Bài 1: “Ruộng mật, bờ xôi” bỏ hoang

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang, nhất là vào vụ sản xuất hè thu. Thậm chí có nơi đất đai thổ nhưỡng tốt, nếu sản xuất sẽ đem lại hiệu quả nhưng vẫn để lãng phí.

Vụ hè thu này, trên khắp những cánh đồng tại “huyện lúa” Yên Thành, dễ tìm thấy những mảnh ruộng, thậm chí là cả cánh đồng không người cày cấy, cỏ mọc tràn bờ. Xã Đô Thành – vùng đất có tiếng là “bờ xôi, ruộng mật”, đang có tới 320 ha/550 ha đất lúa không gieo cấy, một số xóm bỏ hoang hầu hết diện tích.

Ông Vũ Hồng Sơn – Xóm trưởng xóm Phú Vinh, xã Đô Thành cho biết: Hiện tượng bỏ hoang ruộng trong vụ hè thu xảy ra khoảng 3 – 4 năm trở lại đây và ngày càng gia tăng. Nếu năm ngoái, vẫn có 30% diện tích đất lúa của xóm được đưa vào sản xuất vụ hè thu, thì năm nay, toàn bộ 45 ha đất lúa đều đã bị bỏ hoang.

“Năng suất lúa vụ hè thu chỉ đạt mức bình quân 2 tạ/sào, đó là chưa kể những năm mất mùa vì sâu bệnh, hạn hán và lụt bão. Trong khi đó, hầu như hộ nào cũng có người đi xuất khẩu lao động, thậm chí định cư luôn ở nước ngoài, ai ở nhà thì cũng làm thêm nghề phụ như làm mộc, buôn bán… nên thu nhập từ cây lúa không còn cần thiết nữa. Hiện khoảng 30% số hộ trong xóm hoàn toàn không làm lúa nữa mà cho thuê hoặc cho mượn đất trong thời gian dài”.

Tìm hiểu được biết, vụ hè thu năm nay, “vựa lúa” Yên Thành có tới gần 700 ha đất lúa không được đưa vào sản xuất. Ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho hay, trong đó có rất nhiều diện tích thuận lợi sản xuất, nhưng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều vì thu nhập từ cây lúa không cao bằng những ngành nghề khác, trong khi nhu cầu lương thực đã được đáp ứng đầy đủ.

Gia đình ông Lê Văn Toản, xóm 10, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên có 9 sào ruộng, nhưng từ năm 2014 đến nay, 4 sào ruộng ở vùng Đồng Lời thường xuyên bị bỏ hoang vào vụ hè thu vì nắng hạn. “Gia đình tôi chỉ cần làm 5 sào ruộng là đủ ăn và chăn nuôi, mỗi năm một sào lúa nếu được mùa chỉ thu về 1 triệu đồng là nhiều, nên dù không hạn cũng chẳng muốn làm.

Cánh Đồng Lời của xóm 10 xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên thành nơi chăn thả trâu bò.
Cánh Đồng Lời của xóm 10 xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên thành nơi chăn thả trâu bò.

Không chỉ đất lúa, mà cả đất màu cũng bị bỏ hoang. Vụ hè thu năm nay, xã Nghi Long (Nghi Lộc) có khoảng 30 ha sản xuất rau màu bị bỏ hoang và 10 ha đất lúa không canh tác; xã Nghi Trung có 70 ha cả đất lúa và đất màu bị bỏ hoang…  Nguyên nhân là do thiếu nước sản xuất, thiếu lao động, vụ hè thu bấp bênh, thu nhập thấp. Ở nhiều vùng khác, đất màu lại bị bỏ hoang vì nguyên nhân khác…

Trên đây là dẫn chứng cho tình trạng đang ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tình trạng nông dân bỏ ruộng xảy ra ở hầu như tất cả các xóm trên địa bàn xã, thậm chí trên những cánh đồng màu mỡ cũng vắng bóng người chăm sóc, cỏ cao quá đầu người mọc lan tràn trong ruộng lúa.

Ông Nguyễn Văn Phượng – Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết: “Nam Trung có 504 ha đất lúa, theo kế hoạch, vụ hè thu 2019 toàn xã sản xuất 170 ha lúa, thế nhưng chỉ khép kín được 162 ha. Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân tích cực sản xuất, không bỏ ruộng hoang như trợ giá giống, phân bón, hỗ trợ tiền công làm đất; đầu tư kênh mương, giao thông nội đồng… nhưng nông dân vẫn ngày càng không “mặn mà” với đồng ruộng”.

