Sẽ là cửa ngõ giao thương trong tương lai và hạ tầng giao thông phát triển, Nghệ An kỳ vọng trở thành trung tâm chế biến nông – lâm – thủy hải sản của Bắc Trung Bộ để khai thác tối đa tiềm năng nông sản nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Nhưng muốn vậy, phải sớm có giải pháp thúc đẩy đầu tư, ứng dụng KHCN trong tất cả các khâu từ đầu vào, sản xuất, vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch, đến phân phối tiêu dùng.
Cùng với việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) nhằm đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thì công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy hải sản (NLTHS) của Nghệ An đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định được vị trí vai trò trong ngành, góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Các dự án như: Tổ hợp chăn nuôi bò sữa gắn với Nhà máy chế biến sữa của Tập đoàn TH True Milk; Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An; Nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh và gỗ ván MDF Nghĩa Đàn của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm; Nhà máy sản xuất ván MDF Anh Sơn; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn; Nhà máy sản xuất cá hộp Royal Foods; Trung tâm công nghiệp thực phẩm Massan MB,… đã góp phần quan trọng làm thay đổi tỷ trọng công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn.
Tuy vậy, dù phát triển công nghiệp chế biến NLTHS được tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo; nhưng nhiều mục tiêu đề ra không đạt được. Ngày 27/5/2015, UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển công nghiệp chế biến NLTHS trên địa bàn đến năm 2020. Mục tiêu đề ra là phấn đấu đến 2020 toàn tỉnh có 5-7% diện tích canh tác đất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay vừa đúng 4 năm thực hiện đề án, ngoại trừ quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến 2030 và một số dự án khác, thì nhìn chung, rất nhiều mục tiêu, dự án đề ra cho từng cây con đã không đạt được.
Chẳng hạn, đối với chế biến chè, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sản lượng chế biến đạt 22.000 tấn/năm; thu hút 1 nhà máy chế biến các sản phẩm cao cấp từ chè, như nước giải khát đóng chai chè xanh, chè xanh hoà tan, tinh dầu chiết xuất từ chè xanh…
Đối với chế biến cao su: thu hút đầu tư xây mới khoảng 1-2 nhà máy chế biến cao su công suất 3.000 – 5.000 tấn/năm/nhà máy theo khả năng đáp ứng vùng nguyên liệu và thị trường; phấn đấu đến năm 2020 sản lượng mủ cao su khô đạt 15.000 tấn, nhưng hiện nay mới chỉ đạt khoảng 7.000 tấn.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu xây dựng nhà máy chế biến dược liệu công suất 50.000 tấn dược liệu thô/năm để sản xuất được 5.000 tấn dược liệu tinh/năm, làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm như biệt dược, thực phẩm chức năng, nhưng theo số liệu tổng hợp từ Sở NN&PTNT, diện tích cây dược liệu tập trung toàn tỉnh chỉ có 658 ha (kế hoạch 15.400 ha). Hiện nay các cơ sở chế biến cũ không đầu tư, đổi mới dây chuyền thiết bị, hoạt động khó khăn; còn nhà đầu tư mới vào chế biến nông sản có quy mô lại rất ít.
Ông Nguyễn Huy Cương – Phó Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận: Ngoại trừ một số tập đoàn mới đầu tư gần đây, thì phần lớn cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, sản phẩm chủ yếu là chế biến ở dạng thô, và chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên thiếu sức cạnh tranh như: chè, đường kính, cao su, thủy sản đông lạnh,… Tổ chức sản xuất còn manh mún, đa số ở quy mô cơ sở chế biến tư nhân, sản phẩm tiêu chuẩn chất lượng đạt thấp nên uy tín và giá trị xuất khẩu thấp.
Thị trường chủ yếu hiện nay là xuất khẩu sang một số nước như Trung Đông, Đông Âu và một số nước Đông Nam Á. Sự gắn kết giữa sản xuất và chế biến tiêu thụ nông sản còn thấp, hay chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản còn kém, số lượng các doanh nghiệp trực tiếp đầu tư và hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh nông sản với nông dân còn ít, đầu ra của nông sản vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái, do đó thị trường thiếu ổn định, nguyên liệu cho chế biến nông sản cũng khó kiểm soát về cả chất lượng và khối lượng cung ứng.
Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 7 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017, lĩnh vực công nghiệp chế biến NLTHS tỉnh Nghệ An tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp theo các định hướng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phù hợp với thị trường tiêu thụ và gắn với vùng nguyên liệu nông nghiệp công nghệ cao để phát triển ổn định, bền vững; tạo những mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tỉnh cũng định hướng quy hoạch xây dựng một số tổ hợp công – nông nghiệp, các CCN chuyên ngành, các cụm liên kết ngành,… được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm hạn chế tối đa tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, không gian quy hoạch đặt trọng tâm ở khu vực Phủ Quỳ và một số huyện miền Tây.
Phát triển các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản-lâm-thủy sản, thực phẩm theo chu trình nông nghiệp an toàn GAP, trong đó tập trung vùng sản xuất rau quả; vùng nguyên liệu cây công nghiệp để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm khép kín áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh thích hợp với nông nghiệp công nghệ cao.
Tình trạng “được mùa rớt giá” đang và luôn là vấn đề của chế biến nông sản, của thực trạng sản xuất không có địa chỉ, thiếu quy hoạch. Được mùa rớt giá nhưng khi doanh nghiệp cần nguyên liệu để chế biến lại không có. Doanh nghiệp cần khối lượng hàng lớn đóng bằng container nhưng nhà nông chỉ cung ứng bằng sọt nên rất khó để doanh nghiệp tính chuyện “đường dài”.
Vấn đề đặt ra là cần quy hoạch phát triển các cánh đồng mẫu lớn, thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa vào sản xuất. Song song với đó là tổ chức quản lý theo tư duy mới chuyên môn hóa, tập trung hóa cao để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến.
Song song với tạo nguồn hàng là đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư trong đó ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chế biến nông sản; Chú trọng thu hút các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ logistics cho nông nghiệp nói chung và phục vụ ngành chế biến NLTHS nói riêng.
Khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất đầu tư, ứng dụng KHCN đồng bộ trong tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, từ đầu vào, sản xuất, vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch, đến phân phối tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ trong bảo quản sau thu hoạch nhất là công nghệ bảo quản theo chuỗi cung ứng lạnh.
Trăn trở vấn đề chế biến nông sản, tại nhiều diễn đàn, hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế – xã hội của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng: Nghệ An nên phát triển nông nghiệp “sạch – an toàn – công nghệ cao”; nghiên cứu tổ chức sản xuất và gắn với tổ chức thị trường để khắc phục tình cảnh “được mùa, mất giá”. Theo đó, phải có chính sách thu hút được doanh nghiệp, tạo môi trường cho doanh nghiệp hiện có trong tỉnh phát triển để tạo niềm tin cho doanh nghiệp mới vào. Khi có các doanh nghiệp thì họ sẽ đưa công nghệ mới vào như mô hình nuôi bò sữa ở Nghĩa Đàn đã có công nghệ Israel, hay trồng chanh leo ở Quế Phong đã ứng dụng được công nghệ của Đài Loan… Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, tỉnh chỉ cần có chính sách thu hút và doanh nghiệp sẽ mang công nghệ vào.
Công nghiệp chế biến được coi là động lực phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân. Ở Nghệ An “bài toán” chế biến nông sản đang bức thiết “lời giải” không gì khác hơn từ sự liên kết 4 nhà: Nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước; qua đó, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại.