Nguyễn Văn Phúc – học sinh lớp 6D là 2 trong hơn 40 học sinh của Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương) tham gia chương trình Tiếng Anh tăng cường do nhà trường phối hợp với một trung tâm Anh ngữ tại Hà Nội tổ chức giảng dạy. Đây cũng là lần đầu tiên Phúc và những học sinh của trường được học và được tương tác với một giáo viên người nước ngoài, thầy giáo Lohan Puren – người Nam Phi. Điều khác biệt, lớp học của Phúc vẫn tổ chức tại trường, trong phòng học quen thuộc mà các em vẫn học hàng ngày. Trong khi đó, thầy giáo của các em ở nửa bên kia trái đất…
Cách trở là thế, nhưng những giờ học online vẫn tổ chức hiệu quả, hào hứng. Sau mỗi một câu hỏi, một câu trả lời đúng, thầy giáo Lohan Puren lại động viên học sinh bằng những hình ảnh ngộ nghĩnh khiến các em thích thú, vui vẻ. Được học với thầy nước ngoài cũng là một ước mơ mà Phúc chưa từng nghĩ tới, nhất là khi hoàn cảnh của em khó khăn, bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo. Nhưng với lớp học trực tuyến này, mức học phí của Phúc cùng các bạn chỉ bằng một nửa và những học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn phí.
Đây không phải là năm học đầu tiên Trường THCS Lý Nhật Quang tổ chức chương trình Tiếng Anh tăng cường. Tuy nhiên, những năm trước việc tổ chức dạy học là do một trung tâm trên địa bàn giảng dạy và có những hạn chế. Trong đó, khó nhất là được học với thầy nước ngoài bởi trường cách thành phố Vinh gần 70 km, giá thuê giáo viên nước ngoài đến dạy và đi lại quá cao.
Với mô hình lớp học không biên giới, học sinh có nhiều cơ hội được học với những giáo viên nước ngoài, giáo viên người bản ngữ lại tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Để chuẩn bị cho lớp học này, đơn vị phối hợp đã hỗ trợ nhà trường phòng học trực tuyến, có máy tính bảng tương tác cho từng học sinh, có phần mềm để cung cấp tài liệu, hệ thống bài tập và chấm điểm để đánh giá kết quả học tập và giúp học sinh nâng cao năng lực tự học. Trong giờ học, giáo viên nhà trường sẽ trực tiếp đứng lớp để hỗ trợ kết nối và quan sát, đánh giá kết quả của học sinh.
Qua một học kỳ triển khai, cô giáo Trần Thị Kim Anh – giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Lý Nhật Quang cho biết: Đây là một mô hình rất mới và tôi thấy được nhiều ưu điểm ở khóa học này. Đó là học sinh được tiếp cận với giáo viên có năng lực, có kinh nghiệm, có phương pháp dạy học tốt. Qua đó, các em tự tin giao tiếp, luyện các kỹ năng phát âm, nghe, nói và bước đầu khắc phục được những hạn chế trong học Tiếng Anh của học sinh vùng nông thôn. Cá nhân giáo viên chúng tôi cũng học được nhiều kinh nghiệm từ giáo viên nước ngoài về nội dung, về phương pháp dạy học cũng như cách tương tác với học sinh sao cho hiệu quả, sinh động.
Nhằm nâng cao năng lực Tiếng Anh cho học sinh, từ năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chương trình tăng cường Tiếng Anh theo hình thức “lớp học ảo”, dạy trực tuyến với đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy là giáo viên người bản ngữ và giáo viên tiếng Anh giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy IELTS từ nước ngoài. Các lớp học “xuyên biên giới” như thế này cũng là giải pháp tối ưu với các trường học vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn khi dạy học ngoại ngữ.
Tại Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén, ngôi trường đầu tiên triển khai mô hình này tại huyện Kỳ Sơn, ngay trong học kỳ đầu tiên triển khai đã có 197 học sinh đăng ký lớp học Tiếng Anh từ lớp 1 tới lớp 5 với cam kết đầu ra theo các chứng chỉ quốc tế. Là giáo viên được trực tiếp tham gia lớp học này, cô giáo Lê Thị Cẩm Ly nói rằng, đây là một cơ hội để cô và trò tại một trường ở vùng sâu, vùng xa khó khăn được trải nghiệm một lớp học hiện đại và chuyên nghiệp. “Trước khi tham gia trợ giảng cho lớp học này, cá nhân tôi khá lo lắng. Nhưng sau khi được hỗ trợ, tập huấn và được trực tiếp tham gia các lớp học do giáo viên nước ngoài đứng lớp tôi đã học được rất nhiều từ phương pháp, cách tổ chức bài giảng, cách tương tác với học trò, cách phát âm. Học sinh tuy chỉ mới được tiếp xúc với người nước ngoài nhưng các em đều rất hào hứng, thích thú và tôi cho rằng, qua những buổi học này các em không chỉ rèn luyện được đầy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc viết mà còn tạo cho các em sự tự tin.
Nằm ở thị trấn, nhưng Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn là một ngôi trường khó với phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, số học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo khá nhiều. Từ xuất phát điểm này, 2 năm trước, khi ngành Giáo dục chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến nhà trường đứng trước rất nhiều khó khăn từ đội ngũ, phương pháp và cả phương tiện dạy học. Chưa kể, hình thức này gặp khá nhiều “rào cản” từ phụ huynh, học sinh và cơ sở hạ tầng. Từ khởi điểm là số “không” và sau đó trở thành ngôi trường tiểu học duy nhất trong huyện dạy học bằng hình thức trực tuyến nhà trường phải tuyên truyền, vận động đến từng phụ huynh. Cùng với đó, giáo viên nhà trường cũng đã phải tự đổi mới để thích ứng với hình thức dạy học mới.
