Chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh Lê Bá Hùng

Họ và tên: LÊ BÁ HÙNG

Ngày, tháng, năm sinh: 10/4/1964

Nghề nghiệp, chức vụ: Công chức; Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Được sự chấp thuận của tổ chức, sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú, tôi rất vinh dự được tham gia ứng cử HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII nhiệm kỳ 2016 – 2021. Tôi nhận thức rằng: Ðại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe và trả lời những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri, thực hiện tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND. Đại biểu HĐND cần có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ, nhiệt tình và trách nhiệm, đáp ứng được kỳ vọng, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Đây không chỉ là vinh dự của cá nhân, cơ quan, gia đình tôi mà còn là trách nhiệm lớn trước Tỉnh ủy, cử tri và nhân dân toàn tỉnh.

Trong những năm qua, trên các cương vị công tác tôi đã chủ động tham mưu với tỉnh và trực tiếp chỉ đạo thực hiện toàn diện các lĩnh vực công tác thuộc ngành Thông tin và Truyền thông. Nếu trúng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, tôi cam kết thực hiện chức năng và nhiệm vụ đại biểu, trực tiếp cùng cơ quan, đơn vị triển khai chương trình hành động của cá nhân với 7 nội dung cụ thể như sau:

1. Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An: Tham mưu xây dựng các quy định, cụ thể hóa các quy định, chính sách của quốc gia về xây dựng Chính quyền điện tử. Hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; Xây dựng các hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) có khả năng kết nối với Trung ương (Trục kết nối liên thông, hệ thống quản lý danh mục dùng chung, định danh điện tử, hệ thống giám sát, CSDL dùng chung,…); thực hiện lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

2. Về xây dựng Đô thị thông minh: Từng bước tham mưu thí điểm xây dựng nền tảng công nghệ thành phố thông minh tỉnh Nghệ An tạo nền tảng, bước đệm, cơ sở hạ tầng cho phát triển các thành phần liên quan của đô thị thông minh theo Đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm triển khai xây dựng và phát triển Đô thị thông minh, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, tạo động lực quan trọng cho phát triển bền vững kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, trong giai đoạn 2020-2025 tập trung triển khai tại TP Vinh và mở rộng triển khai tại các thị xã trong giai đoạn 2025-2030.

3. Chuyển đổi số: Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Nghệ An. Trình ban hành kế hoạch vào quý 4/2021. Sau khi ban hành kế hoạch, từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số; số hóa, xây dựng dữ liệu nền, CSDL dùng chung, các CSDL chuyên ngành, tạo lập kho dữ liệu dùng chung của tỉnh và tổ chức dữ liệu mở phục vụ xã hội. Cung cấp danh mục dữ liệu đã được số hóa theo quy định để tổ chức tích hợp, chia sẻ cho các hệ thống thông tin (HTTT) của các cơ quan nhà nước bảo đảm dữ liệu được thu thập một lần; Kết nối với các CSDL, HTTT Quốc gia, HTTT triển khai từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Kiến trúc CQĐT của tỉnh.

4. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin: Tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, phần mềm, hạ tầng ứng dụng CNTT; đảm bảo an toàn thông tin gắn liền với hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và xây dựng Chính quyền điện tử/ Chính quyền số tỉnh Nghệ An.  Tiếp tục triển khai và duy trì bảo đảm an toàn thông tin mô hình 4 lớp cho các hệ thống dùng chung của tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động của các cơ quan nhà nước. Triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC); kết nối và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

5. Về phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông: Tham mưu xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch ngành Thông tin và Truyền thông, quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, đảm bảo hạ tầng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp số, đáp ứng phương thức làm việc mới trong một môi trường số an toàn, rộng khắp. Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với đích đến là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tương tác với người dân nhiều hơn; phấn đấu mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang internet, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số. Hoàn thiện hạ tầng 4G, chuẩn bị phát triển hạ tầng 5G tại các khu đô thị, khu công nghiệp để hỗ trợ sản xuất thông minh nhằm đón các làn sóng đầu tư mới vào tỉnh.

6. Phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở: Trong những năm qua, hệ thống đài TTCS được đầu tư, nâng cấp, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách và phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, hầu hết các Đài Truyền thanh cơ sở mới dừng lại ở việc thông báo các văn bản liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; chưa tiếp nhận được thông tin phản ánh của người dân về quản lý điều hành của các cơ quan chính quyền các cấp.

Ngày 20  tháng 01  năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng Công nghệ thông tin. Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông đến cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025”. Xây dựng và phát triển hệ thống đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông trên cơ sở kế thừa hạ tầng cũ. Đề án đang hoàn thiện dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt vào quý III/2021.

7. Tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.  Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quản lý báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh.

Tôi cam kết gắn bó chặt chẽ với cử tri, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến, tâm nguyện của cử tri đối với HĐND và các cơ quan nhà nước. Tôi mong muốn các cấp, các ngành, cử tri và nhân dân trong tỉnh thường xuyên ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ tôi trong thực hiện nhiệm vụ.