Bài 1: “Vênh” cung cầu và sự hoài nghi chất lượng nước sạch

Vào năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Đảm bảo cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020”. Dù có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay, kết quả đạt được hẵng còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của nhân dân. Không chỉ vậy, đã nảy sinh những vấn đề mới…

Tính đến năm 2016, trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới có 18/21 đô thị có hệ thống cung cấp nước sạch với tổng công suất thiết kế 112.500 m3/ngày đêm, do 6 đơn vị cấp nước quản lý và vận hành. Riêng 3 đô thị còn lại là thị trấn Nghĩa Đàn, thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) và thị xã Hoàng Mai, người dân đô thị ở đó chưa được sử dụng nước từ các hệ thống sản xuất nước sạch tập trung. Tại thành phố Vinh, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch khoảng 85,2%, còn tại các đô thị khác, tỷ lệ bình quân mới đạt khoảng 60% (cao nhất là 95,5%, thấp nhất là 30%).

Mặt bằng tổng  thể mạng lưới đường ống cấp nước 1,2 tại thành phố Vinh.
Mặt bằng tổng thể mạng lưới đường ống cấp nước 1,2 tại thành phố Vinh.

Đối với khu vực nông thôn, tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là 75% và chỉ có khoảng 40% được sử dụng nguồn nước đạt tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định. Trước thực trạng này, để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch cho cả khu vực đô thị và vùng nông thôn, ngày 07/9/2016 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4331/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đảm bảo cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020”.  Mục tiêu của đề án xác định, đến năm 2020, 90% dân số đô thị loại IV trở lên và 80% dân số đô thị loại V được dùng nước sạch. Đối với thành phố Vinh, đến năm 2020, thực hiện hoàn thành việc cải tạo mạng cấp I, II và hòa mạng cấp III; phân vùng tách mạng toàn bộ hệ thống mạng đường ống cấp nước; hoàn thành Đề án “Đầu tư mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho vùng mở rộng của thành phố Vinh gồm các xã: Nghi Đức, Nghi Ân, Nghi Liên, Hưng Chính và 4 khối xóm mới sáp nhập vào phường Vinh Tân”; cải tạo cụm lắng lọc theo công nghệ mới để nâng công suất từ 40.000m3/ngày đêm lên 80.000m3/ngày đêm tại Nhà máy nước Hưng Vĩnh…

Trong bối cảnh ngân sách đầu tư công gặp nhiều khó khăn, bằng nhiều nỗ lực, trong đó có giải pháp huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi nhà đầu tư…, tính đến tháng 4/2019, toàn tỉnh đã có 20/21 đô thị có nhà máy cấp nước sạch tập trung, tăng 2 nhà máy so với thời điểm năm 2016 (hiện còn huyện Nghĩa Đàn chưa có nhà máy nước). Tổng công suất cấp nước của các đô thị đạt 123.500m3/ngày đêm, tăng 11.000m3/ngày đêm. Tổng số người dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt 441.144 người, tăng 49.293 người. Tỷ lệ người dân đô thị loại IV được sử dụng nước sạch đạt 65,2%, tăng 9,2%; đối với các đô thị loại V đạt 82,4%, tăng 8,8%…

Trạm bơm nước thô phục vụ Nhà máy nước cầu Bạch nằm sát với đường ống cấp nước của Công ty TNHH MTV cấp nước sông Lam.
Trạm bơm nước thô phục vụ Nhà máy nước cầu Bạch nằm sát với đường ống cấp nước của Công ty TNHH MTV cấp nước sông Lam.

