Bài 1: Tầm chiến lược của một đề án

Theo Đề án “Phát triển cây, con chủ yếu gắn với việc quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, thì 19 loại cây, con chủ lực được lựa chọn để đầu tư phát triển, là nhằm mục tiêu quy hoạch bố trí, sử dụng đất sản xuất hợp lý, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến, từng bước đầu tư nâng năng suất cây trồng, tăng sản lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Nghệ An. Đây được coi là đề án chiến lược trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và các chính sách phát triển liên quan, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Nghệ An đã đạt nhiều thành tựu khá toàn diện như: Tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định; đảm bảo an ninh lương thực; tạo việc làm và thu nhập cho dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như chè, mía, cao su, thủy sản, rừng trồng nguyên liệu…; phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Bà con trồng mía huyện Tân Kỳ tham quan thu hoạch mía 
bằng máy. Ảnh: Quang An
Bà con trồng mía huyện Tân Kỳ tham quan thu hoạch mía bằng máy. Ảnh: Quang An

Đề án “Phát triển cây, con chủ yếu gắn với việc quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020” (từ đây gọi tắt là “Đề án năm 2014” hoặc “Đề án” – PV) nhằm góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ra đời nhằm xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có tính đột phá và khả năng cạnh tranh, góp phần thực hiện thành công Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo Quyết định số 339/QĐ-TTg và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg.

Bên cạnh xác định bộ cây, con chủ lực, Đề án năm 2014 đồng thời phân vùng, bố trí các loại cây con chủ lực; định hướng phát triển chế biến nông lâm sản chủ yếu. Theo đó, đi kèm là các giải pháp được ban hành nhằm thực hiện mục tiêu đề án đặt ra.

Cụ thể là giải pháp về cơ chế quản lý đất đai gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp; giải pháp về khoa học, công nghệ (thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao tại Nghĩa Đàn; ứng dụng KHKT, các tiến bộ về giống, về công nghệ chế biến vào sản xuất nông nghiệp); đổi mới hình thức sản xuất, hình thành các liên kết, liên doanh trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác khuyến nông và phát triển dịch vụ nông nghiệp; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, vườn ươm…); quan tâm đội ngũ nhân lực lĩnh vực nông nghiệp; có các chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến thương mại; giải pháp về vốn, về các dự án ưu tiên.

Ứng dụng KHKT, các tiến bộ về giống, về công nghệ chế biến vào sản xuất nông nghiệp được đề án chú trọng. Ảnh: P.V
Ứng dụng KHKT, các tiến bộ về giống, về công nghệ chế biến vào sản xuất nông nghiệp được đề án chú trọng. Ảnh: P.V

Sau 5 năm thực hiện Đề án năm 2014, mặc dù gặp không ít bất lợi, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, nòng cốt là ngành nông nghiệp, các mục tiêu đến 2020 cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề án đưa ra.

Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất của ngành giai đoạn 2014-2019 đạt 4,8%; dự kiến giai đoạn 2014-2020 đạt 4,6%/năm, trong khi  mục tiêu đề án (MTĐA) giai đoạn 2014-2020  là 4-4,5%/năm; cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, dự kiến đến cuối năm 2020 cơ cấu nông nghiệp là 75,97%, lâm nghiệp: 7,88%; thủy sản: 16,14%. Trong nông nghiệp thuần tỷ trọng trồng trọt giảm dần, tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ tăng khá: Trồng trọt 49,46%, chăn nuôi 46,38% và dịch vụ 4,16%; sản lượng lương thực cây có hạt năm 2019 đạt 1,162 triệu tấn, dự kiến đến năm 2020 đạt 1,245 triệu tấn/MTĐA 1,2 triệu tấn…

Nông dân huyện Anh Sơn ứng dụng các giống ngô cho năng suất cao. Ảnh: PV
Nông dân huyện Anh Sơn ứng dụng các giống ngô cho năng suất cao. Ảnh: PV

Trong 21 chỉ tiêu cây, con chủ yếu theo Đề án, dự kiến đến hết năm 2020 có 11 chỉ tiêu vượt, đạt (chiếm 52,4%). Cụ thể: Cây lúa năm 2020 diện tích gieo cấy 182.000 ha, sản lượng ước đạt 973.700 tấn/MTĐA 936.650 tấn, vượt 3,96%. Nguồn nước tưới đảm bảo, cơ cấu giống tiếp tục chuyển đổi tích cực.

Tập trung sản xuất lúa chất lượng, có giá trị cao, dễ tiêu thụ (trên 55.000 ha), làm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cây cam năm 2020 diện tích 6.000 ha, sản lượng đạt 61.420 tấn/MTĐA 34.000 tấn, vượt mục tiêu đề án; diện tích rừng nguyên liệu hàng năm trồng đạt từ 15.000 – 17.000 ha, ước năm 2020 diện tích rừng trồng nguyên liệu ước đạt 190.000 ha/MTĐA 187.727 ha (vượt mục tiêu Đề án). Nghệ An đã chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng bằng cây bản địa để tăng giá trị sản phẩm gỗ; chăn nuôi trâu bò, gia cầm vượt mục tiêu Đề án về tổng đàn và sản lượng thịt; đã chuyển nhanh sang chăn nuôi trang trại, gia trại…

Đặc biệt, việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu được quan tâm, chú trọng, qua đó nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Qua triển khai Đề án năm 2014, Nghệ An đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, đề án phát triển cây, con chủ yếu. Khuyến khích tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn.

Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 313/313 xã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa trên thực địa; Sau dồn điền đổi thửa, bình quân chỉ còn 1,5 – 1,7 thửa/hộ. Các huyện, thị, thành phố đã lập, triển khai quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Nông dân Nam Đàn cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hải Vương
Nông dân Nam Đàn cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hải Vương

Nghệ An đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào phát triển các cây con chủ lực của tỉnh. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn 22.808 ha, chiếm 7,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Tổng đàn bò được nuôi ứng dựng công nghệ cao trên 69.640 con; tổng đàn lợn được nuôi ứng dụng công nghệ cao là 158.405; chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao có 70 trang trại; tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật là 376.25 ha, trong đó có 293.8 ha nuôi theo quy trình VietGAP. Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã tạo bước chuyển quan trọng, là “cú hích” nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị trong sản xuất các cây, con chủ lực.

Các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, hình thành nhiều mô hình liên kết, liên doanh trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa; Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư xây dựng, nâng cấp, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và dân sinh.

Công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản được quan tâm thực hiện, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của Nghệ An ngày càng mở rộng, giá trị xuất khẩu hàng năm đều tăng lên; ước thực hiện tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản năm 2019 đạt trên 330/KH200 triệu USD. Các dự án ưu tiên được quan tâm triển khai, thu hút được một số doanh nghiệp lớn; được một số tổ chức phi chính phủ quan tâm xúc tiến hợp tác đầu tư.

Còn nữa