Để tháo gỡ những khó khăn và huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ. Trong đó, bên cạnh tăng nguồn đầu tư từ ngân sách thì nên chăng cần mạnh dạn xã hội hóa để tìm kiếm thêm nguồn lực đầu tư vào hạ tầng phát triển công nghiệp.
Thực tế thu hút đầu tư vào hạ tầng KCN và CCN tại Nghệ An cho thấy, từ khi thu hút được nhà đầu tư có năng lực vào thì tỉnh mới thực sự tạo được đột phá về cơ sở hạ tầng. Trước đó, năm 1998, tỉnh lần đầu tiên thu hút được nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng KCN là Tổng Công ty Lilama vào KCN Bắc Vinh.
Mặc dù diện tích KCN này không lớn (60 ha) nhưng với việc chỉ sau một thời gian đã lấp đầy và cho trên 20 dự án, cơ sở vào thuê đất đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tiếp đó, để thu hút đầu tư vào KCN Nam Cấm, tỉnh đã mời gọi nhưng do không có nhà đầu tư nên năm 2003, tỉnh buộc phải thành lập Công ty Đầu tư hạ tầng KCN Nam Cấm để làm hạ tầng, qua đó đầu tư trên 220 tỷ đồng để làm hạ tầng, sau đó mới gọi được nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bước ngoặt thật về thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng công nghiệp chỉ thực sự đến khi tỉnh thu hút được những “ông lớn” là VSIP, WHA và Hoàng Thịnh Đạt vào đã biến những vùng đất hoang vu, kém hiệu quả của tỉnh thành những vùng đất bừng sáng, đầy tiềm năng.
Nhờ có hạ tầng đồng bộ nên mặc dù bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh đã chủ động đón được làn sóng đầu tư mới với nhiều dự án lên tới hàng trăm triệu USD như Luxshare- ITC, Goertek Vina, Everwin hay Ju Teng… Khi đi vào hoạt động, những dự án này sẽ mang lại doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng và giải quyết việc làm cho từ 20-30 ngàn lao động.
Đối với cụm công nghiệp, hiện trên địa bàn Nghệ An có 52 CCN được quy hoạch phát triển với tổng diện tích là 1.216,76 ha. Sau 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN, tỉnh đã hỗ trợ 69,56 tỷ đồng cho các CCN từng bước xây dựng các hạng mục hạ tầng cần thiết.
Các CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 241 doanh nghiệp (trong đó có 4 doanh nghiệp FDI có quy mô tương đối lớn) với tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm khoảng 5.480 tỷ đồng, chiếm từ 7-8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, nộp ngân sách đạt gần 480 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 24.300 lao động.
Theo đánh giá, việc thực hiện cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN là phù hợp với định hướng của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn về phát triển tất yếu của mô hình CCN.
Ông Hà Thái Sơn – Trưởng phòng Kinh tế, UBND thành phố Vinh cho biết: Hiện nay Bộ Công Thương đã có văn bản thống nhất bổ sung quy hoạch CCN Hưng Đông 2 (26,5 ha) vào quy hoạch phát triển CCN; UBND tỉnh đang kêu gọi Công ty TNHH Thành Vinh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Hưng Đông 2, hiện doanh nghiệp này đang khảo sát thực tế để tiến hành các bước đầu tư.
Đại diện Sở Công Thương cho biết thêm: Nghệ An có lợi thế về dư địa phát triển CCN nên nhiều nhà đầu tư đang vào Nghệ An để tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong đó có đầu tư hạ tầng bất động sản công nghiệp. Hiện một số nhà đầu tư đang khảo sát hạ tầng các CCN trong quy hoạch như Thượng Sơn (Đô Lương), Nghĩa Dũng (Tân Kỳ), Đô Lăng (Nghi Lộc), Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu)… Công ty CP đầu tư VIP cũng đang đầu tư CCN ở Diễn Thắng (Diễn Châu). Hiện Sở Công Thương đang làm việc với các huyện, đơn vị tư vấn có giải pháp phát triển các CCN đảm bảo phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, diện tích đủ lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư hạ tầng.
Đối với cơ chế đầu tư, quản lý các KCN cũng cần có đột phá để thu hút các “mạnh thường quân” vào đầu tư, tiếp quản các KCN đã được tỉnh quy hoạch và chờ nhà đầu tư vào đầu tư hạ tầng trong hàng rào như KCN Thọ Lộc, KCN Đông Hồi, KCN Tri Lễ, KCN Nghĩa Đàn…
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước những bất cập, vướng mắc trong thực hiện cơ chế hỗ trợ đầu tư các CCN, Sở Công Thương đã tiến hành khảo sát và xin ý kiến các sở, ngành và UBND các huyện để trình UBND tỉnh phương án xem xét sửa đổi Quyết định số 45/2015 của UBND tỉnh.
Về phía Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, cùng với trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh về giá đất mới trong khu kinh tế trên địa bàn Nghệ An với hướng khá ưu đãi và cạnh tranh; đồng thời, ban cũng cùng với các sở, ngành tham mưu đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 26/2016/HĐND tỉnh về hỗ trợ đầu tư theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm hơn, theo đó, dự án đầu tư có tổng mức đầu tư nhỏ hơn, sử dụng ít lao động hơn trước đây cũng được hỗ trợ; mức hỗ trợ cũng lớn hơn, miễn là thuộc lĩnh vực và địa bàn khuyến khích, ưu tiên của tỉnh.
