Tiêu chí lựa chọn cán bộ tại các kỳ đại hội được đặt ra là phải lựa chọn những người “hợp ý Đảng, thuận lòng dân”, tránh biểu hiện cục bộ, bè phái, tác động, lôi kéo. Điều này đòi hỏi phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong quá trình tiến hành đại hội.
Vừa qua, Đảng bộ Trường Đại học Vinh, mặc dù không phải là đơn vị được chọn đại hội điểm nhưng đã chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XXXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong 2 ngày (2 – 3/6/2020). Tại Đại hội, ngoài danh sách do cấp ủy giới thiệu, đoàn đại biểu tham dự đại hội Đảng bộ đã giới thiệu đảng viên có năng lực, phẩm chất tốt, hội đủ các tiêu chuẩn của một cấp ủy viên theo quy định và phù hợp với cơ cấu được thông qua để bầu vào cấp ủy khóa mới.
Cụ thể, Đoàn đại biểu Viện Sư phạm Xã hội đã đề cử PGS.TS Trần Vũ Tài – Viện trưởng Viện sư phạm xã hội vào danh sách bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ Trường khóa mới. “Được sự tín nhiệm của Đoàn đại biểu Viện Sư phạm xã hội, bản thân tôi thấy mình đủ tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia ban chấp hành Đảng bộ trường. Hơn nữa, tôi tôn trọng tín nhiệm của Đoàn Đại biểu giới thiệu tôi vào danh sách bầu cử Ban Chấp hành nên tôi đồng ý được đề cử” – PGS.TS Trần Vũ Tài nói tại Đại hội. Kết quả bầu cử Ban Chấp hành cho thấy, đồng chí Trần Vũ Tài đã trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao.
Qua trao đổi, lãnh đạo Đảng ủy Trường Đại học Vinh cho biết, quan điểm của Đảng ủy là bám sát tiêu chuẩn, cơ cấu, các thành phần được giới thiệu có “sức nặng” tương đương nhau, có vai trò, sức ảnh hưởng về cơ bản đồng đều nhau; khi xây dựng phương án nhân sự không có khái niệm “quân xanh – quân đỏ”.
“Việc đề cử tại Đại hội nằm trong “nắm bắt tình hình” của cấp ủy, thực hiện đúng nguyên tắc bầu cử trong Đảng, tạo không khí dân chủ, cởi mở tại Đại hội” – TS Nguyễn Ngọc Hiền – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh nói: – “Vì vậy, sau Đại hội tạo không khí phấn khởi trong cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin, động lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của nhà trường”. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Vinh có việc đề cử, ứng cử ngoài danh sách đề án nhân sự, mà trong các nhiệm kỳ trước cũng đã có. Điều này thể hiện được khách quan, dân chủ, quyền lựa quyết định của Đại hội, thể hiện trách nhiệm các đại biểu, đoàn đại biểu khi tham gia quyết định chọn những người “chèo lái” Đảng bộ trong khóa mới. Còn những người mặc dù được giới thiệu song chưa trúng cử cho thấy, tín nhiệm trong đảng viên của Đảng bộ chưa cao hoặc có thể vẫn cao, song chưa đạt đến độ chín.
Tìm hiểu thực tiễn cơ sở và phân tích, trong số 36 đồng chí ở 33 tổ chức cơ sở đảng không trúng định hướng tại đại hội vừa qua, có nhiều trường hợp nhân sự ngoài định hướng được bầu vào cấp ủy khóa mới song không làm thay đổi chất lượng; vì nét mới trong đại hội nhiệm kỳ này nhân sự khi đưa vào đề án, kể cả số dư, đều phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện (tỷ lệ số dư trong đề án nhân sự là 10 -15%). Điều này cũng thể hiện tính dân chủ, quyền quyết định cao nhất thuộc về Đại hội trong bối cảnh đang tăng cường, mở rộng dân chủ.
