Như đã biết, bài giảng E-learning là hình thức tổ chức bài giảng dựa trên các thiết bị công nghệ đó thông qua môi trường Internet. Đối với bài “Trái đất cái nôi của sự sống” trong chương trình Ngữ văn 6, bộ sách kết nối tri thức với cuộc sống, được cô giáo Dương Thắm Ngà và 2 giáo viên dạy Văn Trường THCS Đặng Thai Mai (TP. Vinh) chọn làm bài giảng E-learning đã được giải Nhất quốc gia cấp THCS. Bài giảng sử dụng các phần mềm và kỹ thuật trình bày giáo án mang tính chất trực quan sinh động. Các giáo viên đã đưa vào bài giảng những video, bài đọc bằng chính giọng đọc của học sinh. Phần trình bày kiến thức và kỹ năng được nhóm giáo viên theo dạng sơ đồ hóa để học sinh nắm bài hệ thống nhất. Qua bài giảng hình thành kỹ năng tự học cho học sinh. Hơn thế, từ kỹ năng đọc hiểu một văn bản thông tin cụ thể, học sinh có khả năng đọc hiểu các văn bản thông tin ngoài chương trình.
Nói về hiệu quả của việc ứng dụng thông tin trong bài giảng này, cô giáo Dương Thắm Ngà – chủ đề tài cho hay: “Bài giảng sử dụng các phần mềm camstadio; ispring 10, được thiết kế trên hệ điều hành Win 10, office 365, nên học sinh rất dễ tiếp cận. Hơn thế trên không gian mạng nên học liệu được đưa vào bài giảng rất nhiều, dễ hiểu và rất thu hút.
Cô giáo Ngà cũng trao đổi thêm: Một văn bản văn học của sách giáo khoa thường sẽ gợi mở cho học sinh một bài học về nhân sinh quan, về những giá trị khác nữa ngoài giá trị trực quan mà học sinh quan sát được. Vì vậy, giáo viên cần phải lồng ghép những tư liệu bổ sung có giá trị bổ trợ để làm sáng rõ những tư tưởng và giá trị thông tin trong văn bản. Trong “Trái đất thu nhỏ” tác giả ngoài muốn giới thiệu về hành tinh xanh, giới thiệu về sự kỳ diệu của Trái đất, về quá trình hình thành của nước, không khí và những sinh vật đầu tiên, thì còn muốn mang thông điệp: Hãy bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta bằng những việc làm tích cực dù nhỏ nhất! Trong quá trình xây dựng bài giảng, các giáo viên đã chia bài học thành các phần nhỏ bao gồm phần thuyết minh, phần mở đầu giới thiệu về Trái đất, vì sao Trái đất được gọi là hành tinh xanh; phần 1 – 4 là nói đến sự hình thành sự sống, phần 5 là băn khoăn lo lắng về Trái đất. Học sinh tham gia bài học sẽ được tìm hiểu về từng phần bằng những mô phỏng sinh động và phần trả lời câu hỏi trắc nghiệm sau mỗi phần học. Điều này không chỉ giúp các em nhớ lâu, hiểu sâu mà còn giúp các em cảm thụ sâu sắc phần thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.
Qua quá trình triển khai đề tài này, nhóm tác giả cũng chia sẻ, chỉ có một tham vọng duy nhất đó là đưa đến những thông tin tư liệu phong phú cho học sinh, giúp các em hình thành kỹ năng tự học. Qua đó, dạy cho các em một cách tiếp cận chủ động, hình thành năng lực mới, năng lực tự chiếm hữu tri thức. Ngoài đem đến bài học mới, hấp dẫn cho học sinh thì việc xây dựng bài giảng điện tử còn có ý nghĩa rất quan trọng khác, đó là giúp đội ngũ giáo viên khi tiếp cận với bài giảng này có điều kiện thuận lợi để khai thác nguồn học liệu phong phú, chất lượng từ đó học hỏi, ứng dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực”.
Mới đây, sau gần nửa năm triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Quyết định công bố danh sách những tác phẩm đạt giải vòng chung khảo Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số. Trong danh sách này, trong số 5 sản phẩm đạt giải Nhất, có 1 sản phẩm của Nghệ An, đó là sản phẩm Bộ thiết bị dạy học số Mô tả hình ảnh 3D các đường Conic Toán 10 thuộc bộ môn Toán do các thầy giáo Chu Viết Tấn, Nguyễn Đình Khanh – Trường THPT Hoàng Mai và cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Trường THPT Lê Viết Thuật thiết kế. Đây là các thầy giáo, cô giáo đến từ một trường THPT khá xa thành phố Vinh và là người “ngoại lai” với lĩnh vực công nghệ thông tin.
