Địa bàn thành phố Vinh đang xây dựng nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, do triển khai xây dựng khu tái định cư chậm, dẫn đến chưa bàn giao được mặt bằng để thi công các công trình. Đơn cử: Tuyến đường Lý Thường Kiệt, nhiều năm nay thi công dang dở, và 29 hộ dân/79 hộ bị ảnh hưởng của dự án thuộc diện di dời tái định cư vẫn chưa chuyển đến nơi ở mới, do chưa xây xong khu tái định cư; Tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài nối đường ven sông Lam, theo kế hoạch phải hoàn thành năm 2020 nhưng do xây dựng khu tái định cư chậm, nên 35 hộ dân ở xã Hưng Hòa chưa thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Điều đáng lưu tâm là khi cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động, các hộ dân đã đồng thuận di dời để xây dựng các công trình. Thế nhưng, những giải pháp sau đó như đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư lại chậm, trong khi biến động giá cả thị trường bất động sản gia tăng, làm không ít hộ dân “nao lòng”. Ông Hoàng Nghĩa Thức ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh) cho biết: “Sau khi được chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động, tôi cũng như các hộ vùng ảnh hưởng đã đồng tình bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Song nhiều năm nay, khu tái định cư chưa xây dựng xong, nên chúng tôi như mắc kẹt”.
Bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến quyền lợi, sinh kế của người dân. Theo nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất có chỗ ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những hộ có đất bị thu hồi. Trên thực tế, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của một số hộ có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng, dẫn đến tình trạng người dân chưa đồng thuận, phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
Tại xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc), năm 2002 có 9 hộ dân trong vùng ảnh hưởng phải di dời để triển khai công trình xây đập Lim phục vụ tưới tiêu nước cho 100ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Song từ đó đến nay, mới chỉ có 1 hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2009 và 8 hộ còn lại vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ khi đến nơi ở mới; nguyên nhân chính là diện tích đất nơi 8 hộ di dời đến thuộc đất nông nghiệp. Theo đồng chí Đoàn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Nghi Văn, đây là vấn đề “lịch sử” để lại. Xã, huyện nhiều lần đối thoại với người dân, đồng thời huyện làm văn bản xin ý kiến của tỉnh xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh tình trạng kéo dài.
Huyện Nghi Lộc có nhiều dự án đầu tư, đồng nghĩa, công tác giải phóng mặt bằng với khối lượng lớn và liên tục trong nhiều năm. 4 năm gần đây, huyện phải giải phóng mặt bằng trên 6.000 ha cho nhiều dự án quan trọng, như: Dự án Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 Nghệ An; dự án đường Vinh – Cửa Lò; dự án mở rộng khu A, Khu công nghiệp Nam Cấm; đường bộ cao tốc Bắc – Nam; đường ven biển, đường N5 giai đoạn 1 và 2… Với các chính sách đồng bộ, quyết liệt, trong đó có công tác dân vận, nên đa số người dân sẵn sàng nhường đất phục vụ công cuộc phát triển. Tuy vậy, thực tế còn có những ách tắc, tồn đọng, khiến người dân vùng ảnh hưởng nhiều lần kiến nghị chính quyền, các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm “lời hứa” trước đó.
Thừa nhận thực tế này, đồng chí Hồ Nam – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nghi Lộc phân tích nguyên nhân: Do mỗi dự án có rất nhiều chính sách áp dụng, từ giá đất, giá cây, giá nhà với vật tư, thiết bị và khấu hao…; dù đã có công thức chặt chẽ, nhưng khó đảm bảo phù hợp 100% và chỉ “mắc” một tý là người dân chưa đồng thuận. Thế nên, trong thực hiện công tác dân vận, huyện Nghi Lộc luôn kịp thời cập nhật các khó khăn, vướng mắc để báo cáo cấp trên cùng tháo gỡ.
Thực tế cho thấy, quá trình dân vận, đối thoại giữa các cấp, doanh nghiệp với người dân thường có những điều khoản, nội dung, lời hứa cụ thể để “chốt” phương án thực hiện. Nếu các nội dung đàm phán, lời hứa không có căn cứ thực tế và không nằm trong khuôn khổ chính sách, pháp luật thì không thể thực hiện được, dẫn đến “tắc” trong công tác giải phóng mặt bằng. Tình huống đó giống như “đánh trống bỏ dùi”. Ở đây, cần liên hệ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm: “Đã hứa thì phải làm, làm thì nhất định phải được” (tại Đại hội Chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III – 23/5/1958).
Nghệ An là tỉnh có quy mô diện tích và dân số lớn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh); trên 13% dân số theo các tôn giáo hợp pháp. Công tác dân vận trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu phải không ngừng đổi mới, nắm chắc những chuyển biến, tác động của kinh tế thị trường, nắm bắt tư tưởng của các tầng lớp nhân dân để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới.
Ở huyện Anh Sơn, công tác dân vận được quán triệt thực hiện ở tất cả các cấp, ngành, gắn với nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, kịp thời giải quyết những băn khoăn, khó khăn vướng mắc. Theo đồng chí Hoàng Quyền – Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, điều quan trọng nhất khi triển khai các phong trào phải đặt mục tiêu phù hợp với thực tế. Trong quá trình tuyên truyền, vận động phải “nói” cho người dân thấy được những lợi ích, phù hợp với sức dân và đúng chính sách, pháp luật để người dân đồng thuận, hưởng ứng cao. Nếu cấp ủy, chính quyền đặt mục tiêu cao quá sức dân, công tác dân vận sẽ khó thành công.
Tính hai mặt của công tác dân vận như “con thoi” trong một khung cửi dệt vải. Nếu cán bộ, công chức sợ sai, làm việc cầm chừng, ngại va chạm, hành chính hoá và cán bộ thực hiện công tác dân vận nắm không chắc vấn đề, nói không đủ sức thuyết phục sẽ khó đạt hiệu quả cao. Cùng đó, cán bộ các cấp phải lắng nghe ý kiến, kiến nghị chính đáng của người dân, đối chiếu với cơ chế, chính sách, phân tích rõ thực tế để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tìm giải pháp giải quyết vấn đề đặt ra một cách phù hợp nhất. Theo đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước luôn chú trọng đến việc xây dựng và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đồng chí Hoàng Văn Nhiên – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh nêu quan điểm khi nói về công tác dân vận trong tình hình mới: “Thực tế cho thấy, các Nghị quyết, quy định của Trung ương, từ những điều đảng viên không được làm, việc nêu gương của cán bộ, tăng cường công tác dân vận, phát huy vai trò giám sát của người dân… đều được dân “soi” vào cán bộ. Dân vận trong tất cả các lĩnh vực càng có ý nghĩa hơn khi phát huy được vai trò người dân “soi” đúng, để góp phần xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch vững mạnh, vì dân phục vụ. Chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số, các chính sách, pháp luật ngày càng minh bạch hơn, càng đòi hỏi tính tiên phong của cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực, tạo hiệu ứng lan tỏa trong quần chúng nhân dân”.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Nghệ An, quá trình triển khai, công tác tuyên truyền phong trào thi đua, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở cơ sở có lúc chưa kịp thời, chưa thường xuyên. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, chưa chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, có nơi còn hình thức; kết quả xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế còn hạn chế, chưa có tính đột phá, xây dựng mô hình tại vùng tôn giáo còn khó khăn…
Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng: “Muốn làm tốt công tác dân vận phải biết dựa vào dân, gắn bó với dân; làm cho dân thấy rõ mình vừa là đối tượng của dân vận, vừa là chủ thể quyền lực. Lợi ích của nhân dân là một yêu cầu quan trọng, cần thiết được quan tâm và bảo đảm một cách hài hòa. Từ đó mới khơi dậy được sức mạnh của toàn dân. Điều đó, đòi hỏi công tác dân vận phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ ở từng thời điểm và trong từng điều kiện khác nhau để đạt hiệu quả cao. Điều tất yếu, công tác dân vận phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cụ thể hóa vào tình hình thực tiễn. Công tác dân vận phải đi trước, đi cùng và về sau trong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội”.
Nói về quá trình chỉ đạo thực hiện công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc triển khai công tác dân vận phải thực hiện hài hòa, hai chiều. Cần lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân, tiếp thu ý kiến từ cơ sở, các cấp ngành, đặc biệt là sáng kiến trong công tác “Dân vận khéo” để người dân thấy được quyền lợi gắn với trách nhiệm đoàn kết thực hiện các chính sách, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Trên cơ sở đó, các cấp ngành, địa phương, đơn vị phải đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường sự phối hợp, triển khai lồng ghép các mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ khác để tập trung giải quyết việc mới, việc khó đặt ra trong thực tiễn. Đi cùng với đó, quan tâm công tác kiểm tra giám sát tại cơ sở gắn với đánh giá, tổng kết, biểu dương, nhân rộng hiệu quả công tác “Dân vận khéo” trên tất cả mọi lĩnh vực.