Theo chi tiết được quy định tại khoản II được nêu tại Công văn số 386/KH – UBND ngày 15/7 thì với các chính sách như: Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp tay nghềđể duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đối tượng sẽ làm hồ sơ trực tiếp tại Sở LĐ,TB&XH hoặc đối với phòng LĐ,TB&XH cấp huyện. Tuy nhiên, nhiều đối tượng dù phù hợp nhưng vẫn khó tiếp cận chính sách.
Ở chính sách được quy định tại Chương III, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, tuy nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhưng rất khó tiếp cận.Ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc Công ty Xây lắp và Phát triển mạng vô tuyến viễn thông cho biết: “Với điều kiện phải đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ là rất khó khả thi đối với Công ty chúng tôi. Bởi từ mấy tháng nay chúng tôi đang nợ bảo hiểm thất nghiệp vì doanh thu bằng con số âm. Chúng tôi cũng đang có ý định đào tạo lại nghề cho người lao động vì hiện Công ty tôi mới trang cấp thiết bị công nghệ mới. Tuy nhiên, như đã nói, chúng tôi không thể tiếp cận được chính sách này”.
Đối với một công ty may đứng chân trên địa bàn huyện Diễn Châu thì việc tiếp cận chính sách này quả thật không đơn giản, vì thực tế dù đã đáp ứng được điều kiện: Đóng đủ bảo hiểm; có thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động nhưng đối với yêu cầu được quy định tại điểm 4 điều 9 Chương III, Quyết định 23/2021/QĐ – TTg là phối hợp với cơ sở giáo dục đào tạo nghề, đơn vị lại gặp khó. Đại diện công ty may đứng chân tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu cho biết: “Dù mới nhập khẩu công nghệ làm khuy mới và mong muốn được đào tạo vài công nhân có chuyên sâu, nhưng để làm phương án phối hợp với đơn vị dạy nghề mà chỉ vỏn vẹn có 2 – 3 công nhân thì quả thật không khả thi”.
Nhiều ý kiến cho rằng: Trên thực tế người sử dụng lao động dù ở thời điểm dịch bệnh bùng phát nhưng vẫn cần lượng công nhân để đáp ứng nhu cầu vận hành sản xuất, vậy thì nếu có nhu cầu thực sự cần đào tạo nghề cho công nhân, doanh nghiệp sẽ chỉ cử từ 5 – 7 công nhân trong hàng trăm công nhân trên một hệ thống dây chuyền. Do đó, việc lập danh sách chỉ cho vài công nhân để đào tạo nghề và để được thụ hưởng chính sách này là điều không khả thi. Nếu hỗ trợ đào tạo nghề nên hỗ trợ trực tiếp cho lao động. Chứ nếu hỗ trợ cho doanh nghiệp để tái đào tạo nghề nhằm mục đích giữ chân hoặc duy trì việc làm cho người lao động thì không đúng với thực tế.
Ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ,TB&XH cho biết: “Đến bây giờ chúng tôi chưa nhận được hồ sơ đề xuất nào của chủ sử dụng lao động xin được hỗ trợ chính sách đào tạo nghề”.
Một nhóm đối tượng nằm trong diện hưởng chính sách được quy định tại Chương IV, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Điều kiện hỗ trợ là: Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch. Dù nhiều đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng trong nhóm này nhưng rất khó tiếp cận chính sách.
Bà Nguyễn Thúy Trinh – Chuyên viên phòng LĐ,TB&XH TP Vinh cho biết: Ngay từ khi tuyên truyền về chính sách hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ, chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều hồ sơ thuộc đối tượng lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, tuy nhiên nhiều trong số đó không đáp ứng được các yêu cầu của Điều 13, Chương IV về điều kiện hỗ trợ. Có những trường hợp trong vùng phong tỏa nhưng chưa đến 15 ngày; có những trường hợp phải nghỉ vì lượng cung cầu trong kinh doanh, sản xuất không đáp ứng tại thời điểm dịch chứ không phải là tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Thế nên, dù họ thuộc nhóm đối tượng nhưng không đủ tiêu chuẩn.
Cũng theo bà Nguyễn Thúy Trinh, hiện tại thành phố Vinh đã nhận được 22 bộ hồ sơ với gần 220 lao động mong muốn được hỗ trợ theo Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và 7 bộ hồ sơ của 7 lao động thuộc Chính sách hỗ trợ lao động ngừng việc. Thành phố đang thực hiện cuốn chiếu để kịp đệ trình lên Sở LĐ,TB&XH phê duyệt ngay cho người lao động.
Ngày 5/7/2021, Sở LĐ,TB&XH Nghệ An có Văn bản số 2197/SLĐTB&XH-VP về việc rà soát số đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động tự do. Theo đó, Công văn này yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải chỉ đạo rà soát, dự kiến số lượng đối tượng, kinh phí thực hiện việc hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) theo Quy định tại điểm 12, mục II, Nghị quyết số 68/NQ – CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.
Đối tượng được hỗ trợ phải đảm bảo các tiêu chí sau: Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp tại các địa phương, địa bàn dân cư (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/ CT-TTg ngày 27/3/2020 hoặc cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/ CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Lao động tự do được thụ hưởng chính sách này khi bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức 2 triệu đồng/tháng, đang làm một trong các công việc thuộc một số lĩnh vực ngành nghề như: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu, bốc vác vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô hai bánh chở khách; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú cắt tóc gội đầu, chăm sóc sức khỏe.
Những lao động được tiếp cận chính sách này cũng chưa được dự kiến xem xét đề nghị giải quyết hưởng chính sách hỗ trợ khác theo Nghị quyết số 68/ NQ – CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, với mức hỗ trợ dự kiến 50.000 đồng/người/ngày (theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo Quyết định của UBND tỉnh).
Tại Chính sách số 12 quy định Nghị quyết 68/ NQ – CP ngày 01/7/2021 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng có nêu: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương. “Chính sách cho lao động tự do phụ thuộc và thực tiễn từng địa phương buộc chúng ta phải yêu cầu các huyện, thành, thị rà soát theo các nhóm ngành nghề tự do bị ảnh hưởng thực tế ở từng địa phương để kịp thời tham mưu. Từ đó, cùng với đề xuất của các sở, ngành để trình các nhóm ngành nghề sát thực tế nhất. Quan trọng nhất là không để sót đối tượng”, ông Trần Phi Hùng -Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động – Sở LĐ,TB&XH cho biết.
Qua trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: So với gói hỗ trợ lần 1 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ thì gói hỗ trợ lần này quy định rõ hơn về nhóm đối tượng. Thủ tục yêu cầu cũng dễ thực hiện và rõ ràng hơn. Hiện chúng tôi đã nhận được rất nhiều bộ hồ sơ của các đơn vị, cá nhân đủ chỉ tiêu, điều kiện tiếp cận các nhóm chính sách. Chúng tôi sẽ thẩm định và phê duyệt sớm để doanh nghiệp và người lao động sớm được thụ hưởng chính sách. Hiện chỉ còn Chính sách số 12 tại Nghị quyết số 68/NQ – CP ngày 01/7/2021: Hỗ trợ đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động(lao động tự do), là còn cần phải rà soát và cần sự tham mưu kỹ của các địa phương và ngành liên quan. Tuy nhiên, tin rằng chúng ta cũng sớm giải quyết nhanh gọn,đúng đối tượng, để người dân được động viên, chia sẻ kịp thời bằng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.