Chia sẻ về điều này, thầy giáo Phạm Ngọc Sửu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén nói thêm: “Dạy học trực tuyến, khó nhất đó là sự tương tác giữa cô và trò. Ban đầu khi mới triển khai, giáo viên nhà trường cũng rất lúng túng, bởi việc thiết kế bài giảng điện tử, việc giao lưu qua mạng là điều khó khăn. Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 với gần 400 học sinh bị nhiễm, nếu không thay đổi thì học sinh sẽ không được đến lớp, việc dạy và học sẽ bị ngừng trệ… Sau hơn 1 năm làm quen với dạy học trực tuyến, hiện nay, việc ứng dụng thông tin ở nhà trường đã trở nên quen thuộc. Nhà trường xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý nhân sự, quản lý học sinh, sử dụng học bạ điện tử để đánh giá, theo dõi học sinh. Tất cả các bài giảng của giáo viên này đều là bài giảng điện tử được đẩy lên vnEdu và trang quản trị nhà trường và việc kiểm tra được thực hiện hoàn toàn trên máy.
Tại Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương), sau thành công của những lớp học xuyên biên giới, nhà trường trở thành đơn vị tiên phong đi đầu trong toàn huyện xây dựng mô hình lớp học đảo ngược. Theo đó, nếu như trước đây, phải lên lớp học sinh mới được học các bài học mới, thì nay giáo viên sẽ là người soạn giáo án điện tử và đẩy lên hệ thống quản lý trực tuyến của nhà trường. Trước mỗi buổi học, học sinh sẽ tự lên mạng, tải bài giảng xuống và xem trước các bài học. Phương pháp này giúp học sinh phát huy được năng lực tự học, làm chủ kiến thức và giúp cho việc tiếp thu các bài học trở nên hiệu quả. Qua quá trình triển khai, cô giáo Lê Hồng Kiên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau hai mùa học trực tuyến, giáo viên và học sinh đã làm quen với việc học tập qua mạng và thay vì khó khăn, chúng tôi xem đây là cơ hội để học sinh được tiếp cận đa dạng các hình thức học tập. Giáo viên vì lẽ đó cũng phải thay đổi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy và học.
Dù không phải là vùng thuận lợi, nhưng Nghệ An là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả với số lượng học sinh tham gia rất đông, trong đó, có nhiều trường ở các xã thuộc vùng sâu, vùng xa. Dịch Covid -19 cũng trở thành một “thước đo” để đánh giá công tác chuyển đổi số ở các nhà trường và làm thay đổi nhận thức của đông đảo đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, khi hiện nay, các bậc học đã triển khai việc dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới thì việc dạy học ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số đã trở thành việc thường xuyên ở các nhà trường, thông qua việc thiết kế bài giảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, thiết kế các phần mềm để học sinh học tập hiệu quả và nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường. Cũng từ hoạt động này, các giáo viên được phát huy năng lực, sự sáng tạo trong tổ chức dạy và học và xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tích cực. Rõ nhất là trong 2 cuộc thi gần đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đó là cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử và cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số, giáo viên Nghệ An đều đạt giải, trong đó, có giải Nhất và không ít giáo viên đến từ các trường huyện, các trường thuộc vùng khó khăn.
Cô giáo Trần Thị Mai Hoa – Giáo viên Lịch sử, Trường Dân tộc nội trú tỉnh, 1 trong 2 giáo viên đạt giải Nhì cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cấp quốc gia với “Công trình xây dựng phát triển văn hóa dân tộc từ thế kỷ X – thế kỷ XV” cũng nói rằng: “Những ngày tiếp cận với công nghệ số giúp chúng tôi khám phá mình ở một năng lực khác và từ một giáo viên mù mờ về công nghệ thông tin, chúng tôi đã tự nghiên cứu các phần mềm để làm video, thiết kế đồ họa, xây dựng bài giảng E-Learning và xây dựng kho học liệu số”.
Để có được bài giảng đầy đủ nhất về tư liệu, sống động nhất về hình ảnh, đồng thời chuyển tải dễ hiểu và hấp dẫn nhất, cô Hoa và nhóm tác giả đã dày công “chưng cất” tài liệu một cách trình tự dễ hiểu, dễ nhớ, bao gồm các mốc thời gian và các sự kiện cũng như những đặc điểm văn hóa của các tộc người trong giai đoạn từ thế kỷ X – XV. Các hình ảnh được hiện lên sống động, gắn với sự kiện bằng các kiểu hiện thị khác nhau, lúc thì hình ảnh động, lúc thì bằng những clip, lúc bằng các câu hỏi đóng mở, khiến người học phải theo dõi một cách tập trung nhất để nhớ được nhiều nhất, lâu nhất. Học ở nhà hoặc học trên lớp bằng bài giảng điện tử sẽ rất cuốn hút và đạt được mức thụ hưởng cao nhất, do đó, học sinh khi đã tiếp cận với E-Learning thì rất yêu thích và thụ hưởng nó rất nhanh. Cũng theo cô Hoa, bài giảng điện tử ở môn Lịch sử sẽ giúp các em học sinh “biết sử ta” và nhân lên tình yêu với sử ta.