Kỳ Sơn là địa bàn có số lượng lao động từ các tỉnh phía Nam về khá lớn với khoảng 5.000 người kể từ cuối tháng 5 đến nay. Việc giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động đang khiến chính quyền địa phương nơi đây lo lắng. Ông Lê Hồng Lập – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát kỹ nhu cầu việc làm của lao động và đã triển khai một số mô hình giải quyết việc làm tại chỗ như chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động cũng như triển khai một số mô hình chăn nuôi gia trại cho những người muốn lựa chọn nghề nuôi trồng ngay tại địa phương…”.
Cũng theo ông Lập, tại 2 xã Huồi Tụ và Mường Lống, chính quyền địa phương đã chia nhỏ số lao động theo nhu cầu việc làm của họ để có những định hướng cụ thể, ví như lao động muốn có thu nhập tại chỗ thì được kết nối hỗ trợ vốn vay xây dựng gia trại, kinh tế vườn rừng…; lao động muốn có thu nhập tương đương với chỗ làm cũ nhưng không muốn đi xa thì địa phương phối hợp với các doanh nghiệp tại các địa phương miền xuôi như Đô Lương, Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc… Đại diện chính quyền xã Huồi Tụ cho biết: “Hiện xã có 288 lao động trở về địa phương tránh dịch và bị mất việc làm, trong đó có 85 lao động thuộc hộ nghèo và 45 lao động thuộc hộ cận nghèo. Địa phương đã khảo sát và thống kê phân loại được nhu cầu của lao động hiện đang cư trú trên địa bàn. Trước mắt có các lao động chọn các mô hình vườn ao chuồng rừng, hoặc chăn nuôi bò lai sind, gà đen, lợn mán, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để họ được vay vốn; hỗ trợ giống cây con, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, và bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên con số này khá ít, vì lao động họ cho rằng điều kiện thời tiết khắc nghiệt dịch bệnh hoành hành nên kinh doanh sản xuất tại chỗ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tại huyện Yên Thành, bà Phan Thị An – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho rằng, số lao động làm ăn xa trở về nếu chấp nhận làm việc tại các nhà máy trên địa bàn hoặc các vùng lân cận vẫn có thu nhập tương đối ổn, từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. “Trên địa bàn huyện có 2 nhà máy may An Hưng, Việt Nhật với hơn 8.000 vị trí việc làm, trong số này doanh nghiệp cũng đã cam kết sẽ giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động địa phương. Chỉ có điều lao động từ các tỉnh phía Nam trở về có chọn nghề may hay không mà thôi. Thời gian tới Yên Thành cũng sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm và huyện sẽ chủ động tìm những nhà tuyển dụng trên địa bàn với các chính sách tốt cho lao động.
Ngoài ra ở huyện Yên Thành, lao động phổ thông trên địa bàn nếu không muốn làm việc trong các nhà máy trên địa bàn thì sẽ có những công việc khác, như tham gia các tổ nề, các dịch vụ thương mại nhỏ, thậm chí làm shipper, nếu chăm chỉ tháng cũng có thu nhập khoảng trên dưới 5 triệu đồng. “Đối với các ngành nghề nông nghiệp, chúng tôi cũng chủ động hướng nghiệp cho người dân nếu họ có ý định vay vốn để gây dựng trang trại, gia trại”, bà Phan Thị An cho biết. Cũng theo bà An, nhìn nhận một cách tích cực, việc số lượng lớn lao động trở về địa phương tìm kiếm việc làm không phải là áp lực mà là cơ hội bổ sung cho những thiếu hụt về các phong trào văn hóa – xã hội tại các địa bàn mà lâu nay vẫn vắng bóng người trẻ.
Mặc dù thời gian tới lượng “cầu” của doanh nghiệp đối với lực lượng lao động là rất lớn, 57 doanh nghiệp trong tỉnh cần tới 15.337 vị trí việc làm, nhưng dường như cung chưa gặp cầu.
Ông Lê Hải Dương – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH về việc hỗ trợ tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động từ vùng dịch về trung tâm đã cập nhật các nhu cầu tuyển dụng qua môi trường mạng như Cổng thông tin việc làm, các trang mạng xã hội như Facebook, Fanpage; triển khai hoạt động nhóm Zalo “Hỗ trợ việc làm – Covid-19”, kết nối với các huyện xã trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp kịp thời nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cho các cán bộ đầu mối; và phối hợp với các địa phương tổ chức thông tin tuyên truyền qua hệ thống phát thanh địa phương. “Đến nay trung tâm đã nhận được 248 hồ sơ cá nhân muốn được vào làm việc ở các doanh nghiệp mà trung tâm đã kết nối được. Đó là con số rất nhỏ so với số lượng thực tế, điều này cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về câu chuyện định hướng nghề nghiệp và công tác tuyên truyền đến tận người dân”, ông Dương nói.
Ông Dương cho biết thêm, qua khảo sát Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã ghi nhận tới 2.000 vị trí việc làm tại Nhà máy may An Hưng đóng tại xã Công Thành (Yên Thành), hay tới 1.027 vị trí tại Công ty CP Nam Thuận đóng tại xã Diễn Mỹ (Diễn Châu), thế nhưng hiện con số đăng ký qua dịch vụ tại các trang điện tử còn rất ít. “Thậm chí khi chúng tôi thực hiện khảo sát nhiều lao động đã đăng ký nhưng sau đó lại không tham gia phỏng vấn. Nguyên nhân phần nhiều họ vẫn còn e ngại các chính sách của doanh nghiệp và cho rằng dù chỗ làm có thể gần nhà nhưng vẫn phải thuê trọ vì không thể sáng đi tối về”, ông Lê Hải Dương nói.
Ở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn), trong số 288 lao động về quê tránh dịch, qua khảo sát có tới 93 người muốn quay lại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…, chỉ 77 người muốn vay vốn làm ăn tại quê hương. Số lao động còn lại chưa biết sẽ đi đâu, làm gì. Anh Lầu Bá Giàng ở xã Huồi Tụ khi được hỏi sẽ có dự định gì cho tương lai đã trả lời rằng đến giờ chưa thực sự có định hướng gì, “chắc lại Nam tiến” vì “ở nhà không biết làm gì cho ra chừng đó tiền”.
“Không biết làm gì để có từng đó thu nhập” là thực tế của nhiều người, tức là mỗi tháng các lao động ở Nghệ An ra Bắc vào Nam với nguồn thu nhập chỉ từ 5 – 9 triệu đồng nếu công việc thuận lợi, nhưng sau khi trừ đi chi phí chi tiêu hằng ngày hoặc một chuyến về quê mỗi năm, nhiều lao động thậm chí còn rất ít số tiền dư dả để tiết kiệm. Thế nhưng họ vẫn chọn cách đi xa dù mưu sinh xa nhà vô cùng vất vả; dù ở ngay chính quê hương mình vẫn có những vị trí việc làm cho thu nhập tương tự. Ông Lê Hồng Lập – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn cho biết: “Qua khảo sát thì có tới 30-40% lao động trở về quê trong đợt dịch vừa qua cho biết họ vẫn tiếp tục vào Nam để làm việc sau khi hết dịch, và nguyên nhân vì sao Nam tiến chính những người tham gia khảo sát cũng mơ hồ cho rằng lao động đi vì quen môi trường làm việc ở chỗ làm cũ”.
Ông Lê Hải Dương – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Sở dĩ các chính sách việc làm và các nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khác trong tỉnh chưa đến được với người dân là vì công tác tuyên truyền của chúng ta chưa tốt. Nhiều lao động khá mơ hồ với chế độ tuyển dụng của các công ty, nhà máy trong tỉnh nhưng lại rất thông thạo các chính sách của các đơn vị ở các tỉnh phía Nam hoặc ngoài Bắc. Với lao động ở các huyện Miền Tây, việc phải di chuyển hàng trăm cây số xuống các huyện đồng bằng trong tỉnh làm việc mà chỉ cho thu nhập từ 5 – 7 triệu, trong khi vẫn phải trừ chi phí thuê nhà, ăn uống thì họ chọn cách Nam tiến hoặc Bắc tiến để có đồng lương thưởng cao hơn. Nhưng còn có một thực tế rằng nhiều lao động ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương – nơi có các nhà máy, khu công nghiệp nhỏ vẫn chọn Nam tiến hoặc Bắc tiến trong khi vị trí việc làm tại chỗ vẫn còn thừa. Về vấn đề này, bà Phan Thị An – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành lý giải rằng: “Khi đi tìm việc làm, người dân thường thích đi theo phong trào, 1 người trong xóm đi thì nhiều người đi theo, thế nên để người lao động có được sự định hướng đúng, doanh nghiệp cũng cần có những chính sách tiếp cận để kích cầu”.
Văn bản 2734/ SLĐTBXH – VL ngày 17/8/2021 đã yêu cầu các địa phương rà soát kỹ nhu cầu của lao động đồng thời tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để cung gặp cầu. Bên cạnh đó các địa phương cũng có những khảo sát để tạo điều kiện việc làm cho những lao động có mong muốn ở lại quê hương làm các nghề nghiệp gắn liền với các ngành nông nghiệp, dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi nhiều lao động vẫn đang muốn quay lại chỗ làm cũ khi tình hình dịch bệnh được kiềm chế.