường Đại học Y Hà Nội. Trường kể, để thi đậu vào trường y vốn đã rất khó, bởi điểm đầu vào các trường này thường nằm nhóm đầu. Vào đây, phần lớn là các thủ khoa, á khoa kỳ thi tốt nghiệp cấp THPT. Thế nhưng, sau khi đã vào được đại học thì lúc này việc học tập thực sự là một thử thách lớn, suốt 6 năm trời dường như chỉ biết có học và thi.
Một ngày của Trần Quốc Trường cũng như các sinh viên khác quẩn quanh ở các ca học tại giảng đường và tự học tại giảng đường, thư viện hay ghế đá trong khuôn viên nhà trường, ký túc xá. Khối lượng kiến thức quá nhiều, học cả lý thuyết lẫn thực hành nên những sinh viên ngành bác sĩ đa khoa như Trường có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Những ca học nối tiếp nhau nên đến bữa ăn trưa, tối cũng là tranh thủ, nhiều khi cả ngày chỉ kịp ăn vội bát mì tôm hay chiếc bánh mì rồi lao vào học tiếp.
“Mỗi năm học đều có những khó khăn riêng. Trong năm đầu, các sinh viên học những môn cơ sở như hóa, lý, sinh, giải phẫu. Cũng là những môn học hóa, lý, sinh nhưng kiến thức ở đây gấp khoảng 5 lần thời cấp 3 cộng lại. Cũng trong năm này, sinh viên được học môn giải phẫu người, bắt buộc tiếp xúc trực tiếp với tử thi. Đó là cú sốc tâm lý lớn. Bước vào học kỳ 2 của năm 3, sinh viên phải học về lâm sàng, rồi sau đó là bệnh lý… kiến thức quá mênh mông nên rất áp lực. Giáo trình của sinh viên ngành Y thường tính bằng cân thay vì quyển”, Trường chia sẻ.
6 năm “mài ghế” trường y nhưng con đường học tập của anh Trần Quốc Trường chưa dừng lại. Trước khi đến với chương trình “Ngày hội việc làm” để “thử xem”, Trường vừa hoàn thành kỳ thi bác sĩ nội trú. Ở thời điểm này, Trường đã thi đậu và anh sẽ tiếp tục con đường học tập của mình thêm 3 năm, sau đó mới về làm việc tại một cơ sở y tế nào đó.
Thực ra 9 năm học tập của Trường chỉ là 2 bước ngắn trong nhiều bước đi trong hành trình học tập suốt đời của một người hành nghề y. Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh kể: “Tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa ở Đại học Y Thái Bình từ năm 2001, về làm việc ở TP Vinh một thời gian ngắn, tôi lại phải tiếp tục đi học. Đầu tiên là mất gần 1 năm để học chuyên khoa định hướng. Đến năm 2005, tôi lại phải tiếp tục dành 2 năm nữa để học chuyên khoa I. Đến năm 2010, tôi lại học thêm bác sĩ chuyên khoa II. Trong thời gian hành nghề, tôi lại phải không ngừng học tập chuyên môn mới, như mất thêm gần 1 năm để học chuyên sâu niệu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, tôi lại đang tiếp tục học lên tiến sĩ”… Trong 21 năm kể từ ngày tốt nghiệp đại học, bác sĩ Trường đã phải tạm nghỉ việc, xa nhà hơn 7 năm để học và ôn thi tập trung; chưa kể thời gian tranh thủ tự học, tự nghiên cứu, vừa học vừa làm.
Tương tự, bác sĩ Trần Văn Cương – Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay, cứ làm việc được khoảng 2 năm, ông lại phải tiếp tục đi học để cập nhật kiến thức. Sau hơn 20 năm tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, ông có khoảng 50 cái văn bằng, chứng chỉ các loại, trong đó có cả những chứng chỉ ngoại ngữ từ tiếng Anh đến tiếng Pháp. “Hiện việc học của bản thân vẫn chưa dừng lại, rảnh lúc nào tôi lại vào các trang mạng về ngành Y tìm hiểu thêm kiến thức ngành Y, xem các loại bệnh vừa tiếp nhận trên thế giới đã có cách chữa nào tốt hơn chưa… Kiến thức trong ngành Y là vô tận và không ngừng thay đổi. Người thầy thuốc phải chấp nhận mình là sinh viên suốt đời”, bác sĩ Cương nói.