Vừa qua, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thanh Long (huyện Thanh Chương), đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã hai nhiệm kỳ liên tiếp, đã không trúng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 -2025. Theo định hướng phân công, nếu trúng cử đồng chí này sẽ làm Bí thư Đảng ủy xã. Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao, một lãnh đạo chủ chốt của xã lại “trật” cấp ủy khóa mới, khi mà theo đánh giá của lãnh đạo Huyện ủy Thanh Chương, trong nhiệm kỳ vừa qua, xã Thanh Long đạt được nhiều thành tích? Vượt qua khó khăn thuộc vùng chiêm trũng của huyện Thanh Chương, “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt”, Thanh Long phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2020. Trong thành tích chung đó, có đóng góp không nhỏ của đồng chí Chủ tịch UBND xã.
Theo đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương: “Về nguyên nhân, đánh giá một cách tổng thể, thì có liên quan đến cách xử lý công việc, quan hệ, ứng xử hàng ngày của đồng chí Chủ tịch UBND xã, trong đó có cả mối quan hệ với cán bộ cựu lãnh đạo xã”. Cụ thể, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Thanh Long vấn đề bố trí nguồn lực trong quá trình xây dựng nông thôn mới còn có dư luận cho rằng còn có sự ưu ái cho các xóm của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.
Mặt khác, ngay từ đầu khi xây dựng đề án nhân sự, có dự định bố trí đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã nếu trúng cử sẽ làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Tuy nhiên, sau lại thay đổi, định hướng phân công làm Bí thư Đảng ủy xã, còn Bí thư Đảng ủy xã định hướng phân công làm Chủ tịch UBND xã, dẫn đến có dư luận cho rằng “tham quyền cố vị”. Việc thay đổi phương án nhân sự đã ảnh hưởng đến tư tưởng của một số cán bộ liên quan có nguyện vọng phát triển. Nhưng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã không nắm được tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Điều này dẫn đến việc trong những lần lãnh đạo Huyện ủy Thanh Chương làm việc với lãnh đạo cốt cán xã Thanh Long trước đại hội về công tác nhân sự, lãnh đạo cốt cán của xã đều khẳng định là “phương án nhân sự ở xã không có vấn đề gì!”. Tuy nhiên, đến khi tiến hành Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ mới, đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2015-2020 đã không được bầu vào cấp ủy khóa mới.
Trong khi đó, công tác nhân sự khóa này đều phải thực hiện quy trình 5 bước cho nhân sự tái cử và nhân sự mới gắn với định hướng bố trí công việc nếu trúng cử. Và thực tế, đồng chí này đủ tiêu chuẩn, điều kiện và nhận được tỷ lệ phiếu tín nhiệm cần thiết mới đưa vào danh sách giới thiệu bầu ban chấp hành khóa mới, còn nếu không đủ uy tín thì đã “rớt” ngay trong lúc làm quy trình.
Ở đây, rõ ràng đã có “những cơn sóng ngầm” tác động, ảnh hưởng đến lá phiếu bầu cử ngay tại Đại hội. Dù diễn ra từ ngày 12,13/5 nhưng đến ngày 11/6, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thanh Long khóa mới bầu được Ban Thường vụ Đảng ủy. Đồng chí Trần Thị Hằng – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Long nhiệm kỳ 2015 – 2020 không tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã nhiệm kỳ mới mà chuyển sang làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã. “Mình là người đứng đầu chỉ đạo Đại hội không thành công. Dù khách quan hay chủ quan thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, đồng chí Trần Thị Hằng bộc bạch.
Còn ở huyện Yên Thành, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Đô Thành nhiệm kỳ 2015 – 2020 được định hướng làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, còn Bí thư – Chủ tịch HĐND xã Hợp Thành được định hướng làm Phó Bí thư – Chủ tịch UBND xã. Tại Đại hội, dù trúng cấp uỷ khoá mới, song cả hai đồng chí trên đều không trúng Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã.
Qua tìm hiểu tại các đơn vị được biết, những trường hợp cán bộ chủ chốt “trật” cấp ủy hoặc “trúng” cấp ủy nhưng khi bầu vào Ban Thường vụ lại bị “trật”, là do có biểu hiện cục bộ, bè phái, tác động, lôi kéo. Một số đồng chí đảng viên nhận thức, lập trường, tư tưởng không vững vàng nên dễ bị tác động. Một nguyên nhân nữa là tại những nơi cán bộ cốt cán không trúng định hướng và có những biểu hiện như trên, Ban Thường vụ và cấp ủy cấp trên có thể nắm được tình hình nhưng đã không mạnh dạn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiên quyết ngay từ đầu.
(Còn nữa)