Bàn giao đất nông, lâm trường cho các địa phương: Bài cuối: Đẩy nhanh tiến độ

Nhằm đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất đã thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp cho người dân sử dụng một cách thuận lợi, đảm bảo tính công bằng, mới đây UBND tỉnh đã ủy quyền phê duyệt nội dung phương án sử dụng đất cho các địa phương. Đây được xem là bước tiến lớn nhằm rút ngắn thời gian, tạo tính chủ động cho các địa phương.

Tại huyện Đô Lương vào năm 2017, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi 1.387,62 ha đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương thuộc địa bàn 8 xã về cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là đất cấp trùng bìa, trùng lâm bạ hộ dân, núi đá, đất ruộng, ao, hồ, đập nước… Và diện tích này từ trước tới nay do UBND các xã quản lý và các hộ gia đình sử dụng.

Dù trên danh nghĩa việc thu hồi đất từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương chỉ là biện pháp hành chính, bởi trên thực tế người dân đã sử dụng từ lâu, tuy nhiên đến nay việc làm thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng cho người dân tại địa phương này vẫn chưa thực hiện xong. Theo ông Trần Văn Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương thì huyện cũng đang giao cho các xã rà soát, tiến hành đo đạc để làm thủ tục cấp lâm bạ cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Có thể thấy rằng, chủ trương thu hồi đất của các công ty nông, lâm nghiệp giao lại cho người dân sản xuất là một việc làm phù hợp. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương lại có những trở ngại khác nhau. Ngay như tại huyện Thanh Chương có quỹ đất thu hồi từ Công ty TNHH Đầu tư phát triển chè Nghệ An gần 2.700 ha tại 6 xã; trong đó có một số xã có diện tích lớn như: Thanh Đức gần 2.000 ha; Thanh Mai gần 400 ha; Thanh Xuân gần 130 ha…

Theo ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thì đến thời điểm này chưa xã nào phê duyệt được phương án sử dụng đất cả. Thứ nhất là do nhân lực nguồn kinh phí tại địa phương còn hạn chế nên ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức thực hiện. Thứ hai là theo quy định thì Công ty TNHH Đầu tư phát triển chè Nghệ An phải có trách nhiệm thanh lý hợp đồng đã giao khoán cho các hộ gia đình, đồng thời giải quyết tất cả những tranh chấp phát sinh để trên cơ sở đó UBND huyện tiến hành lập phương án sử dụng đất. Tuy nhiên, do việc thanh lý hợp đồng giao khoán nói trên thực hiện chậm, nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp dai dẳng kéo dài nên rất khó cho địa phương.

Liên quan đến việc rà soát lại đất đai, thực hiện bàn giao về cho địa phương quản lý, đến thời điểm này UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thu hồi đất của 11 đơn vị với tổng diện tích 12.031,35 ha. Bao gồm các Công ty Lâm nghiệp: Sông Hiếu (4.393,27 ha), Tương Dương (132,56 ha), Con Cuông (209,81 ha), Đô Lương (1.387,62 ha) và các Công ty Nông nghiệp: 3/2 (121,17 ha), 1/5 (215,14 ha), An Ngãi (224,19 ha), Xuân Thành (275,82 ha), Cà phê cao su (488,97 ha), Chè (3.892,75 ha), Sông Con (690,09 ha).

Để bàn giao đất của các nông, lâm trường về cho các địa phương quản lý, UBND tỉnh đã bố trí 48,744 tỷ đồng để phục vụ cho việc đo đạc. Tuy nhiên, do khối lượng công việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ chuyển giao, thu hồi đất khá lớn; việc thống nhất phương án sử dụng đất giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương kéo dài. Chưa kể công tác quản lý sử dụng đất đai của các công ty bị buông lỏng thời gian dài, dẫn đến tranh chấp, chồng lấn, gây khó khăn cho việc đo đạc, bàn giao đất trên thực địa…

Hiện nay, các địa phương có đất của các công ty nông, lâm nghiệp trả về đang loay hoay trong việc tháo gỡ các vướng mắc. Ông Phan Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho rằng, nguyên tắc thu hồi đất ở đây là thu hồi đất nông, lâm nghiệp, trong khi đó, trước đây khi các nông, lâm trường giao đất cho các hộ dân, đã để cho một số trường hợp làm nhà trên đất. Đối với những trường hợp này sẽ thực hiện giao đất như thế nào, đây là một vấn đề cần có hướng giải quyết.

