Đề án xây dựng nông thôn mới ở 27 xã biên giới: Bài 2: Vùng biên khởi sắc

Với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân các bản làng vùng biên giới, phong trào xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới Nghệ An đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bộ mặt nông thôn vùng miền núi đã có những đổi thay rõ nét, đời sống đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện, hàng trăm hộ đã thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Những năm qua, với diện tích 125 trăm ha, cây chanh leo đã góp phần thay đổi diện mạo xã biên giới Tri Lễ nói riêng và huyện miền núi Quế Phong nói chung. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất này nhờ cây chanh leo mà thoát nghèo, có thêm việc làm tăng thu nhập. Và cây trồng này cũng đã và đang thay đổi cộng đồng dân tộc Khơ mú ở bản Pịch Niệng.

Nếu không có cây chanh leo, rất ít người biết về sự tồn tại của một bản dân cư thuộc đồng bào dân tộc Khơ mú trên mảnh đất biên giới Tri Lễ. Trưởng bản Lương Văn Hùng tâm sự: Bà con Khơ mú ở Pịch Niệng đang thay đổi cả nhận thức, suy nghĩ; sẽ hiểu đúng về cây chanh leo, về vai trò của doanh nghiệp và nhiều hộ sẽ xem chanh leo, khoai sọ là những cây thoát nghèo bền vững…

Hộ ông Lương Văn Phượng ở bản Muỗng, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) trồng hơn 1ha chè cho thu nhập cao. Ảnh: Thu Huyền.
Hộ ông Lương Văn Phượng ở bản Muỗng, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) trồng hơn 1ha chè cho thu nhập cao. Ảnh: Thu Huyền.

Đối với các xã vùng biên ở vùng núi thấp huyện Thanh Chương, chè là cây trồng chủ lực được người dân duy trì, phát triển. Về xã biên giới Ngọc Lâm – 100% là người dân tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ với 1.439 hộ, 6.100 khẩu, hạ tầng cơ sở vật chất đều được đầu tư mới khang trang, thuận tiện; hầu hết các tuyến đường đều được rải nhựa. Từ ngày về với quê mới Thanh Chương, bà con Ngọc Lâm xác định chè là cây công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây chè, từ năm 2012 đến nay, gia đình ông Lương Văn Phượng, bà Lương Thị An ở bản Muộng, xã Ngọc Lâm đã trồng được trên 1 ha chè cả trong vườn nhà và trên vườn đồi. Bà An cho biết, trồng chè không vất vả, sau 2 năm chăm sóc đã cho thu hoạch. Hiện nay, khoảng 2 tháng thu hoạch một lứa búp. Với giá bán lẻ trên thị trường hiện nay từ 4.500 – 6.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình thu về hàng trăm triệu đồng từ chè. Ngoài trồng chè kinh doanh, gia đình ông bà còn đào ao thả cá, trồng rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Gia đình ông Phượng, bà An là một trong nhiều hộ dân được đổi đời sau di dời từ lòng hồ thủy điện về huyện Thanh Chương xây dựng quê hương mới. Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm – ông Lô Huy Hùng cho biết: Hơn 10 năm trước, người dân gần như chờ trợ cấp trên vùng đất tái định cư. Cùng với việc ổn định nơi ăn chốn ở, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân bản địa, bà con đã bắt nhịp với cuộc sống mới. Đất đai màu mỡ phù hợp với cây công nghiệp ngắn ngày, huyện, xã cũng xác định chè là cây trồng chủ lực của địa phương. Được giao đất và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc nên bà con đã dần quen với sản xuất chè hàng hoá. Đến nay, nhiều hộ dân ở đây yên tâm với quê mới; màu xanh cây rừng, mầm non của ngô, khoai, của chè… đang báo hiệu một cuộc sống mới với nhiều đổi thay.

Ở huyện Con Cuông có 2 xã biên giới là Môn Sơn và Châu Khê, trong đó xã Môn Sơn đang phát triển theo hướng du lịch cộng đồng. Điểm du lịch cộng đồng bản Xiềng ở Môn Sơn đang thu hút khá đông du khách, góp phần giúp người dân bản địa phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Trong năm 2016, chuyên gia của dự án JICA đã hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng, hướng dẫn người dân thành lập các tổ dịch vụ du lịch như: tổ lưu trú, ẩm thực, tổ văn nghệ với sự tham gia của hàng chục người dân địa phương.

Du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị khi tham gia du lịch cộng đồng tại Con Cuông.
Du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị khi tham gia du lịch cộng đồng tại Con Cuông.

