Việc làm cho lao động hồi hương – Bài 1: Nỗi lo sau ngày trở về

Cho đến thời điểm này, vợ chồng chị Thái Thị Tuyền, Phạm Văn Sơn (xóm làng Nghề, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành) đã trở về nhà được hơn 4 tháng kể từ khi các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh bùng phát lại dịch. Chuyến trở về của cả hai so với nhiều lao động khác là sớm nhưng nằm trong dự kiến của hai vợ chồng bởi từ khi bắt đầu có dịch Covid-19 công việc của cả hai đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến lúc này, dù cố tỏ ra lạc quan nhưng với thu nhập ngày càng giảm cộng với một loạt chi phí từ tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền trọ và cả tiền điều trị hiếm muộn hai vợ chồng đã quyết định về quê.

Ở tuổi 30, anh Sơn tự nhận mình là một người có khá nhiều kinh nghiệm bởi từ năm 20 tuổi anh đã lăn lộn vào Nam làm đủ công việc để kiếm sống. Trải qua nhiều thăng trầm nhưng với anh Sơn có lẽ chưa khi nào khó khăn như thời điểm này bởi hiện tại dù ra Bắc hay vào Nam thì những người lao động tự do đều khó có cơ hội kiếm việc làm. Ngay cả khi về quê, dù muốn tìm một công việc để có thể định cư lại quê nhà thì cũng không dễ dàng bởi xã Lăng Thành vốn thuần nông, cuộc sống của người dân lâu nay chỉ quẩn quanh nơi cây lúa… “Tôi đang tìm hiểu một số nhà máy ở Yên Thành, Diễn Châu và ở các khu công nghiệp quanh thành phố Vinh. Nếu về kinh nghiệm, tôi tin rằng mình có thể làm tốt vì công ty tôi làm trước đây hiện cũng có cơ sở ở Khu công nghiệp VSIP. Tuy nhiên, nếu chọn làm việc ở tỉnh nhà thì mình cũng có những băn khoăn bởi mức lương tối thiểu vùng ở Nghệ An thấp hơn những địa phương khác, mức chi trả các phụ cấp khác cũng thấp hơn. Trong khi đó, dù ở đâu chúng tôi cũng phải thuê trọ, cũng phải sống xa nhà và sinh hoạt phí thì không thay đổi nhiều”, anh Sơn chia sẻ.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội và đã trải qua hàng chục công việc ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai nhưng cuối cùng anh Nguyễn Hồ Ngọ (xã Lăng Thành, huyện Yên Thành) cũng đã quyết định “tháo chạy” về quê trong ngày cuối cùng Chính phủ yêu cầu công dân và người lao động “ai ở đâu ở yên đó”. Chuyến trở về bằng xe máy dài hơn 1000km và kéo dài hơn 3 ngày dẫu vất vả, khó khăn nhưng cho đến thời điểm này anh Ngọ vẫn tin rằng quyết định của mình là đúng và điều hạnh phúc nhất là được an toàn ở quê nhà. Tuy nhiên, khi nói về công việc thì anh Ngọ lại trầm ngâm bởi đến nay sau khi hết thời hạn phải cách ly anh Ngọ vẫn chưa định hướng mình sẽ làm gì và làm như thế nào. Trong khi đó, trước khi về quê toàn bộ vốn liếng, tích góp sau nhiều năm vào Nam gần như đã mất trắng: Tôi đã trải qua rất nhiều nghề từ công nhân, buôn bán bất động sản, làm Youtube, diễn viên và nghề cuối cùng ở Đồng Nai là xây dựng. Khi dịch bệnh bùng phát, mấy công trình đang thi công dang dở đều phải hoãn lại nên công nhân không có việc. Sau đó, người chủ thầu và gia đình cũng trở thành F0 thì mọi liên lạc với lao động cũng gần như cắt đứt. Chúng tôi về mà chưa nhận được lương”.

Dù khẳng định sẽ không trở lại miền Nam một lần nữa nhưng anh Ngọ cũng thừa nhận khó khăn nhất hiện nay với anh đó là chưa tiếp cận được các thông tin về việc làm ở Nghệ An. Còn để khởi nghiệp thì cũng không dễ dàng, nhất là trong việc vay vốn và tiếp cận các cơ chế chính sách…

Trở về quê cũng là con đường mà vợ chồng anh Lầu Bá Giờ và 5 gia đình khác ở huyện Kỳ Sơn đã lựa chọn sau hơn 2 tháng thất nghiệp. Trước đó, từ tháng 4, vì không có việc làm nên nhóm 10 người này đã quyết định vào Bình Phước xin làm công nhân cạo mủ với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Công việc dù khá vất vả nhưng khi đó ai cũng khá hài lòng vì so với làm nông ở quê thì còn có tiền để tích cóp. Thế nhưng, làm được hơn 2 tháng thì dịch bùng phát ở Bình Dương và sau đó lan sang Bình Phước, mọi công việc bị gián đoạn. Gần 2 tháng nằm ở nhà, không có lương cả nhóm đã quyết định về quê bằng xe máy nhưng cuối cùng không thực hiện được vì bị giữ lại ở chốt kiểm dịch. Cuối tháng 9, thấy tình hình dịch đã tạm ổn, cả nhóm lại rủ nhau đi xe máy về quê. Chặng đường gian nan bởi trong đoàn có một gia đình có một em nhỏ chỉ mới sinh được 7 ngày… Hiện tại, khi đang ở trong khu cách ly tập trung, các gia đình nhỏ này đã có thể yên tâm vì về đến quê an toàn. Tuy vậy, về nhà rồi làm cái gì để sinh sống thì vẫn là câu hỏi khó.

Ở tuổi gần 40, anh Cao Văn Cường ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) mới quyết định vào Nam sau khi được một người trong xã rủ đi làm thợ xây cho một công trình ở sân bay Sài Gòn với mức lương là 500.000 đồng/ngày. Chuyến đi của anh có thêm cậu con trai đã gần 18 tuổi xin vào làm phụ hồ tranh thủ những ngày nghỉ hè… Trước khi vào Nam, anh Cường cũng hy vọng với mức thu nhập khá, vợ chồng anh sẽ có thêm nguồn thu nhập để tích cóp cho con năm sau vào đại học. Nhưng, dịch bệnh bùng phát ở thành phố Hồ Chí Minh từ cuối tháng 4 khiến mọi ý định đều dang dở. Hiện tại, dù may mắn cả hai bố con đã được về nhà an toàn nhưng anh Cường vẫn dự định khi nào dịch ổn định sẽ trở vào Nam vì ở nhà khó kiếm việc làm, không ổn định.

Trong năm nay, toàn xã Diễn Trung có hơn 1000 công dân trở về từ các vùng có dịch và trong đó có khoảng 500 người trong độ tuổi lao động. Trong số này, hiện đã có một vài người sau thời hạn hết cách ly đã xin vào làm việc được tại Khu Công nghiệp Nam Cấm. Còn lại, đều đang ở nhà và vẫn đang khá mơ hồ về tương lai. Chị Cao Thị Hiền – Cán bộ chính sách của xã Nam Trung cho biết: “Khi lao động về quê thì nguyện vọng lớn nhất là được làm việc gần nhà, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên hiện tại, xã chúng tôi là xã thuần nông nên để kiếm được việc làm tại chỗ là rất khó khăn. Các công việc khác như dịch vụ, kinh doanh cũng không dễ dàng vì quy mô xã nhỏ và nhu cầu của người dân cũng không lớn”.

Đến thời điểm này, toàn huyện Diễn Châu có gần 9000 công dân trở về từ vùng dịch, trong đó có hơn 6300 công dân đang ở tuổi lao động. Qua khảo sát của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, trong số những lao động trở về có khoảng hơn 2000 là lao động có hợp đồng lao động, còn lại là lao động tự do. Tương ứng với đó có khoảng 2000 người là lao động có trình độ (đại học, cao đẳng, sơ cấp, trung cấp). Còn lại là lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc công nhân kỹ thuật không có bằng nghề… Trước đó, qua khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, hiện nay có 6 đơn vị đang tuyển dụng khoảng 2400 lao động, chủ yếu là công nhân may mặc xuất khẩu và dày da xuất khẩu. Nhưng, không phải là lao động nào cũng phù hợp với công việc này.

Cũng như huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành dự kiến sẽ có kế hoạch dài hơi thực hiện giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 8400 lao động trở về từ các tỉnh phía Nam và phía Bắc trong đợt dịch vừa qua. Tuy nhiên, theo khảo sát ban đầu của huyện nhiều lao động chưa mặn mà với phương án chọn việc làm tại địa phương do việc gần nhà thì không phù hợp, thu nhập thấp, việc xa nhà nhưng vẫn ở trong tỉnh thì phải mất chi phí thuê nhà, xăng xe và thu nhập không thể bằng các địa bàn phía Bắc và phía Nam.

Thống kê của ngành chức năng, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát (cuối tháng 4/2021) tới nay, đã có hơn 80.000 người Nghệ An làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành có dịch trở về quê. Trong đó, gần 20.000 người trong độ tuổi lao động bị mất việc, giãn việc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hiện, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, đã có gần 10.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp qua Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An với trên 140 tỷ đồng. Số thất nghiệp tăng lên đáng kể, số lao động bị mất việc làm, ngừng việc, giãn việc do dịch Covid-19 cao hơn các năm trước rất nhiều và điều này là nằm trong dự đoán.