Những tờ báo tiền thân của Báo Nghệ An: Các tờ báo của Đảng bộ Nghệ An trước năm 1945

Báo chí cách mạng của tỉnh Nghệ An ra đời sau các tờ báo của Xứ ủy Trung Kỳ bởi đến tháng 3/1930 mới hình thành Ban cấp ủy Lâm thời tỉnh Nghệ An.

Là tờ báo của Tỉnh ủy Nghệ An, xuất bản số đầu vào ngày 12/9/1930. Trong số này, báo tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp, bọn phong kiến tay sai đàn áp dã man cuộc biểu tình của nông dân Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương và nhiều nơi khác, kêu gọi giai cấp thợ thuyền, binh lính, học sinh, trí thức ủng hộ cuộc đấu tranh của nông dân. Do cơ quan của Tỉnh ủy trong điều kiện phải hoạt động bí mật, bị truy lùng gắt gao, lại ở cách Vinh hàng trăm cây số và di chuyển liên tục nên “Nghệ An Đỏ” đưa tin chậm, không đều kỳ và sớm đình bản.

Là tờ báo tiếp sau “Nghệ An Đỏ”, ra đời trong hoàn cảnh hết sức gay gắt, cơ quan Tỉnh ủy bao gồm cả nơi in ấn báo “Tiến Lên” phải di chuyển nhiều nơi, cuối năm 1931, Tỉnh ủy rút về vùng sâu, vùng xa cùng với Huyện ủy Thanh Chương và Anh Sơn. Năm 1932, Tỉnh ủy đóng ở xóm Trại Tràng Ri (vùng giáp giới giữa ba huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn), độc giả “Tiến Lên” bị thu hẹp dần, tờ báo bị gián đoạn.

Khắc phục khó khăn về in ấn, xuất bản và phát hành, Tỉnh ủy chỉ đạo phải cố gắng phổ biến báo Đảng đến người đọc bằng mọi cách. Trước hết: “Mỗi đảng viền vừa là độc giả vừa là phát hành viên báo Đảng”. Cách phổ biến là đọc rồi chuyền tay cho nhau. Đã có những trường hợp phát hành viên học thuộc lòng bài báo, khi đến với độc giả, người phát hành đọc trầm cho mọi người nghe. Cách làm này che mắt được kẻ địch. Cũng trong khoảng thời gian ấy, nhận rõ tác dụng to lớn của báo chí, các huyện ủy cũng ra tờ báo của mình, coi đó là một trong những vũ khí đấu tranh quan trọng và sắc bén.

Khu bộ Vinh ra báo “Chuông Vô sản” và báo “Cờ Dân Tộc”, Huyện ủy Thanh Chương ra báo “Nhà Quê”, Huyện ủy Anh Sơn ra báo “Gương Vô sản”, Huyện ủy Quỳnh Lưu ra báo “Lao Động và Tia Sáng”, Huyện ủy Nghi Lộc ra báo “Dân Nghèo”, Huyện ủy Nam Đàn ra báo “Giác Ngộ”, Huyện ủy Hưng Nguyên ra báo “Sản Nghiệp”.

Tình hình hoạt động chung của các tờ báo huyện thường là không ổn định, cớ sở ấn loát phải di chuyển liên tục và phương tiện ấn loát thiếu thốn, nguồn tài chính “nuôi” tờ báo không đủ, người biên tập (chủ yếu là trong cốt cán của huyện ủy) bị địch truy đuổi, hoặc phải dồn sức vào các cuộc đấu tranh của quần chúng chống kẻ thù. Đó là chưa kể đến hoàn cảnh thay đổi tổ chức do kẻ địch khủng bố như: Huyện ủy Hưng Nguyên, Huvện ủy Nghi Lộc phải chia đôi, một nửa bám ở mạn bắc huyện, một nửa bám phía nam huyện…