Theo thầy giáo Chu Viết Tấn, ý tưởng để xây dựng sản phẩm này xuất phát từ thực tiễn khi qua trực tiếp làm công tác giảng dạy, nhiều giáo viên nhận thấy khi tìm kiếm hình ảnh hay video 3D của mô hình các đường Conic trên các trang tìm kiếm như Google dù có kết quả xuất hiện theo từ khóa rất nhiều, nhưng khó khăn theo ý tưởng của giáo viên cũng như học sinh. Trong khi đó, việc tích hợp hình ảnh thực tế ảo tăng cường sẽ kích thích ham muốn tìm tòi của học sinh.
Từ nguyên nhân trên, nhóm tác giả đã tạo ra hệ thống học liệu số bao gồm các video, file Geogebra, file PDF tài liệu hỗ trợ mô tả đường conic cho Toán 10 Bộ thiết bị số thiết kế cho lớp 10 môn Toán, Chương trình GDPT 2018 là một học liệu hỗ trợ giáo viên cũng như hỗ trợ học sinh ứng dụng công nghệ số một cách đơn giản và hiệu quả.
Trước câu hỏi vì sao lựa chọn đề tài này, thầy giáo Chu Viết Tấn và các tác giả cho rằng, đó là bởi sự phát triển của công nghệ thông tin và các thầy giáo, cô giáo nhận thấy nếu biết ứng dụng một cách hiệu quả thì các bài học trên mạng sẽ tạo được sự hứng thú cho học trò và từ đó, giúp các em rời ra mạng xã hội và các trò chơi trên mạng. Thầy giáo Tấn cho hay: “Hiện nay, việc đưa bài giảng E-learning vào cho học sinh rất hữu ích vì học sinh có thể được tự học, tự nghiên cứu kiến thức ở nhà, tự đánh giá được việc học trên công cụ E-learning. Nên tôi nghĩ không tự nhiên mà Bộ phát động cuộc thi giáo án điện tử như vậy, nên nó rất hữu ích nếu làm được”.
Ngoài giải Nhất tại cuộc thi này, thầy giáo Tấn còn đạt giải Ba sản phẩm Bộ thiết bị dạy học số củng cố kiến thức bài học hàm số bậc hai Toán 10 cùng với nhóm tác giả Bùi Thị Minh Hằng, Lê Thị Tuyết Lan – Trường THPT Hoàng Mai. Vượt lên hàng ngàn sản phẩm khác của giáo viên trên cả nước, người giáo viên đến từ một trường cấp huyện ở Nghệ An giành cú “đúp” là một bất ngờ lớn. Càng ngạc nhiên hơn, bởi cách đây hai, ba năm, công nghệ thông tin là một lĩnh vực hoàn toàn mới với thầy giáo Tấn và các đồng nghiệp. Nhưng nhờ quá trình chuyển đổi số và trước xu hướng tất yếu hiện nay chính các thầy đã phải tự thay đổi mình.
Chia sẻ thêm về điều này, thầy giáo Chu Viết Tấn nói: “Bản thân tôi trước khi bắt tay vào thực hiện giáo án điện tử ngoài kiến thức chuyên môn về Toán học, tôi hầu như không sở hữu một chút kiến thức nào về thực hành các phần mềm chuyên dụng. Đặc biệt là các phần mềm vẽ hình không gian 3D. Thế là tôi phải nhờ các đồng nghiệp có chuyên môn công nghệ thông tin và tiếp cận từ từ, vừa làm vừa tìm hiểu, vừa tìm hiểu lại vừa hoàn thiện từng phần, từng phần. Rất nhiều lần như thế tôi đã có thể chiếm lĩnh kiến thức về thực hành phần mềm chuyên dụng này”.
Thầy Tấn cũng cho rằng, để có thêm nhiều những bài giảng điện tử trong các môn học, thì cần nhất vẫn ý thức ban đầu của chính giáo viên. Giáo viên phải ý thức được sự đổi mới là cần thiết và hữu ích cho chính bản thân và học sinh. Khi giáo viên đã muốn làm, muốn tiếp cận thì họ sẽ phải học công nghệ và từng bước sẽ hoàn thành những mục tiêu đề ra cho một bài giảng điện tử.
Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cũng cần định hướng, xác định tư tưởng cho giáo viên trong việc đón nhận tinh thần chuyển đổi số. Bởi rất nhiều đơn vị trường học chưa ý thức rõ tầm quan trọng trong chuyển đổi số nên việc tiếp cận của giáo viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những trường học thuộc vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn. Thế nên, việc triển khai cho giáo viên đồng bộ thực hiện là khó khăn nhất…