Nghệ An – Đường lớn đã mở

Qua thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026, với 98,93% cử tri đã tham gia cuộc bầu cử, tỷ lệ trúng cử đạt cao, kèm theo đó là chất lượng đại biểu trúng cử được nâng lên, đơn thư khiếu kiện ít, đã phản ánh sinh động về lòng dân, tin, ủng hộ, tín nhiệm, phấn khởi và kỳ vọng về sự đổi thay, phát triển của quê hương Nghệ An.

Trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xâm nhập, lan rộng, toàn tỉnh đã dồn sức, dồn lực để khống chế, vượt qua, nhanh chóng chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ; tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để toàn tỉnh khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, nuôi dưỡng các nguồn lực phục vụ cuộc chiến chống dịch Covid-19 lâu dài.

Nghệ An đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để toàn tỉnh khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu: PV-CTV
Nghệ An đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để toàn tỉnh khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu: PV-CTV

Các dư địa được tận dụng và khơi thông mang lại những điểm sáng tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh ngành thương mại – dịch vụ bị suy giảm mạnh, nông nghiệp đã phát huy được vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng 5,59%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; công nghiệp – xây dựng tăng khá, xấp xỉ đạt 14% (riêng công nghiệp tăng 18,79%), góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 6,2%, đứng thứ 3 khu vực và thứ 22 trong cả nước. Thu ngân sách đạt 19.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu lần đầu tiên đạt mốc 3,36 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu chứng kiến năm bứt phá “ngoạn mục” với tổng kim ngạch đạt trên 2,4 tỷ USD, hoàn thành trước 4 năm mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Thu hút đầu tư chuyển biến rõ nét, trong năm 2021, tỉnh đã cấp mới cho 118 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 31.060 tỷ đồng, tăng 38,82% về số lượng dự án và gấp 3,69 lần số vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.

Thị xã Hoàng Mai, thị trấn Con Cuông, xã Diễn Hoa (Diễn Châu), thị trấn Đô Lương nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu: Hồ Long - Lê Thắng - Sách Nguyễn - Nguyễn Quang Dũng
Thị xã Hoàng Mai, thị trấn Con Cuông, xã Diễn Hoa (Diễn Châu), thị trấn Đô Lương nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu: Hồ Long - Lê Thắng - Sách Nguyễn - Nguyễn Quang Dũng

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 300/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72,99%; có 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. Các hoạt động văn hóa, xã hội được điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với tình hình dịch bệnh; an sinh xã hội được quan tâm, chú trọng; công tác đón công dân, người lao động ngoại tỉnh trở về quê bảo đảm an toàn. Bối cảnh khó khăn nhưng trật tự, an toàn xã hội được giữ yên, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Nhìn lại chặng đường trong năm vừa qua và đối sánh với những kết quả đạt được, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn về ý Đảng, lòng Dân đã chung một hướng, chung một khát vọng, tạo thành sức mạnh trong ý chí và hành động cùng nhau vượt qua thử thách; về tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình của người dân Nghệ An trong khó khăn lại càng tỏa sáng và được thống nhất dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quy tụ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp. Điều đó khẳng định bài học lớn về sự quyết tâm, quyết liệt hành động trong toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị đã tạo ra sự chuyển động rõ nét từ tỉnh đến cơ sở; bài học về sự tập trung để xử lý công việc, tích cực đeo bám để hoàn thành nhiệm vụ.

Những thành tựu trên còn là kết quả của một quá trình dài nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh nỗ lực, phấn đấu tạo dựng nên, cùng với sự giúp đỡ quý báu, quan trọng của Trung ương, đồng bào, đồng chí trong cả nước dành cho quê hương Bác Hồ kính yêu!

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi cùng ông Trần Ngọc Cảnh, là đồng bào giáo dân làm Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 6, xã Tân Sơn (Đô Lương) từ năm 2002 đến nay. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi cùng ông Trần Ngọc Cảnh, là đồng bào giáo dân làm Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 6, xã Tân Sơn (Đô Lương) từ năm 2002 đến nay. Ảnh: Thành Duy

Bước vào năm 2022, dự báo diễn biến, tác động của đại dịch Covid -19 vẫn còn phức tạp, đang là biến số bất định, mang đến những khó khăn, thách thức chưa lường hết được, nhưng theo nhiều chuyên gia, dịch bệnh cũng đem đến những góc nhìn mới, rõ nét hơn về cơ hội phát triển, nhìn rộng ra có 3 xu hướng không đảo ngược và đang tiến triển là: Phục hồi, phát triển kinh tế; Sống chung với đại dịch Covid -19; Chuyển đổi số đang ngày càng rõ nét. Đại dịch Covid -19 cũng đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi địa phương phải có khả năng thích nghi cao và thay đổi một cách nhanh chóng hơn nữa, nếu không muốn bị tụt hậu. Tất nhiên, Nghệ An không  là ngoại lệ.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Nghị quyết số 36 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An có hiệu lực, tạo thêm nguồn lực rất quan trọng để thực hiện Nghị quyết 26 ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị. Đồng thời, những thành quả đã dày công tạo dựng được trong năm vừa qua là nền tảng hết sức quan trọng cho chặng đường tăng tốc ở phía trước. Có thể nói, Nghệ An đang ở vào thời điểm mà yếu tố “thiên thời”, “địa lợi”, “nhân hòa” đã hội tụ, đặc biệt khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới, đoàn kết, thống nhất trong cả hệ thống chính trị và nhân dân đang được phát huy, lan tỏa mạnh mẽ. Vấn đề còn lại là bước đi, chọn trọng tâm, trọng điểm, đột phá nào để tận dụng tốt nhất, hiệu quả nhất các cơ hội, điều kiện đang có được để tiến vượt. Thực tế thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đặt quyết tâm rất mạnh mẽ, thể hiện tinh thần nói đi đôi với làm trong việc giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ những rào cản quá trình phát triển như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai, quy hoạch, trật tự đô thị;…

Ngày 13/11, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quang Khánh
Ngày 13/11, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quang Khánh

Trên nhiều diễn đàn, trong đó, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vừa qua, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đặt ra là “phải tạo được những chuyển động thực chất hơn về cải cách hành chính, trong đó, giải pháp có tính đột phá là thực hiện nhanh chóng, quyết liệt, toàn diện về chuyển đổi số hoạt động bộ máy hành chính và công vụ của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Nếu không thực hiện được điều này thì năng lực cạnh tranh của tỉnh trong khu vực, cả nước về thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực sẽ bị tụt hậu…”.

Cũng với tinh thần chỉ đạo rất thẳng thắn, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải đẩy mạnh rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là ở các khâu, bộ phận liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất để kịp thời phát hiện những vi phạm liên quan đến cải cách hành chính, nhất là đạo đức công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng tình, ủng hộ cao quan điểm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 14/12/2021, về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2030, với nhiều giải pháp trọng tâm. UBND tỉnh cũng đã quyết định chọn chủ đề cải cách hành chính Nhà nước năm 2022 là “chuyển đổi số”. Tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thống nhất cao trước đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh là sẽ xem xét, xử lý công tác cán bộ đối với người đứng đầu các sở, ngành nếu để xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh ngay trong năm 2022.

Ở một khía cạnh khác, với quan điểm phát triển nhanh nhưng phải bền vững, hài hòa, không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá, tỉnh đã đưa công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản để chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII; đã thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong năm 2022; Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhiều lần nhắc tới quan điểm của tỉnh là hạn chế tối đa việc điều chỉnh các quy hoạch nếu thực sự không cần thiết, nhất là các quy hoạch dễ dẫn đến nảy sinh các vấn đề bất cập, lợi ích nhóm, gây bức xúc trong nhân dân như: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai, khoáng sản, đô thị… Tập trung thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án “treo”, tránh để lãng phí đất đai kéo dài, xử lý nghiêm các tiêu cực, thao túng trong hoạt động đấu giá đất. Chỉ ưu tiên khai thác các loại khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh như đất san lấp, cát, sỏi, đá xây dựng, hạn chế bổ sung quy hoạch, cấp phép các loại khoáng sản có giá trị lớn như quặng kim loại, đá trắng và các loại khoáng sản khác, để dành tài nguyên cho các thế hệ mai sau, để giữ cho được mạch nguồn của vùng “địa linh nhân kiệt”… Qua đây càng thấy rõ, tin tưởng vào quyết tâm hành động của tỉnh để tạo sự chuyển biến rõ nét hơn ở các lĩnh vực khó, nhạy cảm, được nhân dân hết sức quan tâm.

Cùng với đó, tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp hiệu quả tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật và ưu tiên nguồn lực thỏa đáng để phát huy tối đa năng lực sản xuất của tất cả các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là ưu tiên đầu tư tháo gỡ nút thắt hạ tầng về cảng biển và sân bay; tập trung hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Nghệ An tập trung hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 bảo đảm chất lượng và tiến độ. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn - Thành Cường - Lê Thắng
Nghệ An tập trung hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 bảo đảm chất lượng và tiến độ. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn - Thành Cường - Lê Thắng

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh; đặc biệt là thực hiện hiệu quả Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định 37 ngày 1/11/2021 về những điều đảng viên không được làm. Chủ động chuẩn bị tốt để tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó, đặc biệt chú trọng việc tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới với các chính sách đặc thù cho tỉnh.

Ưu tiên các nguồn lực để phát triển khu vực nông thôn, miền núi thông qua các chương trình, đề án; đặc biệt thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; quan tâm chăm lo văn hóa – xã hội, nhất là giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, việc làm, chính sách người có công; chính sách hỗ trợ đối với người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, bảo đảm môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội.

Một mùa Xuân mới đang về trên quê hương, đất nước, Nghệ An đang hòa chung khí thế, khát vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân quyết tâm xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc. Với tầm nhìn, mục tiêu, đích đến đã được xác lập, cùng với phát huy cao độ những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt nói chung, của đất và người xứ Nghệ nói riêng, nhất là tinh thần đoàn kết, nỗ lực, vượt khó; cộng hưởng với các cơ chế, chính sách của Trung ương dành cho tỉnh, cũng như nền tảng đã tạo dựng được, sẽ tạo động lực thôi thúc toàn tỉnh tiếp tục hành động quyết liệt, tích cực đổi mới, sáng tạo, tận dụng hiệu quả thời cơ, vượt qua thách thức, tạo lập nên những dấu ấn mới trong năm Nhâm Dần 2022.