Từ những thông tin của Tổ phản ứng nhanh xã Bắc Sơn, chúng tôi đã liên lạc với Vườn Quốc gia Pù Mát để nắm thêm thông tin. Người có trách nhiệm của Vườn cho hay, những năm qua, công tác bảo tồn voi được thực hiện trên toàn quốc gia theo Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020” do Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 21/5/2013.
Ở tỉnh ta, ngay sau khi Quyết định số 763/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, đã xây dựng, thực hiện Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Từ Dự án này, đã có nhiều nội dung được triển khai. Việc thành lập Tổ phản ứng nhanh phòng tránh xung đột giữa voi và người ở xã Bắc Sơn cũng là một trong những nội dung nhằm bảo tồn voi. “Nếu cần tìm hiểu thực tế, mời các anh sang Cao Vều, xã Phúc Sơn, Anh Sơn. Ở đấy cũng có một Tổ phản ứng nhanh tương tự…” – người có trách nhiệm của Vườn Quốc gia Pù Mát trao đổi.
Theo hướng dẫn, ngày 18/8 chúng tôi có mặt tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cao Vều (Vườn Quốc gia Pù Mát). Ở đây, Trạm trưởng Võ Hà Văn và kiểm lâm viên Nguyễn Mộng Cường kể cho nghe nhiều câu chuyện về voi rừng, cùng những hoạt động trong công tác bảo tồn voi. Về đàn voi Cao Vều, được xác định là đàn voi lớn nhất của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong công tác phục hồi, bảo tồn đàn voi hoang dã vì có đầy đủ các cá thể đực và cái để có khả năng sinh sản, phát triển. Cụ thể, ở thời điểm năm 2013, đàn voi chỉ gồm 5 cá thể.Nhưng ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia nghiên cứu ghi nhận được tổng đàn đã lên đến 8 cá thể. Trong đó có 5 con cái trưởng thành, 1 con đực trưởng thành, 1 con đực gần trưởng thành và 1 con non khoảng hơn 1 năm tuổi. Đàn voi Cao Vều thường hoạt động ở vùng Đông Nam Vườn Quốc gia Pù Mát, khu vực núi Cao Vều, Khe Tằng, Khe Bung và Khe Yên thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát; vùng rừng phòng hộ Anh Sơn và một phần vùng rừng phòng hộ Thanh Chương.
Về vấn đề dân sinh liên quan đến công tác bảo tồn voi, các anh cho hay khi Dự án khẩn cấp bảo tồn voi được thực hiện, vùng Cao Vều được xây dựng hào ngăn voi, đường tuần tra, chòi canh, thành lập Tổ phản ứng nhanh… Tuy nhiên, ở những vùng đất nông lâm nghiệp của người dân sát với rừng tự nhiên của Vườn Quốc gia Pù Mát và Ban Quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn thì vẫn bị đàn voi phá hại mùa màng, cây cối, chòi lán…“Dù mức độ thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân không còn lớn như giai đoạn năm 2013 trở về trước. Nhưng vẫn còn có những xung đột đáng tiếc. Để cho khách quan, chúng tôi sẽ mời thành viên của Tổ phản ứng nhanh ở bản Vều đến cho các anh hỏi chuyện…” – Trạm trưởng Võ Hà Văn nói.
Thành viên tổ phản ứng nhanh phòng tránh xung đột giữa voi và người xã Phúc Sơn mà Trạm quản lý bảo vệ rừng Cao Vều mời đến là anh Hoàng Ngọc Tuân. Anh cho biết Tổ phản ứng nhanh được thành lập cuối năm 2018. Vừa là thành viên Tổ phản ứng nhanh, đồng thời làm cán bộ thôn, bản nên anh nắm khá rõ về tình hình trên địa bàn. Anh cho biết, từ năm 2018 đến nay đàn voi vẫn về khu vực 4 bản Vều, tuy nhiên thường sống trong khu vực rừng phòng hộ; như tại bản Vều 4 có khe Rề Rế voi thường về theo chu kỳ khoảng tháng 10 – 11, lý do vì “đó là một vùng rừng rộng, khá bằng phẳng, sẵn nguồn nước và nhiều thức ăn của voi”. Trong khu vực khe Rề Rế có một số hộ dân làm vườn chè, tràm, trồng các loại cây ăn quả mít, bưởi, cam…
Để đến được khu vực khe Rề Rế, đàn voi thường đi qua vườn của dân, vì vậy, vẫn có tình trạng voi phá lán, làm gãy đổ cây cối. Về trách nhiệm của Tổ, anh Tuân cho biết là tập trung vào công tác tuần tra, tuyên truyền để người dân biết về cách phòng tránh như treo chuông cảnh báo, làm các quả cầu lửa để quay khi phát hiện voi về… Hỏi về những thiệt hại của người dân do voi gây ra, theo Hoàng Ngọc Tuân, mỗi khi có sự cố thì người dân đều báo để Tổ thống kê gửi lên Vườn Quốc gia Pù Mát. Anh nói: “Vừa rồi voi cũng về phá lán, làm gãy cây của một số hộ, như trường hợp của hộ Lô Văn Sâm, hộ Nguyễn Hữu Lưu… Mỗi lần một ít nhưng qua nhiều lần thì thiệt hại của dân cũng khá lớn. Vì vậy, Tổ mong muốn có sự hỗ trợ cho dân và bổ sung thêm các công cụ để thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn…”.
