Cách đây hơn 10 năm, miền Tây Nghệ An là vùng có nhiều gian khó khi hạ tầng cơ sở quá yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ các chương trình đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của cả hệ thống chính trị, đến nay nhiều xã thuộc miền núi Nghệ An đã thoát nghèo, một số xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới đã về đích nông thôn mới.
Miền Tây Nghệ An có 1,2 triệu dân, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại 10 huyện miền núi, trong đó gồm 5 huyện vùng cao 30a là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Quỳ Châu; 5 huyện miền núi thấp là Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ.
Mặc dù có những cố gắng nhất định nhưng sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn chiếm gần 8% số hộ, trong đó 142 xã là các huyện miền núi tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30% số hộ; tại các huyện vùng cao 30a, tình hình càng khó khăn hơn khi tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70% và cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng. Đã thế, do thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, nên dù cố gắng nhưng nguy cơ tái nghèo ở miền Tây Nghệ An vẫn cao.
Báo cáo của Văn phòng NTM tỉnh thời điểm bắt đầu giai đoạn 2 xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều xã miền núi Nghệ An mới chỉ đạt 3-5 trên tổng số 19 tiêu chí, thậm chí có xã chưa đạt tiêu chí nào. Miền Tây Nghệ An là địa bàn đã có nhiều dự án thủy điện phục vụ mục tiêu sản xuất năng lượng cho quốc gia, nhưng có tới hàng trăm bản chưa có điện lưới quốc gia và chất lượng nguồn cung điện rất kém, tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân.
Thoát nghèo và xây dựng NTM vùng nông thôn miền núi là mục tiêu ưu tiên nhưng đầy khó khăn, thách thức là vậy. Hàng loạt các xã đã về đích NTM thời điểm này như Tam Quang – xã biên giới của huyện Tương Dương, Quế Sơn (Quế Phong), Hữu Kiệm (Kỳ Sơn), Châu Tiến (Quỳ Châu)… khởi đầu xây dựng NTM các xã này chỉ có 3-5 tiêu chí và cơ sở hạ tầng rất yếu kém.
Chính vì thế, ngoài các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nói chung, để thúc đẩy, hỗ trợ miền núi phát triển, đưa đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây sớm tiến kịp miền xuôi, tỉnh Nghệ An có Đề án Giảm nghèo và giúp đỡ xã nghèo miền Tây từ năm 2011 nhằm huy động thêm nguồn lực cho các xã nghèo. Từ nguồn lực chương trình này kết hợp với Chương trình 135, mỗi năm, Nhà nước đầu tư từ 400-500 tỷ đồng để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cấp hạ tầng thiếu yếu các xã, bản vùng đặc biệt khó khăn khu vực I, II, III.
Từ thực tiễn chỉ đạo 5 năm thực hiện Đề án Khuyến nông cho người nghèo, trong đó có hộ nghèo miền Tây, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An cho biết: Các mô hình sản xuất giảm nghèo tại miền Tây khó nhân rộng được là do bà con muốn được hỗ trợ 100% và không muốn bỏ vốn đối ứng. Theo cơ chế hiện nay, do vốn hỗ trợ của Nhà nước chỉ là mồi nhử, kích cầu nên các dự án đều phải có vốn đối ứng để ràng buộc trách nhiệm của bà con. Do thói quen tư duy này, nên nhiều dự án khi nguồn hỗ trợ triển khai mô hình của Nhà nước hết thì mô hình cũng chấm dứt.
Ở khía cạnh khác, tại xã miền núi Châu Thôn (Quế Phong), cùng 1 bản có 2 công trình nước sinh hoạt, trong đó công trình nước do các nhóm hộ dân tự góp tiền làm trước đó, dù khó khăn, các hộ dân cũng tìm ra nguồn nước và khi hỏng hóc cũng sửa ngay. Tuy nhiên, nếu là công trình nước do Nhà nước đầu tư thì người dân không có ý thức bảo quản nên nguồn nước về sử dụng hoang phí và công trình nhanh hỏng.
Trở lại với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và thoát nghèo bền vững tại khu vực miền Tây Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020, so với nhu cầu đầu tư, các địa phương không chỉ thiếu nguồn lực đầu tư trực tiếp mà còn phải có các giải pháp huy động các nguồn lực khác, từ xã hội hóa. Thực tế xây dựng NTM tại các xã miền núi cho thấy, nơi nào tranh thủ lồng ghép các nguồn lực đầu tư và khơi dậy được sức dân thì sẽ triển khai được các chương trình, hạng mục đề ra.
