Chuyển đổi số trong giáo dục: “Phép thử” tạo đột phá! – Bài 3

Trong những năm qua, ngành giáo dục Nghệ An tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, chuyên môn. Trong đó, đã đưa vào hoạt động trung tâm điều hành thông minh IOC của ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, thanh tra, giám sát, cung cấp các báo cáo, thống kê; cảnh báo, dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục. Đây còn là hệ thống hỗ trợ cơ quan quản lý giáo dục giám sát các chỉ tiêu giáo dục, thông qua các biểu đồ thống kê trực quan, đa dạng phục vụ cho các cấp quản lý giáo dục.

Giờ học trực tuyến của học sinh Trường THCS Lê Mao
Giờ học trực tuyến của học sinh Trường THCS Lê Mao

Từ năm học 2022 – 2023, hệ thống tuyển sinh trực tuyến đầu cấp lớp 10, hệ thống thi trực tuyến LMS với ngân hàng đề hơn 10.000 câu hỏi đã bắt đầu thực hiện từ tháng 5/2022 giúp cho việc ôn tập, đánh giá học sinh trong toàn tỉnh được thuận lợi và chính xác. Ngành giáo dục cũng đã sử dụng sổ điểm và học bạ điện tử từ năm học 2018 – 2019, có gắn chữ ký số từ năm học 2022-2023 và là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện.

Hiện ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: vừa ứng dụng thành quả của cách mạng công nghệ lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi hình thức hoạt động quản lý, quản trị và dạy học thích ứng, tiên tiến và hiệu quả; vừa giáo dục. Đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện phát triển bền vững, kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Trường Tiểu học Lạng Khê nằm ở địa bàn khó khăn của huyện Con Cuông với phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số. Ngoài điểm trường chính, trường có hai điểm trường lẻ, điều kiện đi lại khó khăn do địa hình chia cắt. Cơ sở vật chất so với nhiều trường học khác còn nhiều thiếu thốn.

Điều thuận lợi nhất của nhà trường chính là đội ngũ giáo viên trẻ với hơn 45% giáo viên mới được tuyển dụng trong vài năm trở lại đây, và đó là cơ sở để nhà trường ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai nhiệm vụ dạy, học. Thời gian qua bằng hình thức xã hội hóa, nhà trường đã trang bị tivi thông minh cho tất cả các lớp, sử dụng 3 đường truyền internet để phủ sóng wifi trong toàn trường tạo điều kiện thuận lợi để các giáo viên có thể ứng dụng các bài giảng điện tử trong dạy và học. Hiện, nhà trường cũng sử dụng các phần mềm trong quản lý như phần mềm VNEdu, SMAS, sử dụng phần mềm Etep, Temis của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đánh giá công chức, phần mềm Misa cho kế toán tài chính, cơ sở dữ liệu ngành trong công tác kế toán tài chính.

Một buổi trao đổi về chuyên môn của giáo viên Trường THPT Hoàng Mai
Một buổi trao đổi về chuyên môn của giáo viên Trường THPT Hoàng Mai

Ngoài ra, Trường Tiểu học Lạng Khê có phần mềm quản lý thư viện, soạn thời khóa biểu bằng phần mềm thời khóa biểu, phần mềm Ioffice để quản lý công văn đi, đến… Thay vì sử dụng giấy mời, văn bản như trước đây, nhà trường sử dụng Zalo, Facebook, SMS để chuyển tải, truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh… Các giáo viên đều sử dụng thành thạo các phần mềm Microsoft Teams, Zoom… để có thể thích ứng chuyển đổi dạy học nếu xảy ra dịch bệnh, mưa bão hay triển khai một số hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Là người đứng đầu Trường Tiểu học Lạng Khê, cô giáo Trương Thị Xuân là người thấy rõ nhất của công tác chuyển đổi số trong quản lý, dạy học và nhiều ứng dụng thiết thực khác bởi nó “tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong quản lý, dạy học và giúp nhà trường tiết kiệm được chi phí giấy tờ, tiết kiệm được thời gian. Hơn thế, còn làm thay đổi nhận thức tư duy của giáo viên, buộc mỗi giáo viên phải không ngừng cố gắng, học hỏi thường xuyên để không bị tụt hậu trong thời đại công nghệ số”…