Học tập vất vả, liên tục chỉ là một phần khó khăn của người thầy thuốc. Trong quá trình hành nghề của họ, những gian nan, nhọc nhằn và sự hy sinh, thiệt thòi luôn đồng hành.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chia sẻ, trong lịch sử, do nhiều nguyên nhân mà đã có những quãng thời gian, bác sĩ ra trường không xin được việc làm. Nhiều người đã phải làm trình dược viên, chạy xe ôm, buôn bán… để tồn tại; làm không công tại cơ sở khám chữa bệnh chờ cơ hội để có việc làm. Tuy nhiên, giai đoạn đó đã qua rồi. Bây giờ, số cơ sở khám chữa bệnh mở ra rất nhiều, bác sĩ sau khi ra trường không thiếu cơ hội việc làm, không còn nỗi lo mất việc.
Tuy vậy, khi bước vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, bác sĩ mới ra trường gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi do cơ chế chính sách. Ví dụ như mức lương cơ bản của bác sĩ (đào tạo 6 năm) cũng tương đương với những ngành nghề khác (đào tạo 4 năm). Sự chênh lệch 2 năm công tác đó tương đương với 1 bậc lương… Ở nhiều ngành nghề, người học sau 4 năm thì có thể hành nghề ngay, riêng với nghề y thì 6 năm học chỉ là cơ bản. Với các bác sĩ đa khoa cần phải học thêm định hướng chuyên khoa, phải có đủ thời gian thực hành theo quy định để cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu như thuận lợi, một bác sĩ phải mất thêm gần 3 năm nữa mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Yêu cầu của xã hội đối với ngành Y là rất cao, thế nhưng chế độ, phụ cấp của một bác sĩ dường như đã không đảm bảo nhu cầu của cuộc sống. Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương hàng tháng chỉ vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng. Trong khi đó, quá trình công tác, bác sĩ nói riêng và cán bộ y tế nói chung phải thực hiện trực ca, hoặc kéo dài thời gian làm việc ngoài giờ như khám, cấp cứu. Làm ngoài giờ đã là một việc đương nhiên, rất thường xuyên đối với cán bộ y tế.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa 115 nói rằng, làm nghề y, thời gian rảnh rỗi dành cho gia đình là một điều xa xỉ. “Bác sĩ chúng tôi khi nào hết việc thì mới được nghỉ. Rất nhiều tuần liền, bản thân không hề được gặp mặt con cái vì thường phải “đi sớm, về muộn”, chưa kể nhiều tháng liền xa gia đình đi học thêm”, bác sĩ Dũng nói.
Ở các cơ sở y tế công lập, việc tính tiền lương ngoài giờ hầu như chưa có đơn vị nào làm được, trừ việc có tổ chức và bố trí làm ngoài giờ chính thống ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Việc tính tiền lương làm ngoài giờ cũng chỉ hầu như “cho có”. Phụ cấp trực, làm ngoài giờ, độc hại thì so với hệ số lương, mặt bằng chung cũng là thấp. Chỉ có những bác sĩ có chuyên môn vững, làm lâu năm, có thể triển khai kỹ thuật chuyên sâu thì có thêm phụ cấp phẫu thuật nhưng cộng lại cũng không đáng là bao… Vậy nên mới có hiện tượng bác sĩ “tay ngoài dài hơn tay trong”, “dồn ngày nghỉ, giờ nghỉ để đi làm thuê cho các cơ sở ngoài công lập”.
Trong 3 năm trở lại đây, dịch Covid-19 hoành hành. Đây chính là quãng thời gian mà các cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài, không có ngày nghỉ và không có giờ giấc. Như trường hợp tiến sĩ, bác sĩ Quế Anh Trâm, công tác tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh) thì số ngày được về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả thời điểm, bố đẻ bị bệnh hiểm nghèo, ông cũng không thể cận kề ở bên chăm sóc trong lúc cụ lâm chung.
Sau dịch Covid-19, những sai phạm, tiêu cực không hay của ngành Y tế nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế công lập được phát hiện, điều này cũng đã gây những áp lực, tổn thương đến cán bộ, viên chức y tế.
“Cán bộ, viên chức y tế không ngại việc phải đối mặt thường xuyên với rủi ro, bệnh tật. Nhưng đáng buồn là đâu đó cán bộ, viên chức y tế đang chịu áp lực của xã hội, áp lực của dư luận quá nhiều. Bây giờ, yêu cầu của xã hội đang đòi hỏi cán bộ, viên chức y tế phải một lúc vừa nhanh, vừa trúng, vừa đúng. Những cán bộ nào chịu được áp lực, quen rồi thì đứng vững. Những người không chịu được thì họ suy nghĩ, tâm tư, có sự lựa chọn khác như nghỉ việc, chuyển sang cơ sở ngoài công lập. Đó là điều khó tránh khỏi”, bác sĩ Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế nói.