Bài 3: Thiếu kỹ năng xử lý tình huống

Có nhiều vụ đuối nước đau lòng sẽ không xảy ra nếu những người liên quan, hoặc nạn nhân nắm được kỹ năng phòng chống đuối nước, như: Làm gì khi rơi vào tình huống nguy cấp hoặc khi thấy người đang đuối nước? Sơ cứu người đuối nước như thế nào?… Trên thực tế, đã có không ít trường hợp biết bơi nhưng vẫn chết đuối, nguyên nhân vì thiếu các kỹ năng cần thiết để xử lý tình huống.

Buổi chiều ngày 29/4, một nhóm trẻ em tuổi từ 5 đến 13 rủ nhau ra sông Hiếu, đoạn qua khối 4 phường Long Sơn (thị xã Thái Hòa) tắm mát. Trong đó, 3 em Phùng Thị Mai (5 tuổi), khối 4 phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa và 2 chị em ruột gồm Trần Kim Xuyến (13 tuổi) và Trần Văn Luyện (11 tuổi, xóm Đồng Tiến, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn), lội ra khu vực nước sâu để tắm. 2 em còn lại 7 và 9 tuổi tắm ở khu vực gần bờ. Một lúc sau, Mai, Luyện và Xuyến cùng bị dòng nước sâu cuốn trôi…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Nghệ An, nhìn thấy bạn đi cùng bị đuối nước, thay vì hô hoán người đến cứu, 2 em còn lại có ý định lội ra vùng nước sâu để cứu. “Rất may cho 2 em này, trong lúc lội ra thì có một số người lớn đi qua thấy nguy hiểm nên ngăn lại, không cho các em ra đó. Tuy nhiên, những người lớn này lúc đó không hề biết có 3 đứa trẻ đang đuối nước ở dưới”, bà Hương kể và nói thêm: “Lúc này, thay cầu cứu ngay những người lớn này để họ xuống cứu các em đã đuối nước, thì 2 em nhỏ lại lẳng lặng ra về. Mãi đến cuối giờ chiều, các em mới kể với gia đình về vụ việc. Đến lúc đó, thi thể 3 nạn nhân đã bị dòng nước cuốn ra xa. Gần một ngày sau, với sự hỗ trợ của hàng trăm người, thi thể 3 em mới được tìm thấy… Nếu các em kêu cứu kịp thời, có lẽ 3 em ấy đã được cứu sống. Nguyên nhân ở đây do thiếu kỹ năng, các em không được dạy phải làm gì khi thấy người bị đuối nước”.

Tương tự là vụ việc 5 học sinh đuối nước ở huyện Yên Thành vừa qua. Khi phát hiện một em bị sẩy chân xuống hố nước sâu, không biết bơi, không biết kỹ năng cứu người đuối nước các em khác không hô hoán mà theo nhau xuống để cứu bạn, dẫn đến các em lần lượt bấu víu vào nhau rồi đuối nước tập thể.

Hiện nay, có thể nói, tỷ lệ học sinh ở Nghệ An biết bơi còn rất thấp. Trong khi công tác đưa môn bơi vào trường học lại đang gặp nhiều bất cập. Theo báo cáo của các sở, ngành, thời gian qua đã thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, dạy bơi, cách phòng chống đuối nước… Nhưng phần lớn vẫn là “học bơi trên giấy”. Nguyên nhân vì thiếu bể bơi. Trên địa bàn tỉnh, chỉ có lác đác một vài trường học đầu tư bể bơi di động cho các em. Hàng loạt kế hoạch, văn bản được ban hành liên quan đến đuối nước trẻ em nhưng phần lớn vẫn còn nặng về hình thức, đối phó. Nỗ lực đáng chú ý nhất của các ngành, địa phương là đưa môn bơi vào trường học, tuy nhiên, có một thực tế khác là phần lớn giáo viên hiện nay cũng chưa biết bơi, thì để môn bơi hào hứng “đi” vào trường học cũng không dễ dàng.

Theo các chuyên gia, khi phát hiện người đuối nước, nếu không biết bơi hoặc không tự tin vào khả năng của mình, hãy hô hoán thật to để nhờ sự trợ giúp của người xung quanh. Trong trường hợp thấy người bị nạn đang úp xuống mặt nước thì cần gọi dịch vụ khẩn cấp ngay. Ngoài việc chờ đợi sự hỗ trợ từ người khác, có thể cứu nạn nhân bị đuối nước ở bể bơi, ao hồ nhỏ, bãi tắm cạn… bằng một số cách như dang rộng chân để đảm bảo bạn đang ở vị trí thăng bằng, không nên rướn người quá mức về phía hồ nước, tiếp đó giơ tay ra phía người bị nạn và hô to “Bám lấy tay/cánh tay của tôi”. Tuy nhiên cách này chỉ áp dụng khi nạn nhân đang ở gần thành bể bơi, sát bờ biển cạn, nằm trong tầm tay với của người cứu.