Địa bàn trọng điểm sử dụng nước sạch là thành phố Vinh, riêng trong năm 2018 đã cải tạo 30km mạng đường ống cấp III, đầu tư hoàn chỉnh đường ống cấp nước cho 1.000 hộ dân xã Hưng Chính, 200 hộ dân xã Nghi Liên; đã lắp đặt mạng lưới đường ống tại các xã: Nghi Ân, Nghi Đức. Tổng số người dân thành phố được dùng nước sạch là 291.555/313.500 người, đạt tỷ lệ 93% (tăng 7,8% so với thời điểm phê duyệt Đề án). Tại các khu vực khác như, thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) và các xã thuộc Hệ thống cấp nước vùng phụ cận thành phố Vinh cũng đã hoàn thành việc xây dựng mạng lưới cấp I,II,III; đã phát triển 10.500 hộ khách hàng tại các xã Nam Giang (Nam Đàn), Nghi Liên (TP.Vinh), Hưng Tây (Hưng Nguyên), Nghi Vạn, Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Xá,… (Nghi Lộc).

Sau 3 năm triển khai Đề án, thực tế cũng cho thấy, để đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân là một thách thức lớn. Đặc biệt là tại các khu vực hành chính – kinh tế – chính trị trọng điểm của tỉnh và những vùng dân cư bị tác động bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Minh chứng khách quan nhất là ngay tại thành phố Vinh vẫn còn khoảng 22.000 người dân chưa được sử dụng nước sạch. Có không ít khu vực dân cư của thành phố, người dân “kêu cứu” hàng chục năm nay nhưng vẫn không được đáp ứng. Hay như ở TX.Hoàng Mai, mới chỉ có 12,6% người dân được sử dụng nước sạch; TX.Thái Hòa có tổng dân số gần 65.000 người nhưng mới chỉ gần 30.000 người được dùng nước đủ tiêu chuẩn; TX.Cửa Lò mới chỉ có 31,3% người dân đô thị biển được tiếp cận nguồn nước của nhà máy; ở huyện Nghĩa Đàn, dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước với công suất 30.000m3/ngày đêm vẫn còn “nằm yên” trên giấy…

Hệ thống xử lý nước sạch của Nhà máy nước Cầu Bạch (Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An).
Hệ thống xử lý nước sạch của Nhà máy nước Cầu Bạch (Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An).

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đến nay có 5 doanh nghiệp và 1 ban quản lý sản xuất, cung ứng nước sinh hoạt; 1 doanh nghiệp cung ứng nước thô. Trong đó, đơn vị “ông lớn” là Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An đang quản lý vận hành 13/18 nhà máy nước trên địa bàn thành phố Vinh và các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Và vấn đề mới nảy sinh liên quan đến “ông lớn” này là việc một số công dân sống trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận thuộc huyện Hưng Nguyên có những băn khoăn về chất lượng nước do Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An cung ứng.

Đơn cử là trường hợp ông N.T.Đ ở P. Cửa Nam, TP. Vinh có đơn kiến nghị đến Báo Nghệ An dịp trung tuần tháng 5/2019. Ông N.T.Đ thông tin, trong khi UBND tỉnh chỉ đạo phải sử dụng nguồn nước thô lấy trực tiếp từ sông Lam để sản xuất nước sinh hoạt thì Nhà máy nước Hưng Vĩnh (thuộc Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An) có dấu hiệu đang sử dụng nguồn nước sông Đào không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An còn áp đặt người sử dụng nước phải thực hiện lại các thủ tục đăng ký hết sức nhiêu khê, phiền hà… “Người dân đã phải chi trả giá cao, tính theo phương pháp lũy tiến từ 8.500 – 15.000 đồng/m3 để sử dụng nước sinh hoạt do Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An cung ứng. Tại sao doanh nghiệp này lại dám chống lại chỉ đạo của tỉnh, sản xuất nước sinh hoạt từ nguồn nước thô không đảm bảo để cung ứng cho dân…” – ông N.T.Đ viết tại đơn kiến nghị.

Công nhân làm việc tại Nhà máy nước Cầu Bạch (Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An).
Công nhân làm việc tại Nhà máy nước Cầu Bạch (Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An).

Không chỉ có đơn kiến nghị, đường dây nóng Báo Nghệ An cũng nhận được ý kiến băn khoăn về chất lượng nước sinh hoạt của một số người dân trên địa bàn vùng phụ cận TP. Vinh, thuộc các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Những người dân này đề nghị Báo Nghệ An cần xác minh làm rõ và sớm thông tin chính thống để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết để đảm bảo chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân.

