Những năm qua, trên địa bàn Nghệ An có nhiều mô hình doanh nghiệp (DN) hoặc cá nhân đứng ra tập trung đất nông nghiệp để phát triển sản xuất nông sản hàng hóa. Những mô hình này đã thực sự chứng tỏ hiệu quả. Tuy nhiên, trong khi DN có nhu cầu tập trung đất sản xuất, thì như đã đề cập, hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp vẫn đang bị bỏ hoang hóa.
Vùng Bãi Soi Bắc Giang nằm bên kia sông của xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, có diện tích gần 60 ha. Cách trở đò giang, thiên tai luôn đe dọa nên nhiều năm nay, vào vụ hè thu, người dân hầu như không gieo cấy, cả vùng bãi mênh mông trở thành bãi chăn thả trâu, bò. Thế nhưng vài năm nay, thay bằng bãi cỏ dại um tùm, nhiều ruộng ngô đã bắt đầu lên xanh, làm “hồi sinh” vùng đất này.
Ông Nguyễn Văn Phượng – Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết: “Bắt đầu từ năm 2018, địa phương vận động các hộ dân giao lại đất cho xã, xã đưa vào quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp vào thuê đất trồng ngô sinh khối; các hộ có đất cho thuê được hỗ trợ 200.000 đồng/sào/năm trong vòng 5 năm. Hiện đã có 22 ha đất đã cho DN thuê, còn lại gần 40 ha vẫn đang để hoang. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục vận động người dân giao lại đất, đưa vào quy hoạch và tiếp tục kêu gọi DN vào thuê đất nhằm tránh lãng phí, hoang hóa đất và người dân dù không sản xuất cũng phải đóng thuế, phí và xã thì tốn phí bảo vệ, đò ngang”.
Những năm qua, trên địa bàn Nam Đàn xuất hiện nhiều cách làm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; như các xã Nam Lộc, Kim Liên, Nam Xuân… đã vận động, tạo điều kiện cho nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất hình thành nên các tổ hợp tác, HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hoặc liên kết với DN trong sản xuất và tiêu thụ như mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lạc giống trên cùng một cánh đồng ở Nam Lộc, Nam Tân, Nam Kim…
Đồng thời, quy hoạch đất xa xấu, hoang hóa, trũng sâu, xa dân cư cho người dân thuê lại làm trang trại. Toàn huyện hiện có 38 trang trại đạt tiêu chí với tổng diện tích 167,3 ha, tổng giá trị sản lượng hàng hóa đạt từ 15-25 tỷ đồng/trang trại/năm. Ngoài ra, một số xã như Nam Thanh, Xuân Lâm, Kim Liên… đã quy hoạch vùng để kêu gọi DN vào thuê đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với hình thức thuê từ 5 – 30 năm, giá cho thuê từ 40 – 50 triệu đồng/ha/năm.
Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều người biết đến ông Trịnh Xuân Giáo – chủ trang trại cam Thiên Sơn thuộc Công ty TNHH nông sản Thiên Sơn khi ông “biến” 20 ha đất khô cằn trồng bạch đàn và sắn ở Yên Thành thành trang trại cam cho doanh thu nhiều tỷ đồng/năm.
Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều người biết đến ông Trịnh Xuân Giáo – chủ trang trại cam Thiên Sơn thuộc Công ty TNHH nông sản Thiên Sơn khi ông “biến” 20 ha đất khô cằn trồng bạch đàn và sắn ở Yên Thành thành trang trại cam cho doanh thu nhiều tỷ đồng/năm. Lặn lội lên với vùng đồi núi xã Đồng Thành mua lại đất của người dân xong, ông ký hợp đồng với huyện thuê đất trong vòng 30 năm, cải tạo hệ thống hạ tầng để trồng giống cam Xã Đoài theo công nghệ sạch.
Chị Trần Thị Hạnh, 1 trong 30 công nhân làm việc thường xuyên ở trang trại Thiên Sơn cho biết: Mỗi tháng tôi được nhận lương ổn định từ 5 – 6 triệu đồng, công việc là chăm sóc, thu hoạch, đóng gói cam. Vào mùa cam, ông Trịnh Xuân Giáo giải quyết việc làm thêm cho khoảng 180 – 200 lao động thời vụ, thu nhập bình quân 200.000 đồng/người/ngày.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nhiều DN, cá nhân muốn thuê đất sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao thì lại rất khó tìm được đất để thuê. Trong khi đó, tại một số địa phương, trước thực trạng nông dân bỏ ruộng, chính quyền rà soát, quy hoạch, tích tụ ruộng đất để cho các cá nhân, DN thuê đất lại không thể làm nổi.