Tại Tiên Kỳ, một trong những xã đặc biệt khó khăn khu vực III của huyện Tân Kỳ giai đoạn 2016-2020, ông Trương Công Thạch – Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đi thực tế công trình đường bê tông 135 tại bản Ỏn mới hoàn thành và cho biết: Đoạn đường này khi chưa nhập xóm là nối giữa xóm 2 và xóm 10, đường khoảng hơn 1 km nhưng đi lại khó khăn. Sau khi sáp nhập 2 xóm, xã đề nghị huyện tạo điều kiện vận dụng các nguồn lực dồn sức làm cho được 1 km và địa phương cũng cam kết huy động sức dân thêm. Sau khi hoàn thành, con đường trở thành mạch kết nối trung tâm của xóm mới.
Tương tự, xã Mường Nọc (huyện Quế Phong) bao gồm 2 xã trước đây là Mường Nọc và Quế Sơn nhập lại, trong đó Mường Nọc có 13/13 bản đều thuộc khu vực III và xã Quế Sơn có 7/7 bản khu vực II nhưng nhờ được huyện dồn nguồn lực xây dựng NTM nên xã Quế Sơn về đích NTM năm 2020. Sau khi sáp nhập, xã vẫn giữ chuẩn và còn 2 bản là Hạ Sơn và Thanh Phong khu vực III.
Ông Lữ Văn Thủy, Trưởng bản Thanh Phong chia sẻ: Thanh Phong là bản khu vực III nên được Nhà nước đầu tư 200 triệu đồng, để làm Nhà văn hóa bản, huyện, xã phải lồng ghép hỗ trợ thêm và bản cũng huy động 136 hộ trong bản, mỗi hộ 200 ngàn đồng mua cát sỏi và sắm bàn ghế nên mới có Nhà văn hóa trị giá gần 700 triệu đồng. Hiện tại, còn một số hạng mục tiếp tục triển khai nên bản đang động viên bà con và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước.
Trong khi đó, tại Châu Bình là 1 trong 2 xã vừa mới thoát nghèo của huyện Quỳ Châu (xã còn lại là Châu Tiến đạt chuẩn NTM), ông Trần Việt Đức – Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình cho hay: Thoát nghèo là nỗ lực lớn của địa phương. Từ năm 2016, cùng với nguồn hỗ trợ đầu tư từ Chương trình 135, xã được định hướng về đích NTM nên huyện cũng đầu tư nên cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư gần đạt chuẩn NTM. Nhờ được hỗ trợ vay vốn và triển khai các mô hình nên thu nhập người dân cũng tăng lên, từ 19,14 triệu đồng/người năm 2016 lên 26,12 triệu đồng/người năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo xã giảm nhanh từ 55,36% xuống còn 8,31%, đạt chuẩn thoát nghèo.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh huy động được 945 tỷ đồng thực hiện Chương trình 135, trong đó ngân sách Trung ương là 932 tỷ đồng và địa phương là 13,1 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, hỗ trợ giáo dục và phát triển các mô hình sản xuất tại vùng miền núi này. Nhờ nguồn lực đầu tư trên, các địa phương đã bố trí vốn trả nợ hoặc chuyển tiếp; đồng thời khởi công xây dựng mới 944 công trình với tổng số tiền 610 tỷ đồng; tiến hành bảo dưỡng, duy tu 278 công trình với số tiền 42,74 tỷ đồng; hỗ trợ 174,1 tỷ đồng phát triển sản xuất 111 dự án và mô hình nông nghiệp với 12-15% số hộ nghèo và cận nghèo tham gia hàng năm.
Ông Nguyễn Văn Hằng – Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết thêm: So với các tỉnh, xuất phát từ đặc thù có vùng miền Tây còn nhiều khó khăn, Nghệ An có cơ chế riêng hỗ trợ, động viên các thôn, bản miền Tây xây dựng NTM. Từ chính sách này, từ năm 2017, tỉnh đã trích ngân sách trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ các thôn, bản đăng ký xây dựng NTM, theo đó thôn, bản nào được công nhận đạt chuẩn NTM được tỉnh hỗ trợ 150 tấn xi măng/bản.
Ngoài nguồn lực hỗ trợ trên, tỉnh đã lồng ghép nhiều chương trình khác như xóa nhà ở tranh tre dột nát, giao đất giao rừng cho bà con vùng sâu thiếu đất sản xuất; xây dựng các khu di dân khẩn cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ sạt lở cao ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, qua đó huy động được hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ bà con đồng bào nghèo miền Tây.
(Còn nữa)