Bài cuối: Trách nhiệm thuộc về ai?

Mặc dù tình trạng đuối nước xảy ra liên tiếp nhưng trên thực tế, các sở, ngành, nhất là địa phương vào cuộc chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chưa nắm chắc tình hình ở cơ sở. Đặc biệt là chưa gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, xã và trưởng các thôn, xóm, bản, làng trong công tác phòng, chống đuối nước.

Trước tình trạng đuối nước ở trẻ em xảy ra liên tục, mới đây đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác phòng, chống tai nạn đuối nước 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019.

Tuy nhiên, cũng tại hội nghị này đã cho thấy sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của nhiều địa phương khi trong giấy mời họp nêu rõ, mời Chủ tịch UBND huyện, thành, thị nhưng có đến 11/21 vị này không đến dự hội nghị. Điều đó chứng tỏ nhiều lãnh đạo địa phương vẫn chưa đánh giá tầm quan trọng của việc phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Ngoài ra, sự phối hợp, theo dõi của các ngành liên quan đến đuối nước chưa chặt chẽ, thông qua số liệu báo cáo về số vụ và người tử vong do đuối nước trong 6 tháng đầu năm. Trong báo cáo tại hội nghị, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra con số 18 vụ đuối nước khiến 25 em thiệt mạng từ đầu năm đến nay. Trong khi con số này của Tỉnh đoàn Nghệ An là 28 vụ và 37 người, còn thống kê của Công an tỉnh là 40 vụ và 47 người.

Qua các vụ việc đuối nước thương tâm gần đây, đồng chí Thái Thanh Quý cho rằng, việc giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng tránh các nguy cơ tai nạn đuối nước chưa đến được với đối tượng cần tác động là trẻ em và học sinh. Trong khi, chính quyền và các đoàn thể tại các cơ sở địa phương chưa tích cực vào cuộc, chưa xây dựng chủ đề tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước hấp dẫn, cách thức tuyên truyền chưa phù hợp, chưa hiệu quả; nhận thức của người dân về phòng, chống đuối nước chuyển biến còn chậm.

“Các sở, ngành, nhất là địa phương, cơ sở vào cuộc chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chưa nắm chắc tình hình ở cơ sở, chưa gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, xã và trưởng các thôn, xóm, bản, làng với công tác phòng, chống đuối nước”, Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Ngoài ra, để tình trạng đuối nước như hiện nay phải kể đến sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa chặt chẽ, một số gia đình thiếu sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, để chủ động phòng, chống đuối nước, thời gian tới cần phải phân công cụ thể cho từng phòng, ban, đoàn thể, gắn trách nhiệm với người đứng đầu trong việc thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc nghiên cứu, đề xuất việc xã hội hóa xây dựng bể bơi cố định, bể bơi di động tại các trường học, theo cụm xã; tổ chức các lớp dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng cứu đuối cho giáo viên và học sinh; làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, địa phương và gia đình. Xem xét thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em từ cấp thôn đến cấp xã, cấp huyện để tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng bơi lội, kỹ năng xử lý tình huống an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; Rà soát, nghiên cứu bổ sung chương trình phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, trẻ em trong chương trình giáo dục của nhà trường.

Đồng chí Thái Thanh Quý cũng phân công cụ thể từng nhiệm vụ cho các ngành, địa phương. Trong đó, cấp huyện có trách nhiệm phải tổ chức triển khai ngay việc kiểm tra, rà soát, làm rào chắn, san lấp, cắm biển báo, biển cấm, khoanh vùng tại các hố công trình, bãi biển, sông, suối, kênh, đập, ao, hồ, các bến đò ngang, khu vực nước sâu…, chuẩn bị dự phòng các dụng cụ cứu đuối tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích đuối nước trẻ em, nhất là trong dịp hè và mùa mưa lũ. Khuyến cáo mạnh mẽ đến các bậc phụ huynh có trách nhiệm giám sát, quản lý, nhắc nhở con cái, nhất là trong thời gian các em nghỉ hè và trong cả năm học. Chủ tịch UBND các xã, huyện, thành, thị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, phải triển khai hiệu quả các nội dung về phòng, chống đuối nước của ngành. Phối hợp với các địa phương nghiên cứu đưa bể bơi thông minh vào trong trường học, nghiên cứu đưa nội dung môn bơi vào môn giáo dục thể chất trong trường học. Xem xét, thí điểm xã hội hóa xây dựng bể bơi ở một số cụm trường. Tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng bơi lội, kỹ năng xử lý tình huống an toàn trong môi trường nước cho học sinh, trẻ em; tập huấn cho nhân viên y tế trường học biết kỹ năng sơ, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

Trong khi đó, Tỉnh đoàn có trách nhiệm chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phối hợp với các địa phương chỉ đạo tổ chức lắp đặt, cắm biển cảnh báo những khu vực có nguy cơ cao về đuối nước trẻ em.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, đã có một số động thái tích cực đến từ các đơn vị, địa phương như việc lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực sự quyết liệt.

Đơn cử, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội từ ngày 15/6 – 30/6 phải thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành xuống tận cơ sở xã, phường của 21 huyện, thành, thị kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em. Xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, đến ngày 1/7, nhiệm vụ này vẫn chưa được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh – vốn là cơ quan thường trực trong phòng, chống thương tích trẻ em thực hiện. Ông Vi Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh gửi đến sở cũng đã gần cuối tháng 6 nên nếu thành lập đoàn triển khai như yêu cầu thì cũng không kịp.

Khi đề cập đến vấn đề về thiếu quyết liệt của các ngành liên quan, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao khẳng định: “Một số ngành và địa phương chưa thật sự chú trọng. Gần đây chúng tôi tổ chức phát động toàn dân học bơi…, gửi giấy mời Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng ngành này lại chỉ cử 1 chuyên viên, mà là một chuyên viên không liên quan đến mảng này đi dự”, bà Hương nói.

Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Lương – Phó Bí thư Tỉnh đoàn kể rằng, khi Đoàn Thanh niên tổ chức tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, có đến Sở Lao động -Thương binh và Xã hội để xin tờ rơi phát ở trường học thì sở này từ chối với lý do không có kinh phí. Trong khi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã có một đề án về công tác phòng, chống thương tích với trẻ em, trong đó có đuối nước. “Còn khi sang Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị dành 45 phút đầu tuần để cho Liên Đội tuyên truyền về vấn đề này nhưng các trường không quan tâm. Đề xuất đưa các hình ảnh thông điệp cảnh báo về đuối nước vào các trang bìa vở học của các em nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo cũng bảo không chỉ đạo được các trường mà do các trường tự in cổng trường vào bìa vở”, ông Lương nói.

Tai nạn đuối nước trẻ em ở Nghệ An đã đến mức báo động, nhất là mỗi dịp hè về. Khi loạt bài viết này đăng tải, thì 1 vụ đuối nước đau lòng nữa tiếp tục xảy ra tại Nghệ An. Khoảng 15h chiều 3/7, cháu Hoàng Thị Thảo, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Châu Nga, huyện Quỳ Châu cùng các bạn đến đập tràn chứa nước bản Nga My (xã Châu Nga) để tắm. Trong quá trình tắm có cháu về trước, có cháu về sau nên không ai phát hiện cháu Thảo bị chìm. Đến cuối buổi chiều cùng ngày, gia đình không thấy Thảo về mới tỏa ra đi tìm và thấy thi thể cháu nổi lên ở đập nước.

Trước thực trạng trên, tại kỳ họp thứ 9 sắp tới, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất sẽ lựa chọn nội dung “những hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là tình trạng tảo hôn ở trẻ dưới 16 tuổi, trẻ bị đuối nước, trẻ vi phạm pháp luật, bạo hành trẻ em, mua bán trẻ em…” để các đại biểu chất vấn tại kỳ họp./.