Chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh Lầu Bá Chò

Họ và tên: LẦU BÁ CHÒ

Ngày, tháng, năm sinh: 04/12/1978

Nghề nghiệp, chức vụ: Công chức; Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn

Tôi vinh dự được cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Sơn giới thiệu và đưa vào danh sách đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An hiệp thương giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử số 17 huyện Kỳ Sơn. Tôi ý thức sâu sắc rằng đây không chỉ là vinh dự của cá nhân, cơ quan, gia đình tôi mà còn là trách nhiệm lớn trước cấp ủy, các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, huyện, cử tri và nhân dân toàn tỉnh.

Tôi cũng ý thức được rằng HĐND tỉnh nhiệm kỳ này phải kế thừa và phát huy mạnh mẽ kết quả, kinh nghiệm hoạt động của HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh trong các nhiệm kỳ qua. Đồng thời, phải nêu gương, đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, cộng sự, tiếp tục đổi mới, phát huy hơn nữa vai trò vị trí của cơ quan dân cử ở địa phương (cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương), nghiên cứu triển khai cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật Nhà nước sát điều kiện thực tiễn địa phương; tập trung chăm lo nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Từ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và đại biểu HDND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, tôi xin được trình bày những suy nghĩ của mình về thực hiện trách nhiệm của người đại biểu dân cử:

Trước hết, tôi tự hào là một người con của quê hương Bác Hồ kính yêu (Nghệ An), được sinh ra và lớn lên vùng đất giáp biên giới Việt – Lào (huyện Kỳ Sơn) trong sự yêu thương, đùm bọc, hỗ trợ, giúp đỡ, giác ngộ, nâng đỡ của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh và Hoa.

Tôi luôn nhận thấy rằng, dù ở vị trí công tác nào đều phải nỗ lực cố gắng làm việc hết mình để góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới phía Tây của tỉnh, sớm xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá như mong ước của Bác Hồ, thiết thực phụ vụ để huyện Kỳ Sơn giữ vững được “3 Yên” (Yên dân, Yên địa bàn và Yên biên giới).

Hiện nay Kỳ Sơn vẫn là huyện có nhiều cái nhất ở Nghệ An (tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, địa hình tự nhiên phức tạp nhất, mặt bằng đất sản xuất khó khăn nhất, kết cấu hạ tầng dân sinh khó khăn nhất, đường biên giới với nước bạn Lào dài nhất,…). Đời sống, việc làm của bà con còn nhiều vất vả, xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm, nước sạch nông thôn, kết cấu hạ tầng còn rất khó khăn nhất là về giao thông nông thôn, chế độ chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ cơ sở còn bất cập chưa tương xứng; đây là những vấn đề tôi quan tâm, trăn trở và tôi biết đó là những vấn đề cần có thời gian giải quyết trong điều kiện hiện nay của tỉnh.

Song tôi thấy cần tích cực cùng với Huyện ủy, UBND huyện, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các địa phương tích cực đề xuất, kiến nghị, tham mưu với tỉnh có cơ chế, chính sách quan tâm ưu tiên, hỗ trợ giúp đỡ các địa phương khó khăn vươn lên trong sự phát triển chung của tỉnh.

Đồng thời, để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, bản thân tôi thấy cần:

1. Tập trung nghiên cứu, học hỏi, cập nhật kiến thức mới, chủ động tiếp cận và nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa dành thời gian thỏa đáng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

2. Phải thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi công tác, nơi cư trú và đơn vị bầu cử; dành thời gian tham dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định; luôn gần gũi, sâu sát cơ sở; biết lắng nghe, tiếp thu tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; thực sự là cầu nối giữa cử tri với cơ quan có thẩm quyền, đồng thời tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước đến với cử tri và nhân dân.

3. Tham dự đầy đủ các kỳ họp của HĐND, tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào các quyết định của HĐND tỉnh, đảm bảo việc ban hành các cơ chế, chính sách vừa đúng quy định của Nhà nước, vừa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh.

4. Tích cực tham gia các hoạt động giám sát; kịp thời phát hiện, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm.

5. Thực hiện tốt chức năng tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; đồng thời có biện pháp đôn đốc các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, của cử tri và nhân dân, bản thân tôi luôn phải nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, tích cực học hỏi để hoàn thiện mình và phải nghiêm túc thực hiện tốt phong cách công tác của người cán bộ Mặt trận là trọng dân, gần dân, học dân và thực sự có trách nhiệm với dân.