Đặc điểm chung của các tờ báo cách mạng của tỉnh và huyện thời 1930 – 1931 là những tờ báo xuất bản bí mật và phát hành theo đường dây thông tin – liên lạc nội bộ (độc giả chính là cán bộ, đảng viên). Tờ báo in khổ nhỏ (khổ giấy học sinh). Các tin, bài đăng khít cả trang báo (không mi báo như ngày nay), viết tay, in thạch, in trên khuôn đất sét là phổ biến, báo ra không đều kỳ (do di chuyển và địch phá), cơ sở in ấn đưa vào đình, chùa, nhà thờ họ hoặc nhà ở của dân. Những nơi này kín đáo cơ động, hễ có dấu hiệu địch đã nghi ngờ dòm ngó hoặc đang lùng sục, bao vây là nhanh chóng di chuyển hoặc phi tang công cụ in ấn. Ở Nghi Lộc, ngày 15/10/1930, địch kéo đến bao vây cơ quan Huyện ủy, đảng viên Phạm Tước kịp thời châm lửa đốt nhà riêng của mình để phi tang công cụ và tài liệu in ấn. Khi địch xông vào chỉ còn than và lửa. Đó là tấm gương vì nước quên nhà đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc di chuyển cơ sở in ấn cũng không đơn giản, phải làm thế nào lọt qua cặp mắt cú vọ của bọn lý hương, bang tá, trương tuần ở thôn xã, bọn mật thám, chỉ điểm rình mò khắp nơi.

Kẻ địch bao gồm bọn cầm quyền Pháp, bọn cai trị Nam Triều cho đến bọn tổng lý ở cơ sở đều coi báo chí cách mạng của ta là loại vũ khí vô cùng nguy hiểm. Chúng thường gọi gộp truyền đơn và báo chí cộng sản vào một loại, gọi chung là truyền đơn cộng sản. Bọn thực dân Pháp và quan lại Nam Triều dùng mọi thủ đoạn, bắt người, bỏ tù, và có khi bắn giết không cần xét xử những người làm báo cộng sản.

Coi trọng vai trò, vị trí và tác dụng của báo chí, Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo cấp ủy tỉnh, huyện tổ chức xuất bản báo bí mật, làm sao để nội dung sát với trình độ người đọc. Tại Công văn ngày 13/8/1931, của Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ gửi Tỉnh ủy Hà Tĩnh (và các tỉnh khác để biết) có đoạn viết về sự hạn chế của báo chí như sau: “Báo viết không căn cứ vào những sự áp bức, bóc lột trong quần chúng, ít bày tỏ chính sách Đảng, chỉ viết bông lông theo lối văn chương tư bản, và vả chăng lại hay làm qua chuyện, chỉ in, phát rời tay là được; không cử người giảng cho quần chúng, không chú ý xem xét nó có hợp với sở hữu quần chúng không?”. Một đoạn khác viết có tính định hướng như sau: …“Báo tuyên truyền phải thế này:

a) Căn cứ vào những sự áp bức xảy ra hàng ngày trước mắt quần chúng.

b) Hễ đế quốc chủ nghĩa nhượng bộ cho quần chúng một quyền lợi gì thì phải lập tức giảng giải cho quần chúng hiểu nó sợ lực lượng tranh đấu của quần chúng mà phải nhượng bộ.

c) Còn khi nào Đế quốc chủ nghĩa thi hành một chính sách cải lương gì thì phải vạch mặt giả dối của nó ra ngay cho quần chúng biết rằng: cải lương là một chính sách rất khôn khéo để phá cách mạng, làm cho quần chúng tưởng nó là tử tế là quên tranh đấu đi. Khi quần chúng đã bị lừa mà bỏ tranh đấu rồi thì đế quốc chủ nghĩa sẽ quay lại áp bức bóc lột quần chúng thậm tệ, cho nên quần chúng phải tranh đấu liên tiếp.

d) Báo phải viết cho vắn tắt, dễ hiểu và cho hùng hồn, cảm kích như một bài diễn thuyết cứ căn cứ vào sự thực mà nói, chứ không văn chương cho lắm”.

Tháng 4/1935, Tỉnh ủy Lâm thời Nghệ An xuất bản tờ báo “Tự Cứu” từ tờ báo “Chuông Cách Mạng” đổi tên sang, để in các văn kiện của Đảng rồi ngừng hoạt động xuất bản.

Năm 1936, nhằm đẩy mạnh cao trào vận động dân chủ 1936-1939, Trung ương Đảng ta chủ trương thành lập “Mặt trận Dân chủ” tập hợp các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh đòi quyền hòa bình… “Vừa thực hiện liên minh các tầng lớp, giai cấp cơ bản, vừa thực hiện liên minh với các tầng lớp trên, lấy liên minh công, nông làm nền tảng”.

Do vậy, Đảng chủ trương: “Chuyển hình thức hoạt động bí mật, không hợp pháp sang hình thức công khai, hợp pháp và nửa công khai, hợp pháp nhằm tập hợp và hướng dẫn đông đảo quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, qua đó giáo dục, phát triển lực lượng cách mạng” (Văn kiện Đảng).

Khi Đảng đề ra các chủ trương nói trên, nhằm tranh thủ thời cơ ở nước Pháp, mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền. Mặc dù bộ máy cai trị của chủ nghĩa thực dân Pháp trên nước ta không có gì thay đổi nhưng nhờ có các cuộc vận động dân chủ của các tầng lớp nhân dân ta dẫn đến tình thế buộc bọn cầm quyền thực dân ở đây phải thỏa hiệp một số mặt, trong đó có quyền tự do báo chí. Chớp lấy thời cơ chúng ta cho ra đời một số tờ báo công khai, hợp pháp ở Huế (Trung Kỳ) có tờ “Bạn Dân” và tờ “Nhành Lúa” (do Xứ ủy chỉ đạo). Đã có lúc tờ “Bạn Dân” được mang ra Vinh in typo (khổ rộng), một trong những người chăm lo tờ báo in ở Vinh là đồng chí Hà Huy Giáp. Tờ báo in công khai, phát hành trực tiếp ở Nghệ Tĩnh nên có ảnh hưởng khá rộng trong quần chúng và độc giả ở đây.

Đặc biệt các tờ báo “Bạn Dân”, và “Nhành Lúa” bám sát thời sự, phản ánh kịp thời mục đích chuyến công cán của phái đoàn Gôđa gặp các đoàn đại biểu Lao động của ta và ông ta cũng có những lời hứa hẹn này nọ. Báo “Nhành Lúa” số 8, ra ngày 25/2/1937 đã viết bài vạch rõ bản chất thực dân của Pháp như: “Lắm kẻ lầm tưởng rằng, hễ nêu được nguyện vọng trước ông Gôđa rồi về nhà đắp chiếu nằm là dăm ngày sau có cơm áo, hạnh phúc, không phải thế đâu muốn được người ta cải cách cho mình, trước hết mình phải có một lực lượng, lực lượng do sự đoàn kết, do sự tổ chức. Không đoàn kết, không có tổ chức đừng hòng cải cách”.

Ngày 28/9/1939, viên Toàn quyền Đông Dương Đơcatơru (De Catroux) ra Nghị định giải tán các tổ chức nghiệp đoàn, hội tương tế, ái hữu ở Đông Dương. Tiếp đó, ngày 3/10/1939, Nam Triều ra Đạo dụ cấm hội họp, cấm tuyên truyền Cộng sản và tịch thu các sách báo tiến bộ (xuất bản công khai) của ta.

Về phía ta, các cuộc đấu tranh chống áp bức lại tiếp diễn dưới các hình thức thích hợp, không bộc lộ lực lượng quần chúng như trước, về công tác tuyên truyền báo chí thì tờ “Bẻ Xiềng Xích” của Xứ ủy và báo “Cởi Ách” ra ngày 26/3/1941 đã có bài viết về sự thất bại cuộc khởi nghĩa của Đội Cung. Bài báo kết luận: “Muốn đánh đuổi đế quốc cần phải có sự thống nhất hàng ngũ các giới. Một mình anh em binh lính dù có súng ống trong tay cũng phải thất bại”.

