Để miền Tây là điểm đến hấp dẫn và độc đáo

Là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Khu BTTN Pù Hoạt, Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các sinh cảnh, không chỉ bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học phong phú, mà còn có những cảnh quan đẹp và hấp dẫn, tạo đà cho phát triển du lịch bền vững, trở thành điểm đến độc đáo ở Việt Nam.

Những năm gần đây, Con Cuông được biết đến với những cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguyên sơ như thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, đập Phà Lài, du thuyền sông Giăng hay khám phá rừng nguyên sinh với hệ thống động – thực vật phong phú của Vườn Quốc gia Pù Mát. Nằm ở sườn phía Đông của dãy Trường Sơn và trải dài trên địa bàn 3  huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương, vườn Vườn Quốc gia Pù Mát có diện tích tự nhiên lên tới 194.000ha, trong đó đỉnh Pù Mát cao gần 2.000m sừng sững, nổi bật giữa núi rừng.

Những ngày nắng gắt, đến với Con Cuông, du khách sẽ được hoà mình trong dòng nước mát lạnh đổ mạnh từ trên cao qua ba bậc, tung bọt trắng xóa, như dải lụa trắng buông dài trên nền xanh thắm rừng nguyên sinh của thác Khe Kèm. Nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, thác đổ xuống từ độ cao hơn 500m, độ dốc khoảng 800m. Cách đó không xa là đập Phà Lài, theo tiếng Thái nghĩa là lèn hoa. Như tên gọi, trên những vách núi đá chênh vênh lơ lửng vô vàn các loài cây dây leo với đủ loại hoa, đủ sắc màu rực rỡ. Ngồi trên thuyền máy, xuôi ngược trên dòng sông Giăng với hai bên bờ là những dãy núi đá cao vút, rừng cây cổ thụ cũng là một cái thú không cưỡng nổi khi đến với Vườn quốc gia Pù Mát…

Du lịch bằng xuồng máy trên thượng nguồn sông Giăng tại đập Phà Lài (Con Cuông). Ảnh: Lê Quang Dũng
Du lịch bằng xuồng máy trên thượng nguồn sông Giăng tại đập Phà Lài (Con Cuông). Ảnh: Lê Quang Dũng

Những năm qua, trân trọng những ưu đãi từ thiên nhiên, huyện Con Cuông đã tập trung phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, cộng đồng, khai thác những điểm đến hấp dẫn và bản sắc độc đáo của nền văn hoá Thái.

Những danh lam thắng cảnh như Thác Kèm, Du thuyền sông Giăng – khe Khặng, khe Nước Mọc, thác Nàng Màn… đều là những điểm đến được ưa chuộng, đặc biệt vào mùa hè. Để tạo sự đa dạng trong phát triển du lịch, huyện cũng tập trung xây dựng, khai thác các điểm du lịch cộng đồng, với 4 bản đã được gắn biển là bản Nưa, bản Khe Rạn, bản Xiềng và bản Yên Thành.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện có hơn 3.000 người Đan Lai, vốn chỉ sinh sống duy nhất tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, với những tập quán sinh hoạt cổ  độc đáo, không giống các dân tộc thiểu số khác như tục ngủ ngồi, là điểm đến cực kỳ hấp dẫn cho những du khách ham tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hoá truyền thống.

Con Cuông cũng xây dựng điểm du lịch trải nghiệm hái cam tại vườn cam bản Pha, xã Yên Khê, phối hợp dự án “Đa dạng hóa sinh kế du lịch dựa vào các làng nông lâm ngư nghiệp” do JICA hỗ trợ sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cam như rượu men cam, hương cam, tinh dầu cam, mứt cam, xà phòng cam…, được khách du lịch ưa chuộng.

Phát triển du lịch theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và văn hóa, bảo vệ môi trường và các dịch vụ hệ sinh thái, được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương, cũng như góp phần bảo tồn thiên nhiên xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Đây là vùng bảo tồn thiên nhiên còn giữ được vẻ hoang sơ, nguyên sinh, thảm thực vật phong phú, đa dạng và nhiều loại động vật quý hiếm, những cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, nhiều hang động, thác nước đẹp hấp dẫn khách du lịch như thác Kèm, thác Xao Va, hang Thắm Nàng Màn, thác 7 tầng, Hang Bua, Thẳm Chạng, thác Mưa… Cùng với thiên nhiên hoang sơ và đẹp, miền Tây Nghệ An cũng có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như di tích thành Trà Lân, cây đa Cồn Chùa, hang Bua, hang Thẩm Ồm, hang Thẩm Chạng, đền Chín Gian…

