Ở xã vùng biên Tri Lễ (Quế Phong), Đại úy Lê Anh Đức, bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ là người đã tìm ra bài thuốc chống ngộ độc lá ngón hiệu quả, cứu được rất nhiều người thoát khỏi “miệng tử thần”.
Đại úy Lê Anh Đức kể: “Trước khi về với Đồn Biên phòng Tri Lễ, bản thân tôi đã từng có thời gian công tác tại địa bàn xã Nậm Cắn và Keng Đu (Kỳ Sơn). Trước đó, tôi chưa quan tâm đến tình trạng ngộ độc lá ngón do các vụ việc chưa nhiều, chỉ xảy ra lẻ tẻ. Về với Tri Lễ năm 2013, bản thân phụ trách phòng khám quân dân y kết hợp, tôi đã bị ám ảnh bởi tình trạng ngộ độc lá ngón ở đây. Rất nhiều người tự tử bằng lá ngón. Những cái chết bởi lá ngón rất đau đớn, thương tâm đối với cả người đã ra đi và người còn ở lại. Điều day dứt nữa là những người tự tử bằng lá ngón đều còn rất trẻ, thậm chí mới 11-12 tuổi”.
Từ sự day dứt đó, bác sĩ quân y Lê Anh Đức đã bỏ công tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu nên một bài thuốc cấp cứu ngộ độc lá ngón từ các kinh nghiệm dân gian, áp dụng điều trị cho nạn nhân. Nạn nhân ngộ độc lá ngón đầu tiên mà được anh cứu chữa thành công bằng bài thuốc là anh Lô Văn X (sinh năm 1997, bản Yên Sơn, xã Tri Lễ). 14 giờ ngày 31/10/2016, do mẫu thuẫn vợ chồng, Lô Văn X đã ăn lá ngón tự tử. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, X được gia đình phát hiện, đưa đến phòng khám quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Tri Lễ với nhiều hội chứng và triệu chứng nguy hiểm có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Với bài thuốc dân gian này, bác sĩ quân y Lê Anh Đức đã thực hiện cứu trị kịp thời cho trên 20 người bị ngộ độc lá ngón từ năm 2016 đến nay. Năm 2018, bài thuốc dân gian của bác sĩ Lê Anh Đức đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phổ biến cho các đồn biên phòng trong tỉnh. Nhiều đơn vị đã dùng bài thuốc này để cấp cứu, điều trị thành công cho nhiều người bị ngộ độc lá ngón…
Đứng trước sự lựa chọn sinh tử cho người bệnh, bác sĩ Đức đã quyết định sử dụng bài thuốc dân gian để loại bỏ độc tố trong dạ dày bằng phương pháp tự nhiên, kết hợp tiêm thuốc kháng sinh, thuốc trợ tim, trợ sức… Sau 4 lần uống thuốc và kích thích nôn, bệnh nhân X đã đỡ khó thở, đỡ đau bụng, đỡ tím tái, gọi hỏi nhớ lại được sự việc, mạch và huyết áp dần ổn định. Đến ngày 1/11, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đỡ mệt mỏi, đi lại nói chuyện bình thường và được gia đình xin đưa về tiếp tục chăm sóc theo dõi.
Đại úy Lê Anh Đức chia sẻ những hạn chế của bài thuốc: “Với những người ăn lá ngón sau 6 giờ mới đưa đi cấp cứu thì bài thuốc không còn hiệu quả kể cả việc đặt xông để đưa thuốc vào. Bài thuốc này chỉ phần nào giải quyết phần “ngọn” chứ không phải là phần “gốc” của tình trạng ngộ độc lá ngón hiện nay, giống như việc lâu nay chúng ta thực hiện vận động nhổ, xóa bỏ cây lá ngón vậy. Không thuốc nào có thể cứu chữa nổi khi con người cố tình tìm đến cái chết”.
Thực ra, việc cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc lá ngón nhẹ, được phát hiện sớm đối với các cơ sở y tế không quá khó. Trung tâm Y tế các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương đã rất nhiều lần điều trị thành công cho các bệnh nhân. “Việc cứu trị bệnh nhân không quá khó. Nhưng để làm sao cho người dân không ăn lá ngón mới là vấn đề.
Ở Tương Dương, những năm gần đây tình trạng ăn lá ngón có chiều hướng suy giảm đặc biệt là vùng đồng bào Mông. Sự suy giảm này rất có thể liên quan đến xu hướng người dân thoát ly, đi làm ăn xa, tiếp xúc nhiều nên nhận thức được nâng lên. Điều này rất đáng để nghiên cứu”, bác sĩ Vi Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế Tương Dương chia sẻ và gợi mở.
