P.V: Thưa ông, Nghệ An đang là một điểm đến được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và hiện đã và đang có khá nhiều dự án đang đầu tư tại Nghệ An. Ông hãy chia sẻ về những triển vọng hiện nay của Nghệ An?
Ông Lê Tiến Trị: Nghệ An là địa bàn động lực phát triển kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ, là địa phương có hạ tầng ngày càng hoàn thiện, có nguồn nhân lực dồi dào. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 95 dự án FDI từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư với tổng số vốn trên 1.430 triệu USD.
Tại Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Nghệ An, tính đến ngày 11/06/2021 đã thu hút được 253 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 69.857 tỷ đồng. Trong đó, có 48 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,09 tỷ USD. Một số dự án sản xuất điện tử có quy mô lớn như: Tập đoàn Luxshare (140 triệu USD); Tập đoàn Goertek (100 USD); Tập đoàn Everwin (200 USD)…
Hiện nay, Ban Quản lý đang tập trung thu hút dự án sản xuất và lắp ráp vỏ máy tính của Tập đoàn Ju Teng Đài Loan (200 triệu USD); Dự án sản xuất điện tử của Tập đoàn BYD (300 USD).
Phải khẳng định, trong bối cảnh hiện nay dù đang trong thời điểm dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp nhưng việc có nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang tiếp tục đầu tư vào Nghệ An là một tín hiệu tích cực, rất đáng mừng. Điều đó cũng cho thấy Nghệ An là một điểm đến tin cậy và rất có tiềm năng.
P.V: Trước đây, người lao động Nghệ An vẫn có xu hướng chuyển dịch vào Nam và trong hơn 5 năm trở lại đây thì tập trung nhiều ở các khu công nghiệp phía Bắc. Tuy nhiên, hiện nay, tôi lại thấy lao động Nghệ An đang chuyển dịch nhiều về các khu công nghiệp trong tỉnh. Ông có thể lý giải về điều này?
Ông Lê Tiến Trị: Việc chuyển dịch lao động giữa các địa phương là một quy luật tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Nghệ An đã tạo việc làm cho 4.846 lao động, tăng nhiều hơn cả giai đoạn 2015-2019 (giai đoạn 2015-2019 trong Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An chỉ tăng 3.238 lao động). Còn trong 5 tháng đầu năm 2021, Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Nghệ An đã tạo việc làm cho 4.596 lao động, gần bằng mức tăng trong cả năm 2020.
Với việc ngày càng có nhiều lao động tìm đến các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy, rõ ràng người lao động đang có xu hướng dịch chuyển rõ rệt. Thay vì tìm đến những khu công nghiệp ở các thành phố lớn thì người lao động Nghệ An có thể an tâm “an cư lạc nghiệp” tại quê nhà. Trên thực tế, chúng ta cũng thấy rằng, điều này là hợp lý vì so với công nhân làm việc ngoại tỉnh thì công nhân đang làm việc trong tỉnh có nhiều ưu thế và thuận lợi hơn.
Cụ thể, thứ nhất, công nhân làm việc trong tỉnh việc đi lại thuận lợi hơn nhiều, đặc biệt là các dịp lễ, tết. Trước đây chúng ta cũng thấy, công nhân và gia đình làm việc ở tỉnh khác về quê đón tết, nghỉ lễ rất vất vả, mất nhiều thời gian và tốn kém. Thậm chí, có công nhân làm việc cả năm cũng chỉ đủ tiền về quê đón tết, khả năng tích lũy thấp. Nhiều gia đình công nhân không về quê để đón tết được hoặc 3 – 5 năm mới về quê đón tết một lần. Khi cha mẹ, người thân ốm đau, bệnh tật khó có điều kiện để thăm hỏi, chăm sóc đối với người lao động ở xa nhà.
Thứ hai, giá thuê nhà trọ tại các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp đắt đỏ, trong khi đó thu nhập công nhân còn thấp cho nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trong khi đó, đối với công nhân làm việc lân cận các khu công nghiệp như VSIP Nghệ An, WHA, Nam Cấm… với khoảng cách trên dưới 20 km có thể đi về, thuận lợi hơn rất nhiều so với làm việc ở tỉnh khác.
Thứ ba, chúng ta cũng thấy, những lao động làm việc ở các tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh việc chăm sóc con cái gặp rất nhiều khó khăn và rất nhiều lao động phải gửi con về quê cho ông, bà chăm sóc. Hiện tại, nếu làm việc gần nhà, họ có thời gian chăm sóc con cái, có nhà cửa ổn định và chi phí sinh hoạt, chi phí học tập cũng sẽ bớt đắt đỏ.
P.V: Như ông đã chia sẻ ở nhiều diễn đàn, thị trường lao động và chất lượng lao động là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp khi tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nghệ An là tỉnh có dân số đông, nguồn lao động dồi dào nhưng trên thực tế chất lượng lao động lại chưa cao, theo ông là vì sao?
Ông Lê Tiến Trị: Sự dịch chuyển mô hình sản xuất, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu lao động thay đổi. Trong khi các ngành, nghề đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đào tạo theo năng lực hiện có. Điều này khiến cho chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Trình độ tay nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong công nghiệp của người lao động vẫn còn hạn chế; còn có sự chênh lệch giữa các vùng, miền, địa bàn và các lĩnh vực.
P.V: Dòng vốn FDI trong thời gian qua đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động. Tuy vậy, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp lao động nước ngoài sang đầu tư cũng sẽ dẫn tới một thực tế là sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành sử dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh. Trong bối cảnh trên, theo ông người lao động Nghệ An cần phải có sự chuẩn bị như thế nào để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và không bị bỏ rơi trong xu thế chuyển dịch hiện nay? Bên cạnh đó, Nghệ An phải có sự chuẩn bị như thế nào để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng rất lớn của các doanh nghiệp trong thời gian tới?
Ông Lê Tiến Trị: Hiện nay, trong Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An đã có 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động và tạo việc làm cho 16.900 lao động, chiếm 60% tổng số lao động. Trong đó, 2 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử sử dụng nhiều lao động là: Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An (Trung Quốc) tạo việc làm cho gần 5.000 lao động; Công ty Điện tử BSE (Hàn Quốc) tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Trong thời gian tới, khi các dự án đầu tư có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động như: Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Goertek Vina; Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam; Dự án Nhà máy sản xuất và lắp ráp vỏ máy tính của Tập đoàn Ju Teng (Đài Loan) đi vào hoạt động thì dự báo nhu cầu sử dụng lao động trong KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030, ước khoảng 130.000 lao động.
Để đón đầu cơ hội này, vấn đề đặt ra với Nghệ An là phải chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp và trình độ ngoại ngữ phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Để làm được điều này, theo tôi chúng ta cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo; tăng ngành nghề trong lĩnh vực điện tử; nâng cao năng lực Ngoại ngữ, Tin học; gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động nói chung và các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An nói riêng.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Tăng cường liên kết, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác rà soát nhu cầu thị trường sử dụng lao động và nhu cầu học nghề của người lao động cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động theo từng thời kỳ; Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động để cập nhật, cung cấp kịp thời, dự báo nhu cầu sử dụng lao động theo ngành nghề, cấp trình độ đào tạo.
Thứ ba, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo; Hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy học và thực hành kỹ năng nghề. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân; hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo để đón được dòng chuyển dịch lao động có kỹ năng, kinh nghiệm từ các thành phố lớn và trung tâm công nghiệp lớn trên cả nước trở về làm việc và làm giàu cho quê hương.
P.V: Dịch Covid – 19 có thể nói tác động đến tất cả các lĩnh vực nhưng làn sóng Covid – 19 lần thứ 4 ở Việt Nam lại đang tác động trực tiếp đến người lao động và các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp. Vậy theo ông, tình hình dịch dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến các khu công nghiệp ở Nghệ An như thế nào và với vai trò là đơn vị quản lý các ông có những giải pháp nào để kiểm soát dịch bệnh, để người lao động ở các khu công nghiệp yên tâm làm việc?
Ông Lê Tiến Trị: Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp. Bởi vì, song song với việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tài chính trong quá trình phòng, chống dịch. Nếu có dịch bệnh xảy ra tại doanh nghiệp thì tổn thất không thể tính hết được.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước đối với Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Nghệ An, chúng tôi thực sự rất lo lắng và tìm nhiều giải pháp để phòng, chống dịch Covid-19 trong KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An. Trong đó, đã chỉ đạo triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành về phòng, chống dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp; tổ chức tập huấn, kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp.
Hiện chúng tôi cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trong Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp; thành lập hệ thống thông tin liên lạc và phản ứng nhanh giữa cán bộ đầu mối của từng công ty với các cơ quan chức năng có liên quan. Ngành cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, nhất là Sở Y tế, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 UBND các huyện… trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cũng như khi có dịch bệnh xảy ra.
Hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã và đang được thực hiện rất khẩn trương và đúng quy trình. Tuy nhiên, để phòng bệnh hiệu quả thì cần phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, ý thức của người lao động và sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội.
P.V: Xin cảm ơn ông!