Bài 1: Đẩy lùi đạo

Tại huyện Kỳ Sơn – địa bàn có đường biên giới dài 203,4 km (trong đó có 111,4 km đường biên giới trên sông, suối) tiếp giáp với 4 huyện, 3 tỉnh của nước bạn Lào; có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và nhiều lối mở qua biên giới. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới; có 172/191 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Do đời sống khó khăn, những năm qua, nhiều người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã rời khỏi bản làng để đi làm ăn xa ở nhiều địa phương trong nước (chủ yếu các tỉnh phía Nam) và cả nước bạn như Lào, Thái Lan… Tuy nhiên, do trình độ nhận thức, sự hiểu biết về chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế, nên một số người bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục thuyết phục từ bỏ phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú… để theo “đạo lạ” và trở về truyền đạo trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự địa bàn, bức xúc trong nhân dân.

Quang cảnh huyện Kỳ Sơn. Ảnh: P.V
Quang cảnh huyện Kỳ Sơn. Ảnh: P.V

Xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) có 1.014 hộ, 4.802 nhân khẩu, với 5 hệ dân tộc anh em Thái, Khơ Mú, Mông, Thổ, Kinh sinh sống tại 13 bản, trong đó đồng bào Mông chiếm 97%. Do điểm xuất phát kinh tế – xã hội của xã thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tình hình an ninh thôn, bản còn nhiều tiềm ẩn khó lường. Nhất là thời gian gần đây, một số cá nhân bị một số tổ chức, cá nhân ngoài địa bàn lôi kéo, dụ dỗ đi theo đạo lạ (tiếng Mông gọi là theo Vàng Chứ). Từ năm 2020, toàn xã có đến 32 người truyền đạo trái phép và theo các đạo lạ, từ bỏ các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông… theo lời xúi giục của kẻ xấu.

Các cấp ngành ở huyện Kỳ Sơn đấu tranh với quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Ảnh tư liệu - chụp màn hình: Đào Thọ
Các cấp ngành ở huyện Kỳ Sơn đấu tranh với quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Ảnh tư liệu - chụp màn hình: Đào Thọ

Đơn cử trường hợp ở bản Huồi Mũ trước đây có hộ Vừ Bá S. đi làm công nhân ở miền Nam rồi theo đạo lạ, về gỡ cả bàn thờ tổ tiên, gây mất đoàn kết trong dòng họ (nay đã đi khỏi địa phương)… Tại bản Huồi Khả (xã Huồi Tụ) có trường hợp Lầu Y. P. theo đạo lạ. “Nhờ cán bộ, người uy tín kịp thời phân tích, tuyên truyền nên dân bản không có ai theo đạo lạ như Lầu Y. P. Bên cạnh công tác tuyên truyền, bản cũng quy định nếu ai theo đạo lạ thì khi bình xét các chính sách hỗ trợ của Nhà nước bản sẽ không xét cho”, Trưởng bản Huồi Khả – ông Dềnh Dua Thái cho hay.

Ông Vừ Giống Dìa (thứ 2 bên trái) - Bí thư Chi bộ Huồi Mũ, xã Huồi Tụ  đến các hộ dân tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Ảnh: N.S
Ông Vừ Giống Dìa (thứ 2 bên trái) - Bí thư Chi bộ Huồi Mũ, xã Huồi Tụ đến các hộ dân tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Ảnh: N.S

Theo Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ – ông Dềnh Bá Lồng, thì cấp ủy và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp làm cho các cá nhân và hộ gia đình tự nguyện cam đoan từ bỏ không tham gia sinh hoạt và truyền đạo trái pháp luật, trở lại theo phong tục tập quán, thờ cúng tổ tiên, cùng dân bản xây dựng cuộc sống mới. Với đặc thù vùng núi cao, trình độ dân trí còn hạn chế, internet chỉ có ở khu vực trung tâm, thì công tác tuyên truyền miệng vẫn là chủ đạo, nhất là đối với các vấn đề nóng, nhạy cảm. Bởi đây là hình thức tương tác, trao đổi trực tiếp giữa người nói với người nghe và có thể điều chỉnh linh hoạt tuỳ theo thái độ, nhận thức của người nghe, tạo tâm lý tin tưởng và xác thực thông tin cao hơn cho người dân. Đối với những người theo đạo lạ, cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng còn bám dân, bám bản, tranh thủ triển khai tuyên truyền vào các buổi tối, khi bà con đi nương rẫy lao động sản xuất trở về.

Một góc bản Mông Phà Bún, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Ảnh: Khánh Ly
Một góc bản Mông Phà Bún, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Ảnh: Khánh Ly

Được biết, hiện ở xã Huồi Tụ còn 10 đối tượng trong phạm vi theo dõi tập trung ở bản Huồi Mũ và bản Huồi Khả, lâu nay không có biểu hiện gì. Ngoài phân công lãnh đạo xã, trưởng các chi hội đoàn thể cấp xã như Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Mặt trận… tham gia sinh hoạt ở bản để nắm bắt tình hình, xã cũng đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ thôn, bản phát huy vai trò của người uy tín trong các dòng họ trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, bởi nói để người dân nghe là một chuyện, nhưng nói cho người dân tin và làm theo thì những người có “tiếng nói” trong cộng đồng người Mông đứng ra thuyết phục, vận động đạt hiệu quả cao.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) tuyên truyền người dân bản Huồi Mũ không theo đạo lạ. Ảnh: H.T
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) tuyên truyền người dân bản Huồi Mũ không theo đạo lạ. Ảnh: H.T

Trao đổi về các giải pháp phòng, chống đạo lạ xâm nhập địa bàn, ông Lỳ Bá Thái – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn, cho hay: Thời gian qua, trên địa bàn huyện xảy ra một số vụ việc liên quan đến truyền đạo trái pháp luật, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo toàn hệ thống chính trị phối hợp với các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng, hướng dẫn cán bộ thôn, bản để họ tranh thủ tiếng nói của người có uy tín, người đứng đầu trong các dòng họ tuyên truyền trong sinh hoạt cộng đồng; kết hợp công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền cá biệt với tuyên truyền trên mạng xã hội nhằm bảo vệ phong tục tập quán và nền văn hoá của dân tộc mình.

Trưởng bản Phà Bún, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn Hờ Tồng Lầu luôn bám nắm tình hình thôn, bản để kịp thời trao đổi với cấp ủy, chính quyền. Ảnh: P.V
Trưởng bản Phà Bún, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn Hờ Tồng Lầu luôn bám nắm tình hình thôn, bản để kịp thời trao đổi với cấp ủy, chính quyền. Ảnh: P.V

Theo đó, vừa tuyên truyền, vận động đối tượng, vừa tuyên truyền cho bà con dân bản về âm mưu của các thế lực thù địch. Đồng thời, xây dựng các mô hình “giúp dân no đủ, tự chủ bản làng”, triển khai các chương trình an sinh xã hội như 1.800 nhà ở do Bộ Công an và tỉnh hỗ trợ, để người dân thấy được các chủ trương, chính sách, sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Bản Phà Lõm – xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) là địa bàn có 100% đồng bào Mông với 2 dòng họ Xồng và Lầu cùng sinh sống. Vài năm trở lại đây, xuất hiện một số đối tượng lén lút truyền đạo Tin lành trái pháp luật làm xáo trộn đời sống của nhân dân.

Một góc bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: Gia Huy
Một góc bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: Gia Huy

Để ngăn chặn kịp thời, Đảng ủy, chính quyền xã Tam Hợp đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Bộ đội Biên phòng, thường xuyên nắm địa bàn. Chủ nhật hàng tuần cán bộ xã đều có mặt tại bản để vận động nhân dân không tham gia sinh hoạt đạo trái pháp luật. Xã thường xuyên mở các cuộc tuyên truyền lồng ghép với các cuộc họp ở thôn, bản để nâng cao ý thức cảnh giác cho bà con, không để mắc mưu kẻ xấu làm mất an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, vận động người dân tập trung sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình; kết hợp Chi ủy, Ban quản lý thôn, bản, già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ đấu tranh, phản đối quyết liệt việc truyền đạo trái pháp luật, vận động các hộ đã theo đạo Tin lành từ bỏ các hoạt động truyền đạo trái pháp luật tại địa bàn.

Cán bộ bản Phá Lõm trao đổi với tổ công tác xã Tam Hợp (Tương Dương) về tình hình thôn, bản. Ảnh: Gia Huy
Cán bộ bản Phá Lõm trao đổi với tổ công tác xã Tam Hợp (Tương Dương) về tình hình thôn, bản. Ảnh: Gia Huy

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền xã Tam Hợp cũng thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng trên địa bàn và lực lượng Công an xã thành lập, duy trì nghiêm túc tổ công tác tại bản Phá Lõm để theo dõi, giám sát không để tập trung sinh hoạt đạo Tin lành trái phép. Phối hợp dòng họ Lầu tuyên truyền, vận động được hộ Lầu Sồng L. từ bỏ đạo lập lại bàn thờ tổ tiên, đúng với truyền thống của dân tộc. Phối hợp tuyên truyền, vận động hộ Xồng Đà X. di dời lán trại ra khỏi khu vực dốc cây Đào (thuộc phạm vi rừng phòng hộ). Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ bản Phá Lõm xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ xã Tam Hợp và bản Phá Lõm trao đổi với người dân. Ảnh: G.H
Cán bộ xã Tam Hợp và bản Phá Lõm trao đổi với người dân. Ảnh: G.H

“Hiện tại, bản Phá Lõm đã đạt 11/13 tiêu chí bản Nông thôn mới và đang phấn đấu về đích trong năm 2024”, ông Già Bá Trừ – cán bộ Biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp cho hay. Sự đoàn kết, đồng lòng, chung tay giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị vũ trang cũng như người dân đã tạo động lực cho bản Phá Lõm nói riêng, các bản, làng ở xã Tam Hợp nói chung vươn lên từng bước thoát khỏi đói nghèo, đảm bảo an ninh, trật tự và giữ yên vùng biên.

Đường vào xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Ảnh: Gia Huy
Đường vào xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Ảnh: Gia Huy

Tại xã vùng biên Tri Lễ (huyện Quế Phong), nơi có đường biên giới dài 18,530 km, có 16 thôn, bản trong đó có 5 bản đồng bào dân tộc Mông sống sát biên giới. Khi phát hiện có 3 hộ sinh hoạt đạo Tin lành trái phép ở bản Mông Mường Lống (gồm các hộ Lỳ Y. S, Thò Gi. D, Và G.T); dù địa bàn cách trung tâm xã hơn 30km với con đường độc đạo bám quanh sườn núi hiểm trở, trơn trượt, quanh co nhưng cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với lực lượng chức năng đóng chân trên địa bàn thành lập tổ công tác tăng cường bám dân, bám bản tuyên truyền các hộ dân theo đạo Tin Lành chấp hành nghiêm hương ước của thôn, bản và các quy định của địa phương. Đồng thời giám sát, ngăn chặn hoạt động sinh hoạt đạo trái phép…

Lực lượng chức năng trao đổi với gia đình Trưởng bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên
Lực lượng chức năng trao đổi với gia đình Trưởng bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên

Một lãnh đạo xã Tri Lễ cho hay: “Mới đây, có trường hợp Và B.D. (bản Mường Lống) là con riêng của Lỳ Y. S. đi làm ăn xa trở về, nghe lời mẹ theo đạo lạ, bỏ bàn thờ tổ tiên, nhờ bám nắm địa bàn, nắm bắt tình hình kịp thời, chính quyền, các đoàn thể và lực lượng chức năng đã thành lập tổ công tác bám bản tuyên truyền Và B.D. quay lại với phong tục truyền thống người Mông, còn hỗ trợ 3 con gà để Và B.D tổ chức lễ cúng, lập lại bàn thờ tổ tiên vào ngày 1 tháng 3 vừa qua…”.

Những giải pháp đồng bộ, kịp thời của cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi đạo lạ, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần cho bản làng nơi vùng biên được bình yên, chung sức xây dựng cuộc sống mới…

Một góc bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên
Một góc bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên