Chuyển động từ ‘Chỉ thị xóa nghèo’

Đón chúng tôi ở cổng vào ngôi nhà nhỏ xinh xắn, chị Lô Thị Oanh ở bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý vui vẻ chỉ tay về phía khu chuồng trại chăn nuôi, rồi khoe đàn lợn đen bản địa đang chạy vòng quanh như chờ được ăn: “Đã hơn 2 năm nay, trong suy nghĩ của tôi không còn xuất hiện nỗi lo đói nghèo. Nỗi lo mà gần nửa cuộc đời tôi thường xuyên phải nếm trải, đối mặt hàng ngày đã được chị em Hội Phụ nữ xã giúp đẩy lùi khi họ tặng gia đình 2 con lợn giống”.

Chị cho hay, đôi lợn giống khỏe mạnh, sinh sản tốt, giúp gia đình có nguồn thu nhập đủ làm thay đổi cuộc sống. Từ khi có “món quà biết đẻ ra tiền” ấy, vợ chồng chị đã mua sắm được sách vở cho con ăn học, mua thuốc thang khi ốm đau. “Có thu nhập nên tâm tư cũng phấn khởi lắm, không còn buồn phiền, chán nản vì cảnh nghèo. Tôi được chị em thường xuyên động viên, khích lệ, hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi, tăng gia thêm rau quả trong vườn nên cứ thế thoát nghèo… lúc nào không hay!” – chị Lô Thị Oanh bộc bạch.

Nói thêm về sự giúp đỡ người dân thoát khỏi đói nghèo, ông Võ Văn Quỳnh – Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý cho biết, việc cán bộ, đảng viên trên địa bàn xã góp tiền mua con giống tặng hộ nghèo, giúp họ thoát nghèo là một trong những việc làm thường xuyên tại địa phương này, bắt nguồn từ việc thực hiện Chỉ thị 17/CT-HU của Huyện ủy Kỳ Sơn ngày 8/9/2017 về việc cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. “Từ khi triển khai năm 2017 đến nay, chỉ trừ 2 năm 2021 và 2022 tạm dừng do dịch Covid-19, thời gian còn lại, có 9 chi bộ và 7 cá nhân là đảng viên ở Mỹ Lý đã trích một phần thu nhập, công lao động của bản thân góp được 50 triệu đồng mua lợn, gà, dê giống tặng 16 hộ nghèo, để họ có “cần câu”, có động lực vươn lên phát triển kinh tế”.

Còn ở xã Hữu Lập, sinh ra và lớn lên ở bản Chà Lằn, ông Cụt Văn Quyền đã đi qua hơn nửa đời người nhưng đến năm 2022 ông mới cảm nhận được niềm vui của cuộc sống không còn thấp thỏm lo đói nghèo. Ông Quyền và vợ quanh năm chỉ biết bám vào việc thu hái lượm, trồng mảnh ruộng lúa nước nhưng chưa năm nào đủ để ăn trọn năm. Năm 2021, các đảng viên xã Hữu Lập góp tiền mua 1 con bò trị giá 8 triệu đồng tặng vợ chồng ông. Sau 2 năm, bò sinh 1 con bê, giúp vợ chồng ông có khoản thu nhập khoảng 10 triệu đồng, một số tiền mà theo lời ông Cụt Văn Quyền chia sẻ, là chưa bao giờ được cầm nhiều tiền như vậy! Từ số tiền ấy, hộ ông Quyền có thêm trợ lực để phát triển kinh tế. Ông nói rằng, từ khi được giúp đỡ, ông cũng như 7 hộ khác ở xã Hữu Lập, đã không còn phải sống trong nỗi lo sợ thiếu đói; điển hình trong đó có 3 hộ đã hoàn toàn thoát nghèo.

Không chỉ mua con giống tặng hộ nghèo, các hình thức giúp đỡ cũng được thực hiện linh hoạt. Ở xã Bảo Nam, một xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Kỳ Sơn, trong số 752 hộ dân thì đã có gần 73% là hộ nghèo. Gia cảnh nghèo khó, nhiều học sinh phải chịu cảnh thiệt thòi khi không đủ ăn, đủ mặc, không đủ sách vở để học hành, thậm chí phải nghỉ học. Thực hiện Chỉ thị 17/CT-HU, cán bộ, đảng viên nơi đây đã chọn cách đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tiếp tục được đến trường. Em Cụt Thị Huệ ở bản Thảo Đi, xã Bảo Nam nhà có 3 anh chị em, bố mẹ em sức khỏe yếu, làm không đủ nuôi các con ăn học. Huệ học rất giỏi, nhưng cách nay 3 năm em đã có ý định xin nghỉ học vì nhà quá nghèo. May mắn khi em nhận được sự đỡ đầu của Chi đoàn Thanh niên xã Bảo Nam, hàng năm các anh chị đoàn viên đều góp tiền mua sắm sách vở, quần áo và hỗ trợ cho em 500 ngàn đồng mỗi quý. Nay em đã lên lớp 8, biết ơn các anh chị, Huệ luôn chăm ngoan, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Ở xã Mỹ Lý, nhiều đảng viên cũng nhận đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó bằng trợ cấp tiền hàng tháng. Ví như Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý Vi Khăm Đào từ năm 2017 đến nay đã nhận đỡ đầu cháu Vi Thị Thiệp ở bản Hòa Lý chi phí ăn uống hàng ngày và mỗi tháng 200 ngàn đồng phục vụ việc học tập… Chi bộ bản Piêng Pèn, xã Mỹ Lý lại chọn cách góp tiền, góp 168 ngày công giúp hộ ông Vang Văn Thút làm nhà với tổng số tiền gần 23 triệu đồng.