Theo các tài liệu khoa học, voi ở Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 100 đến 130 con, là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Riêng ở Nghệ An, loài động vật hoang dã quý và hiếm này được xác định hiện có khoảng 15 – 16 con (tăng hơn so với năm 2013), sống tại các vùng rừng đặc dụng, phòng hộ địa bàn các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp và Quỳ Châu. Đây là những thông tin đáng phấn khởi. Vì như vậy, tỉnh ta đã thực hiện tốt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020” theo chỉ đạo của Chính phủ. Và vì những số liệu về voi, là minh chứng sống động để đánh giá công tác bảo vệ, phát triển rừng; đồng thời khẳng định tính đa dạng động, thực vật của các vùng rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Nhưng một vấn đề chúng tôi thực sự quan tâm, muốn đặt ra trong loạt bài viết này, đó là song song đẩy mạnh công tác bảo tồn voi thì cần phải quan tâm đến vấn đề dân sinh. Qua 3 huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn, tại những địa phương có các hoạt động của voi thì vấn đề dân sinh đều chưa được quan tâm đúng mức; người dân đều chung một nỗi niềm mong được Nhà nước quan tâm hỗ trợ thiệt hại. Đã có người, vì thiệt hại tài sản trong nhiều năm dẫn đến bức xúc nói về những cách thức (kích điện, đào hầm chông, đánh mìn…) có thể gây hại đến voi; hoặc có người thì đã so sánh: “Voi gây chết người thì voi không can chi cả. Người đụng đến voi thì người phải đi tù. Voi dù gì cũng là con vật, tại sao trọng voi hơn người vậy…?”.
Thực tế cũng cho thấy, không chỉ những người dân sống gần rừng có những thiệt hại thì mới tỏ ý băn khoăn, mà chính quyền của các địa phương cơ sở, người có trách nhiệm của đơn vị chức năng cũng rất trăn trở trước vấn đề này. Như vớiBan Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu, từ khi biết trong vùng rừng phòng hộ có voi rừng thì đã tổ chức tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫnngười dân một số biện pháp phòng vệ, tránh xảy ra xung đột; báo cáo chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã để có thêm những giải pháp xử lý. Nhưng những cán bộ nơi đây cũng đánh giá việc người dân không được hỗ trợ về thiệt hại tài sản, hoa màu là một bất cập. “Điều chúng tôi mong nhất là làm sao để người dân có được chính sách hỗ trợ khi vị voi rừng gây thiệt hại…” – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu Trần Ngọc Kiên nói.
Hay như ở xã Bắc Sơn, Bí thư Đảng ủy Đậu Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Vi Văn Thoại cũng tâm tư về vấn đề này rất nhiều. Họ đưa ra các dẫn chứng là nhiều hồ sơ thống kê những thiệt hại của dân, và văn bản của xã kiến nghị hỗ trợ từ nhiều năm trước lại nay để minh chứng. Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn, ông Đậu Ngọc Tuân đã nói: “Gần như năm nào xã cũng có báo cáo những thiệt hại của dân, kiến nghị xem xét có sự hỗ trợ nhưng chưa năm nào được xem xét thực hiện…”. Tương tự, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, ông Nguyễn Văn Tráng cũng trao đổi rằng: “Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015, voi rừng gây hại cho người dân vùng Cao Vều, Bãi Lim rất nhiều. Thậm chí còn gây chết người. Từ khi có một số chương trình phòng tránh xung đột giữa voi và người được thực hiện, cụ thể như việc xây dựng hào tránh voi ở những vùng xung yếu thì thiệt hại do voi gây ra đối với người dân đã giảm bớt. Nhưng dù vậy, chúng tôi mong muốn những thiệt hại của dân cần được cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét giải quyết. Vì đó là điều chính đáng, hơn nữa, có giải quyết được vấn đề này thì công tác bảo tồn voi của tỉnh cũng sẽ được thực hiện tốt hơn…”.
Nắm bắt việc thực hiện Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An đến năm 2020, chúng tôi được biết đã có một số lần UBND tỉnh tổ chức hội thảo, hội nghị đánh giá toàn diện các nội dung công việc đã triển khai, những nội dung công việc còn dang dở, và có giải pháp giải quyết các vấn đề bất cập nảy sinh. Trong đó, thấy UBND tỉnh đã lưu tâm đến vấn đề dân sinh, và có chỉ đạo khá cụ thể. Như từ năm 2018, tại Thông báo số 406/TB-UBND ngày 23/6/2018 (Thông báo kết luận của đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị giữa kỳ Dự án khẩn cấp bảo tồn voi Nghệ An đến năm 2020) đã nêu rõ tồn tại: “Xung đột giữa voi và người, đặc biệt là phá hoại hoa màu vẫn còn xảy ra ở xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, xã Châu Khê, Chi Khê, huyện Con Cuông, xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp. Mức độ xung đột ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến hoa màu, nhà cửa và sinh hoạt của người dân trên địa bản có sự phân bổ của quần thể voi hoang dã”. Để cũng tại đây có chỉ đạo: “Chính quyền địa phương nơi có voi sinh sống, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức bảo tồn các cá thể voi hoang dã; Hướng dẫn nhân dân cách phòng tránh xung đột giữa voi và người nhằm giảm thiệt hại về kinh tế của người dân và đảm bảo an toàn về con người để người dân yên tâm sống trong vùng có phân bổ của voi. Trong trường hợp có sự phá hoại của voi về hoa màu, tài sản cần kịp thời đánh giá, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ”.
Xin kết cho loạt bài viết xung quanh những con voi rừng trên địa bàn tỉnh bằng chỉ đạo của UBND tỉnh về vấn đề dân sinh. Để hầu mong, chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 406/TB-UBND không tiếp tục bị lãng quên như trong hơn 3 năm qua. Để qua đó, những thiệt hại của người dân ở các vùng có sự xung đột với voi rừng không còn mãi phải tích tụ theo thời gian, rồi tiếp tục bị bỏ ngỏ!.