Chuyển đổi số trong giáo dục: “Phép thử” tạo đột phá! – Bài cuối

Hiện nay, tại Nghệ An, việc chuyển đổi số đã được tiếp cận khá nhanh từ chủ trương đến các nghị quyết, đề án và làm tốt công tác truyền thông giúp nâng cao nhận thức của các cán bộ, quản lý và mọi tầng lớp nhân dân. Việc chuyển đổi số của tỉnh được thực hiện bài bản, đi từng bước chắc chắn dù đây là vấn đề khó và qua đó đã góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, đổi mới quản trị, quản lý trong bộ máy Nhà nước, trong doanh nghiệp và người dân thích ứng và hội nhập nhanh với quá trình chuyển đổi số.

Những tiết học vừa được dạy theo hình thức trực tuyến và trực tiếp được sử dụng thường xuyên trong thời điểm dịch Covid -19 bùng phát
Những tiết học vừa được dạy theo hình thức trực tuyến và trực tiếp được sử dụng thường xuyên trong thời điểm dịch Covid -19 bùng phát

Riêng với lĩnh vực giáo dục, hiện nay ngành có một nghị quyết riêng và đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong nhà trường. Mục đích của việc triển khai kế hoạch chuyển đổi số đó là nhằm bảo đảm mục tiêu kép: Vừa ứng dụng thành quả của cách mạng công nghệ lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi hình thức hoạt động quản lý, quản trị và dạy học thích ứng, tiên tiến và hiệu quả; vừa giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện phát triển bền vững kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong quá trình triển khai, ngành Giáo dục đặt mục tiêu lấy người học và người dạy làm trung tâm của chuyển đổi số, lấy lợi ích của người học, nhà giáo, người dân làm thước đo đánh giá… Để chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Giáo dục Nghệ An, chúng tôi cố gắng từ nay đến năm 2025, 50% học sinh, mỗi sinh viên và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến. Ngành cũng sẽ hình thành kho học liệu trực tuyến đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông. 100% cơ sở áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu dùng chung và công nghệ số, tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện về quản lý, dạy và học theo hướng hiện đại; tạo đột phá về công tác đảm bảo chất lượng cho các nhà trường 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

Trước đó, Sở cũng đã bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên về chuyển đổi số, tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyển đổi số trong nhà trường, trong công tác giảng dạy và chính điều đó, công tác chuyển đổi số trong các nhà trường được thích ứng khá nhanh. Bên cạnh đó, đã áp dụng hiệu quả như số hóa trong công tác quản lý, ngành Giáo dục đã xây dựng trung tâm điều hành giáo dục IOC…

Trường PT DTNT THPT số 2 trang bị đủ máy tính để học sinh có thể thực hành và tra cứu tài liệu
Trường PT DTNT THPT số 2 trang bị đủ máy tính để học sinh có thể thực hành và tra cứu tài liệu

Trong quá trình thực hiện, khó khăn hiện nay tập trung nhiều ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện mạng và cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, chưa phủ sóng, nhiều nơi chưa có điện. Vì vậy, việc đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là một nhiệm vụ quan trọng. Song song với đó, cần xây dựng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; hình thành mạng lưới cốt cán chuyên môn chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh (trong và ngoài ngành), thực sự làm nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành. Đồng thời, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên trách và trực tiếp triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.

“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ được xác định như sau: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa, 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp. Hiểu một cách đơn giản thì chuyển đổi số trong giáo dục chính là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp nâng cao trải nghiệm người học; cải thiện những phương pháp giảng dạy cũng như tạo môi trường để học tập thuận tiện nhất.

Việc áp dụng công nghệ thông tin và giáo án điện tử được sử dụng thường xuyên tại nhiều trường học ở Nghệ An. Trong ảnh Giờ học của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong - Hưng Nguyên
Việc áp dụng công nghệ thông tin và giáo án điện tử được sử dụng thường xuyên tại nhiều trường học ở Nghệ An. Trong ảnh Giờ học của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong - Hưng Nguyên

Việc chuyển đổi số hiện nay là yêu cầu mang tính cấp bách trong bối cảnh phải đổi mới nhằm phù hợp với Chương trình Giáo dục 2018. Hiện tại chuyển đổi số trong giáo dục được ứng dụng dưới 3 hình thức chính. Thứ nhất: Ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy: Lớp học thông minh, lập trình… Thứ hai: Ứng dụng công nghệ trong quản lý; công cụ vận hành, quản lý. Thứ ba: Ứng dụng công nghệ trong lớp học; công cụ giảng dạy, cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, một số chủ trương khác cũng được triển khai trên cơ sở thực hiện những chương trình giáo dục phổ thông mới như: Tin học sẽ chính thức trở thành môn học bắt buộc dành cho học sinh lớp 3, việc này giúp học sinh tiếp cận được với rất nhiều kiến thức kỹ năng hiện đại trong và ngoài nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng rằng, trong tương lai sẽ có những thế hệ công dân toàn cầu với năng lực cạnh tranh tốt; đồng thời việc giảng dạy được lồng ghép công nghệ Stem, giúp học sinh có thể giải quyết được các bài toán khó cũng như khám phá nhiều hiện tượng cuộc sống trực quan nhất.

