Chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh Quế Thị Trâm Ngọc

Họ và tên: QUẾ THỊ TRÂM NGỌC

Ngày, tháng, năm sinh: 10/9/1976

Nghề nghiệp, chức vụ: Công chức; Bí thư Chi bộ; Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp Nghệ An

Bản thân tôi rất phấn khởi và vinh dự được cử tri nơi công tác, nơi cư trú đề cử tham gia ứng cử và được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hiệp thương giới thiệu ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 -2026. Đồng thời được Ủy ban Bầu cử tỉnh tiếp nhận hồ sơ và phân bổ về ứng cử tại đơn vị bầu cử số 14 gồm 11 xã và 01 thị trấn thuộc huyện Quỳ Châu, là quê hương và nơi tôi đã sinh ra.

Được giới thiệu làm ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, đặc biệt là được giới thiệu về ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại huyện nhà, tôi rất vinh dự và phấn khởi bởi vì Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Tôi ý thức sâu sắc rằng, đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương. Chính vì vậy, đây là niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm lớn lao của bản thân tôi trước cử tri, nếu được trúng cử.

Với những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng được tích luỹ trong hơn 16 năm làm công tác tham mưu xây dựng văn bản pháp luật nói chung và công tác góp ý, thẩm định các cơ chế, chính sách, chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà, tôi ứng cử với mong muốn tha thiết được đóng góp trí tuệ, công sức của mình, đưa tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân quê hương mình vào những quyết định, chủ trương, biện pháp nhằm không ngừng cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu của dân, tôi sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Tham gia đầy đủ các dự kỳ họp, phiên họp toàn thể của Hội đồng nhân dân. Tập trung nghiên cứu và tích cực thảo luận, vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân để đóng góp nhiều ý kiến để cùng Hội đồng nhân dân xây dựng Nghị quyết và quyết định các chủ trương, chính sách cơ bản về nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước hợp lòng dân và có tính khả thi cao; đặc biệt là các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế  tỉnh nhà nói chung và vùng miền núi nói riêng như sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng và phát triển kinh tế hàng hóa và các vấn đề về an sinh xã hội, giảm nghèo phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tham gia vào các biện pháp phát triển nhà ở, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng đời sống mới tiến bộ cũng như các vấn đề về bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ biên giới, phòng chống ma túy…

2. Liên hệ chặt chẽ với cử tri; chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực, đầy đủ các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri tới Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước tại địa phương để từ đó kịp thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất với Hội đồng nhân dân tỉnh những giải pháp, chính sách phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu phát triển của tỉnh nhà.

3. Tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, Phối hợp với các cơ quan, tổ chức tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức thực thi các văn bản pháp luât, đưa pháp luật đi vào cuộc sống và đến với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng dân tộc ít người… để nhân dân hiểu, sống và làm việc theo pháp luật, hạn chế tình trạng người dân vi phạm pháp luật do không hiểu, không biết pháp luật và tình trạng cán bộ lợi dụng sự không hiểu biết pháp luật của người dân để vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

4. Tham gia tích cực công tác cải cách hành chính ngay tại cơ quan, đơn vị và địa phương mình; tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là công khai hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp được tốt hơn.

5. Là một ứng cử viên nữ, đại biểu của đồng bào dân tộc thiểu số, tôi sẽ dành nhiều sự quan tâm và tích cực hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào vấn đề tham gia xây dựng hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ chế chính sách bảo đảm thực hiện bình đẳng giới; phối hợp với Hội phụ nữ các cấp nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, phụ nữ là dân tộc ít người. Từng bước hướng dẫn và giúp chị em bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Phối hợp với các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị và gia đình để quan tâm nhiều hơn nữa đến việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ phát triển lành mạnh cả thể chất và trí tuệ, tinh thần, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế vấn nạn trẻ em bỏ học tại các vùng có điều kiện khó khăn.

Nếu được trúng cử, để thực hiện được các nội dung trên, bản thân tôi phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, từng bước nâng cao trình độ về mọi mặt và hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. Đồng thời tôi mong muốn được sự ủng hộ, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là các cử tri để tôi có thể hoàn thành tốt chương trình hành động và trách nhiệm của một đại biểu Hội đồng nhân dân, góp phần đưa tỉnh Nghệ An ngày càng phát triển./.