Bàn giao đất nông, lâm trường cho các địa phương: Bài 1: Nhiều bất cập

Khi hay tin các công ty nông, lâm nghiệp trả đất về cho địa phương để làm thủ tục giao đất cho người dân, bà con nhân dân tại các huyện miền núi đã hết sức vui mừng. Bởi sau hàng chục năm sinh sống và canh tác trên danh nghĩa đất của nông, lâm trường, đến nay, họ đã có thể tự mình đăng ký quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, niềm vui của người dân chưa thể trở thành hiện thực bởi còn rất nhiều bất cập.

Theo tinh thần Nghị định số  118/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh, thì đất sau khi thu hồi được ưu tiên giao cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, người đang nhận giao khoán trực tiếp sản xuất được giao đất hoặc thuê đất, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.

Chúng tôi có mặt tại bản Đồng Phần, xã Châu Bình (Quỳ Châu), gặp bà Lang Thị Việt năm nay cũng đã gần 70 tuổi. Khi hay tin chuẩn bị được cấp bìa đỏ và bìa xanh (đất ở và đất lâm nghiệp), bà Việt đã rất vui mừng. Thế nhưng, sau mấy lần có người về đo đạc, đến nay bà Việt vẫn chưa thấy bìa đâu. Gia đình bà Việt sinh sống trên lô đất bao gồm đất ở và đất trồng cây lâu năm từ lâu rồi, ấy nhưng bà cũng không biết từ bao giờ toàn bộ khu vực nhà bà đã bị vẽ vào bản đồ của lâm trường. Từ trước tới nay, gia đình bà đều ở, trồng cây bình thường trên toàn bộ diện tích khoảng 2ha.

Xã Châu Bình hiện có 15 bản với khoảng 2.400 nhân khẩu, trong đó có rất nhiều người dân đang cần đất sản xuất, chủ yếu là các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi 924,21ha đất của Công ty TNHH MTV Nông Lâm nghiệp Sông Hiếu để bàn giao về cho địa phương quản lý. Hiện nay, toàn xã đang tồn đọng khoảng 500ha chưa thể giao cho dân.

Ông Lê Văn Toan – Chủ tịch UBND xã Châu Bình (Quỳ Châu), chia sẻ: Đất được Công ty TNHH MTV Nông Lâm nghiệp Sông Hiếu trả về cho huyện nhiều đợt, từ năm 2014 và đã được huyện giao cho xã. Tuy nhiên, do các diện tích được trả về đang còn tài sản trên đất nên chưa thể hoàn tất thủ tục để cấp giấy cho người dân.

Tại huyện Quỳ Châu, tổng diện tích đất có quyết định thu hồi là 1.442,92ha, trong đó tập trung tại 3 xã là Châu Nga với 307,3ha, Châu Hội 211,2ha và Châu Bình 924,22ha. Sau khi được UBND tỉnh thu hồi và bàn giao cho UBND các xã trực tiếp quản lý, đồng thời tiến hành rà soát, xây dựng phương án giao đất. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2021 cũng chỉ mới giao được 78,72ha, số còn lại thì đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn giao đất theo hình thức xã hội hóa.

Ông Lô Thanh Sơn – Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Châu cho biết: Trong số diện tích mà các công ty nông, lâm nghiệp trả về cho địa phương thì phần lớn các hộ dân đã sản xuất ổn định từ trước, còn lại rất ít diện tích đất sạch. Vì thế, nếu nói lấy đất mới được giao trả về để chia lại là rất khó thực hiện.

Tại huyện Nghĩa Đàn, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về việc thu hồi 1.637ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn để giao cho 12 xã, thị trấn quản lý. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Nghĩa Đàn chỉ mới phê duyệt phương án sử dụng đất ở 3/12 xã.

Lý do của việc chậm trễ, theo bà Đặng Thị Nga – Phó phòng TN&MT, UBND huyện Nghĩa Đàn là do công tác rà soát, khai thác hồ sơ mất nhiều thời gian, việc thanh lý hợp đồng nhận khoán với các công ty nông, lâm nghiệp gặp nhiều vướng mắc do tài sản trên đất sau khi thu hồi đất chưa được bồi thường, hỗ trợ. Nhiều hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy CNQSDĐ trước khi UBND tỉnh thu hồi của các công ty nông, lâm nghiệp để bàn giao cho địa phương quản lý nên cần phải thu thập hồ sơ, rà soát quá trình cấp Giấy CNQSDĐ cho từng trường hợp làm cơ sở đề xuất phương án.

Bên cạnh đó, còn có những trường hợp đất đai đã được sử dụng vào mục đích đất ở, dù không có tranh chấp, nhưng lại chưa có hướng xử lý trong việc xác định nghĩa vụ tài chính để thực hiện cấp giấy CNQSDĐ.

Bà Nguyễn Thị Kiều - thôn Ngọc Lâm, xã Thanh Thuỷ trước đây nhận khoán 0,5ha từ nông trường chè, cùng với khoảng 3 sào đất đã làm nhà ở, đến nay vẫn chưa làm được Giấy CNQSDĐ.
Bà Nguyễn Thị Kiều - thôn Ngọc Lâm, xã Thanh Thuỷ trước đây nhận khoán 0,5ha từ nông trường chè, cùng với khoảng 3 sào đất đã làm nhà ở, đến nay vẫn chưa làm được Giấy CNQSDĐ.

Tại huyện Quỳ Hợp, từ trước đến nay, địa phương này đã được bàn giao về 7.292ha, tuy nhiên đến nay đã giao được hơn 5.381ha, còn lại 1.911ha chưa giao được, trong đó có 307,38ha đất nông nghiệp người dân đã sử dụng ổn định, đất giao thông, ao hồ…

Chúng tôi có mặt tại xã Yên Hợp (Quỳ Hợp), địa phương này có 2.699,95ha đất được Lâm trường Đồng Hợp bàn giao từ năm 2012 lại nay. Tuy nhiên, đến nay còn 460,81ha đất chưa giao được. Trong đó cá biệt có 200ha tại bản Tạt thì người dân đã lấn chiếm và trên đất có nghĩa địa của người dân. Ngoài ra tại xóm Bọ, có 12,1ha đất sau khi lâm trường vừa trả về, địa phương chưa kịp làm thủ tục bàn giao thì người dân tại xóm này đã kéo nhau lên trồng keo.

Khu vực người dân đã trồng keo tại xóm Bọ, xã Yên Hợp (Quỳ Hợp).
Khu vực người dân đã trồng keo tại xóm Bọ, xã Yên Hợp (Quỳ Hợp).

Bà Lý Thị Phương – Xóm trưởng xóm Bọ cho biết, hiện nay có 69 hộ trong xóm đã kéo nhau lên trồng keo, mỗi hộ được hơn 2.000m2, bây giờ nói người dân trả lại đất để chia cho một số hộ dân xóm Hợp Thành thì người dân không trả. Chưa kể, keo của bà con trồng trên đó cũng chưa thu hoạch được.

Lý giải về nguyên nhân việc khó bàn giao, ông Lê Sỹ Hào – Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp cho biết: Thực tế, diện tích đất thu hồi của các công ty nông, lâm nghiệp trả cho các xã rất lớn. Trong khi đó, tại địa phương không có máy móc, thiết bị để đo đạc, hỗ trợ nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao đất ngoài thực địa. Một số diện tích trước khi thu hồi, người dân đã trồng cây lâu năm, trên đất của lâm trường, để cân đối chia cho các hộ khác thì phải làm thủ tục bồi thường, nhưng kinh phí bồi thường thì khó thực hiện. Chưa kể khu vực được trả thường xa khu dân cư, chủ yếu đồi núi cao, không có đường vào nên người dân không chịu nhận đất.

Nhiều diện tích người dân đã trồng keo từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao theo đúng thủ tục.
Nhiều diện tích người dân đã trồng keo từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao theo đúng thủ tục.

Theo phương án tổng thể về sắp xếp, chuyển đổi của các công ty nông, lâm nghiệp được Chính phủ phê duyệt, dự kiến diện tích chuyển trả về địa phương quản lý khoảng 8.107,24ha. Tuy nhiên, sau khi đo đạc, lập trích lục bản đồ địa chính thì diện tích dự kiến thu hồi để bàn giao cho địa phương quản lý đã tăng lên 12.307,094ha.

(Còn nữa)