Dự án cũng đã hướng dẫn thành lập tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm từ cam, lựa chọn các hộ làm dịch vụ Homestay; hướng dẫn người dân cách tổ chức các dịch vụ lưu trú, ăn uống, cách trang trí các món ăn dân gian và cách tổ chức biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt văn hóa truyền thống, tổ chức các hoạt động dịch vụ trải nghiệm đi xe trâu, bắt cá… để phục vụ khách du lịch. Với hướng đi đó, Môn Sơn cũng là một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Con Cuông, cũng như 27 xã vùng biên của Nghệ An.

Nhận thấy việc xây dựng NTM cấp xã để đạt chuẩn 19 tiêu chí là rất khó đối với những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vì vậy năm 2016, Nghệ An đã ban hành Bộ tiêu chí NTM cấp thôn, bản với 15 tiêu chí liên quan để chỉ đạo xây dựng NTM ở các xã miền núi khó khăn. Bộ tiêu chí này đã tạo động lực, làm dấy lên phong trào xây dựng NTM ở các xã khó khăn, có sức lan tỏa khắp khu vực miền núi miền Tây của tỉnh. Trong 27 xã biên giới của Nghệ An mặc dù kết quả xây dựng NTM thôn, bản còn khiêm tốn, nhưng có những thôn, bản đã có cách làm hay, sáng tạo, đạt được kết quả đáng khích lệ.

Huyện Kỳ Sơn mặc dù đến thời điểm này chưa có nhiều thôn, bản trên địa bàn biên giới đạt chuẩn NTM, nhưng đã tạo cơ chế chính sách phù hợp. Ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: Trong năm 2019, trên địa bàn Kỳ Sơn có 3 bản đăng ký về đích NTM gồm: Na Lượng 1, Na Lượng 2 của xã Hữu Kiệm, và bản biên giới Sơn Hà, xã Tà Cạ. Đến đầu tháng 12, qua rà soát cho thấy, cả 3 bản này sẽ cán đích NTM.

Huyện Kỳ Sơn có chính sách hỗ trợ các bản xi măng làm đường, đồng thời hỗ trợ máy trộn bê tông, máy múc để làm đường bê tông.
Huyện Kỳ Sơn có chính sách hỗ trợ các bản xi măng làm đường, đồng thời hỗ trợ máy trộn bê tông, máy múc để làm đường bê tông.

Để có được kết quả đó, trong năm 2019, đồng bào các dân tộc đã nỗ lực thực hiện các tiêu chí NTM thôn, bản, tuy nhiên do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, nên UBND huyện đã chủ động trích ngân sách hỗ trợ các bản đăng ký về đích NTM mỗi bản từ 400 – 500 triệu đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa. Ngoài ra, theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi bản đón nhận danh hiệu đạt chuẩn NTM sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng. Trước đó, huyện Kỳ Sơn đã có chính sách hỗ trợ các bản xi măng làm đường, đồng thời hỗ trợ máy trộn bê tông, máy múc để làm mặt đường.

Theo ông Vi Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (Quế Phong), sau khi có chủ trương của huyện về xây dựng NTM ở thôn, bản, xã đã rà soát tất cả các thôn bản để tập trung xây dựng NTM. Tuy nhiên, do phần lớn các bản còn khó khăn, nên xã  chỉ chọn 1 đơn vị là xóm Chợ làm điểm. Với sự nỗ lực của người dân xóm Chợ,  kế hoạch cuối năm 2019 này xóm cán đích NTM. Nhưng do việc sáp nhập thôn, bản nên xóm Chợ chưa về đích được.

Ở huyện Quế Phong, trong những năm qua, các địa phương của huyện đã có nhiều sáng kiến tốt, mô hình hay trong xây dựng nông thôn mới như: mô hình trồng đẳng sâm dưới giàn chanh leo ở xã Thông Thụ; nuôi cá lồng đặc sản trên lòng hồ thủy điện Hủa Na; chăn nuôi đại gia súc ở xã Nậm Giải; trồng chanh leo ở xã Tri Lễ…

Tuy nhiên, nhìn chung, những mô hình, những cách làm hay trong phát triển kinh tế không nhiều. Ngoài tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo, thì các xã biên giới đang gặp khó khăn trong thực hiện giao thông, thủy lợi và điện lưới. 3 tiêu chí này chưa đạt ở hầu hết các xã biên giới nên tác động rất lớn đến đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc và sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

(̣Còn nữa)