Ba năm trước, Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh) đã chủ động tìm một đơn vị viết phần mềm để quản lý kho học liệu điện tử của nhà trường. Ngay sau đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc dạy học trực tuyến nhiều nơi còn lúng túng, học sinh đã phải nghỉ học dài ngày ở nhà thì tại Trường THPT Hà Huy Tập thông qua phần mềm này, giáo viên có thể tải các bài giảng lên hàng ngày, quản lý được việc học, việc làm bài tập và thậm chí các phần mềm còn có thể tự chấm bài cho học sinh. Ứng dụng hiệu quả của nhà trường khi đó, được nhiều trường học tập và nhân rộng trong toàn ngành.

Giờ học của giáo viên và học sinh Trường THPT Hà Huy Tập - Thành phố Vinh
Giờ học của giáo viên và học sinh Trường THPT Hà Huy Tập - Thành phố Vinh

Phát huy những lợi thế của chuyển đổi số, tại Trường THPT Hà Huy Tập, công nghệ thông tin được áp dụng trong quản trị nhà trường để tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường, trong quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, trong quản trị chất lượng giáo dục… Trong công việc hàng ngày, giáo viên nhờ sử dụng lịch báo giảng điện tử thay cho lịch báo giảng giấy, có thể triển khai công việc nhanh chóng, thuận lợi. Nhà trường cũng thực hiện sổ đầu bài điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử với các quy định chặt chẽ của Sở Giáo dục và Đào tạo và của nhà trường; thực soạn và giảng dạy các bài giảng điện tử PowerPoint, video, tổ chức được giảng dạy, làm đề và kiểm tra trực tuyến cho học sinh qua nhiều công cụ như: LMS, Azota, Shub, phần mềm trắc nghiệm online,… giúp thuận lợi cho quá trình đánh giá chất lượng học trò.

Hiện, nhà trường cũng thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội để tương tác với phụ huynh học sinh cũng như xây dựng các Câu lạc bộ bộ môn. Trong đó, câu lạc bộ Toán học của nhà trường được xây dựng trên nhóm Facebook thu hút được hơn 3100 người theo dõi là các học sinh trong và ngoài nhà trường, hoạt động thường xuyên với các bộ đề, bài kiểm tra chất lượng.

Nói về hiệu quả của chuyển đổi số, thầy giáo Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin đem lại nhiều lợi ích cho nhà trường, giảm áp lực về sổ sách và triển khai các hoạt động hiệu quả khoa học. Chúng tôi cũng xác định, học sinh và giáo viên là trung tâm của quá trình chuyển đổi số, lợi ích mang lại cho học sinh, giáo viên và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số. Vì vậy, để thích ứng với hoàn cảnh mới, giáo viên phải là người tiên phong, đổi mới.

Trường Tiểu học Môn Sơn 1 là một trong những trường nằm ở khu vực khó khăn nhất của huyện Con Cuông. Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã vận động phụ huynh mua ti vi và lắp đặt các đường truyền internet để việc tổ chức dạy học có hiệu quả và hiện đã “phủ” được lớp 1,2,3. Bước đầu triển khai đã đem đến nhiều sự thay đổi trong dạy và học.

Trong bối cảnh hiện nay, thầy giáo Nguyễn Duy Linh – Hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng, việc ứng dụng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và nếu không cập nhật thì nhà trường và đội ngũ giáo viên sẽ trở nên lạc hậu. Tuy nhiên, với xuất phát điểm là một trường vùng sâu, vùng xa, thầy giáo Linh thừa nhận “chuyển đổi số ở các trường miền núi chỉ mới bắt đầu manh nha” còn để thực chất vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, ngoài lý do đầu tiên là cơ sở hạ tầng, là điều kiện vật chất chưa đảm bảo thì một phần vẫn từ tinh thần tự giác của giáo viên “trường chúng tôi giáo viên lớn tuổi khá nhiều. Do đó, để ứng dụng công nghệ thông tin và trong quản lý, trong giảng dạy là điều còn nhiều khó khăn. Không ít giáo viên có tâm lý ngại học, ngại đổi mới.”

