Trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tiếp xảy ra 4 cuộc đình công với quy mô hàng nghìn người, điển hình là cuộc đình công kéo dài hàng tuần tại Công ty TNHH VietGlory với sự tham gia của 5.400 lao động. Sau khi vụ đình công này đã được giải quyết thì trong cùng một ngày, tại Công ty TNHH Em-Tech Vinh và Công ty CP Nam Thuận Nghệ An (Diễn Châu) đều diễn ra đình công. Vài ngày sau, công nhân tại Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam (Nam Cấm) cũng đồng loạt nghỉ việc.
Qua tìm hiểu, có thể thấy, sự so sánh về mức thu nhập, giá cả thị trường giữa các vùng, miền cộng với những khó khăn, bất cập do tình hình dịch bệnh đã vô tình đẩy mâu thuẫn lao động tăng cao, dẫn đến những vụ đình công như thời gian qua. Điểm chung trong tất cả các danh sách kiến nghị của người lao động ở các doanh nghiệp này là: Tăng lương cơ bản, điều chỉnh chế độ phụ cấp. Trong khi đó, điểm chung trong tất cả các văn bản trả lời của doanh nghiệp là: Mức lương cơ bản hiện nay đã bằng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật, nên không thể tăng thêm.
Ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: “Đúng là doanh nghiệp đã chi trả đúng quy định của pháp luật, nhưng mức lương này thấp hơn rất nhiều so với mức lương chi trả ở các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, cùng ngành nghề, thậm chí cùng hệ thống tại các tỉnh, thành khác. Người lao động cần có thu nhập đủ để trang trải cuộc sống, tích lũy cho gia đình, nên đương nhiên họ sẽ chọn những nơi có mức lương cao hơn, dù phải đi xa hơn”.
Cùng quan điểm, bà Trần Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch, UBND tỉnh cần có giải pháp để khuyến cáo doanh nghiệp điều chỉnh tăng lương cơ bản cho lao động. “Thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại Nghệ An, đặc biệt là tại các doanh nghiệp FDI, thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác, trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng, sinh hoạt phí của Nghệ An lại ở mức cao nên khó có thể thu hút nhân lực và cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Chúng tôi được biết, các doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự liên hệ, thỏa thuận, thống nhất với nhau về mức lương từ trước, dẫn đến tình trạng đã thấp là thấp chung, rất khó thay đổi”.
Theo báo cáo của Khu KTT Đông Nam, hiện có 132 doanh nghiệp trực thuộc KKT Đông Nam Nghệ An với tổng số lao động là 34.000 người. 70% doanh nghiệp trả lương theo lương tối thiểu vùng, 30% doanh nghiệp trả cao hơn lương tối thiểu vùng từ 100.000 – 600.000 đồng/tháng, ngoài ra, các doanh nghiệp trả thêm các loại phụ cấp chuyên cần, thâm niên, phụ cấp xăng xe, nhà ở… Tổng thu nhập bình quân gồm lương và các phụ cấp chưa tính làm thêm từ 4.400.000 – 5.000.000 đồng. Tổng thu nhập bình quân bao gồm cả làm thêm từ 5.000.000 – 7.500.000 đồng. Mức thu nhập này được cho là thấp và đương nhiên công nhân có sự so sánh với các tỉnh khác, dù họ đã lựa chọn được làm việc tại địa phương.
Ngoài yếu tố thu nhập thì một lý do khác khiến người lao động chưa mặn mà với môi trường làm việc ở các KCN trên địa bàn tỉnh là tính văn hóa và sự chuyên nghiệp trong ứng xử của các chủ sử dụng lao động. Về điều này, bà Nguyễn Thị Thu Nhi – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Hài hòa lợi ích là rất cần thiết, nhưng vấn đề về văn hóa ứng xử hoặc thái độ chuyên nghiệp của các quản đốc phân xưởng sẽ giải quyết được những manh nha xung đột bước đầu. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở cần có sự nắm bắt kịp thời những thắc mắc hoặc yêu cầu chính đáng của người lao động và dựa trên sự hài hòa về lợi ích của doanh nghiệp có đủ lý lẽ và kiến thức để thương lượng với chủ doanh nghiệp những kiến nghị chính đáng của người lao động. Đồng thời tuyên truyền, vận động người lao động hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay tại các doanh nghiệp, theo đại diện các sở, ngành liên quan, trước hết doanh nghiệp phải chủ động các biện pháp thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Hồng Vũ cho hay: “Hiện trên địa bàn tỉnh có tới 35% công nhân là đối tượng F0, F1 phải cách ly theo yêu cầu của y tế. Vì thế, các doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng cơ chế và môi trường làm việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch để F1 có thể được đi làm. Làm sao để linh hoạt thích ứng an toàn trong thời điểm hiện nay là tốt nhất, bởi chưa thể khẳng định được bao giờ thì dịch Covid-19 chấm dứt”.
Còn để giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa các doanh nghiệp, lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH cho rằng: “Trước hết chúng ta phải hiểu rằng, quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp là quan hệ cơ chế thị trường. “Nghĩa là tôi mong muốn tuyển dụng anh với mức lương như thế, còn việc lựa chọn là của anh. Phía người lao động, họ sẽ xem xét thu nhập – môi trường làm việc và chấp nhận mức lương thỏa thuận. Khó khăn nhất là cung – cầu gặp nhau, và kết nối được lợi ích của hai bên. Để doanh nghiệp vừa có lợi nhuận và công tác thu hút đầu tư của địa phương thành công, Nhà nước đã ban hành chính sách về lương tối thiểu vùng, với mục đích là cân đối được lợi ích của cả hai bên. Doanh nghiệp sẽ đầu tư ở các tỉnh có lượng nhân công lớn với chi phí nhân công phù hợp thì họ sẽ cân đối được chi phí trong chuỗi cung ứng. Ở các tỉnh chưa có các cảng biển sầm uất, chưa có sự thuận lợi về giao thông thì việc giảm giá nhân công thông qua mức lương tối thiểu vùng sẽ khiến nhà đầu tư mong muốn được đứng chân trên những địa bàn này. Ngược lại, nếu với mức lương tối thiểu vùng đã được cân đối dựa trên mức giá thì người lao động cũng có thể có tích trữ mà vẫn không phải ly hương. Nhưng vấn đề đặt ra là tại thời điểm này đa số công nhân đi làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự yên tâm với môi trường làm việc của mình, cơ bản vẫn là do thu nhập chưa đảm bảo”.
Tại cuộc họp vào cuối tháng 2 để bàn giải pháp tháo gỡ việc thiếu lao động, đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Để doanh nghiệp và người lao động cần có được tiếng nói chung, các điạ phương và Ban Quản lý KKT Đông Nam cần khảo sát về cơ sở vật chất, nơi lưu trú, mức lương của công nhân để có phương án phù hợp thu hút lao động vào làm việc tại khu công nghiệp.
“Khu công nghiệp VSIP Nghệ An và Khu Kinh tế Đông Nam cần phối hợp khảo sát, có điều tiết mặt bằng chung về thu nhập cho người lao động tại các khu công nghiệp. Đồng thời, khảo sát hướng tuyến, có thể mở mới các tuyến buýt đi qua Khu công nghiệp VSIP, tạo thuận lợi cho công nhân các địa phương đi lại đến nơi làm việc. Đối với việc hỗ trợ huy động công nhân quay lại nơi làm việc, các sở, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Tương tự với F1 chưa tiêm đủ liều vắc-xin, Bộ Y tế đề xuất cho phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.