Để ngăn chặn tình trạng ngộ độc lá ngón, thời gian qua, chính quyền địa phương các xã vùng cao đã phối hợp cùng các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cũng như thực hiện nhổ bỏ, bài trừ cây lá ngón, tác nhân trực tiếp gây ra cái chết cho người dùng nó. Tuy nhiên thực tế diễn ra những giải pháp này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Bằng chứng là tại xã Tri Lễ (Quế Phong), số vụ và số người ngộ độc vẫn tăng lên.
Thượng tá Hồ Quốc Hải – Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri lễ chia sẻ: “Với những vụ ngộ độc xảy ra, tháng 5 và tháng 6 vừa rồi, Đảng ủy và Ban Chỉ huy Đồn biên phòng đã có những buổi làm việc với cấp ủy chính quyền địa phương bàn bạc, tìm giải pháp mới làm sao giảm thiểu ngộ độc lá ngón khi mà giải pháp tuyên truyền vận động và nhổ bỏ trước đây không hiệu quả. Giải pháp mới được đưa ra đó là thay đổi cách thức và nâng cao chất lượng tuyên truyền. Cụ thể, tháng 5 – 6/2020, Đồn Biên phòng và xã Tri Lễ đã tổ chức các cuộc gặp mặt với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn nhằm nắm bắt tâm tư tình cảm, định hướng cho những già làng, trưởng bản, người có uy tín về tầm quan trọng của vấn đề. Để rồi những người này khi trở về bản, về nhà lại trao đổi cùng con cháu. Nội dung tuyên truyền là động viên con cháu cố gắng tự vươn lên trong cuộc sống, thường xuyên động viên quan tâm hơn với mọi người, lấy tình làng nghĩa xóm để hòa giải bế tắc…”.
Theo Thượng tá Hải, song song với việc tuyên truyền qua “kênh” già làng, trưởng bản, cán bộ quân y và y tế địa phương đã, đang và sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp ở các bản biên giới; tổ chức những buổi tuyên truyền ở Trường THCS DTNT Tri Lễ để định hướng cho các cháu học sinh về lối sống tích cực, kỹ năng sống cũng như giáo dục về kiến thức pháp luật.
Ông Vi Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho hay: “Sau cuộc gặp với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn, chúng tôi đã thống nhất 4 giải pháp cần kíp để ngăn chặn ngộ độc lá ngón. Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hai là, thực hiện ký cam kết giữa các dòng họ, bản về việc không để xảy ra ngộ độc lá ngón; ba là, tiếp tục thực hiện xóa nhổ cây lá ngón ở khu vực lân cận; bốn là, phải xem vấn nạn lá ngón là điều kìm hãm phát triển của địa phương cần phải thường xuyên họp rút kinh nghiệm, đưa vào nội dung thi đua. Từ khi có sự vào cuộc của già làng, trưởng bản, người có uy tín thì trên địa bàn tình trạng ngộ độc lá ngón đã tạm lắng… Phòng chống ngộ độc lá ngón một cách lâu dài, xã Tri Lễ sẽ hướng tới việc tổ chức dạy học xóa mù chữ cho đồng bào, góp phần nâng cao dân trí; đưa 2 nội dung chống tảo hôn và lá ngón vào nội dung sinh hoạt học tập ở trường THCS”.
Anh Sồng Vả Dềnh – Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi cho rằng: “Gốc rễ, căn nguyên của tình trạng tự tử bằng lá ngón là vấn đề tư tưởng cố hữu còn tồn tại trong cộng đồng – đó là dùng cái chết bằng lá ngón để giải thoát hay như tâm lý bắt chước người lớn ăn lá ngón để tìm đến cái chết khi có khúc mắc trong cuộc sống ở bộ phận thanh thiếu niên. Để “cuộc chiến” với lá ngón đạt hiệu quả, cần có sự chung tay, vào cuộc của cả gia đình, nhà trường, cộng đồng, cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như xây dựng môi trường sống gần gũi, sẻ chia, quan tâm lẫn nhau bắt đầu từ mỗi thành viên trong gia đình, sau đó là cộng đồng xã hội. Việc nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng sống cần sớm được thực hiện ngay từ chính gia đình sau đó đến nhà trường. Quá trình này đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì, liên tục”.
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề tư tưởng thì cốt yếu còn phải giải quyết bài toán nâng cao đời sống kinh tế, đời sống văn hóa, bài toán việc làm cho người dân vùng cao. Một khi đời sống mọi mặt được nâng cao thì chắc chắn người dân sẽ có cách nghĩ, cách giải quyết vấn đề đúng đắn, hợp lý hơn khi gặp bế tắc trong cuộc sống.
<< Trở về