Trở lại với trường hợp trang trại cam Thiên Sơn của ông Trịnh Xuân Giáo. Khi có chủ trương kêu gọi DN, cá nhân vào sản xuất tập trung, phục dựng thương hiệu cam Xã Đoài một cách bài bản từ nhiều năm, cho đến năm 2018, mới có ông Trịnh Xuân Giáo “vào”.
Tuy nhiên, đến nay sau gần 2 năm trải qua hàng chục cuộc làm việc, thậm chí có cả văn bản cam kết của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện về vấn đề trả lại đất cho dân để DN chủ động trong vấn đề thuê lại hay tiến hành các hình thức tích tụ đất khác theo quy định, DN vẫn chưa thể có đủ diện tích đất để thực hiện dự án.
Anh Trần Văn Toàn – cán bộ Công ty CP Đầu tư và Sản xuất ATC trăn trở: “Quả thật, chúng tôi đi thuê đất để sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn, trở ngại. Thứ nhất, không tìm ra diện tích đất đảm bảo cho sản xuất để thuê. Thứ hai, khi tìm ra vùng đất cần thuê lại vướng vào các thủ tục pháp lý. Thứ ba, dù không sản xuất nhưng tâm lý người dân muốn giữ đất chờ quy hoạch, đền bù chứ không muốn cho thuê. Thứ tư, việc tìm kiếm thông tin về đất cho thuê khá khó khăn. Về phía DN rất mong các địa phương có biện pháp tích tụ, quy hoạch đất đai và bắt tay với DN trong vấn đề này”.
Theo chủ trương chung về tích tụ ruộng đất, thì thực tế hiện nay đất nông nghiệp đang được tích tụ dưới 4 hình thức: Tập trung ruộng đất qua dồn điền, đổi thửa; Cho thuê đất nông nghiệp, chuyển quyền sử dụng đất; Chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Góp quyền sử dụng đất.
Trong đó, hình thức cho thuê đất nông nghiệp, chuyển quyền sử dụng đất đang phổ biến, nó xuất phát từ nhu cầu giao dịch giữa người nắm quyền sử dụng đất và người có nhu cầu thuê quyền sử dụng đất. Thông qua hợp đồng thuê, cá nhân hoặc tổ chức, DN thuê đất được chủ động hoàn toàn việc sản xuất, canh tác trên đất trong một thời gian nhất định theo hợp đồng đã được ký kết; đồng thời trả tiền thuê đất theo từng vụ, từng năm hoặc cho cả thời gian thuê; thời gian cho thuê được thỏa thuận ổn định để người thuê tính toán phương án sản xuất.
Theo TS. Đinh Thị Nga – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh “Với hình thức này, người nông dân vẫn nắm quyền sử dụng đất, có thể có thu nhập cao hơn trước đây thông qua được hưởng tiền thuê đất, đồng thời có cơ hội làm việc cho DN hoặc đi làm nghề khác và khi hết thời hạn cho thuê. Mô hình này được coi là khá “an toàn” đối với người nông dân”.
Tuy nhiên, việc thỏa thuận giữa DN và nhiều hộ nông dân gặp khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí. Thỏa thuận vừa chậm, vừa khó thành công do thiếu lòng tin giữa bên cho thuê và bên đi thuê; mặc dù sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, bản thân người nông dân cũng không có khả năng nâng cao hiệu quả sản xuất, không gắn bó với nghề nông và tuy đã làm nghề khác nhưng vẫn có tâm lý cố giữ lấy ruộng đất như vật bảo đảm sinh kế cuối cùng nếu mất việc.
Nhiều năm qua, Nhà nước đã đề ra chủ trương và có nhiều cơ chế thúc đẩy tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, giải quyết những yếu kém, bấp bênh của thị trường nông sản do sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ và manh mún. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt được như mong muốn và kỳ vọng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trao đổi: “Thực tế có nhiều DN, tổ chức, tập thể khác và cá nhân muốn được tiếp cận các chính sách cũng như chủ động để có thể thỏa thuận tích tụ ruộng đất nông nghiệp để sản xuất hàng hóa; thậm chí có DN đã triển khai các thủ tục bước đầu, nhưng “vào” thực tế thì cho thấy rất khó mở rộng quy mô sản xuất vì không được giao đủ đất, hoặc không thuê được đất”.
Như vậy, trong khi ở nhiều vùng, nông dân cũng như chính quyền đều muốn cho thuê đất để tăng thu nhập, không lãng phí đất thì nhiều DN, cá nhân dù “khát” đất nhưng vẫn chưa thể có được một vùng đất sản xuất tập trung đủ rộng. Đó là một bất cập, vướng mắc mà các cấp, ngành chức năng cần quan tâm để có giải pháp khắc phục, tháo gỡ hữu hiệu.