Ảnh: Duy Ngoãn
Ảnh: Duy Ngoãn

Đặc biệt, 5 dân tộc thiểu số Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu với những nét văn hóa riêng, trong đó dân tộc Khơ Mú là dân tộc chỉ duy nhất có ở Nghệ An đã tạo nên không gian văn hóa đặc sắc, đa dạng. Đến với quần thể thiên nhiên rộng lớn này, du khách được hoà mình trong nền văn hóa cộng đồng độc đáo, tham quan hệ sinh thái làng, bản xen lẫn các suối nước, ruộng bậc thang của người Thái, người Đan Lai ở các huyện Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong; tìm hiểu về thế giới động, thực vật đa dạng, các sản phẩm bản địa như các bài thuốc quý, hàng thủ công mỹ nghệ với nguyên liệu từ tự nhiên như thổ cẩm, hàng đan lát thủ công…, các sản vật đặc thù cam, chanh leo, thảo đậu khấu…

Từ năm 2007, sau khi được công nhận là Khu SQTG, hoạt động du lịch tại Khu DTSQ miền Tây Nghệ An đã có những bước phát triển rõ nét, góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương, nhất là tại các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp… Nhiều điểm du lịch cộng đồng như: Bản Khe Rạn, bản Nưa, bản Xiềng (Con Cuông); bản Hoa Tiến (Quỳ Châu); hay thác Khe Kèm, Sao Va… đã tạo nên sức hấp dẫn không chỉ cho du khách trong tỉnh mà còn từ nhiều tỉnh khác.

Hoạt động du lịch tại miền Tây Nghệ An đã có những bước phát triển rõ nét tạo nên sức hấp dẫn không chỉ cho du khách trong tỉnh mà còn từ nhiều tỉnh khác. Ảnh: Lan Phương
Hoạt động du lịch tại miền Tây Nghệ An đã có những bước phát triển rõ nét tạo nên sức hấp dẫn không chỉ cho du khách trong tỉnh mà còn từ nhiều tỉnh khác. Ảnh: Lan Phương

Những năm qua, khách du lịch đến tham quan, du lịch tăng trưởng bình quân 10-12%/năm, doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng, bước đầu hình thành và xây dựng được một số sản phẩm du lịch. Người dân vùng dân tộc thiểu số đã có thu nhập, hưởng lợi từ các giá trị, tài nguyên thiên nhiên, văn hoá của Khu SQTG miền Tây Nghệ An.

Một số tour du lịch mới đã bước đầu được khai thác, như tour du lịch khám phá sông Giăng – bản Cò Phạt – bản Búng; tour du lịch sinh thái tham quan VQG Pù Mát; tour du lịch sinh thái và tham quan tìm hiểu văn hóa cộng đồng tại Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, tour du lịch quốc tế theo tuyến đường 7 đi Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng), Luang Prabang (Lào)…

Tỉnh Nghệ An đã có chủ trương phát triển đô thị theo hướng sinh thái; dự kiến thí điểm tại huyện Con Cuông đồng thời định hướng cho các địa phương khác. Theo đó, du lịch sinh thái và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh sẽ là điểm nhấn quan trọng trong phát triển bền vững ở Khu SQTG – lãnh đạo Sở Du lịch Nghệ An cho biết. Xác định hai trung tâm du lịch quan trọng của vùng miền Tây Nghệ An là Trung tâm du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát và Trung tâm du lịch văn hóa – sinh thái Quỳ Châu – Quế Phong.

Cung đường miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Thanh Hải
Cung đường miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Thanh Hải

Cùng với việc xây dựng dự thảo Đề án khai thác du lịch, dịch vụ Vườn Quốc gia Pù Mát, thì một số khu, tuyến, điểm du lịch của vùng nhằm bảo vệ tài nguyên môi trường như Quy hoạch các điểm dịch vụ trên tuyến du lịch sinh thái sông Giăng, Khu du lịch Thác Kèm thuộc Vườn quốc gia Pù Mát… đã được phê duyệt và đầu tư khai thác du lịch. Đồng thời, hình thành, phát triển các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để sản xuất hàng hóa và phục vụ du lịch như Làng nghề dệt thổ cẩm bản Nưa (Con Cuông), bản Hoa Tiến (Quỳ Châu)…