Đề án xây dựng nông thôn mới ở 27 xã biên giới: Bài cuối: Gỡ nút thắt, tạo bước đột phá

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, dự án đã về với miền Tây Nghệ An. Để các địa phương vùng biên có thêm nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã ban hành riêng một đề án phát triển cho 27 xã biên giới của Nghệ An. Đây được xem là niềm hy vọng mới, một bước đột phá trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới.

Vùng biên Nghệ An là khu vực có tiềm năng lớn về quỹ đất, tài nguyên rừng, khoáng sản để phát triển và mở rộng sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản gắn với công nghiệp chế biến. Thế nhưng, có một thực tế tồn tại lâu nay là cơ sở hạ tầng nhiều thiếu thốn, bất cập; Thiếu nguồn lực, mô hình sản xuất phù hợp. Vì thế, các địa phương chưa khai thác được tiềm năng đó.

Trong 27 xã vùng biên, riêng huyện Thanh Chương có 5 xã là Ngọc Lâm, Thanh Thủy, Hạnh Lâm, Thanh Sơn, Thanh Đức. Trong 5 xã thì mới chỉ có xã Hạnh Lâm về đích năm 2015, còn lại đều đang khó khăn. Về xã Ngọc Lâm – nơi có 100% là người dân tái định cư Thuỷ điện Bản Vẽ, với 1.439 hộ, 6.100 khẩu, hạ tầng cơ sở vật chất đều được đầu tư mới khang trang, thuận tiện.

Đất đai màu mỡ, phù hợp với cây công nghiệp ngắn ngày, huyện Thanh Chương xác định chè là cây trồng chủ lực của địa phương. Ảnh: Thu Huyền
Đất đai màu mỡ, phù hợp với cây công nghiệp ngắn ngày, huyện Thanh Chương xác định chè là cây trồng chủ lực của địa phương. Ảnh: Thu Huyền

Đất đai màu mỡ, phù hợp với cây công nghiệp ngắn ngày, xã, huyện cũng xác định chè là cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện nay xã đã có 9 tiêu chí đạt – đều là các tiêu chí được dự án đầu tư (quy hoạch, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nhà ở, hệ thống chính trị, ANTT, tỷ lệ lao động qua đào tạo) còn lại đều khó khăn, như bình quân thu nhập đầu người năm 2019 chỉ đạt 15 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo lên 47,9%.

Nếu như các địa phương khác hầu hết gặp khó khăn ở tiêu chí giao thông nông thôn thì đối với 5 xã vùng biên huyện Thanh Chương thì ngược lại. Nhờ các chương trình, dự án cho tái định cư, các xã này đều được đầu tư đường giao thông thuận lợi. Hầu hết các tuyến đường đều được nhựa hóa khang trang, rộng rãi.

Anh Nguyễn Tư Hùng – Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ: “Bản chất của NTM là thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thế nhưng hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở vùng này đều chiếm tỷ lệ cao, trên 50%, thu nhập bình quân đầu người hiện chỉ ở mức 23 triệu đồng/năm.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu nhiều cơ chế, chính sách, đưa nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi về triển khai cho bà con nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau khi cán bộ rút, hết tiền thì đâu lại vào đấy, nhiều mô hình thất bại. Nhà nước quan tâm, nhưng đa phần ý thức người dân thấp, hầu hết ỷ lại Nhà nước.

Nhiều khu vườn bỏ cho cỏ mọc ở khu TĐC Ngọc Lâm, Thanh Chương. Ảnh: Thu Huyền.
Nhiều khu vườn bỏ cho cỏ mọc ở khu TĐC Ngọc Lâm, Thanh Chương. Ảnh: Thu Huyền.

Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất trong xây dựng NTM của các xã vùng biên vẫn phải ưu tiên đầu tư mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Cùng điều kiện và xuất phát điểm như xã Hạnh Lâm nhưng xã Thanh Thủy lại gần như dẫm chân tại chỗ. Vấn đề đặt ra ở đây ngoài ý thức của người dân là trách nhiệm của người đứng đầu. Lãnh đạo xã, các tổ chức, đoàn thể chưa thực sự vào cuộc nên dẫu có điều kiện hạ tầng thuận lợi thì mục tiêu về đích NTM vẫn xa vời.

Hay ở huyện Quế Phong, chanh leo là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nhưng việc phát triển cây trồng này không dễ dàng.

Ông Phạm Duy Thái – Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods cho hay, các hộ dân ở xã Tri Lễ có diện tích đất vườn, đất ở rộng, chỉ cần dành ra khoảng 1.000 m2 để trồng chanh leo thì thu nhập bình quân của mỗi hộ có thể lên đến 80 – 100 triệu đồng. Vật liệu đóng cọc, làm giàn nhà nào cũng sẵn có, người dân chỉ mất một ít chi phí và đầu tư thời gian, công sức, công ty sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho bà con. Thế nhưng, nhiều hộ  không làm, họ chỉ trồng vài vạt sắn, dắm đôi bụi mía.