Thực tế cho thấy, kiến nghị của người dân thành phố Vinh và các vùng phụ cận về chất lượng nước sinh hoạt là “chuyện cũ”, từng xảy ra trong những năm trước đây. Cụ thể ở các năm 2014 – 2015, người dân TP. Vinh và các vùng phụ cận đã rất bức xúc bởi tình trạng sông Đào, nơi có đặt các trạm bơm cầu Bạch, cầu Mượu dẫn nước thô về các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt của Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dẫn đến tình trạng này là bởi suốt tuyến sông Đào, từ Ba-ra Nam Đàn về đến thành phố Vinh, chạy qua rất nhiều khu dân cư, trang trại chăn nuôi, vùng sản xuất rau màu, ruộng lúa… Trong khi đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ở các khu vực này quá hạn chế, họ đã “hồn nhiên” có các hoạt động  gây ô nhiễm. Từ vệ sinh cá nhân, giặt giũ, xả rác thải sinh hoạt, rác thải chăn nuôi, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… xuống sông Đào.

Người dân tắm giặt trên sông Đào, dưới chân cầu Mượu - cách Trạm bơm cấp 1 cầu Mượu thuộc Nhà máy nước Hưng Vĩnh khoảng 50m.
Người dân tắm giặt trên sông Đào, dưới chân cầu Mượu - cách Trạm bơm cấp 1 cầu Mượu thuộc Nhà máy nước Hưng Vĩnh khoảng 50m.

Từ thực tế này, khi báo chí lên tiếng cảnh báo, các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền đã vào cuộc. Nhờ đó việc bảo vệ, chống gây ô nhiễm nguồn nước sông Đào đã được quan tâm. Đồng thời, nhằm đảm bảo nguồn nước thô đủ chất lượng phục vụ sản xuất nước sạch phục vụ người dân khu vực thành phố Vinh và phụ cận, tỉnh đã kêu gọi nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Cấp nước sông Lam xây dựng trạm bơm và hệ thống đường ống dẫn nguồn nước thô trực tiếp từ sông Lam cung ứng Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An.

Thực tế cho thấy phản ánh của người dân về việc Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An tổ chức cho các trạm bơm cầu Bạch, cầu Mượu hút dẫn nước về các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt là có thật. Cụ thể điều này được phóng viên Báo Nghệ An chứng thực trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2019. Các hoạt động bơm dẫn nước thô tại các trạm bơm cầu Bạch và cầu Mượu đều tổ chức về đêm khuya, kéo dài đến rạng sáng hôm sau…

Nhà máy Cấp nước cầu Bạch và Trạm bơm cấp 1 cầu Mượu (ảnh cuối) vẫn sáng đèn trong đêm.
Nhà máy Cấp nước cầu Bạch và Trạm bơm cấp 1 cầu Mượu (ảnh cuối) vẫn sáng đèn trong đêm.
Phiếu kết quả thử nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh xác nhận chất lượng nước đầu ra tại Nhà máy nước cầu Bạch tháng 1 và tháng 5/2019
Phiếu kết quả thử nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh xác nhận chất lượng nước đầu ra tại Nhà máy nước cầu Bạch tháng 1 và tháng 5/2019

Nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế – Đó là thông tin được phát ra từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nước sau khi đã xử lý tại các nhà máy của Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An phục vụ các tổ chức, hộ dân trên địa bàn TP. Vinh và các vùng phụ cận. Kết quả xét nghiệm được công bố theo định kỳ hàng tháng. Theo đó, kết quả xét nghiệm từ tháng 1 đến tháng 5/2019, chất lượng nước sinh hoạt do các nhà máy của Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An đều đảm bảo theo chỉ số QC/01/2009/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế. Riêng tháng 6/2019, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức lấy mẫu, hiện đang trong thời gian thực hiện phân tích, xét nghiệm…