Sau “Nghệ An Đỏ”, tờ “Tiến Lên”, Tỉnh ủy Nghệ An rút bài học làm báo bí mật và tiếp tục tổ chức xuất bản tờ “Tự Chỉ Trích” ra tháng 5/1933. Tờ “Chuông Đánh Thức” ra năm 1933, tờ “Chuông Cách Mạng”, tờ “Vô sản”, tờ “Tranh Đấu” ra năm 1934; tờ “Tự Cứu” ra năm 1935; tờ “Dân Nghèo” ra năm 1936; tờ “Chỉ Đạo” ra năm 1938; tờ “Cởi Ách” ra năm 1940.

Từ cuộc tổng diễn tập giành chính quyền lần thứ nhất vào năm 1930-1931 đến trước thời điểm giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, Tỉnh ủy Nghệ An đã xuất bản 11 tờ báo với nhiều tên gọi khác nhau.

Máy xén quay tay - một trong những công cụ của các cơ sở in báo những năm 1936 - 1945.
Máy xén quay tay - một trong những công cụ của các cơ sở in báo những năm 1936 - 1945.

Báo chí của Đảng bộ Nghệ An xuất bản bí mật hoặc một nửa công khai từ năm 1930 đến năm 1942 đều có chung đặc điểm là khổ báo nhỏ, chữ viết tay, in litô, in khuôn thạch trên nền giấy thô, sáp màu nâu sáng. Báo xuất bản không định kỳ, chỉ đánh số thứ tự và thời gian ra báo. Báo căn cứ vào nội dung hoạt động chính trị từng giai đoạn để đặt tên gọi và phần lớn tên tờ báo mang tính chất cổ động.

Báo chí xuất bản không cố định số lượng trang mà quan tâm nội dung thông tin của vấn đề bức xúc đang đặt ra trước mắt như: xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể quần chúng, cách thức đấu tranh chính trị, kinh tế hoặc hướng dẫn học tập lý luận sát với trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên.

Ngôn ngữ báo chí chủ đạo mang hơi thở văn kiện, chính luận nhằm mục đích thuyết phục nhanh một bộ phận bạn đọc có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong mấy thuộc tính cơ bản của báo chí vô sản thì tính Đảng, tính quần chúng bao trùm nội dung thông tin trên các số báo, trang báo xuất bản thời kỳ (1930 -1936) và (1939 – 1942) tại Nghệ An.

Đội ngũ làm báo bao gồm: người phụ trách, biên tập phóng viên, ấn loát, phát hành là những cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. Hình thức tổ chức tòa soạn đơn giản, gọn nhẹ phù hợp với hoàn cảnh hoạt động bí mật, bất hợp pháp.

Từ năm 1930 đến năm 1945, hoạt động báo chí của Đảng bộ Nghệ An sôi động, có tác động mạnh mẽ và hiệu quả tới phong trào cách mạng, đặc biệt là góp phần xây dựng tổ chức Đảng các cấp, định hướng tư tưởng, tổ chức lực lượng, chuẩn bị điều kiện đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân.

Chuẩn bị lực lượng chính trị và vũ trang giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945, Mặt trận Việt Minh Liên tỉnh Nghệ – Tĩnh quyết định xuất bản báo Kháng Địch, số đầu tiên của báo “Kháng Địch” ra ngày 15 tháng 6 năm 1945. Báo in bản đúc chì tại xưởng in Phạm Hồng Thái – đặt tại thành phố Vinh.


Nguồn: Lịch sử Báo Nghệ An (1961 – 2011) – NXB Nghệ An, tháng 11/2011
Ảnh: Tư liệu