Chưa kể, có những khu vực trồng cam, cao su rộng lớn, người dân còn hợp đồng giao khoán cả hàng chục năm, khi thu hồi để giao cho hộ khác thì kinh phí bồi thường cây trồng trên đất sẽ do ai chi trả. Thậm chí một số trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên đất nông nghiệp (cấp trái thẩm quyền), sau đó người dân đã thế chấp để vay ngân hàng nên cũng rất khó xử lý.

Đành rằng UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc bàn giao sớm, tuy nhiên theo ông Bình, thì giải pháp khả thi nhất lúc này là phải phê duyệt phương án mang tính tổng thể trước, sau đó những địa phương nào có diện tích nhỏ, dễ sẽ giao trước, những trường hợp chưa xử lý được thì đành phải chờ đến khi nào giải quyết xong thì sẽ giao sau.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giao đất cho người dân, ngày 8/2/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 314/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho các huyện: Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tương Dương, Quế Phong và TX.Thái Hoà phê duyệt nội dung phương án sử dụng đất đối với quỹ đất thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho địa phương.

Đây được xem là hướng đi mở trong việc thúc đẩy nhanh quá trình giao đất mà các huyện, thị đã nhận từ các công ty nông, lâm nghiệp về cho người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn đến việc, mặc dù đã triển khai từ lâu nhưng đến nay tỉnh mới có ủy quyền, vậy những trường hợp đã phê duyệt phương án sử dụng đất trước đây có được xem là hợp lệ hay không?

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Toàn – Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Ngày 30/6/2021, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, trong đó có quy định rằng, UBND cấp tỉnh phê duyệt nội dung phương án sử dụng đất đối với quỹ đất bàn giao cho các địa phương, phù hợp với thực tế quản lý… Tuy nhiên, xét thấy việc quy định UBND cấp tỉnh phê duyệt nội dung phương án sử dụng đất đối với quỹ đất bàn giao cho các địa phương dẫn đến việc giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân chậm và không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Vì thế, để đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy cho các hộ gia đình, cá nhân, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ủy quyền cho các huyện, thị phê duyệt phương án sử dụng quỹ đất nói trên nhằm phù hợp với thực tế quản lý, sử dụng đất của địa phương.

Trong ảnh: Nhiều diện tích đã trồng cây lâu năm, nên việc đền bù cây để thu hồi đất chia cho các hộ thiếu đất là rất khó khăn.
Trong ảnh: Nhiều diện tích đã trồng cây lâu năm, nên việc đền bù cây để thu hồi đất chia cho các hộ thiếu đất là rất khó khăn.

Thực tế, hiện nay các địa phương đang tiếp tục hoàn thiện phương án giao đất. Cụ thể, TX.Thái Hoà đã có quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất đối với đất thu hồi từ Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An; huyện Anh Sơn cũng đã phê duyệt phương án sử dụng đất để giao đất, cấp Giấy CNQSDĐ cho xã Long Sơn và Tào Sơn. Hay như Tân Kỳ cũng đã cấp được hơn 100 Giấy CNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân.

“Theo đề nghị của các huyện, đối với diện tích đất mà UBND tỉnh đã thu hồi nhưng nằm xa khu dân cư, người dân không nhận thì trước mắt giao cho UBND cấp xã quản lý hoặc giao cho các tổ chức có chức năng để quản lý, bảo vệ nhằm tránh để mất đất, mất rừng, khi nào có đường giao thông vào đến nơi thì tiến hành giao cho dân sử dụng. Các huyện cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kinh phí đo đạc bản đồ địa chính đến từng thửa đất để các địa phương miền núi thực hiện giao đất cho nhân dân” – ông Toàn chia sẻ thêm.