Bà Trịnh Thị Bích Thúy – cán bộ Nông nghiệp xã Hồng Long, huyện Nam Đàn chia sẻ: “Vụ hè thu 2019, toàn xã cơ bản khép kín diện tích lúa, nhưng đất màu chỉ đạt 293/347 ha. Ngoài lý do thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh hoành hành, thì sâu xa hơn là thiếu nhân lực. Không chỉ có thể đi xuất khẩu lao động, mà ngay tại địa bàn huyện, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp mọc lên nhiều, lao động đổ xô đi làm công nhân với mức thu nhập ổn định, cao gấp nhiều lần so với làm nông”. Ruộng đồng không còn là sinh kế duy nhất khi người nông dân có nhiều sự lựa chọn hơn.

Gia đình ông Hoàng Thế Tơng (xóm 5, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn) có 5 sào ruộng ở vùng đất Tư Phần, nơi cũng được coi là “bờ xôi, ruộng mật”, song vụ hè thu này, ông vẫn bàn giao lại cho xóm để xóm cho người khác mượn đất sản xuất.

Ông Tơng cho biết: “Nhà thiếu lao động, ít người, chỉ cần làm một vụ xuân đã đủ lương thực nên tôi để người khác làm vụ hè thu nhằm hoàn thành chỉ tiêu khép kín diện tích hè thu của xóm”.

Cũng vì mục tiêu “khép kín diện tích” nên nhiều năm nay, gia đình Xóm trưởng xóm 5 Lê Thành Vinh nhận thêm đất của các hộ khác để sản xuất hè thu “vì trách nhiệm”.

Để vận động bà con khép kín diện tích hè thu, HTX Diễn Liên (Diễn Châu) đã triển khai hỗ trợ bẫy diệt chuột.
Để vận động bà con khép kín diện tích hè thu, HTX Diễn Liên (Diễn Châu) đã triển khai hỗ trợ bẫy diệt chuột.

Ông Lê Thành Vinh nói: “Nông dân chẳng lẽ bỏ ruộng, mình lại là xóm trưởng nên vì mục tiêu chung của tập thể nên phải làm. Chứ làm 1,5 mẫu ruộng phải thuê mướn, đầu tư không ít. Một sào lúa, tổng tất cả chi phí giống má, thuê máy móc… đến khi thu hoạch xong là khoảng 1,5 triệu đồng. Nếu được mùa còn hòa vốn, nhưng sản xuất vụ hè thu bấp bênh, vụ nào cũng có thể mất mùa. Trong khi đó, một công nhân làm tại các doanh nghiệp may mặc, lương tháng bình quân đạt 3,5 triệu đồng đã mua được hơn 5 tạ lúa”.

Đó cũng là lý do khi mà cả xóm có 142 hộ thì trung bình mỗi hộ có 1 người đi xuất khẩu lao động, còn những lao động khác thì hoặc đi học, hoặc đi làm nghề khác, hầu hết ở các gia đình chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ.

Hàng năm, nhất là vào vụ hè thu, Nghệ An có hàng nghìn ha đất lúa không được  đưa vào gieo cấy, cũng không chuyển sang các loại cây trồng khác mà bị bỏ hoang. Điều đáng ngại, bên cạnh những vùng không thể hoặc khó sản xuất do điều kiện tự nhiên như là đất cao cưỡng, khô hạn hay ở những vùng đất thấp, cuối kênh, thiếu nước đầu vụ và dễ bị ngập lụt vào cuối vụ…, thì ngày càng có nhiều vùng sản xuất rất thuận lợi nhưng nông dân vẫn không sản xuất.

Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT và Xí nghiệp thủy lợi huyện kiểm tra tình hình hạn hán ở xã Hưng Thắng.
Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT và Xí nghiệp thủy lợi huyện kiểm tra tình hình hạn hán ở xã Hưng Thắng.

Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu chia sẻ: Nếu vài năm trước, chỉ một số vùng như Diễn Hồng, Diễn Tháp nông dân bỏ ruộng vì lao động đi Lào nhiều, thu nhập rất cao thì năm nay, hiện tượng này đã lan cả sang những xã thuần nông, sản xuất lúa truyền thống như Diễn Thái, Diễn Đồng… với diện tích lên đến hàng trăm ha.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV: Ruộng đồng bỏ hoang không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất mà nếu kéo dài còn để đất hoang hóa, mất an ninh lương thực; kéo theo những hộ khác trong vùng bắt buộc phải bỏ ruộng theo vì không thể sản xuất đơn lẻ; nông dân đổ xô ra thành phố tìm kiếm việc làm gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế, giải pháp hợp lý để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới.