Bức tường xanh nơi chân sóng: Kỳ 1: “Bức tường xanh” chắn sóng

Những cánh rừng ngập mặn trải dài ở các địa phương vùng ven biển không chỉ là những “bức tường xanh” bảo vệ môi trường, dân cư và làng mạc, mà còn tạo nên những cảnh quan du lịch sinh thái thơ mộng và đem lại sinh kế cho người dân sống trong vùng.

Xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu có những cánh rừng ngập mặn xanh ngút mắt trải dài theo bờ biển. Theo các bậc cao niên trong vùng, trước những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi mùa bão lũ, triều cường dâng cao làm xói lở, vỡ đê biển, đất nông nghiệp của hàng ngàn hộ dân các xã Diễn Kim và Diễn Vạn bị ngập mặn không sản xuất được;  nhiều nhà dân bị cuốn trôi, cuộc sống của người dân vùng biển Diễn Châu luôn đối mặt với hiểm nguy.

Trong quá khứ chưa xa ở thế kỷ trước đã có nhiều cuộc di dân  quy mô lớn từ đó đi các vùng quê khác do triều cường “tấn công”.

Đến năm 1997, dự án trồng rừng ngập mặn của Nhật Bản được triển khai, người dân xã Diễn Kim kết hợp với dự án để trồng trên 152 ha rừng ngập mặn. Bây giờ rừng đã xanh ngút bao bọc lấy làng quê.

Ông Trần Văn Tuấn – nhà nằm gần sát tuyến đê biển Lạch Vạn – Diễn Châu, phấn khởi cho biết: “Trước đây, chỉ cần có mưa to là làng mạc chìm trong nước biển, nhà cửa, hoa màu gần đến ngày thu hoạch bị cuốn trôi, bà con ai cũng lo “chạy” bão lụt, cuộc sống bấp bênh. Bây giờ nhờ có rừng ngập mặn như bức tường xanh bảo vệ, người dân chúng tôi yên tâm nuôi tôm, trồng dâu phát triển kinh tế. Hàng trăm tàu thuyền đánh bắt cá về neo đậu trong mùa mưa bão được rừng ngập mặn che chở an toàn, bà con còn khai thác được nguồn cá tôm trong rừng để tăng thêm thu nhập”.

Nằm cách trung tâm TP. Vinh khoảng 8 km về phía biển, rừng bần Hưng Hoà cũng ngút xanh trải từ cuối xóm Hòa Lam (cũ) đến tận cống Chín cửa bên đường ven Sông Lam. Rừng bần ở đây không biết có tự bao giờ. Chỉ biết ở mảnh đất này, đất đai thường xuyên bị chua mặn do ảnh hưởng từ triều cường của Sông Lam và sông Rào Đừng, làm cho hệ thực vật ngập mặn phát triển, hình thành nên những cánh rừng ngập mặn quý giá như hiện nay.

Sau năm 1954, khi đắp đê 42 thì khu rừng ngập mặn bị chia làm 2 phần: Phần trong đê, nhiều cánh rừng ngập mặn bị mất dần để trồng lúa, trồng cói, làm đầm nuôi trồng thủy sản; phần ngoài đê, diện tích rừng bần có khoảng 63 ha, chiều ngang nơi rộng nhất lên tới gần 1 km, hẹp nhất cũng khoảng 300 m trở thành một cánh rừng xanh thơ mộng ven Sông Lam.

Từ bao đời, “bức tường xanh” này bảo vệ, gìn giữ xóm làng, đất đai, dù mỗi mùa mưa lụt, nhiều đoạn đê xung yếu đã bị vỡ, nhưng những đoạn nào có rừng bần che chắn là yên tâm.

Rừng bần ngập mặn trên địa bàn là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản, quý thì cá lệch, “bình dân” hơn có tôm, rạm, cáy… Ảnh: Sách Nguyễn
Rừng bần ngập mặn trên địa bàn là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản, quý thì cá lệch, “bình dân” hơn có tôm, rạm, cáy… Ảnh: Sách Nguyễn

Tại huyện biển Quỳnh Lưu, từ khi hàng trăm ha diện tích rừng ngập mặn được trồng và phát triển xanh tốt, thì cũng là lúc người dân những vùng ven biển có cuộc sống yên bình, không còn lo phải đối diện với những trận triều cường, gió lốc khi vào mùa mưa bão và điều đặc biệt là những cánh rừng giúp hạn chế được xâm nhập mặn, bảo vệ nguồn nước ngầm, giúp bà con có thể sản xuất nông nghiệp.

Dọc theo các tuyến đê biển qua các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) những cánh rừng ngập mặn xanh tốt luôn thách thức bão dông. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh rừng ngập mặn ven Sông Mơ, ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã An Hòa cho biết: “Trước đây, vào mùa mưa bão, hàng chục nhà dân phải sơ tán lên các vùng cao bởi triều cường dâng cao và có thể tràn qua đê. May mắn cho chúng tôi, hiện đã có những cánh rừng này che chắn, hạn chế bão lũ, triều cường nên yên tâm hơn hẳn, không còn cảnh nhà nhà người người sơ tán mỗi khi lụt bão”.