Vấn đề đặt ra đối với các xã vùng biên là phải xác định được nút thắt trong xây dựng NTM là gì, để từ đó có giải pháp tháo gỡ, từng bước thực hiện. Khi xây dựng Đề án NTM 27 xã vùng biên giới, nghĩa là Chính phủ muốn có cú hích, tạo động lực cho vùng đặc thù này. Tuy nhiên, khi Nhà nước rót kinh phí về địa phương thì cần chọn công trình, việc làm ưu tiên cho phát triển sản xuất, là tìm hướng phát triển kinh tế, tạo các mô hình sản xuất bền vững, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con. Tránh tình trạng có tiền lại quá chú trọng đầu tư vào công trình xây dựng cơ bản mà không tính toán những giá trị khác.

27 xã vùng biên là vùng đặc thù khó khăn, việc huy động nguồn lực về kinh tế trong dân là rất khó. Do đó, việc xây dựng đề án cũng sẽ giải quyết được vấn đề bất bình đẳng trong thụ hưởng chính sách, tạo khung pháp lý cho việc thu hút đầu tư và lồng ghép nguồn lực đầu tư. Tuy vậy, chọn công trình nào, lĩnh vực gì để đầu tư tạo hiệu quả bền vững là vấn đề cần quan tâm.

Để 4 xã biên giới của huyện Quế Phong thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước ưu tiên cho các xã biên giới, huyện Quế Phong sẽ dành phần lớn tập trung ưu tiên phát triển kinh tế cho người dân. Bằng cách, khai thác tiềm năng của từng địa phương để hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm. Đối với xã Hạnh Dịch, huyện sẽ định hướng phát triển kinh tế bằng du lịch cộng đồng, trồng rừng và sản xuất lúa nước.

Trên địa bàn xã có thác 7 tầng, có làng Thái cổ, làng nghề dệt thổ cẩm, vì vậy, bằng nguồn vốn Chương trình NTM, huyện sẽ chỉ đạo địa phương đầu tư công trình nước sạch cho bản Thái cổ, làm đường giao thông tại các bản; đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi, đáp ứng nước tưới phục vụ sản xuất.

1. Người dân xã Thông Thụ (Quế Phong) phải đầu tư làm công trình nước sinh hoạt để phục vụ cuộc sống; 2. Trạm Y tế xã Bắc Lý là công trình thiết yếu cần được đầu tư nâng cấp; 3) Nhà ở giáo viên của Trường THCS xã Thông Thụ cần được đầu tư xây dựng.  Ảnh: Xuân Hoàng
1. Người dân xã Thông Thụ (Quế Phong) phải đầu tư làm công trình nước sinh hoạt để phục vụ cuộc sống; 2. Trạm Y tế xã Bắc Lý là công trình thiết yếu cần được đầu tư nâng cấp; 3) Nhà ở giáo viên của Trường THCS xã Thông Thụ cần được đầu tư xây dựng. Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với huyện Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện – ông La Văn Chánh cho rằng: Khó khăn nhất đối với 11 xã biên giới của huyện Kỳ Sơn là hiện tại đang còn 85/193 bản chưa có điện lưới, phần lớn thuộc các xã biên giới; hệ thống giao thông về bản xa xôi, cách trở. Trong khi đó, điện và giao thông là 2 yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương, do vậy vấn đề cấp thiết đối với các xã biên giới trong xây dựng NTM là giải quyết 2 tiêu chí đó.

Trong năm 2019 này, 11 xã biên giới ở huyện Kỳ Sơn đã đề xuất 15 công trình xây dựng cơ bản: Giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi… Đối với lĩnh vực phát triển sản xuất, từ năm 2010 đến nay, huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện 480 mô hình phát triển sản xuất bằng các loại cây, con mới, với kinh phí hàng tỷ đồng. Đến thời điểm này có thể khẳng định chỉ duy trì các loại cây, con bản địa: Lợn đen, gà đen, trâu, bò địa phương, gừng, khoai sọ.

Chia sẻ về giải pháp phát triển cho vùng phên dậu, ông Nguyễn Hồ Lâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay đối với các xã biên giới là phát triển sản xuất. Truyền thống của người Khơ mú là đan lát, người Mông là chăn nuôi và người Thái là làm ruộng, trồng trọt… Đồng thời với việc định hướng trồng cây gì, nuôi con gì, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả là quan tâm các mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho bà con. Trong xây dựng NTM, chủ thể là người dân, do đó phải quan tâm người dân được gì từ chương trình để xác định nên đầu tư việc gì hiệu quả nhất.

Cần phải khẳng định, việc xây dựng nông thôn mới ở 27 xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới tỉnh Nghệ An vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh lâu dài của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Mục tiêu của Đề án xây dựng NTM trên địa bàn 27 xã biên giới của Nghệ An, đến năm 2020, có kết cấu hạ tầng hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; xã hội nông thôn ổn định, bình yên, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh ổn định và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.