Khi sử dụng vật hỗ trợ như gậy thì cũng hãy đứng thật vững và đủ khoảng cánh nhất định đối với người gặp nạn để không bị kéo ngược xuống nước, giữ một đầu gậy thật chắc và gọi to cho nạn nhân biết nắm lấy đầu kia của gậy. Trường hợp khác có thể nhanh chóng tìm kiếm xung quanh đó xem có phao, áo phao hoặc đệm nổi hay không để ném xuống cho nạn nhân; khi ném, không hướng trực tiếp đến phía nạn nhân mà cần phải quan sát hướng gió và dòng nước trước khi ném. Hãy báo cho nạn nhân biết bạn đang chuẩn bị ném và họ cần phải cố gắng hết sức có thể để đón nắm lấy phao…

Chỉ khi nào chắc chắn về trình độ bơi lội của mình hoặc trong tình huống cực kỳ nguy cấp thì mới nhảy xuống cứu trực tiếp nạn nhân. Trước khi nhảy xuống phải nhớ mặc thêm áo phao kèm theo vật nổi bất kỳ bởi thường phản ứng đầu tiên của người đuối nước là trèo lên người cứu nên cần thiết bị nổi được để đảm bảo an toàn cho cả hai. Nếu không có phao, hãy mang theo một cái áo hoặc khăn để nạn nhân có thể bám vào. Nên bơi sải để nhanh chóng tiếp cận nạn nhân ở khoảng cách nhất định, ném phao hoặc dây về phía người gặp nạn. Sau khi đã đến được chỗ người bị đuối nước, hãy bơi thẳng về phía bờ và kéo nạn nhân ở phía sau. Khi ấy, hãy thường xuyên ngoái lại để chắc chắn nạn nhân vẫn đang nắm lấy phao hoặc dây. Tiếp tục bơi cho đến khi đến nơi an toàn. Lưu ý là nên luôn giữ khoảng cách an toàn đối với nạn nhân.

“Cũng có nhiều trường hợp cứu sống được nạn nhân nhưng do không có kỹ năng sơ cứu khiến nạn nhân bị ảnh hưởng não, người ngơ ngẩn suốt đời”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Nguyễn Thị Thanh Hương nói. Về kỹ năng cứu người đuối nước sau khi đã đưa được nạn nhân lên bờ, đầu tiên đặt gót tay của mình lên giữa ngực nạn nhân hoặc đặt cả hai tay. Thực hiện ép tim 30 lần với tần số 100 lần/phút. Ấn sâu khoảng 5cm, để ngực trở lại bình thường sau mỗi lần ép. Sau đó kiểm tra xem nạn nhân đã bắt đầu thở chưa.

Ảnh diễn tập thực hành sơ cứu người bị đuối nước
Ảnh diễn tập thực hành sơ cứu người bị đuối nước

Trong đó, đặc biệt chú ý không ấn vào xương sườn của nạn nhân. Nếu nạn nhân là trẻ nhỏ, hãy đặt 2 ngón tay lên xương ức rồi ấn sâu khoảng 4 cm. Hỗ trợ hô hấp nếu nạn nhân không tự thở được. Nếu người cứu được đào tạo bài bản về hồi sức tim phổi mới có thể thực hiện chính xác việc hô hấp nhân tạo. Khi ấy, hãy để cổ nạn nhân ngửa và nâng cằm lên. Kẹp mũi lại, áp miệng mình vào miệng của nạn nhân và thực hiện 2 lần, mỗi lần 1 giây. Sau đó, bạn theo dõi để đảm bảo ngực nạn nhân vẫn nở ra bình thường. Thực hiện hô hấp nhân tạo 2 lần sau 30 lần ép tim và tiếp tục làm như vậy cho đến khi bệnh nhân tự thở được hoặc khi đã nhận sự trợ giúp của y tế.

Khi tiến hành giải cứu người đuối nước, các bạn cần nhớ rõ những điều sau:
– Bạn là ưu tiên hàng đầu. Nếu bạn cảm thấy việc cứu nạn gây nguy hiểm đến tính mạng, bạn không được tham gia vào và phải đánh giá lại tình huống trước khi giải cứu.
– Khi bạn đã đưa được nạn nhân đến thành bể bơi, hãy đan hai tay nạn nhân vào nhau và đặt tay bạn lên trên. Nhẹ nhàng để cổ nạn nhân ngửa lên, không cho đầu cúi xuống nước.
– Không cố gắng với tay nếu bạn đang đứng vì điều này có thể khiến bạn bị kéo xuống nước.