Người dân ven biển Quỳnh Lưu lội sông “đẽo” hàu trong khu rừng ngập mặn. Ảnh Việt Hùng
Người dân ven biển Quỳnh Lưu lội sông “đẽo” hàu trong khu rừng ngập mặn. Ảnh Việt Hùng

Không chỉ hạn chế tác hại của bão lũ, những cánh rừng xanh ven biển còn hạn chế xâm nhập mặn, giúp bà con ở vùng ven biển Quỳnh Lưu trồng rau màu, nuôi tôm khá thuận lợi. Ông Vũ Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết, địa phương đang quản lý 9 ha rừng ngập mặn. Ngoài diện tích rừng địa phương quản lý thì những năm gần đây, một số nơi phát triển thêm cây đưng, bần phủ kín sông. Hưởng lợi từ rừng, bà con đã sử dụng nguồn nước từ sông Mai Giang để nuôi tôm, nhờ có rừng ngập mặn nên quá trình trao đổi đã lọc sạch nguồn nước, giúp bà con nuôi tôm hiệu quả và an toàn.

Ngay bên dòng sông Mai Giang, hàng trăm ha rau màu của bà con Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng phát triển xanh tốt, trở thành vùng chuyên canh rau màu lớn nhất tỉnh. Bà Hồ Thị Minh, hộ trồng rau xã Quỳnh Lương cho biết: “Nếu không có rừng bần giúp ngăn chặn xâm nhập mặn thì chúng tôi không thể trồng rau quanh năm được. Hiện từ cây rau, mỗi hộ dân thu về từ 50 – 80 triệu đồng/năm”.

Ông Lê Xuân Quyết – Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa (Quỳnh Lưu) cho hay: “Rừng ngập mặn đã và đang mang lại các giá trị quan trọng, là nơi ươm và phát triển tự nhiên của nhiều loài thủy hải sản, cung cấp dược liệu, chất đốt, nguyên liệu cho công nghiệp, tạo cảnh quan cho du lịch… Những năm qua, địa phương rất quan tâm tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng ngập mặn để chính người dân là những người hưởng lợi”.

Vào khoảng độ tháng 6 – 9 dương lịch hàng năm, người dân xã An Hòa và cả từ thị xã Hoàng Mai tìm về rừng ngập mặn để bắt cáy. Nhờ có rừng ngập mặn, loại con đặc sản này trú ẩn dưới các gốc cây đước, sú vẹt… để sinh trưởng. Vào mùa, chúng ngoi lên khỏi mặt đất để tìm kiếm thức ăn, đây là lúc người dân có thể săn bắt.

Ảnh: Việt Hùng
Ảnh: Việt Hùng

Ông Nguyễn Văn Tình, người dân xã An Hòa cho biết: “Vào tháng 6, khi nước thủy triều cạn thì rất nhiều người dân đi săn bắt cáy về chế biến mắm cáy, nấu canh. Một ngày, mỗi người có thể câu được trên 10 cân cáy, bán khoảng 500 nghìn đồng”. Ngoài ra, vào tháng 3 đến tháng 4, người dân vùng ven biển còn tập trung tìm đến rừng ngập mặn để “đẽo” hàu cho thu nhập từ 100.000 – 300.000 đồng/người. Hoặc vào ngày trời mưa lũ, nước thủy triều ở rừng ngập mặn dâng cao thì các loài cá bống, cá sông nước lợ xuất hiện rất nhiều. Đây cũng là dịp để những người dân đánh bắt các loại cá này góp thêm thu nhập cho gia đình.

Một nghiên cứu ở huyện Quỳnh Lưu cho thấy, người dân ven biển ở gần các khu vực rừng ngập mặn sử dụng thủy sản trong bữa ăn 20 – 30 lần mỗi tháng, trong đó 42 – 48% là thủy sản đánh bắt được từ bãi triều và rừng ngập mặn.

Bình quân một phụ nữ làm nghề khai thác thủ công nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở khu vực rừng ngập mặn có thu nhập từ 30 – 35 triệu đồng/năm.
Không chỉ là lá chắn bảo vệ người dân ven biển, rừng ngập mặn Diễn Kim còn là nơi có cảnh đẹp nổi tiếng thu hút được khá nhiều du khách đến khám phá. Mùa này, rừng ngập mặn ở Diễn Kim bắt đầu trổ bông, đơm hoa trắng muốt thơm nức. Cánh rừng xanh soi bóng xuống dòng sông êm đềm, tôn thêm phong cảnh là những đoàn thuyền đánh cá rẽ sóng ra khơi thật yên bình.

Rừng ngập mặn là những điểm du lịch hấp dẫn được nhiều du khách yêu thích mỗi khi về Nghệ An. Ảnh: Sách Nguyễn
Rừng ngập mặn là những điểm du lịch hấp dẫn được nhiều du khách yêu thích mỗi khi về Nghệ An. Ảnh: Sách Nguyễn

Anh Trần Văn Nam – một du khách ở Hà Nội về du lịch ở Nghệ An chia sẻ: Trong các dịp lễ chúng tôi thường đưa gia đình về xã Diễn Kim – Diễn Châu tham quan rừng ngập mặn. Đặc biệt, về nơi đây được hưởng thụ không khí trong lành mang lại cảm giác vô cùng khoan khoái và dễ chịu.

Vào mùa hè, đây không chỉ là một địa chỉ dừng chân để xả hơi, thư giãn mà còn là điểm check-in độc đáo được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Rừng ngập mặn ngày càng trải rộng, thu hút chim di cư đến trú ngụ. Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc từng đàn cò bay về chao liệng đậu trắng cả một rừng ngập mặn…

Đại diện lãnh đạo xã Diễn Kim cho biết thêm: Trong xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã 2020 – 2025 Diễn Kim đã đưa rừng ngập mặn vào mục tiêu phát triển du lịch sinh thái. Bởi rừng ngập mặn rất có tiềm năng, cảnh quan đẹp lại cách trục đường Quốc lộ 1 khoảng trên 2,5 km. Diễn Kim đang tích cực thu hút các nhà đầu tư xây dựng bãi tắm, các khu nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan du lịch rừng ngập mặn.