Bên cạnh đó, để huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, Chính phủ đã có một số quy định mới về hỗ trợ đầu tư cũng như khuyến khích các địa phương đầu tư vào hạ tầng CCN. Chính vì thế, việc xem xét, sửa đổi Quyết định số 45/2015/QĐ.UB về hỗ trợ đầu tư CCN đặt ra là có cơ sở.
Để việc tháo gỡ nút thắt đi đúng trọng tâm, theo chúng tôi, tỉnh cần phải đánh giá lại tổng thể kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư CCN, tham khảo thực tiễn hỗ trợ đầu tư CCN tại các địa phương khác để từ đó xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn; phát huy sự chủ động và giao trách nhiệm cho các địa phương góp vốn hỗ trợ CCN theo cơ chế 50/50 hoặc 60/40; hạng mục CCN nào bức bách thì được ưu tiên vốn hoàn thành; thay vì mức 8-10 tỷ đồng/năm, nhưng chia đều dàn trải cho 10-15 CCN dẫn đến dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay.
Một nhà đầu tư tại TP. Vinh kiến nghị: Quá trình kêu gọi, thu hút đầu tư, một mặt tỉnh phải cố gắng cam kết, dành nguồn lực đầu tư đủ mạnh để giải tỏa, bàn giao mặt bằng sạch đúng hạn cho doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai đồng bộ các hạng mục hạ tầng thiết yếu, có cơ chế để doanh nghiệp như cấp nước, điện lực, viễn thông cùng vào cuộc, bố trí nguồn lực đưa các dịch vụ thiết yếu đến tận chân hàng rào KCN, CCN… khi có nhà đầu tư đến triển khai dự án thì có ngay các dịch vụ thiết yếu.
Mặt khác, tỉnh mạnh dạn xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ có các cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN hoặc CCN được đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy công trình) hoặc tự nguyện tài trợ, bỏ vốn làm các hạ tầng đường hay điện để các doanh nghiệp khác trong KCN sử dụng.
Đây là hình thức đã được áp dụng tại KCN Đông Hồi khi Công ty Thanh Thành Đạt bỏ tiền đầu tư làm trên 500m đường nối từ đường 36 (nay là Quốc lộ 48 E) từ Nghĩa Đàn – Nghi Sơn xuống cảng Đông Hồi. Tương tự, năm 2020 để giải tỏa công suất đường dây điện 110 KV từ Tương Dương – Đô Lương, một số nhà đầu tư thủy điện trên tuyến này đã từng đề xuất chung tay, góp vốn đầu tư, cùng với tỉnh và EVN để đầu tư nâng cấp đường dây 110 KV từ Tương Dương – Đô Lương nhằm đảm bảo công suất phát điện theo thiết kế, thay vì phải cắt giảm công suất vì đường dây 110 KV quá tải như lâu nay.
Cuối cùng là cần có cơ chế giao cho đơn vị kinh doanh, quản lý vận hành các KCN. Hiện nay, các KCN Bắc Vinh, KCN WHA.No1 Nghệ An hay VSIP đều do các doanh nghiệp lớn vào thuê đất, làm hạ tầng rồi cho kinh doanh hạ tầng nên thu phí vận hành và quản lý rất rõ ràng.
Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh còn một số KCN như KCN Nam Cấm, KCN Đông Hồi, Tri Lễ hay CCN do ngân sách Nhà nước đang bỏ ra đầu tư. Vì vậy, để bảo toàn tài sản và nguồn vốn do Nhà nước đầu tư trước đây, cần có cơ chế quản lý để thu phí kinh doanh hạ tầng theo quy định. Theo tính toán sơ bộ, Nhà nước đầu tư vào hạ tầng KCN Nam Cấm, Đông Hồi và một số CCN khác số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng, trong đó, Khu B và C, KCN Nam Cấm đã cơ bản lấp đầy, Khu C còn 60 ha chưa hoàn thành đầu tư hạ tầng. Sau gần 20 năm triển khai, hạ tầng tại KCN Nam Cấm do Nhà nước đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã hết hạn miễn giảm tiền thuê đất nhưng nghĩa vụ tài chính quá thấp.
Cụ thể, trong khi KCN khác do doanh nghiệp thuê đất làm hạ tầng sau đó cho thuê với giá từ 500 đến 1 triệu đồng/m2/năm thì các doanh nghiệp tại KCN Nam Cấm sử dụng hạ tầng nhưng không thực hiện nghĩa vụ hoặc nghĩa vụ quá thấp là vô lý. Ngoài trả tiền thuê đất với giá chưa có hạ tầng cho tỉnh, các doanh nghiệp chỉ phải trả phí 2.200 VNĐ/m2/năm phí kinh doanh hạ tầng là gây thiệt thòi cho ngân sách và đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý tài sản này không có nguồn để duy tu, bảo dưỡng cũng như nâng cấp các hạ tầng còn lại của KCN…