Một trong những giải pháp để thực hiện thành công Nghị quyết 06-NQ/TU là phải tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm… Hiện nay, với định hướng rõ ràng, và cả sự vào cuộc của các cấp ngành, địa phương, nỗ lực của doanh nghiệp bước đầu cho kết quả khả quan, hạn chế tình trạng bán sản phẩm nhiều, tiền thu về ít, thất thoát nguyên liệu…
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, TTCN và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 – 2020 và Dự thảo Nghị quyết về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, TTCN giai đoạn 2021 – 2030, theo đánh giá, so với thời điểm năm 2010 trở về trước, từ khi Nghị quyết 06 được ban hành và triển khai thực hiện, đã đạt được những kết quả nổi bật. Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 4 lần so với năm 2010; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, việc bố trí không gian, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, TTCN ngày càng hợp lý hơn; cơ cấu nội ngành có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần công nghiệp khai thác, sử dụng nguyên liệu thô.
Rõ nhất là tại huyện Quỳ Hợp, trước đây các sản phẩm công nghiệp xuất bán chủ yếu là đá trắng thô được bán nguyên khối, thì nay đã được chế biến thành những sản phẩm chi tiết, có giá trị cao hơn trước khi xuất khẩu. Cùng với các sản phẩm đá ốp lát cao cấp cung cấp cho các công trình lớn, một số xưởng đã sản xuất được đá mỹ nghệ, đá phong thủy nên cho giá trị cao hơn. Chính vì thế, mặc dù vài năm lại đây, xuất khẩu đá trắng mỗi lúc một khó khăn nhưng giá trị sản xuất vẫn đạt và vượt kế hoạch.
Tương tự là lĩnh vực công nghiệp sản xuất xi măng, đại diện Phòng Kinh tế Vật liệu, Sở Xây dựng tính toán: nếu khai thác đá vôi xây dựng mỗi khối đá chỉ bán được 400 ngàn đồng nhưng nếu chế biến thành Clinker hoặc xi măng thì 1 khối đá giá trị sẽ tăng gấp đôi, thập chí gấp 3 lần.
Chính vì vậy, bên cạnh giữ vững quy hoạch khai thác nguyên liệu đá vật liệu xây dựng thông thường, từ năm 2000, tỉnh đã quy hoạch theo hướng nơi nào thuận tiện thì cho mở rộng nhà máy mới hoặc rà soát để cho nâng công suất các nhà máy xi măng. Đây là cơ sở để các dự án xi măng mới ra đời hoặc được các chủ đầu tư mới tiếp quản. Điển hình Tập đoàn The Vissai với Xi măng Sông Lam 1 và 2 ra đời tại Anh Sơn và Đô Lương, Trạm nghiền clinke tại Nghi Thiết; Tập đoàn TH với Nhà máy xi măng Tân Thắng tại Quỳnh Lưu. Hiện Tập đoàn xi măng Việt Nam đang xúc tiến dự án Nhà máy xi măng Hoàng Mai 2.
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU, lĩnh vực công nghiệp khai khoáng đã được rà soát lại quy hoạch, thăm dò, khai thác và chế biến ngày càng đi vào chiều sâu, có quy mô. Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, có quy mô phù hợp để nâng cao hiệu quả, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, bảo vệ tài nguyên môi trường.
Tổng công suất chế biến đá trắng đến nay theo các dự án đăng ký đạt trên 1.200.000 tấn/năm/MTNQ: 800.000 – 1.000.000 tấn/năm; năng lực tinh luyện thiếc đạt khoảng 2.500 tấn/năm nhưng giai đoạn vừa qua thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sản lượng thiếc thỏi những năm gần đây chỉ đạt mức 260-300 tấn/mục tiêu Nghị quyết là 2.000 tấn; đá bazan năng lực khai thác đạt 400 ngàn tấn/năm/mục tiêu Nghị quyết là 300-500 ngàn tấn, tuy nhiên mức độ tiêu thụ chậm do chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm đá nhân tạo nên sản lượng khai thác và chế biến hàng năm thấp so với công suất đầu tư.
Công nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản, thực phẩm không ngừng phát triển nhờ khai thác tốt tiềm năng lợi thế về vùng nguyên liệu và đất đai rộng lớn. Đây là lĩnh vực mũi nhọn được tỉnh hết sức chú trọng từ khâu xây dựng chương trình, đề án cho đến hoạt động xúc tiến đầu tư (Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Đề án Nâng cao giá trị gia tăng của nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030). Vì vậy, giai đoạn 2011 – 2020, lĩnh vực này đã thu hút được một số dự án quy mô lớn và quan trọng, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội.
Bên cạnh những ưu điểm trên, khách quan mà đánh giá thì sản xuất công nghiệp, TTCN Nghệ An vẫn còn một số tồn tại. Điển hình là nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực này còn khá hạn chế khiến giá trị đóng góp của công nghiệp đối với nền kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, do quy mô và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, TTCN của tỉnh ta còn yếu nên đầu ra rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do câu chuyện liên kết bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhất là lĩnh vực làng nghề còn nhiều yếu kém, bất cập.
Điển hình là huyện Diễn Châu, từng là huyện có tỷ trọng có số làng nghề và làng có nghề TTCN phát triển nhất tỉnh, toàn huyện có gần 40 làng nghề và làng có nghề. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, từ năm 2017 lại đây, do không có đầu ra hoặc sản phẩm làm ra giá trị thấp nên lần lượt các làng nghề truyền thống bước vào suy thoái và mai một dần. Tình hình trên khiến từ cuối năm 2020, trên cơ sở rà soát, huyện đã đề nghị rút danh hiệu có 5 làng nghề.
Tình hình cũng tương tự tại huyện Quỳnh Lưu, khi hàng loạt làng nghề và làng nghề được ra đời và công nhận giai đoạn triển khai sâu rộng Nghị quyết 06-NQ/TU trước đây như nghề mây tre đan, nghề móc sợi, nghề mộc, sản xuất bún bánh, chế biến thủy hải sản và nước mắm. Tuy nhiên, đến nay, ngoại trừ nghề mộc mỹ nghệ và nghề chế biến nông lâm thủy hải sản, bún bánh có nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra nên tồn tại được, còn lại một số ngành nghề như mây tre đan, móc sợi gần như biến mất hẳn.
Thực tế trên cho thấy, quan tâm đầu tư vào chế biến, nâng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm là yếu tố sống còn của bất cứ ngành hàng nào, nhất là các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề lại càng quan trọng hơn. Đó là yêu cầu phát triển của công nghiệp TTCN trong giai đoạn mới và kênh quan trọng để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hiệu quả nhất, lâu bền nhất. Thương hiệu, uy tín được ví là con gà đẻ trứng vàng, có thương hiệu, uy tín mới vào được các chuỗi siêu thị, nhà phân phối lớn và qua đó tăng doanh thu và ngược lại.
Thế nhưng, đây lại là điểm yếu của một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh ta khi chưa có sự tham gia vào chuỗi liên kết vào chuỗi của quốc gia và khu vực, do chưa tạo được nhận diện thương hiệu nên có sản phẩm làm dù tốt nhưng rất khó tìm được chỗ đứng trên thị trường thời kỳ hội nhập. Câu chuyện của Dự án dâu tằm tơ của tỉnh trước đây hay gần đây là Dự án máy sản xuất Dầu ăn Trường An, Nhà máy sản xuất bia hơi Vida hay mới đây Dự án chế biến tinh dầu sở tại Đông Hiếu là ví dụ.
Các doanh nghiệp trên một thời là tâm huyết của lãnh đạo tỉnh nhằm tạo đầu ra, lôi kéo các sản phẩm, làng nghề nông thôn đi lên; sản phẩm của các Nhà máy trên được các chuyên gia quản lý chất lượng đánh giá không thua kém với các sản phẩm cùng loại trong nước. Tuy nhiên, sau một thời gian ra mắt thì chững lại, không bứt phá lên và rơi vào vòng luẩn quẩn, không có chi phí xây dựng, quảng bá thương hiệu nên không có thị trường và chi phí lớn, giá thành cao nên khó chinh phục thị trường. Trên thực tế, các sản phẩm trên chỉ tồn tại và phát triển khi được các Tập đoàn lớn như Dầu ăn Tường An, Bia Sài Gòn là những thương hiệu mạnh tiếp quản.
Ở một khía cạnh khác, một số sản phẩm công nghiệp, làng nghề tiêu biểu của Nghệ An như nước mắm Tân Hội, các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, bia Vida… nhờ biết thích ứng, chuyển đổi công nghệ và biết làm thương hiệu thì mới đứng vững trên thị trường, tiếp tục phát triển.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030, trong đó xác định: Phát triển công nghiệp kết hợp hài hoà cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy vậy, những khó khăn từ chủ quan, khách quan đang cản trở quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới làm cho hoạt động đầu tư và sản xuất công nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng… Vì thế, để công nghiệp, TTCN và làng nghề của tỉnh bứt phá đòi hỏi sự nỗ lực, và cả giải pháp đồng bộ trong thời gian tới…
(Còn nữa)