Trong các nhà trường phổ thông, việc chuyển đổi số trong cách thức giảng dạy cũng là phù hợp với cách tiếp cận của các bạn trẻ genZ, genJ thế hệ này tư duy nhanh và đam mê công nghệ thông tin, thế nên việc đưa các bài giảng E-learnning vào các chương trình giảng dạy trong nhà trường rất phù hợp và phát huy được tốt nhất khả năng của học sinh, sinh viên.

Những tiết học vừa được dạy theo hình thức trực tuyến và trực tiếp được sử dụng thường xuyên trong thời điểm dịch Covid -19 bùng phát
Những tiết học vừa được dạy theo hình thức trực tuyến và trực tiếp được sử dụng thường xuyên trong thời điểm dịch Covid -19 bùng phát

Ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh, từ đó giúp việc học, hấp thụ kiến thức của người học trở nên dễ dàng hơn. Việc ứng dụng này không phải là làm thay đổi bản chất công việc dạy học. Công việc dạy học là tổ chức hoạt động nhận thức thông qua đó hình thành phẩm chất năng lực của người học. Và chuyển đổi số thay đổi cách thức dạy – học, từ đó thay đổi hiệu quả.

Trong cách thức dạy học mới, việc thiết kế bài giảng E-learning trên nền tảng công nghệ số, giáo viên đồng thời phải là người vừa nắm vững kiến thức liên môn, phải là người đam mê, chịu khó tìm tòi những tư liệu bổ trợ cho bài giảng. Giáo viên cũng đồng thời phải học hỏi về công nghệ thông tin, chiếm lĩnh nó trong việc sử dụng các nền tảng, phần mềm ứng dụng để thực hiện bài giảng. Bên cạnh đó các nhà trường cũng cần quyết tâm bồi dưỡng đội ngũ, vận dụng các nguồn để đầu tư cở sở vật chất. Đồng thời có chế tài để mỗi giáo viên phải tự ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong thiết kế và vận hành bài giảng E-learning. Mỗi nhà trường cần có chỉ tiêu, mục tiêu trong từng năm đối với công tác này, để đến lúc nó thành nề nếp. Muốn vậy nhà trường cần phân công nhóm tác giả cho mỗi cụm bài giảng, mỗi giáo viên trong nhóm sẽ có trách nhiệm bồi dưỡng những giáo viên khác còn non yếu về công nghệ thông tin. Như vậy sẽ có sự thi đua và công tác đưa công nghệ số sẽ vận hành tốt nếu có sự quyết tâm cao của một tập thể.

Tôi đã đi giảng dạy nhiều cho các nhà trường về việc vận hành công nghệ số trong giáo dục và trong công tác quản lý, nhìn chung các nhà trường trên địa bàn Nghệ An có ý thức cao trong việc chuyển đổi số. Ngoài thành phố Vinh, các địa bàn vùng xa trung tâm như: Hoàng Mai, Thanh Chương, Đô Lương đã có những bước chuyển vượt bậc, ví như họ đã có những nhóm tác giả tham gia các kỳ thi cấp quốc gia về vận hành bài giảng điện tử cho học sinh, hay sử dụng công nghệ số trong công tác quản lý ở các nhà trường ở các vùng miền này cũng đã được triển khai khá bài bản.

Một giờ học Tiếng Anh ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi - TP Vinh
Một giờ học Tiếng Anh ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi - TP Vinh

Tuy nhiên, với khu vực miền núi vùng sâu hay vùng xa, hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin chưa được bảo đảm, gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý giáo dục trong dạy và học. Đây chính là vấn đề phải ưu tiên khắc phục giúp triển khai thành công đặc biệt là nhu cầu dạy và học trực tuyến khi điều kiện học trực tiếp không cho phép. Thông thường giáo viên miền núi sẽ khó tiếp cận hơn với hình thức giảng dạy mới này, bởi hệ thống mạng lưới đường truyền ở vùng cao còn yếu, trình độ công nghệ thông tin chưa đồng đều, và các nhà trường ở các vùng miền này còn nhiều e dè với hình thức bài giảng mới. Thế nên cần chú trọng về triển khai hệ thống để chia sẻ dữ liệu đồng bộ. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy và học, tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa các vùng miền. Để thu hẹp được khoảng cách vùng miền cần xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ, đặc biệt là khu vực có kết nối kém. Có thể sử dụng hình thức thuê dịch vụ hay huy động nguồn lực và xã hội.

Tóm lại, để ứng dụng thành công công nghệ số trong giáo dục cần sự nỗ lực có tính căn cơ, chiến lược dài hơi.