Nếu bước vào không gian làng bất kỳ trên đất nước ta, dễ bắt gặp những ngôi nhà chỉ có người già và trẻ em, hầu hết người trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa. Cuộc sống như chiếc đòn gánh không có người ở giữa xốc vác, chỉ còn hai điểm đầu – cuối già – trẻ chênh vênh, sống khá vất vả – dù sự vất vả có thể không liên quan đến tiền bạc – với những vai trò quá sức: ông bà tuổi 70, 80 “đóng vai” cha mẹ dạy dỗ, bảo ban, định hướng; cháu chắt mới lên 8, lên 10 “đóng vai” con cái chăm lo, dìu đỡ, phụng dưỡng.
Ở Nghệ An không hiếm những ngôi làng như thế, những ngôi nhà như thế. Khi được hỏi, những người già nói rằng họ đang có nhiều nỗi lo. Với những hộ nghèo, con cái đi làm ăn xa gửi cháu ở quê với ông bà, nỗi lo đầu tiên là túng thiếu. Nuôi một (vài) đứa trẻ thời buổi này đâu phải dễ, chuyện ăn học tốn kém không kể hết. Còn nỗi lo chung, đó là ông bà loay hoay không biết nuôi dạy cháu như thế nào cho phải, khi quan điểm giáo dục ngày xưa đến nay đã lỗi thời. Nhưng nỗi lo xa hơn, nhiều người già đang dần đối diện với thực tế cuộc sống cô đơn, khi ngay cả những đứa cháu cũng lớn dần lên, và như điều tất yếu, chúng chọn cuộc sống ly hương.
Những người già cô đơn trong chính ngôi nhà của mình có vẻ như đang ngày một nhiều lên. Thông tin từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Bên cạnh đó, cấu trúc gia đình Việt Nam đang thay đổi rõ rệt, nếu năm 1993 có tới 80% người cao tuổi sống với con cái thì năm 2010, tỷ lệ này chỉ còn 69,5% và càng ngày, tỷ lệ này càng giảm. Dù là một quốc gia đề cao truyền thống gia đình, nhất là mô hình gia đình đa thế hệ với triết lý sống yêu thương, tôn trọng, nương tựa; song ngày càng có những người trẻ Việt coi việc tách khỏi cha mẹ, ra ở riêng sau khi dựng vợ gả chồng, hoặc thậm chí sớm hơn – chỉ sau 18 tuổi là chuyện bình thường. Sự phát triển của xã hội cũng thúc đẩy thay đổi quan niệm “ăn quẩn cối xay”, mà xu hướng lập thân, lập nghiệp ở các thành phố lớn ngày càng được nhiều người lựa chọn.
Con cháu đều có cuộc sống riêng, người già lẻ loi dường như đã trở thành điều không thể khác. Ngày qua ngày với họ chắc có lẽ cũng chẳng có gì khác biệt, nếu có, thì là đợi chờ dăm ba ngày Tết, khi con cháu điện thoại báo sẽ sắp xếp về quê. Ngày thường, nếu ở quê còn giữ được mảnh vườn nhỏ thì người già còn túc tắc vun trồng cho đỡ buồn tay; còn nếu làng cũng đã “đô thị hoá”, thì hoạt động trong ngày chỉ còn là ngồi trên hiên nhà nhìn ra phía cổng, hoặc nhìn lên mấy chiếc camera được con cháu lắp khắp trong buồng ngoài sân để “theo dõi” tình hình!
Tuổi già kéo theo nhiều bệnh tật, nhưng có lẽ cô đơn là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất mà người cao tuổi phải đối diện trên toàn cầu. Mới rồi, báo chí đăng tin có những cụ già ở Nhật cố tình… ăn trộm để được vào tù sống cho đỡ buồn. Còn ở Anh, năm 2018, thậm chí còn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ cô đơn – chuyên giải quyết các vấn đề liên quan tới tình trạng sống cô độc của hơn 1/10 cư dân nước này. Một số quốc gia phát triển duy trì các đường dây nóng để người cao tuổi gọi đến tâm sự, vì có những người thậm chí đã 1-2 tháng không có cơ hội nói chuyện với ai khác.
Ngày 11/7 là ngày Dân số thế giới. Nhân ngày này, Liên hợp quốc đưa ra dự báo dân số thế giới dự kiến sẽ đạt 8 tỷ người vào ngày 15/11. Giữa niềm hân hoan đón chào những sinh linh mới, mong chúng ta chững lại đôi chút để nghĩ về những người già – vì nói cho cùng, tuổi già không trừ một ai. Nghĩ về người già, là nghĩ về ông, bà, cha, mẹ mình; nghĩ về chính mình, trong một viễn cảnh thậm chí còn cô độc hơn hiện tại, nếu không có những giải pháp trách nhiệm, tình cảm cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô.
Bài: Phước Anh
Ảnh minh họa: Tư liệu