Những buổi học Tiếng Anh có sự tham gia của giáo viên Tiếng Việt và giáo viên nước ngoài luôn tạo hứng thú cho học sinh Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén - huyện Kỳ Sơn
Những buổi học Tiếng Anh có sự tham gia của giáo viên Tiếng Việt và giáo viên nước ngoài luôn tạo hứng thú cho học sinh Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén - huyện Kỳ Sơn

Dàn máy vi tính dẫu đã được trang bị để chuẩn bị cho việc dạy tin học và chương trình sách giáo khoa mới ở Trường PT DTBT tiểu học Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đã “đắp chiếu” hơn một năm nay vì lý do không có điện. Chưa có điện lưới quốc gia, nên dù ứng dụng chuyển đổi số đang được toàn ngành giáo dục triển khai và xem đây là một trong những mục tiêu để nâng cao chất lượng giáo dục và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thì như ở Tà Cạ đang rơi vào “bế tắc”.

Thầy giáo Hà Thắm Cảnh – Hiệu trưởng Trường PT DTBT tiểu học Tà Cạ cho hay: Cả trường giờ chỉ có 2 máy phát điện mi-ni, nhưng tải về rất kém nên chỉ phát sáng được 6-7 bóng đèn, còn các sinh hoạt khác như nấu cơm hay dạy học bằng máy tính là chịu. Để có một tiết dạy ứng dụng giáo án điện tử, thầy cô phải khắc phục bằng cách dùng máy xách tay về sạc pin đầy để lên lớp dạy, nhưng cũng không đảm bảo được cả buổi học…

Trên toàn huyện Kỳ Sơn, khó khăn tương tự không phải là hiếm, bởi huyện đang còn rất nhiều trường chưa có điện lưới và hàng chục điểm trường lẻ nằm ở vùng sâu, vùng xa khó khăn. Đó cũng là lý do vì sao, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, số trường dạy học trực tuyến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hoặc nếu có cũng chỉ triển khai được “bập bõm”, chủ yếu là ra bài tập về nhà.

Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, cho rằng: Với đặc thù ở một huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, nếu ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý, trong dạy học sẽ rất hiệu quả và rút ngắn khoảng cách giữa vùng ngược và vùng xuôi, giữa những bản làng khó khăn với vùng thuận lợi và đem đến nhiều cơ hội để tiếp cận chương trình dạy học mới. Trước mắt, dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục huyện đã triển khai được việc quản lý hồ sơ nhà trường, quản lý học bạ, sổ điểm điện tử. Tuy nhiên, đó chỉ ở những điểm trường chính; còn hơn 40 điểm trường lẻ và một số trường chưa có điện lưới thì rất vất vả và nếu không có điện, không có mạng internet thì rất khó triển khai đồng bộ.

Học sinh Trường PT DTNT THPT số 2 trao đổi bài học với giáo viên
Học sinh Trường PT DTNT THPT số 2 trao đổi bài học với giáo viên

Như thế, chuyển đổi số của ngành giáo dục Nghệ An đang được thực hiện mạnh mẽ đến từng giáo viên, từng nhà trường và từng học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn đang còn những khó khăn thách thức như điều kiện dạy học ở các nhà trường chưa đồng đều, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Điều đó khiến cho việc tiếp cận về kiến thức trực tuyến ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn; một bộ phận giáo viên còn chậm đổi mới, chưa thích ứng được với yêu cầu đặt ra về chuyển đổi số trong thời điểm hiện nay; việc chuyển đổi số chưa có sự đồng bộ…