Dẫu có nhiều nỗ lực nhưng hiện Kỳ Sơn vẫn là một huyện nghèo. Đây cũng là thách thức đòi hỏi cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện rẻo cao phải chuyển biến từ nhận thức, đến hành động, xóa bỏ tâm lý “trông chờ ỷ lại”, từng bước tạo đột phá trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM...
Là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 53%, lộ trình phấn đấu về đích giai đoạn 2021-2025 của xã Na Loi gặp nhiều cái khó bởi thực tế “Ăn chưa no thì lo chưa tới”. Theo lãnh đạo xã Na Loi thì “đời sống kinh tế giữa các hộ đã thoát nghèo với hộ nghèo không hơn được bao nhiêu. Do đó công tác bình xét hỗ trợ các hạng mục cho các hộ dân ở bản còn nhiều bất cập”.
Hàng năm, xã xác định nhiệm vụ trọng tâm để xóa đói giảm nghèo là: Chỉ đạo thực hiện tốt các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, tập trung vào cây lúa nước, giống lúa địa phương (tẻ thơm), ngô lai, khoanh nuôi trâu bò. Nhiều gia đình đã mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất, từng bước hình thành ý thức phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên do nguồn lực trong, ngoài đều hạn hẹp, cộng thêm tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh gia súc, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 nên đời sống gặp khó khăn, việc huy động sức dân với vai trò chủ thể trong xây dựng NTM không đáng kể. Tính đến tháng 9/2021, xã Na Loi đạt 10/19 tiêu chí, trong đó có 5 bản đạt 9 tiêu chí. Bên cạnh đó việc xã chưa có điện lưới quốc gia (mới chỉ có 1/5 bản có điện lưới), còn trên 60% nhà tạm bợ cũng là một trở ngại lớn trong hành trình giảm nghèo, xây dựng NTM.
Còn bản Nọong Dẻ, xã Nậm Cắn (với 132 hộ, hơn 700 khẩu) dẫu được chọn để xây dựng bản NTM năm 2021, tuy nhiên khi được hỏi “liệu bản có về đích được không?” trưởng bản Lương Văn Mun trả lời thành thật “không biết nữa, vì dân còn nghèo lắm, nhiều hộ không đủ ăn lấy gì đóng góp xây dựng NTM?”. Trưởng bản Nọong Dẻ cũng cho hay: diện tích nương rẫy ít, người dân chủ yếu chăn nuôi nhưng điều kiện dịch bệnh tổng đàn cũng giảm, năm ngoái cả bản có 400 con trâu thì nay chỉ còn khoảng 160 con. Hiện tại, bản còn 15 hộ nhà tạm bợ và đang vướng tiêu chí về môi trường, do điều kiện địa hình, bà con không có khu chăn nuôi, gia súc đang thả rông.
Ngay cả xã đã về đích như Hữu Kiệm thì theo Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Lượng “việc giữ được tính bền vững của NTM không phải là vấn đề đơn giản. Nhất là tiêu chí hộ nghèo, hiện xã có 142 hộ vừa thoát khỏi hộ nghèo lên cận nghèo nhưng ranh giới mong manh lắm, nguy cơ quay lại hộ nghèo cao. Đấy là chưa kể khi về đích NTM, Hữu Kiệm không còn thuộc xã ở Khu vực 1 theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, một số chính sách hỗ trợ bị cắt như chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân; chế độ chính sách dành cho cán bộ, công chức, viên chức vùng đặc biệt khó khăn… khiến một số cán bộ, người dân nảy sinh tâm tư”. Điều này cũng cho thấy, một bộ phận nhân dân vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó kinh tế hộ gia đình vốn là thành phần kinh tế chủ yếu, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xóa đói, giảm nghèo của huyện. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, trong khoảng 16.300 số hộ nông dân nông thôn (chiếm khoảng 96% số hộ dân toàn huyện) chỉ có khoảng 12,8% hộ tham gia hoặc bước đầu có tham gia hoạt động kinh tế thị trường; còn lại khoảng hơn 87,2% chủ yếu vẫn mang tính tự cung, tự cấp, chỉ tham gia các hoạt động mua bán các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình.
Con số này còn cách rất xa mục tiêu Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa 14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (trong Nghị quyết có chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 80% số hộ nông dân dân tộc thiểu số làm kinh tế nông – lâm nghiệp hàng hóa). Không những vậy, thu nhập kinh tế hộ, các trang trại, gia trại còn rất hạn chế. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, hộ có thu nhập bình quân 36.000.000 đồng/người/năm (tức bằng với đạt chuẩn NTM) có khoảng hơn 1.600 hộ (=9,8% tổng số hộ nông dân nông thôn toàn huyện); hộ có thu nhập từ 45.000.000 đồng trở lên/người/năm, đạt khoảng 860 hộ (=5,3% tổng số hộ nông dân nông thôn).
