Người Việt Nam thường chỉ thi lấy bằng lái xe khi sắp mua xe ô tô. Trong nhiều trường hợp, người ta còn mua xe trước, lấy bằng sau. Có người “lì lợm” chạy xe hẳn mấy năm rồi mới thi bằng lái xe. Tất nhiên số này không chiếm đa số – ơn trời. Chứ không thì chắc giao thông Việt Nam còn tệ hại hơn, mặc dù tôi cũng không tưởng tượng nổi nó còn có thể tệ hơn đến mức nào…
Vấn đề là ở chỗ, xe ô tô với người Việt Nam không chỉ đơn thuần là một phương tiện đi lại. Nó là gương mặt thương hiệu đại diện cho sự thành đạt và phú quý. Nó là bức tường chia tách, phân biệt chủ nhân của nó với những người không cùng đẳng cấp. Khi đó, người ta không đánh giá ô tô dựa trên các tiêu chí thông thường như giá thành, thiết kế, công năng sử dụng nữa mà chỉ cần nhìn logo hãng xe là đánh giá được chiếc xe đó. Thậm chí, đánh giá luôn cả chủ nhân của nó: đi Audi, BMW là công tử thiếu gia, sang hơn và chững chạc hơn thì đi Mercedes, Porsche, còn đi Lexus thì chắc chắn là doanh nhân thành đạt… Đến nỗi giới trẻ có hẳn một câu “thành ngữ” thời đại mới “Nhìn xe là biết đẹp trai/xinh gái rồi”.
Hình như bởi vậy mà văn hoá lái xe ô tô của người Việt cũng rất kỳ cục. Ví dụ như bật đèn pha chạy trong thành phố (đặc biệt là mấy anh chạy SUV, xe đã cao lại còn bật pha thì đúng là thảm hoạ!), đỗ xe/quay đầu xe trong ngõ/đường hẹp (bảo sao chả tắc đường?), không giảm tốc độ khi chạy qua vũng nước lúc trời mưa (đội ơn các anh vì đã giúp người dân tiết kiệm tiền nước tắm), rửa kính xe khi đang chạy giữa phố đông người (rất có ích với những người chạy xe máy hay buồn ngủ). Nhưng trong số những lối cư xử thiếu văn hoá của người lái xe ô tô thì không gì đáng ghê tởm hơn là cái trò hạ kính xe vứt rác ra đường. Có lần tôi và bạn đi sau một chiếc ô tô (cũng Camry hẳn hoi), đang tận hưởng mùa thu Hà Nội thì ăn ngay một cái vỏ chuối vào mặt. Nhưng thế cũng còn may chán, chứ nếu mà bọn tôi đang đi sau một cái xe khách trên đường quốc lộ thì dễ mà ăn hẳn vài cái túi nôn chứ chẳng chơi.
Vì sao văn hoá lái xe của người Việt kém thế? Tôi nghĩ một phần là do chúng ta không xem ô tô như một phương tiện phục vụ nhu cầu hết sức đời thường là đi lại. Với tâm lý đó, chúng ta không xem mình như một người tham gia giao thông bình thường và cũng không có sự tôn trọng cần có với những người tham gia giao thông khác. Nhưng sự thật là, ô tô có thể khiến bạn trông có vẻ đẳng cấp hơn, nhưng không hề mang lại cho bạn quyền lợi gì khác so với những người đi xe máy, xe đạp hay thậm chí là đi bộ.
Tôi hy vọng đến một lúc nào đó, người Việt sẽ ngừng gán cho ô tô những công năng mà nhà sản xuất không hề nghĩ tới như là khoe mẽ, trưng trổ, làm màu… Người ta sẽ mua một chiếc xe khi họ thấy cần thiết, trong khoảng giá thành phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế của mình (thay vì cố gồng lên mua một chiếc xe đắt tiền cho bằng bạn bằng bè) và lái xe một cách có văn hoá – tức là tôn trọng những người tham gia giao thông khác. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể bắt đầu từ việc xem lái xe ô tô như một kỹ năng sống. Người ta có thể đi học lấy bằng lái xe khi đủ tuổi – kể cả khi chưa có xe hay ý định mua xe ô tô trong thời gian gần. Cũng giống như việc bạn nên học bơi dù không biết bao giờ sẽ đi biển, chỉ đơn giản là trang bị cho mình một kỹ năng cần thiết thôi.