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM ở Kỳ Sơn thì nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quyết tâm trong xây dựng NTM, một số tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia chất lượng chưa cao, một số tiêu chí đạt thiếu tính bền vững. Việc chỉ đạo xây dựng bản đạt chuẩn NTM còn nhiều khó khăn. Hiện tại mới chỉ có 3 bản thuộc xã Hữu Kiệm và 2 bản thuộc xã Tà Cạ đạt chuẩn NTM. Trong năm 2021 huyện đặt quyết tâm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đối với các bản Trung tâm (xã Mường Lống); Bản Na (xã Hữu Lập), Bản Nọong Dẻ (xã Nậm Cắn), bản Sơn Thành, bản Hòm (xã Tà Cạ). Tuy nhiên, một số tiêu chí khó đạt cần nhiều nguồn lực như nhà ở dân cư, giao thông, thu nhập, hộ nghèo, môi trường… trong khi tiềm lực tài chính trong dân hạn chế, huyện cũng không có kinh phí hỗ trợ, ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Với đặc thù là huyện miền núi, biên giới phía Tây của tỉnh có diện tích tự nhiên là 209,484ha; tiếp giáp với 4 huyện, thuộc 3 tỉnh của nước Cộng hòa DCND Lào, đường biên giới dài 203,409km. Toàn huyện có tổng dân số 79,430 người với 5 đồng bào dân tộc cùng sinh sống (dân tộc Khơ Mú chiếm 36,19%; Mông chiếm 32,68%; Thái chiếm 25,63%; Kinh và Hoa chiếm 5,6%). Bên cạnh các yếu tố khách quan như điểm xuất phát thấp, địa hình, khí hậu, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh xảy ra bất thường… Vấn đề cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, điện lưới quốc gia chưa được đầu tư đồng bộ, chưa quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh có quy mô trong sản xuất nông nghiệp cộng thêm hoạt động sản xuất của người dân nặng về tự cung, tự cấp, không tập trung chuyên sâu vào một sản phẩm; trình độ khoa học, kỹ thuật của lao động còn thấp; năng lực tổ chức sản xuất, tư duy kinh tế thị trường, công tác truyền thông giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế… ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới của huyện.
Theo ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn: Huyện đã triển khai nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, tháo gỡ khó khăn tại các xã, thôn, bản, ngay từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, phương án hỗ trợ sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, các chính sách về an sinh xã hội… Tuy nhiên, các địa phương cũng cần chủ động có những cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế theo phương châm, “dễ làm trước, khó làm sau”, “có nhiều thôn, bản đạt chuẩn NTM sẽ có xã đạt chuẩn NTM”.
Trong quá trình triển khai, từng thành viên Ban Chỉ đạo xã, thôn, bản, từng tổ chức, đoàn thể phụ trách từng tiêu chí; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, nhằm đổi mới mạnh mẽ nhận thức của người dân về quyết tâm phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước đẩy lùi tâm lý trông chờ, ỷ lại, giúp người dân hiểu rõ mình là chủ thể trong xây dựng và hưởng thụ thành quả NTM.
Huyện cũng tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thực hiện giao đất sản xuất, giao rừng đến hộ gia đình. Tăng cường công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm, thương hiệu, nhãn hiệu, truyền thông quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm nông – lâm nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, kết hợp một số chính sách đặc thù nhằm khuyến khích hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp. Trước tiên là đối với các sản phẩm thế mạnh của địa phương như gừng Kỳ Sơn, mận tam hoa, cành hoa đào; bò vàng, dê địa phương, gà đen, lợn đen Kỳ Sơn và các sản phẩm làng nghề… nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo lợi nhuận đối với người dân tham gia sản xuất.
Cấp ủy, Chính quyền quan tâm chỉ đạo phát triển các sản phẩm mới trong lĩnh vực kinh tế nông – lâm nghiệp, đặc biệt là các loại dược liệu quý dưới tán rừng nhằm phát huy lợi thế về rừng tự nhiên, địa hình núi cao, khí hậu mát quanh năm của Kỳ Sơn. Bên cạnh đó huyện cũng đang kêu gọi đầu tư phát triển tuyến du lịch cộng đồng – sinh thái ở Mường Lống, phát triển nông nghiệp Công nghệ cao ở Na Ngoi… nhằm hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông – lâm nghiệp của huyện.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hữu Minh việc tạo sinh kế cho đồng bào trở về từ vùng dịch cũng là vấn đề nan giải, đến nay đã có khoảng 6.300 người hồi hương, chủ yếu là lao động trở về từ các tỉnh phía Nam. Huyện đã chỉ đạo các địa phương khảo sát nhu cầu việc làm của lao động hồi hương để có phương án hỗ trợ. Trước mắt kêu gọi tài trợ giống cây, con… thực hiện đề án tạo sinh kế cho những hộ nghèo trở về từ vùng dịch phát triển sản xuất. Trước mắt, chọn 2 xã làm thí điểm là Huồi Tụ và Mường Lống.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự chuyển động trong tư duy, hành động của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị bởi “cán bộ nào thì phong trào ấy”. Nhìn thẳng vào thực trạng: vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có tư tưởng bảo thủ, trì trệ, trông chờ, ỷ lại không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đang là rào cản lớn đối với quá trình phát triển của huyện. Mới đây, BTV Huyện ủy Kỳ Sơn đã ban hành Đề án “Nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên” với 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn – Vi Hòe khẳng định: Việc ban hành đề án là cần thiết, nhằm tạo sự chuyển biến từ nhận thức, tư duy đến hành động của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về việc nâng cao tính tiên phong, gương mẫu; khắc phục tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại; cổ vũ tư tưởng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, tạo động lực phấn đấu xây dựng Kỳ Sơn phát triển toàn diện, sớm thoát khỏi huyện nghèo.